Cả nhà tôi mắc Covid-19, trong đó có hai con 4 tuổi và 6 tuổi. Ngoài uống thuốc điều trị triệu chứng, tôi nấu nồi lá xông vừa để xông mũi và thơm nhà. (Hoa, 40 tuổi, Hà Nội)
Tôi thường cho sả, gừng, chanh và một ít dầu gió vào nồi nước xông để thông mũi. Trong ba ngày đầu, tôi xông một ngày một lần, thấy dễ chịu nhưng con trai nhỏ khóc và không hợp tác. Xin hỏi có nên xông cho trẻ nhỏ và xông như thế nào thì tốt cho sức khỏe?
Trả lời:
Trẻ dưới 5 tuổi thì không được xông do niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp rất mỏng, nếu xông trực tiếp vào vùng này sẽ làm hại niêm mạc. Xông quá nhiều có thể làm khô niêm mạc mũi và làm giảm khả năng chống virus của cơ thể, không chỉ mỗi Covid-19 mà nhiều bệnh về đường hô hấp khác. Xông chỉ là một trong những biện pháp giảm tình trạng khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, chứ không giết được virus, không nên lạm dụng.
Ngoài ra, khi xông, virus sẽ phát tán ra rất nhiều. Ở bệnh viện, bệnh nhân muốn xông thì phải xông trong phòng kín, các bác sĩ, nhân viên y tế cũng không được ở quanh bệnh nhân do dễ bị lây nhiễm. Sau khi xông, nhân viên y tế phải tiệt trùng luôn khu vực đó để loại bỏ nguy cơ phát tán. Do đó, khi cách ly điều trị tại nhà, bạn phải có phòng riêng, sinh hoạt riêng để bảo vệ cho cả gia đình.
Có hai cách xông:
- Xông cả người, trùm khăn lại để xông. Cách xông này chỉ phù hợp khi bạn đã hết sốt, người cảm thấy thoải mái. Nếu bệnh vẫn đang nặng thì không nên xông, gây mất nước nghiêm trọng cho cơ thể.
- Xông chỉ ở vùng mũi và miệng, sử dụng lá sả, chanh, các loại tinh dầu để cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm giác, giúp chúng ta thư giãn, xả stress chứ nó không giúp ích gì nhiều.
Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... bệnh nhân cần ngừng ngay.
Xông hơi xong, lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh. Nên uống một ly nước ấm, hoặc trà gừng, soup hay cháo nóng, sẽ giúp làm ấm cơ thể. Không xông quá nhiều, mỗi lần tối đa 15-20 phút.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
Nguồn https://vnexpress.net