Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, 29 quận, huyện của Thủ đô ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với 265 ca.
Theo CDC Hà Nội, thời tiết hiện đang nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Những quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc nhất trong tuần gồm: Đan Phượng, Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.
Trong tuần qua cũng ghi nhận 16 ổ dịch sốt xuất huyết tại Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Thủ đô ghi nhận 2.549 ca mắc sốt xuất huyết, 120 ổ dịch. Hiện, Hà Nội còn 30 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 8 đến nay, Trung tâm ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết vào nhập viện. Các ca bệnh chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng.
Theo kết quả giám sát tại một số ổ dịch tại Hà Nội, hiện vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời.
Ngoài ra, các đơn vị giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại Phù Đổng, Gia Lâm; Phụng Thượng, Phúc Thọ; Đại Mỗ, Nam Từ Liêm; Thượng Cát, Bắc Từ Liêm; Phương Trung, Thanh Oai; Dũng Tiến, Thường Tín. Đồng thời tuyên truyền đến người dân đi ngủ mắc màn, chủ động diệt bọ gậy tại nơi mình sinh sống.
(https://cand.com.vn/y-te/sot-xuat-huyet-o-ha-noi-tiep-tuc-tang-manh-i742389/)
Cùng nội dung:
(https://daidoanket.vn/ha-noi-30-o-dich-sot-xuat-huyet-dang-hoat-dong-10289218.html)
(https://hanoimoi.vn/ha-noi-co-them-265-benh-nhan-va-16-o-dich-sot-xuat-huyet-trong-mot-tuan-676562.html)
(https://baove.congly.vn/ha-noi-ghi-nhan-2-549-ca-mac-sot-xuat-huyet-446443.html)
* Hà Nội: Kiểm soát an toàn thực phẩm trường học trước thềm Năm học mới
Qua kiểm tra, ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn các trường học đã được nâng cao, tuy nhiên có những nơi điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng...
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, tình trạng các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường cũng là nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh.
Đây là những nội dung chính của kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đã được triển khai ngay trước thềm năm học mới 2024-2025.
Huyện Ba Vì hiện có 120 trường và 23 nhóm trẻ độc lập với 76.047 học sinh. Số trường học có bếp ăn bán trú là 76 trường.
Tổng số cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quanh các cổng trường học trên địa bàn huyện là 147 cơ sở, trong đó có 76 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 71 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố này thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, trong 7 tháng năm 2024, các xã, thị trấn đã kiểm tra 114 cơ sở, đạt 77,5%; xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (bim bim, bò khô, quẩy, mì tôm trẻ em) ở xã Thụy An và nhắc nhở 13 cơ sở tại các xã Tiên Phong, Sơn Đà, thị trấn Tây Đằng.
Chuẩn bị đón Năm học mới 2024-2025, huyện Ba Vì đã ban hành Kế hoạch chuyên đề về tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học trên địa bàn.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết để bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, Phòng yêu cầu các trường thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng của huyện tiến hành giám sát an toàn thực phẩm ở bếp ăn tập thể, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, Phòng hướng dẫn các trường nhận biết những nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm; thực hiện chế độ kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế.
Các trường kiên quyết “nói không” với thực phẩm đông lạnh, không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, các nhà trường phải tự giám sát, phối hợp giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến, nấu, chia suất tại các bếp ăn tập thể trường học.
Còn tại quận Ba Đình, chuẩn bị cho Năm học mới sắp tới, Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là phối hợp liên ngành giữa Y tế và Giáo dục. Đoàn kiểm tra liên ngành của quận đã tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học ngay trước thềm năm học mới.
Tại trường Mầm non Họa Mi (phường Thành Công), Đoàn liên ngành đã kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại khu vực bếp chế biến suất ăn bán trú phục vụ học sinh, công tác lưu mẫu thức ăn, các văn bản, hồ sơ về việc thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trường học.
Theo Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang, Trường Mầm non Họa Mi đã chấp hành đầy đủ các quy định và điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong đó, cơ sở vật chất và khu vực bếp ăn được đầu tư khang trang, đồng bộ, thức ăn hằng ngày được lưu mẫu đầy đủ; 100% nguyên liệu thực phẩm truy xuất được nguồn gốc thông qua mã QR, đơn vị cung cấp thực phẩm đã chứng minh được xuất xứ và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ...
Với hơn 50.000 học sinh thuộc 131 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập, mỗi ngày có hơn 40.000 suất ăn được chế biến, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục luôn được quận Ba Đình quan tâm và chú trọng.
Do đó, Ủy ban Nhân dân quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan rà soát, kiểm soát, không để thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện trong bếp ăn trường học.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, tại thành phố có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học luôn được đẩy mạnh.
Qua kiểm tra, ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học được nâng cao hơn. Đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều.
Tuy nhiên, có nơi bếp ăn vẫn còn một số tồn tại như: điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng, chế độ vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định…
Cùng với đó, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào bếp ăn có nơi chưa rõ ràng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Về kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội," Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho rằng trong kế hoạch này, thành phố chú trọng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Ông Phong cho biết trước đây, những kế hoạch, mô hình về kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học tập trung quản lý ở góc độ chuyên môn với sự tham gia chủ yếu của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo. Với kế hoạch chuyên đề lần này, thành phố huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
“Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trường học không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhà trường mà còn của cả phụ huynh và học sinh. Việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh cần được chú trọng. Điều này giúp các em biết cách lựa chọn thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với các quán hàng, thức ăn đường phố không an toàn. Bên cạnh đó, người dân, nhất là phụ huynh học sinh khi phát hiện thấy quán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm cần thông tin đến cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xác minh, xử lý,” ông Đặng Thanh Phong chia sẻ./.
(https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-truong-hoc-truoc-them-nam-hoc-moi-post973831.vnp)
* Những tấm gương bình dị ngành y tế Thủ đô
Thời gian qua, phong trào thi đua 'Người tốt, việc tốt' đã có tác động to lớn làm thay đổi diện mạo của ngành y tế Thủ đô.
Là cán bộ ngành y với thâm niên 34 năm công tác, anh Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông coi hành động cứu nạn nhân đuối nước của mình là hết sức nhỏ bé, bình dị.
Anh Hùng chia sẻ, chiều ngày 22/7/2024, khi đi du lịch, tắm biển cùng gia đình tại bãi biển Quỳnh Lưu, Nghệ An, khi nghe tiếng hô “cứu người, có người chết đuối”, theo phản xạ, anh và người em bơi nhanh đến chỗ 3 cô gái đang bị sóng biển cuốn ra xa bờ. Dù có kinh nghiệm, kiến thức và nỗ lực hết sức mình nhưng khi bơi tới nơi, sóng biển lớn có lúc dìm cả 5 người xuống.
“Có lúc tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là không thể cứu được 3 cô gái và chắc mình cũng không qua khỏi. Song với bản năng sinh tồn, tôi cố gắng lấy hết sức lặn xuống biển đạp chân xuống đất thì mới đẩy được mọi người vào bờ.
Sau một hồi vật lộn với sóng biển, anh em tôi đã đẩy được 3 cô gái đó vào bờ an toàn. Khi dìu được nhau vào bờ, tôi gần như kiệt sức và ai cũng cảm nhận được là mình đã may mắn. Hôm sau 3 cô gái đến cảm ơn và giới thiệu đều là giáo viên cấp 3 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh)” - anh Hùng nhớ lại.
Trong cuộc sống ai cũng có thể gặp hoạn nạn, không phải ai cũng may mắn. Họ cần lắm những tấm lòng nhân ái, giúp đỡ, sẻ chia để có thể vượt qua khó khăn. Sự giúp đỡ có thể xuất phát từ những hành động nhỏ bé, giản dị nhưng đầy ý nghĩa như là một lời động viên.
Từ nhiều năm nay, kể từ khi thành công trong việc ghép thận từ người cho sống, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn qua nhiều thời kỳ đã quyết tâm thực hiện lấy và ghép tạng từ người cho chết não. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề cập đến nhiều lần trong kế hoạch phát triển hàng năm của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Để hiện thực hóa quyết tâm này, bệnh viện đã thành lập các hội đồng, tổ chuyên môn liên quan như hội đồng chẩn đoán chết não, tổ tư vấn hiến tạng, kíp hồi sức, các kíp ghép tạng...
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ nạn nhân chết não.
PGS.TS Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, nhiều năm qua, cán bộ y bác sĩ bệnh viện đã tham gia nhiều hội thảo, khóa tập huấn về tư vấn hiến tạng, chẩn đoán, hồi sức chết não, phẫu thuật lấy và ghép tạng. Trong các công tác chuẩn bị, đặc biệt khó khăn nhất là công tác tư vấn thuyết phục để người nhà bệnh nhân chết não đồng ý hiến tạng.
Tỳ lệ thành công cho đến nay thống kê tại trung tâm ghép tạng hàng đầu là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chỉ đạt 3-4%. Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã tiếp cận tư vấn gia đình các bệnh nhân tiềm năng hiến tạng từ hơn 1 năm nay, bất kể thời gian ngày đêm.
Có những lần, tưởng chừng như đã thành công nhưng cuối cùng người nhà lại thay đổi ý định và từ chối. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn quyết tâm, không nản lòng và duy trì thường qui công tác tư vấn vận động hiến tạng.
Với sự quyết tâm và kiên trì, thời điểm đầu tiên ấy cũng đến. Vào ngày 23-24/8/2024 đã đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử phát triển, ngành y tế Thủ đô, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trở thành bệnh viện đầu tiên vận động hiến tạng từ người cho chết não thành công, thực hiện đồng thời cả kỹ thuật lấy và ghép mô tạng từ người cho chết não.
Một thành tích được tạo dựng từ rất nhiều công sức và tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cùng sự phối hợp của Trung tâm điều phối tạng Quốc gia, các bệnh viện và chuyên gia đầu ngành trong cả nước.
Với hai thận được ghép cho hai người bệnh suy thận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, lá gan được ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hai giác mạc được sử dụng cho người bệnh tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Đặc biệt, trái tim cùa chàng trai quê Đông Anh, Hà Nội được chuyển thẳng trong đêm vượt qua quãng đường gần 2.000km để tiếp tục sự sống cho một người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ năm 2014 đến nay, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 124-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, ngành y tế Thủ đô đã có nhiều đổi mới.
Qua phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” hằng năm, Sở đã phát hiện hàng trăm tấm gương tiêu biểu. Những tấm gương rất đỗi bình dị, thường ngày nhưng mang đậm tính nhân văn của cán bộ công chức, viên chức ngành y tế Thủ đô đã tạo nên sức lan tỏa rộng khắp.
Tính từ năm 2009 đến nay, toàn ngành có hơn 11.500 cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp ngành, 231 cá nhân được công nhận danh hiệu cấp TP và 7 cá nhân được UBND TP vinh danh “Công dân Thủ đô Ưu tú”. Trong 8 tháng năm 2024 đã có 112 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp ngành, tiếp tục đề nghị UBND TP xét, tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp TP đối với 20 cá nhân.
Đây là phần thưởng cao quý, có sức lan tỏa, động viên đội ngũ hơn 26.000 cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
(https://kinhtedothi.vn/nhung-tam-guong-binh-di-nganh-y-te-thu-do.html)2