1. Bạn hãy tìm hiểu rõ về COVID-19
1.1. Về COVID-19
Để có thể hướng dẫn và giúp trẻ bảo vệ mình trước dịch bệnh, trước tiên bạn nên hiểu rõ về COVID-19 (tên chính thức hiện nay theo công bố mới nhất của Tổ chức Ý tế Thế giới vào ngày 11 tháng 2 năm 2020, tên trước đó dùng là nCoV 2019)
Novel coronavirus hay nCoV 2019 hay COVID-19 là một loại virus mới thuộc chủng coronavirus được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc (nên loại virus này còn được gọi là coronavirus Vũ Hán) vào tháng 12 năm 2019. Nó có thể bắt nguồn từ động vật và có khả năng lây lan giữa người với người khá cao.
COVID-19 là tên gọi chính thức mới nhất do WHO công bố thay cho tên gọi nCoV 2019. Ảnh Internet
1.2. Triệu chứng bệnh do COVID-19 gây ra
Những trường hợp đã được xác nhận nhiễm nCoV 2019 hay COVID-19 biểu hiện những triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng bao gồm:
- Sốt
- Ho
- Khó thở
- Đau nhức cơ thể
- Mệt mỏi
- Đau họng
- Đau đầu
- Tiêu chảy
- Viêm phổi
Sốt, khó thở, ho là những triệu chứng tiêu biểu nhất có thể liên quan đến bệnh do COVID-19 gây ra. Ảnh Internet
1.3. COVID-19 lây lan như thế nào?
COVID-19 có thể lây lan từ người sang người thông qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm virus
- Tiếp xúc gần với dịch tiết từ mũi, miệng do người bệnh hắt hơi hoặc ho
- Chạm vào đồ vật có chứa dịch tiết do người bệnh hắt hơi hoặc ho bám vào, sau đó chạm vào mặt hoặc miệng của mình
Hầu hết sự truyền nhiễm đều xảy ra bởi những người đã thể hiện triệu chứng bệnh. Tuy vậy, nhiều khả năng virus vẫn có thể lây lan từ những người đang trong thời gian ủ bệnh (theo các chuyên gia thì thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 6-14 ngày, thậm chí theo thông tin mới nhất là 20 ngày). Điều này hiện vẫn đang được các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu để xác định một cách chính xác.
COVID-19 có thể lây trực tiếp từ người qua người nếu chúng ta có tiếp xúc gần với người bị nhiễm. Ảnh Internet
2. Bạn nên làm gì để bảo vệ cả gia đình trước COVID-19
Do là một loại virus mới nên các chuyên ngia vẫn chưa đủ thời gian nghiên cứu để chế tạo vaccine phòng ngừa bệnh do COVID-19 gây ra. Do vậy, cách tốt nhất để ngừa bệnh là tránh tiếp xúc với loại virus bằng cách hạn chế tiếp xúc với những người, những khu vực mà bạn biết hoặc nghi ngờ đã bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số cách sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc chất khử trùng tay có chứa cồn.
- Giữ bản thân và các thành viên trong gia đình tránh xa những người bị bệnh hoặc giữ mọi người ở nhà nếu có biểu hiện bệnh.
- Dạy trẻ ho và hắt hơi vào cánh tay hoặc khuỷu tay chứ không phải bàn tay.
- Tránh du lịch đến Trung Quốc (và những khu vực đã được xác nhận có người bị nhiễm bệnh.)
Nếu gần đây bạn hoặc gia đình đã đi du lịch đến Trung Quốc và có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy thông báo cho cơ sở y tế gần nhất. Bạn có thể cần phải được xét nghiệm và có thể được yêu cầu ở nhà tối đa 14 ngày để phòng ngừa sự lây lan của virus dù bạn chưa biểu hiện triệu chứng bệnh nào.
Bạn và các thành viên trong gia đình cũng nên thường xuyên tìm hiểu và cập nhật tin tức về dịch bệnh từ những nguồn tin chính thống để nắm bắt được tình hình chung.
Bạn hãy dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Ảnh Internet
3. Dạy trẻ kỹ năng sống gì để đối phó với dịch bệnh
3.1. Nói chuyện với trẻ như thế nào về dịch bệnh
Với những câu chuyện và tin tức về coronavirus Vũ Hán tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội hiện nay, thì bạn có thể chắc chắn rằng nếu bạn lo lắng thì con trẻ cũng vậy. Đối với những trẻ ở lứa tuổi nhỏ, chưa thể nhận thức được thì việc giúp con hiểu đúng về dịch bệnh là điều rất quan trọng. Việc bạn cần làm trong thời điểm này khi nói chuyện với con là:
- Đối với trẻ nhỏ : bạn hãy lựa chọn từ ngữ phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ để giúp con hiểu về dịch bệnh. Vì đối với những trẻ rất nhỏ chưa thể hiểu được cơ chế lây lan của virus, sự “đe dọa” (mà người lớn nghĩ đơn giản là cảnh báo trẻ) sẽ dễ dàng khiến các con sợ hãi. Vì vậy bạn cần phải giải thích quy trình đó ở cấp độ hiểu của trẻ để các con hiểu được mình sẽ không tự nhiên bị nhiễm virus, và có những việc con có thể làm để bảo vệ sức khỏe
- Đối với trẻ lớn : bạn hãy theo dõi và kiểm tra nguồn thông tin mà trẻ thu thập tin tức về dịch bệnh để chắc chắn đó là những thông tin ở những nguồn đáng tin cậy. Đồng thời, trả lời các câu hỏi của trẻ một cách trung thực mà không đi sâu vào chi tiết nếu không cần thiết.
Bạn hãy lựa chọn từ ngữ phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ để giúp con hiểu về dịch bệnh. Ảnh Internet
3.2. Dạy trẻ kỹ năng sống gì để đối phó với dịch bệnh
Mặc đù những kỹ năng dưới đây là những việc rất cơ bản mà có lẽ bạn đã hướng dẫn trẻ từ nhỏ. Nhưng đây là thời điểm bạn cần nhấn mạnh lại chúng và chỉnh sửa nếu trước đó bạn và trẻ chưa thực hiện đúng cách:
- Bạn hãy dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng như ho và hắt hơi vào khuỷu tay thay vì bàn tay, đặc biệt là ở nơi công cộng. Việc này giúp trẻ có cảm giác kiểm soát cơ thể mình và khiến con cảm thấy ở ngoài kia có những điều đáng sợ đang xảy ra, nhưng có những việc đơn giản mình có thể làm để kiểm soát chúng.
- Bạn hãy chuẩn bị và nhắc nhở trẻ mang theo dung dịch khử trùng tay chưa cồn và hướng dẫn con cách sử dụng để đề phòng trường hợp nơi trẻ cần rửa tay không có xà phòng và nước.
- Bạn hãy dạy và giải thích cho trẻ việc tại sao nên tránh đụng vào các bề mặt tại nơi công cộng. Và việc cần thiết phải rửa tay ngay sau khi đi vệ sinh, hoặc đi từ nơi công cộng về nhà.
Bạn hãy giải thích cho trẻ việc tại sao nên tránh đụng vào các bề mặt tại nơi công cộng. Ảnh Internet
- Bạn hãy hướng dẫn trẻ cùng thực hiện việc vệ sinh nhà cửa cũng như giữ gìn vệ sinh nơi mình ở và nơi công cộng để bảo vệ sức khỏe.
- Bạn hãy dạy trẻ đeo khẩu trang đúng cách cũng như bỏ khẩu trang đúng nơi sau khi sử dụng.
- Bạn hãy dạy trẻ tầm quan trọng của việc ở nhà khi bị bệnh. Đôi khi, các cha mẹ khá chủ quan và không nhận ra sự nghiêm trọng tiềm tàng của việc cho con đi học, khi chúng bị bệnh hoặc vẫn đang còn khả năng lây nhiễm (không chỉ riêng bệnh do COVID-19 gây ra mà bao gồm cả những bệnh do virus khác). Thời điểm này chính là một cơ hội tốt để dạy trẻ (cũng như nhắc nhở bản thân) sự cần thiết của việc hạn chế tiếp xúc với mọi người trong khi bị bệnh để tránh lây lan cho họ. Việc này sẽ giúp trẻ ý thức được trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng không những trong mùa dịch này, mà con trong cuộc sống sau này của trẻ.
Bạn hãy nhắc nhở trẻ cần rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh. Ảnh Internet
Dạy trẻ kỹ năng sống để đối phó trong mùa dịch là việc rất cần thiết mà các bậc cha mẹ nên thực hiện. Dù những kỹ năng này có vẻ khá đơn giản, và trong nếp sinh hoạt hàng ngày chưa chắc chúng ta đã chú trọng để hướng dẫn trẻ làm đúng cách. Tuy nhiên, chúng lại có vai trò rất quan trọng, không những chỉ trong mùa dịch này mà còn trong cả quá trình sống của trẻ ở gia đình và tập thể. Đó là những kỹ năng cơ bản sẽ hữu ích cho trẻ rất nhiều, vì chúng giúp trẻ hình thành ý thức về việc bảo vệ sức khỏe, cũng như sự an toàn cho bản thân và cả cộng đồng. Từ đó trẻ từng bước xây dựng được nhận thức về trách nhiệm đối với những việc ý nghĩa khác trong xã hội.
Nguồn tham khảo: WHO, Raising Children, Kid's Health & Healthy Children