*Kiểm soát thức ăn đường phố ở khu vực nông thôn
Với thói quen tiêu dùng của người dân, nhiều loại thực phẩm được bày bán trên hè đường, các chợ ở vùng nông thôn thường được người dân lựa chọn, sử dụng vì sự tiện lợi.
Song việc kiểm soát nguồn gốc, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đường phố ở khu vực nông thôn còn gặp không ít khó khăn...
Tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm
Trong cuộc sống hiện đại, do sự tiện lợi, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm chín được mở ra ở các đường phố tại thị trấn, chợ nông thôn ở các huyện. Tuy nhiên, không ít cơ sở chưa thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, như: Đồ ăn chín không được che đậy kỹ; dụng cụ đựng thức ăn còn mất vệ sinh... Trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 77.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, trong đó có khoảng 10.000 cơ sở thức ăn đường phố. Số lượng các cơ sở lớn, nhưng nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.
Tại huyện Thanh Oai hiện có 1.923 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đây là địa phương có tốc độ phát triển các ngành nghề chế biến thực phẩm nhanh, chủ yếu là miến, giò, chả, bún bánh...
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại chợ Chuông, xã Phương Trung có hàng chục hàng quán bán đồ ăn chín, như: Bánh cuốn, bún chả, bún ốc, thịt nướng…, nhưng những người phục vụ ở đây đều không đeo găng tay khi làm đồ ăn cho khách. Tại những hàng quán bán đồ nướng, thực khách rất khó phân biệt thực phẩm tươi sống hay đồ đông lạnh, bởi đã được tẩm ướp đầy đủ các loại gia vị, phẩm màu... Điều đáng nói, tại nhiều cửa hàng bán đồ ăn chín, thức ăn chín được bày bán cùng với các loại hàng hóa khác, như: Rau, củ, quả, hàng thịt lợn sống…
Bà Phạm Thị Vượng ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, sáng nào gia đình bà cũng ra chợ mua đồ ăn sáng: Bánh cuốn, bún chả…, nhưng cũng không quan tâm nhiều tới nguồn gốc thực phẩm, bởi cửa hàng này bán đã lâu năm và có uy tín.
Còn theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế huyện Ứng Hòa Trần Ngọc Long, hiện trên địa bàn huyện có 8.853 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đa số đều có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, nằm rải rác trong các khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc hàng hóa sản phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 23 đã phối hợp với Phòng Y tế huyện Ứng Hòa kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn; lập biên bản xử lý 2 cơ sở vi phạm.
Xử lý vi phạm theo quy định
Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm thức ăn đường phố và thức ăn chín ở các chợ nông thôn, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ý thức đạo đức của các hộ kinh doanh thức ăn đường phố và trong chợ.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, thời gian tới, thị xã tiếp tục duy trì mô hình “Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm” tại Khu đô thị HUD - Sơn Tây, phường Trung Hưng; mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9 phường; mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố tại 15 xã, phường. Thị xã duy trì an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 2 tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng (phường Ngô Quyền), Phú Hà (phường Phú Thịnh); duy trì tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát trên địa bàn thị xã tại tuyến phố Phú Hà (phường Phú Thịnh).
“Thị xã chủ động đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên Cổng thông tin điện tử thị xã và hệ thống Đài Truyền thanh các xã, phường; vận động các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhập nguyên liệu đầu vào ở những mối hàng có uy tín và tuân thủ quy định trong quá trình chế biến, bảo quản thức ăn. Thị xã cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, ông Lê Đại Thăng cho biết thêm.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, thời gian tới, huyện tăng cường công tác quản lý vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thị trấn và chợ khu vực nông thôn thông qua công tác kiểm tra, giám sát, ký cam kết về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các tiểu thương; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, đạo đức trong kinh doanh đối với các tiểu thương và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở khu vực nông thôn, trong thời gian tới, chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt hơn nữa; đồng thời quy hoạch, nhân rộng thêm các tuyến phố, chợ văn minh, bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyên truyền để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn chín trong chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ mua ở những cơ sở có uy tín…
Báo Hà Nội mới
(https://hanoimoi.vn/kiem-soat-thuc-an-duong-pho-o-khu-vuc-nong-thon-673772.html)
*Thai phụ ở vùng lũ sát ngày sinh được y tế theo dõi 24/24 giờ
Trước tình hình mưa lũ ngập sâu tại 2 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế thành lập đội cấp cứu, khám bệnh, cấp thuốc lưu động cho người dân.
TTYT huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã lập 4 đội cơ động trực thường trú cấp cứu phòng chống dịch ứng phó với mưa lũ. TTYT đã chỉ đạo 32 trạm y tế xã chủ động xử lý môi trường trước, trong và sau bão, Chuẩn bị 2 cơ số thuốc cho công tác phòng chống bão lụt (thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, hồ nước, thuốc mỡ tra mắt, thuốc bôi…) để điều trị các bệnh thường gặp sau lũ như viêm kết mạc, tiêu chảy cấp, các bệnh ngoài da, 1.858 gói 100g Cloramin B25 cấp miễn phí cho người dân trong vùng ngập lụt.
Thống kê của TTYT huyện Chương Mỹ cho thấy, dự kiến có 32 thai phụ dự kiến sinh từ nay đến 5/8, nên trung tâm đã phân công nữ hộ sinh của các xã theo dõi sát sức khỏe, sẵn sàng phối hợp với BVĐK huyện Chương Mỹ đưa các sản phụ tới bệnh viện và cấp cứu kịp thời các ca bệnh phát sinh. Công tác thường trực khám chữa bệnh đảm bảo 24/24 giờ.
Trạm y tế xã Nam Phương Tiến, của huyện Chương Mỹ đã được di chuyển lên khu bưu điện xã thuộc thôn Nam Hải để đảm bảo các hoạt động chuyên môn chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trạm đã thực hiện cấp thuốc tại nhà cho các trường hợp mắc bệnh mạn tính, các bệnh về da và mắt với tổng hơn 400 gói thuốc.
Tại huyện Quốc Oai, TTYT huyện đã thành lập đoàn giám sát nắm bắt tình hình ngập lụt tại các xã, chỉ đạo các trạm y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và công tác khám chữa bệnh.
Hiện tại trên địa bàn chưa ghi nhận ca bệnh, ổ dịch liên quan đến lụt bão. Các trạm y tế huyện Quốc Oai đều không bị ngập úng nên hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Công tác y tế được đảm bảo thường trực 24/24 giờ và trực cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu. Phối hợp tốt với Ban chỉ huy quân sự huyện, xã cung cấp thuốc men, vật tư y tế thiết yếu cho người dân vùng bị ngập úng không thể di chuyển.
Báo Sức khỏe đời sống
(https://suckhoedoisong.vn/thai-phu-o-vung-lu-sat-ngay-sinh-duoc-y-te-theo-doi-24-24-gio-169240802120836848.htm)
*Không thể chủ quan với bệnh ho gà
Ho gà là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh. Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy.
Trường hợp nhập viên mới đây nhất là bé gái (24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng ho nhiều cơn, trong cơn ho có tím mặt, trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính.
Qua khai thác bệnh sử gia đình cho biết, trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho, nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt. Sau đó trẻ xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm. Kết quả, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà.
Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, trẻ giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.
TS.BS Trần Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 - 2 tuần, kéo dài 1 - 2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà là viêm phổi nặng, viêm não, xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác. Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Theo bà Hương, cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch (loại vaccine phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván – DTP hoặc vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b – Quinvaxem).
Ngoài ra, để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng.
Lịch tiêm phòng vaccine DTP hoặc Quinvaxem như sau: Mũi thứ 1 khi trẻ 2 tháng tuổi và các mũi thứ 2, 3 cách mũi trước 1 tháng. Mũi thứ 4 là khi trẻ 18 tháng tuổi và nên nhắc lại mũi 5 lúc 17-18 tuổi. Tuy nhiên, hiện nhiều trẻ bị ho gà chưa được tiêm phòng vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi, thậm chí có trẻ còn chưa đến tuổi tiêm phòng. Cũng chính vì vậy, khi bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.
Báo Đại đoàn kết
(https://daidoanket.vn/khong-the-chu-quan-voi-benh-ho-ga-10287193.html)
*Hơn 200 triệu lít sữa mẹ bị tổn thất mỗi năm
Theo ước tính, lượng sữa mẹ tổn thất mỗi năm ở Việt Nam lên tới 249,3 triệu lít do thiếu những hỗ trợ thích đáng để mọi người mẹ có thể nuôi con bằng sữa mẹ.
Lượng sữa mẹ này có giá trị tương đương tới 589 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 25 tỷ đô la Mỹ.
Mọi người mẹ đều mong muốn điều tốt nhất cho con của mình, và trao cho con dòng sữa mẹ quý giá từ khi con chào đời chính là điều tuyệt vời nhất. Song vì nhiều lý do và rào cản khác nhau, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tại Việt Nam vẫn còn thấp.
Bộ Y tế cho biết Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 7/8 với chủ đề "Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương" hỗ trợ những bà mẹ và trẻ nhỏ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Đài PT-TH Hà Nội
(https://hanoionline.vn/video/hon-200-trieu-lit-sua-m-bi-ton-that-moi-nam-255949.htm)