Biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ em: Làm thế nào để giúp con vượt qua?
Tính đến thời điểm hiện tại thì có hàng trăm nghìn trẻ em Việt Nam đã nhiễm SARS-CoV-2. Điều may mắn là hầu hết các trẻ nhiễm COVID-19 đều nhẹ và nhanh phục hồi hơn người lớn. Tuy nhiên, những quan sát gần đây cho thấy, biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ em vẫn có thể xảy ra từ mức độ nhẹ đến nặng nên cha mẹ cần phải lưu ý.
Mặc dù hậu COVID-19 ở trẻ không quá phổ biến nhưng cũng không thể chủ quan, đặc biệt là đối với trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Điều quan trọng nữa là bạn cần tìm hiểu các triệu chứng hậu nhiễm ở trẻ để chăm sóc con đúng cách hoặc đưa trẻ đi khám chữa bệnh kịp thời.
Nguyên nhân gây biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ em là gì?
Biến chứng hậu COVID-19 được hiểu là những dấu hiệu, triệu chứng về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần mà một số bệnh nhân gặp phải sau 4 tuần hoặc dài hơn kể từ sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Các triệu chứng hậu nhiễm không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn thể xảy ra ở trẻ em. Các triệu chứng kéo dài không chỉ là triệu chứng của COVID-19 mà thậm chí là có thể xuất hiện thêm các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, tâm lý…
Theo các bác sĩ, căn nguyên của vấn đề này có thể liên quan đến virus, độc tố của virus cũng như tình trạng virus còn tồn tại trong cơ thể người bệnh. Ngoài ra, biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ còn có thể xảy ra do chu trình hóa học bị ảnh hưởng, do biểu hiện của vấn đề đáp ứng miễn dịch…
Các vấn đề liên quan đến hậu COVID-19 ở trẻ em có thể nhẹ nhưng vẫn có trường hợp diễn tiến nghiêm trọng. Chẳng hạn như báo cáo từ các bệnh viện nhi cho hay, một số em bé đã âm tính, khỏi bệnh nhưng tình trạng ho thì vẫn dai dẳng hoặc đáng ngại hơn là mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (Multisystem inflammatory syndrome – MIS), nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Do đó, điều quan trọng là ba mẹ đừng chần chừ trong việc đưa con đi khám khi có biểu hiện bất thường liên quan đến hậu nhiễm COVID-19.
Biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ gồm những vấn đề sức khỏe nào đáng chú ý?
Đối với trẻ từng mắc COVID-19, sống trong vùng dịch hoặc từng tiếp xúc với người mắc COVID-19 thường có các biểu hiện chung của hậu nhiễm như sốt nhẹ, khó thở và ho kéo dài. Không những vậy, trẻ còn có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe khác cụ thể hơn, bao gồm:
Các vấn đề liên quan đến hô hấp
Bệnh COVID-19 là căn bệnh gây ảnh hưởng đến phổi nhiều nhất nên các triệu chứng về hô hấp kéo dài là rất phổ biến. Biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ liên quan đến hô hấp thường bao gồm đau ngực, ho và khó thở, nhất là khi vận động, tập thể dục. Những triệu chứng này có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn.
Trẻ từ 6 tuổi trở lên nếu gặp các triệu chứng kể trên dai dẳng thì có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Đối với trẻ bị khó thở do gắng sức khi hoạt động mà không tự khỏi thì có thể cần xét nghiệm tim để sớm phát hiện các biến chứng, chẳng hạn như cục máu đông.
Các vấn đề về tim mạch
Viêm cơ tim có thể là tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19 mRNA nhưng cũng có thể là một biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ em. Các triệu chứng của viêm cơ tim bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi. Nếu trẻ nhỏ hoặc trẻ đi học có các triệu chứng này ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong vòng 6 tháng qua thì cần được đi khám và làm những xét nghiệm cần thiết trước khi trở lại trường hoặc tham gia các hoạt động thể thao.
Biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ ảnh hưởng đến thần kinh
Các biến chứng thần kinh hậu COVID-19 đã được báo cáo qua nhiều nghiên cứu và đối với trẻ em cũng không ngoại lệ. Trẻ từng nhiễm SARS-CoV-2 có thể trải qua những thay đổi nhỏ liên quan đến thần kinh như giảm tập trung chú ý, đãng trí, giảm khả năng ngôn ngữ, khả năng học tập, suy nghĩ, vận động, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu…
Đối với tình trạng này, trẻ cần được chăm sóc để đảm bảo ăn đủ chất, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc và kiểm soát tốt sự căng thẳng. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, trẻ cần được đi khám chuyên khoa não – thần kinh nếu các vấn đề này cản trở cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng tiếp thu, học tập của trẻ.
Thay đổi khứu giác và vị giác
Theo một thống kê cho biết cứ 4 trẻ trong độ tuổi 10 – 19 tuổi thì sẽ có 1 trẻ bị thay đổi khứu giác và vị giác liên quan đến COVID-19. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen ăn uống và tâm trạng của trẻ. Điều đáng lo hơn là các vấn đề khứu giác có thể khiến trẻ không thể nhận ra những mùi gây nguy hiểm như khí gas, mùi khói… Mặc dù các triệu chứng này có thể biến mất sau vài tuần nhưng bạn cũng không nên chủ quan. Cách tốt nhất là nên cho trẻ đi khám để được bác sĩ hỗ trợ phục hồi lại các giác quan này sớm nhất có thể.
Biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ có thể kéo dài sự mệt mỏi
Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, nhiều trẻ em có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng cũng kém hơn. Tình trạng này vẫn xảy ra ngay cả khi trẻ không mắc bệnh nặng, không có triệu chứng liên quan đến bệnh tim hoặc phổi do virus gây ra. Mặc dù theo thời gian, trẻ có thể cảm thấy đỡ hơn nhưng lời khuyên là bạn nên giúp trẻ duy trì các hoạt động thể chất mỗi ngày. Nếu sự mệt mỏi, sức khỏe sa sút vẫn kéo dài thì cách tốt nhất là hãy cho trẻ đi khám.
Sức khỏe tâm thần và hành vi
Nhiễm COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và hành vi của trẻ. Hơn nữa, đối với trẻ có tiền sử mắc các bệnh tâm lý, tâm thần hoặc rối loạn hành vi thì các sự kiện liên quan đến COVID-19 như nhập viện, cách ly, mất người thân hoặc nghỉ học có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Vì vậy trong giai đoạn hậu nhiễm, nếu trẻ có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng hoặc bất kỳ thay đổi hành vi nào bất thường thì cha mẹ nên nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý.
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)
Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, mạch máu… Các triệu chứng của hội chứng này ở trẻ bao gồm sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, phù nề niêm mạc miệng, tay chân, tiểu ít, nổi ban đỏ, xung huyết giác mạc, nặng hơn có thể gây các biến chứng về tim mạch…
Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần kể từ khi trẻ nhiễm SARS-CoV-2. Mặc dù không phổ biến nhưng hội chứng này có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân trong giai đoạn hậu nhiễm COVID-19 thì cha mẹ cần cho con nhập viện để được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc đặc biệt.
Một số biến chứng hậu COVID-19 hiếm gặp khác
Ngoài những biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ em kể trên, các vấn đề hiếm gặp hơn như các triệu chứng của bệnh tiểu đường (thường xuyên khát, nhanh đói, mệt mỏi, sụt cân…) hoặc rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói… cũng đã được báo cáo. Do đó, bạn nên lưu ý để đưa cn đi khám nhằm có biện pháp xử trí kịp thời.
Bạn nên làm gì để giúp trẻ ngăn ngừa và vượt qua biến chứng hậu COVID-19?
Nhìn chung, các biến chứng hậu COVID-19 ở trẻ em khá giống với người lớn, bao gồm những triệu chứng phổ biến như đau đầu, ho, mệt mỏi, khó ngủ, khó tập trung, đau cơ… Các biến chứng nặng thường hiếm gặp hơn. Theo các bác sĩ, khả năng tự khỏi của trẻ cũng thường cao hơn người lớn nên cha mẹ đừng quá lo lắng, tránh việc tùy tiện mua thuốc chữa hậu COVID-19 dựa trên những lời đồn thổi không khoa học.
Thay vào đó, việc chăm sóc trẻ nên tập trung vào các giải pháp tăng sức đề kháng như đảm bảo chế độ ăn uống dinh dưỡng, uống nhiều nước, vận động và nghỉ ngơi hợp lý. Mặt khác, trong thời gian tới thì tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em vẫn là khuyến cáo hàng đầu để giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất.
Việc chủng ngừa với 2 liều Pfizer cũng đã được báo cáo là có thể ngăn ngừa Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến hậu COVID-19 ở trẻ từ 12 đến 18 tuổi. Do đó, nếu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng thì bạn hãy cho con được chủng ngừa càng sớm càng tốt nhé! Trường hợp có thêm bất cứ thắc mắc nào về việc điều trị, chăm sóc trẻ đang trải qua biến chứng hậu COVID-19 thì bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn giải pháp phù hợp và tốt nhất.