*Bệnh viện Xanh Pôn lần đầu tiên thực hiện lấy tạng từ người cho chết não
Sau ba lần được Hội đồng chuyên môn chẩn đoán, đánh giá là chết não, chiều 24/8, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) phối hợp các chuyên gia đầu ngành ghép tạng tiến hành lấy và điều phối bốn tạng cho những người cần ghép.
Trường hợp chết não hiến tạng này là một thanh niên ngoài 30 tuổi bị tai nạn giao thông rất nặng, được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Đông Anh sang Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để tiếp tục cấp cứu, điều trị. Tuy nhiên, nạn nhân không thể phục hồi, rơi vào chết não.
Sau ba lần chẩn đoán chết não và được sự đồng ý hiến tạng của gia đình, chiều 24/8 người hiến đã được đưa vào phòng mổ để lấy tạng. Theo dự kiến, hai quả thận được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; gan được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; giác mạc chuyển về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đặc biệt, quả tim được vận chuyển vào Bệnh viện đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên việc lấy và ghép tạng được thực hiện tại cùng một bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội. Bệnh viện Xanh Pôn cũng là lần đầu tiên thực hiện lấy tạng từ người cho chết não.
Để chuẩn bị cho ca lấy tạng từ người cho chết não, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán chết não và ghép tạng cho Bệnh viện Xanh Pôn.
(https://nhandan.vn/benh-vien-xanh-pon-lan-dau-tien-thuc-hien-lay-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-post826597.html)
Cùng nội dung thông tin:
*Bệnh viện Xanh Pôn lấy và ghép tạng từ người cho chết não
(Bản tin thời sự 19h ngày 24/8/2024: Phút 28:05 https://vtv.vn/video/thoi-su-19h-vtv1-24-8-2024-692213.htm)
*Lần đầu tiên lấy và ghép tạng từ người cho chết não tại bệnh viện Xanh Pôn
(https://vnews.gov.vn/video/lan-dau-tien-lay-va-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-benh-vien-xanh-pon-132234.htm)
*Lần đầu tiên lấy và ghép tạng tại cùng một bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội
(https://vov1.vov.gov.vn/tim-kiem/lan-dau-tien-lay-va-ghep-tang-tai-cung-mot-benh-vien-truc-thuoc-so-y-te-ha-noi-c184-120221.aspx)
*Lần đầu tiên lấy tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Xanh Pôn
(https://quochoitv.vn/lan-dau-tien-lay-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-benh-vien-xanh-pon-233677.htm)
*Bác sĩ cúi đầu tiễn biệt nam thanh niên 32 tuổi chết não hiến tạng hồi sinh nhiều cuộc đời
(https://suckhoedoisong.vn/bac-si-cui-dau-tien-biet-nam-thanh-nien-32-tuoi-chet-nao-hien-tang-hoi-sinh-nhieu-cuoc-doi-169240824193719126.htm)
*Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn:Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội lấy và ghép tạng từ người cho chết não
(https://baotintuc.vn/infographics/benh-vien-dau-tien-cua-ha-noi-lay-va-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-20240825060428095.htm)
*Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội lấy và ghép tạng từ người cho chết não
(https://www.vietnamplus.vn/benh-vien-dau-tien-cua-ha-noi-lay-va-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-post972394.vnp)
*Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội lấy, ghép tạng từ người cho chết não
(https://hanoimoi.vn/benh-vien-dau-tien-cua-ha-noi-lay-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-675752.html)
*Hàng chục y bác sĩ của 3 bệnh viện cúi đầu tri ân người đàn ông trẻ xấu số
(https://vietnamnet.vn/hang-chuc-y-bac-si-cua-3-benh-vien-cui-dau-tri-an-nguoi-dan-ong-tre-2315207.html)
*Lần đầu tiên 1 bệnh viện của Hà Nội cùng lấy và ghép tạng
(https://laodong.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-1-benh-vien-cua-ha-noi-cung-lay-va-ghep-tang-1384085.ldo)
*Lần đầu tiên lấy - ghép tạng từ người chết não tại bệnh viện thuộc Hà Nội
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-lay-ghep-tang-tu-nguoi-chet-nao-tai-benh-vien-thuoc-ha-noi-20240824120019925.htm)
*BVĐK Xanh Pôn thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ nạn nhân chết não
(https://kinhtedothi.vn/bvdk-xanh-pon-thuc-hien-thanh-cong-ca-lay-ghep-tang-tu-nan-nhan-chet-nao.html)
*Hiến tạng cứu người – Cho đi là còn mãi
(https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-258-hien-tang-cuu-nguoi---cho-di-la-con-mai-d223214.html)
*Chàng trai Hà Nội hiến tạng cứu 5 người
(https://tuoitre.vn/chang-trai-ha-noi-hien-tang-cuu-5-nguoi-20240824173736277.htm)
*Một bệnh nhân chết não ở Hà Nội hiến tạng cứu nhiều người
(https://baochinhphu.vn/mot-benh-nhan-chet-nao-o-ha-noi-hien-tang-cuu-nhieu-nguoi-102240824190451131.htm)
*Nam thanh niên 32 tuổi chết não hiến tim, gan, thận, giác mạc... cứu nhiều người
(https://www.anninhthudo.vn/nam-thanh-nien-32-tuoi-chet-nao-hien-tim-gan-than-giac-mac-cuu-nhieu-nguoi-post587172.antd)
*Người đàn ông 32 tuổi chết não hiến tạng, hồi sinh 5 cuộc đời
(https://vtcnews.vn/nguoi-dan-ong-32-tuoi-chet-nao-hien-tang-hoi-sinh-5-cuoc-doi-ar891509.html)
*Bác sĩ từ TP HCM ra Hà Nội nhận trái tim người hiến chết não
(https://nld.com.vn/bac-si-tu-tp-hcm-ra-ha-noi-nhan-trai-tim-nguoi-hien-chet-nao-196240824211917358.htm)
*Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội lấy, ghép tạng thành công từ người chết não
(https://laodongthudo.vn/benh-vien-dau-tien-cua-ha-noi-lay-ghep-tang-thanh-cong-tu-nguoi-chet-nao-175914.html)
*Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lần đầu tiên thực hiện lấy tạng từ người cho chết não
(https://www.baodongthap.vn/suc-khoe/benh-vien-da-khoa-xanh-pon-lan-dau-tien-thuc-hien-lay-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-125034.aspx)
*Hoàn thiện chính sách xây dựng Luật Dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Duy trì mức sinh thay thế là một trong 6 chính sách nổi bật được đề xuất trong xây dựng Luật Dân số.
Mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
"Việt Nam đang có xu thế giảm mức sinh thay thế, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng điều này chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp từ bây giờ", ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cảnh báo.
Mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; khu vực có kinh tế, xã hội khó khăn lại có mức sinh cao, thậm chí rất cao; trong khi ở khu vực đô thị có mức sinh xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Xu hướng không muốn sinh con hoặc sinh rất ít con đang lan rộng tại đô thị; cũng là nguyên nhân căn bản kéo giảm tổng tỷ suất sinh của cả nước xuống dưới tổng tỷ suất sinh thay thế.
22 tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh đều thấp dưới tổng tỷ suất sinh thay thế
Theo ông Lê Thanh Dũng, mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình, sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì nòi giống. Mức sinh thay thế là khi tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ.
Khi mức sinh giảm thấp dẫn tới suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…
Theo thống kê đến hết năm 2023, có 22 tỉnh, thành phố có tổng tỷ suất sinh đều thấp dưới tổng tỷ suất sinh thay thế, trong đó, toàn bộ Đông Nam Bộ có tổng tỷ suất sinh là 1,47 và toàn bộ Tây Nam Bộ là 1,61 (2023).
Điển hình như Đồng Nai, tuy chưa bước vào già hóa dân số nhưng đã có khoảng 300 nghìn người cao tuổi trên tổng số hơn 3,2 triệu dân (chiếm gần 10% dân số) và là một trong những địa phương có số lượng người cao tuổi lớn nhất cả nước (chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).
Thời gian qua, mức sinh tại Đồng Nai vẫn tiếp tục có xu hướng giảm, dẫn đến tỷ lệ người cao tuổi ngày càng lớn trong cơ cấu dân số, dẫn tới quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, rút ngắn thời kỳ dân số vàng tại tỉnh.
Cần những giải pháp linh hoạt và đồng bộ
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Dân số, trong đó, có nhiều chính sách được đề xuất thay đổi để phù hợp với tình hình, bối cảnh dân số hiện nay.
Theo Cục Dân số, dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng đã đề xuất các biện pháp nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Trong đó có các chính sách rất thực tế như: Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...
Cùng với đó là xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ…
Một số ý kiến cũng cho rằng, để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thì việc đảm bảo thu nhập cho người lao động để có thể nuôi được 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con) là điều Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động cần thống nhất nhận thức và có giải pháp. Khi trong gia đình có 2 người đi làm có đủ thu nhập để 2 con được nuôi dạy, học hành đầy đủ, thì người dân sẽ giảm áp lực khi quyết định sinh con.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội cũng cho rằng: “Để tìm giải pháp cho vực dậy mức sinh trở về mức sinh thay thế, cần có sự linh hoạt hơn trong chính sách và tuyên truyền cho người dân. Cần gỡ bỏ ngay những chính sách đã không còn phù hợp mà áp dụng trong giai đoạn cần giảm sinh trước đây, như việc nhiều nơi xử phạt khi sinh con thứ 3... Trong bối cảnh hiện nay, phải có những chính sách phù hợp với từng vùng. Cụ thể, vùng nào mức sinh đang cao thì cần chính sách giảm sinh riêng; vùng nào mức sinh đã giảm thấp thì có các chính sách về nới lỏng mức sinh, khuyến khích tăng sinh”.
Theo đó, việc xây dựng Luật Dân số cũng là “cơ hội” để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các chính sách về dân số và phát triển phù hợp.
Việc đảm bảo duy trì được mức sinh thay thế, mức sinh hợp lý giữa các vùng, miền giúp chúng ta sẽ có được quy mô dân số phù hợp; duy trì ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn “già hóa dân số”, cải thiện chất lượng dân số tốt hơn.
Trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng, Bộ Y tế cũng đã đưa ra đề xuất quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
“Nếu quy định để người dân có thể chủ động về thời gian sinh con, số lượng con… thì tình trạng mức sinh thay thế giảm có thể được khắc phục phần nào”, ông Lê Thanh Dũng cho biết.
6 chính sách nổi bật được đề xuất trong xây dựng Luật Dân số bao gồm:
Chính sách 1: Duy trì mức sinh thay thế.
Chính sách 2: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Chính sách 3: Thích ứng với già hóa dân số, dân số già.
Chính sách 4: Phân bố dân số hợp lý.
Chính sách 5: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chính sách 6: Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
(https://suckhoedoisong.vn/hoan-thien-chinh-sach-xay-dung-luat-dan-so-duy-tri-vung-chac-muc-sinh-thay-the-169240822130657304.htm)
*Nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng ngừa lạm dụng thuốc kháng sinh
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đang diễn ra ngày càng phổ biến, bởi bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua được kháng sinh. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em.
Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh
Hiện nay, việc mua thuốc kháng sinh ở Việt Nam khá dễ dàng. Mỗi khi ho, sốt, viêm họng nhẹ… mặc dù chưa cần phải sử dụng thuốc kháng sinh nhưng chỉ cần ra các cửa hàng thuốc, mọi người đều có thể mua được mà không cần đến sự kê đơn của bác sĩ. Trong khi đó, những bệnh này, nhất là với trẻ nhỏ, có thể dùng những biện pháp vừa an toàn vừa hiệu quả như rửa mũi, súc họng bằng nước muối, sử dụng thuốc ho... mà không cần dùng kháng sinh.
Theo các bác sĩ, sử dụng kháng sinh như một "con dao hai lưỡi", một mặt nó giúp điều trị bệnh hiệu quả, mặt khác khi sử dụng thuốc kháng sinh, ít nhiều trên cơ thể có các vi khuẩn tiết ra các chất để kháng lại kháng sinh mà người bệnh dùng. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng kháng sinh, dù đúng bệnh hay lạm dụng thì mức độ đề kháng với kháng sinh sẽ tăng lên, nếu càng nhiều loại thì cơ thể sẽ đề kháng càng nhiều kháng sinh.
Cụ thể, đề kháng kháng sinh (AMR) có thể gây ra ngộ độc. Bởi thuốc kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào được đưa vào cơ thể con người đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận. Vì vậy, gan sẽ là bộ phận đầu tiên tiếp nhận và gây phản ứng. Trong khi đó, gan và thận ở trẻ em còn rất yếu, chưa hoàn thiện và còn thải trừ chậm nên nếu sử dụng thuốc thường xuyên sẽ gây tình trạng tích tụ và ngộ độc.
AMR còn gây dị ứng, tiểu đường và béo phì. Nguyên nhân là thuốc kháng sinh sẽ làm hại vi khuẩn đường ruột. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh chứa một số phẩm màu tương tác với ibuprofen và acetaminophen, là các thuốc hay dùng cho trẻ. Chỉ cần một lượng rất nhỏ phụ gia cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở trẻ mẫn cảm.
Chưa kể, phần lớn các bệnh cảm cúm đều là do virus. Nếu lạm dụng kháng sinh trong trường hợp này không những không trị bệnh mà còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn là tiêu chảy, khiến bệnh tình trầm trọng và tăng nguy cơ tử vong.
Chính vì thế, ngành y tế khuyến cáo việc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến sức đề kháng của mọi người, đặc biệt là trẻ em đều trở nên ngày một yếu đi. Do đó, các loại thuốc kháng sinh không những không trị được bệnh mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc, gây nguy hiểm cho người bệnh. Càng về sau, khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng nữa, người bệnh dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt với trẻ em, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh khi không có đơn thuốc của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ bị bệnh lại cũng không sử dụng thuốc kháng sinh thừa từ lần điều trị trước, không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình với người khác.
Theo các bác sĩ, luôn dùng kháng sinh đủ liều, ngay cả khi sức khỏe đã khá hơn. Ngoài ra, cần giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn, mà bệnh trẻ mắc có phải do nhiễm khuẩn hay không, chỉ có thể do bác sĩ khám và đưa ra kết luận. Do đó, thuốc kháng sinh phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Nâng cao ý thức AMR
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, AMR là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu, tạo ra nhiều gánh nặng cho bệnh nhân, người thân và kinh tế cùng hệ thống y tế. Đây là hệ quả của việc lạm dụng thuốc hoặc không tuân thủ chỉ định điều trị, bao gồm cả kháng sinh trong y tế, chăn nuôi, các tác nhân liên quan đến vệ sinh trong môi trường, dẫn đến sự xuất hiện của các "siêu vi khuẩn" ngày càng kháng thuốc hơn. Khi đó, thuốc dần mất hiệu quả khiến bệnh nhân cần liệu trình điều trị chuyên sâu hơn, tốn kém hơn cùng thời gian điều trị kéo dài.
Theo WHO ước tính, đề kháng kháng sinh dẫn đến 5 triệu ca tử vong mỗi năm. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia được WHO xếp hạng có tỉ lệ đề kháng kháng sinh đáng báo động và cần có các giải pháp cấp bách. Vì vậy, việc hạn chế sự xuất hiện và lây lan của mầm bệnh kháng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng điều trị bệnh cho con người.
Để nâng cao nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng về gánh nặng bệnh tật của bệnh lý lây nhiễm, gia tăng đề kháng kháng sinh của vi sinh vật và vai trò của vaccine phòng ngừa, các bệnh viện đã không ngừng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và phát triển về thuốc kháng sinh, hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương và mới đây nhất là Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã hợp tác với Pfizer Việt Nam cùng hỗ trợ giải quyết các thách thức lớn của ngành y tế Việt Nam, đó là triển khai chương trình quản lý kháng sinh (AMS).
Việc hợp tác này phù hợp với Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua đó, các bệnh viện sẽ tổ chức các hội thảo khoa học về AMS, chương trình đào tạo AMS, hỗ trợ chẩn đoán sớm, giám sát AMS và nâng cao nhận thức của cán bộ y tế cùng cộng đồng về AMS… Bên cạnh đó, chương trình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của vaccine ngừa các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân nguy cơ cao như bệnh phổi mạn tính, tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý gan, thận.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Việc hợp tác này sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho công tác nâng cao nhận thức, hướng đến việc tuân thủ chỉ định sử dụng kháng sinh chặt chẽ hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng”.
Bởi hiện nay, bên cạnh sự thiếu ý thức của người dân khi lạm dụng kháng sinh thì ngay cả bác sĩ kê đơn cũng chưa phù hợp, vẫn có quan niệm sai lầm là nếu không còn triệu chứng là có thể dừng thuốc. Trên thực tế, vi khuẩn có thể vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể biến đổi, thích nghi và phản kháng tác động của thuốc bất cứ lúc nào.
Do đó, đối với những tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ, bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc trong khoảng 7 - 10 ngày. Ngược lại, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, việc điều trị cần được tiếp tục trong một khoảng thời gian dài để đạt được hiệu quả rõ rệt.
Với Bệnh viện Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác còn hướng đến việc hỗ trợ giải quyết các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp, nguyên nhân gây tử vong thứ 4 trên toàn cầu. Phế cầu khuẩn là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng phổ biến nhất hiện nay. Việt Nam là một trong 15 quốc gia chịu gánh nặng lớn về viêm phổi do phế cầu, với tỷ lệ tử vong ở mọi lứa tuổi lên tới 50%.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh các bệnh lý lây nhiễm ngày càng trở nên phức tạp và thách thức, việc triển khai chương trình quản lý kháng sinh, phòng chống kháng kháng sinh và nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh lý lây nhiễm là rất cần thiết. Bệnh viện hy vọng, sự hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, cập nhật kiến thức về phòng ngừa, điều trị các bệnh lý lây nhiễm sẽ tạo ra những giá trị tích cực và bền vững cho cộng đồng.
(https://baotintuc.vn/y-te/nang-cao-y-thuc-cong-dong-trong-phong-ngua-lam-dung-thuoc-khang-sinh-20240819131502065.htm)
*Tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh tim mạch tăng nhanh
Tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng và trẻ hóa tại Việt Nam, số ca mắc tim mạch tăng nhanh sau đại dịch Covid-19.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học về tim mạch diễn ra trong 2 ngày tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E.
Tại hội nghị khoa học, các chuyên gia đã trao đổi các vấn đề liên quan đến phẫu thuật tim bẩm sinh, gây mê và hồi sức tim mạch, can thiệp và điều trị bệnh lý động mạch vành, suy tim - tăng huyết áp.
5 năm trở lại đây, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc các bệnh lý tim mạch, với gần 8.000 ca được điều trị nội trú hàng năm, trong đó phẫu thuật hơn 1.300 bệnh nhân với các bệnh lý tim, mạch máu và lồng ngực.
Trung tâm tim mạch Bệnh viện E là đơn vị đầu tiên triển khai phẫu thuật tim hở nội soi thường quy với số lượng lớn nhất, trên 900 ca và tỷ lệ thành công cao. Đây là một trong số các cơ sở can thiệp tim mạch lớn trong cả nước với hơn 24.000 ca ở cả người lớn và trẻ em.
TS. Bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện E, cho biết: mô hình bệnh tật thay đổi thì các bệnh lý tim mạch cũng thay đổi, trên thế giới thì tim mạch là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để phòng tránh các bệnh rối loạn chuyển hóa là nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch, trong đó hút thuốc lá, béo phì và tăng huyết áp cộng gộp lại tăng 30% bệnh lý tim mạch, đột quỵ.
(https://hanoionline.vn/video/ty-le-nguoi-tre-mac-cac-benh-tim-mach-tang-nhanh-261034.htm)
*Bộ Y tế gia hạn, công bố gần 800 thuốc, có cả thuốc tương đương sinh học
Bộ Y tế đã gia hạn, công bố thêm gần 800 sản phẩm thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị thông thường và thuốc có chứng minh tương đương sinh học nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch...
TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, ở đợt gia hạn giấy đăng kí lưu hành mới nhất này, có gần 800 sản phẩm thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị thông thường, thuốc phục vụ phòng chống dịch và thuốc có chứng minh tương đương sinh học.
Trong số đó có 730 thuốc được gia hạn theo quy định của Luật Dược năm 2016 và 35 thuốc có chứng minh tương đương sinh học được công bố.
Đối với 730 thuốc được gia hạn đợt 208 này có 453 thuốc được gia hạn trong 5 năm; 219 thuốc gia hạn trong 3 năm và 58 thuốc gia hạn đến ngày 31/12/2025.
Được biết các sản phẩm thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này đều là thuốc sản xuất trong nước, khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, điều trị ung thư, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác....
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc. Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thông tư số 03/2020/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Đồng thời cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định này, theo hình thức thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT.
Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định...
Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.
Cơ sở sản xuất thuốc phải bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Trong tháng 8/2024, Cục Quản lý Dược đã liên tục có các đợt gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu thành thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Luật Dược. Trong đó, đợt mới đây nhất khoảng 10 ngày trước đã có gần 900 sản phẩm thuốc, bao gồm cả biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm y tế, trong đó danh mục thuốc biệt dược gốc gồm 30 loại, danh mục thuốc sản xuất trong nước gồm gần 400 loại, số còn lại là danh mục thuốc nước ngoài.
Trong số này có cả biệt dược, vaccine và sinh phẩm y tế được cấp mới, gia hạn trong thời gian 5 năm; 3 năm và đến hết ngày 31/12/2025.
Ngoài ra Cục Quản lý Dược cũng tiến hành gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Nghị quyết 80 của Quốc hội
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-gia-han-cong-bo-gan-800-thuoc-co-ca-thuoc-tuong-duong-sinh-hoc-169240825112342832.htm)