* Tự chủ bệnh viện - để không 'ôm nợ'
Nhiều bệnh viện (BV) đang rơi vào tình trạng 'ôm nợ' sau một thời gian được trao quyền tự chủ tài chính. Mặc dù đã được cảnh báo song đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành y tế rất cần một sự đánh giá nghiêm túc về chính sách để giải quyết bài toán tự chủ.
Hiện nay, nhiều BV công lập trên cả nước đang gặp khó khăn về tài chính khi thu không đủ chi dẫn đến việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ tiền thuốc, vật tư y tế… Việc giải quyết khó khăn đối với các BV tuyến huyện khi thực hiện tự chủ tài chính 100% là bài toán rất hóc búa.
Đơn cử, tại Quảng Nam, các cơ sở y tế như Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thăng Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, TTYT huyện Đông Giang và TTYT huyện Hiệp Đức… đang đề nghị dừng hoặc điều chỉnh, thu hẹp mức tự chủ tài chính.
Nguyên nhân là sau khi được tự chủ, các cơ sở y tế này gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh (số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị giảm sâu), thu không đủ chi, dẫn đến nợ nần, đặc biệt là nợ lương nhân viên kéo dài. Điều này khiến nhiều y, bác sĩ phải nghỉ việc hoặc chuyển việc để mưu sinh.
Nhiều năm gần đây, tại các BV: Đa khoa huyện Hương Khê, Đa khoa huyện Đức Thọ, TP Hà Tĩnh… xảy ra tình trạng nợ công lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo lãnh đạo BV Đa khoa huyện Hương Khê, tổng số công nợ lên tới hơn 25 tỷ đồng.
Trong đó, nợ tiền thuốc, vật tư kéo dài từ 2019 đến nay là hơn 17,5 tỷ đồng; nợ tiền trực ca, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ gần 2,5 tỷ đồng; nợ 1,8 tỷ đồng tiền công khám tại các trạm y tế xã trên địa bàn… Tình trạng "làm ăn" thua lỗ dẫn đến nợ nần sau khi tự chủ không chỉ xảy ra tại Quảng Nam mà còn là vấn đề phổ biến ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình... đã liên tục xuất hiện trên báo chí gần đây với các câu chuyện tương tự.
Tại Hà Nội, có thể thấy, từ khi tự chủ tài chính, thu nhập của cán bộ, nhân viên BV Đa khoa Xanh Pôn tăng đáng kể nhưng để làm được điều này, đơn vị gặp không ít khó khăn khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không được tính đúng, tính đủ. Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đức Long cho biết, giá dịch vụ KCB áp dụng theo Thông tư số 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế (quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu) có rất nhiều bất cập, tuy nhiên đã hết hiệu lực. BV đang chờ hướng dẫn mới, hy vọng sớm có hướng dẫn mới do Bộ Y tế ban hành.
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc BV Đa khoa Ba Vì Phạm Bá Hiền cho biết, trong giai đoạn vừa qua, BV đã xin chuyển công tác và xin thôi việc tới 27 cán bộ y tế, trong đó có 14 bác sĩ. Một trong những nguyên nhân xin chuyển công tác, chính là do đời sống của cán bộ y tế không được đảm bảo. Lãnh đạo BV Ba Vì mong muốn thời gian tới, chế độ chính sách đối với người lao động, cán bộ y tế tại các tuyến y tế cơ sở được quan tâm để họ yên tâm công tác.
“Nguồn thu của TTYT quận Long Biên rất hạn chế, chủ yếu từ KCB BHYT, giá theo quy định của HĐND TP, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (giá KCB rất khiêm tốn). Hằng năm, ngoài việc tinh giảm biên chế, ngân sách chi cho khối TTYT quận, huyện cũng bị cắt giảm theo lộ trình chung. Vì vậy, đời sống của cán bộ y tế của TTYT vô cùng khó khăn” - Giám đốc TTYT quận Long Biên Đỗ Thu Hà cho hay.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội chỉ rõ, thực tế xác nhận các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chủ yếu mang tính cơ học, trong khi nhân lực y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, trình độ còn hạn chế, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Ngoài ra, chưa có cơ chế thu hút cán bộ về tuyến y tế cơ sở, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn cao.
Thu không đủ bù chi
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau nhiều năm thực hiện tự chủ, các BV vẫn còn khó khăn do giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ. Đến nay, lại thêm nỗi lo phải tính toán nguồn để tăng lương cho nhân viên theo quy định. Thực tế cho thấy, hầu hết các BV ở tuyến huyện, y tế cơ sở tự chủ rất khó khăn. Các cơ sở bị thiếu nguồn kinh phí để bảo đảm cho hoạt động. Mặt khác, vấn đề nợ của BHYT tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được quan tâm, giải quyết.
Theo các chuyên gia y tế, để giải quyết, khắc phục tồn tại này, BHYT cần phải thanh toán cho các BV, cơ sở y tế theo giá phụ thuộc vào công nghệ đơn vị đó sử dụng cũng như thiết bị sử dụng phù hợp với công nghệ, con người và trình độ.
Bên cạnh đó, qua hoạt động chuyên môn, các BV, cơ sở y tế thu lại kinh phí để thực hiện tự chủ đang bị thiếu hụt. Phân tích vấn đề này, GS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, do bảng giá dịch vụ y tế của các cơ sở y tế do HĐND địa phương quy định không phù hợp với công nghệ, kỹ thuật, trình độ của người khám dẫn đến thu nhập thấp hơn nên thu không đủ bù chi. Do đó, vấn đề này cần phải được tháo gỡ.
Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở KCB, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm phê duyệt đề án tự chủ bền vững cho các BV công lập trên địa bàn, có cơ chế hỗ trợ BV; đề xuất HĐND TP Hồ Chí Minh sớm thông qua mức trích lập nguồn cải cách tiền lương xuống còn 10% hoặc 16%, tùy theo mức độ tự chủ.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, tăng lương cơ sở 30% là sự nỗ lực, cố gắng của Nhà nước. Tuy nhiên, 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố. Chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hàng năm do giá thị trường tăng nhưng giá dịch vụ y tế không điều chỉnh theo kịp. Vì thế, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất cần sớm ban hành cơ cấu giá đầy đủ yếu tố, tính đúng, tính đủ, giúp BV có cơ sở trả lương theo mức điều chỉnh mới. Chuyện các cơ sở y tế, kể cả những BV tuyến T.Ư, gặp khó khăn tài chính sau khi tự chủ có rất nhiều điều đáng bàn. Trước hết, việc đo lường kết quả bằng cơ chế tự chủ đã cho thấy phần lớn các cơ sở y tế công vẫn không thể cạnh tranh nổi với các cơ sở y tế tư nhân. Có thể hiểu được khi xét đến những điều kiện khác nhau giữa hai loại hình này.
Bên cạnh đó, việc tự chủ y tế công lập hiện đang trong tình trạng loay hoay, bộc lộ nhiều bất cập. Vấn đề nóng nhất là các BV tư nhân khi tự chủ thì có quyền quyết định giá viện phí, trong khi các BV công lập tự chủ lại chưa được trao quyền này, dẫn đến khó khăn về tài chính và nhân sự. Do đó, ngành y tế rất cần một sự đánh giá nghiêm túc về chính sách tự chủ y tế công từ các cơ quan T.Ư có thẩm quyền để tìm ra giải pháp cho bài toán "càng tự chủ càng ôm nợ" tại các cơ sở y tế.
BV Bạch Mai đã xây dựng phương án giá đề xuất Bộ Y tế thẩm định, quyết định về thay đổi giá KCB. Dự kiến giá KCB BHYT tăng khoảng 15 - 20% với hơn 8.000 dịch vụ, kỹ thuật. Quỹ lương của BV Bạch Mai tăng lên 10 - 12 tỷ đồng/tháng với việc trả lương theo quy định mới. Nếu Bộ Y tế chậm duyệt mức giá KCB BHYT theo cơ cấu lương mới, BV sẽ gặp khó khăn về tài chính.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phòng Tài chính Kế toán, BV Bạch Mai
Tự chủ là cần thiết, tuy nhiên, tự chủ thực hiện ở các BV tuyến T.Ư, tuyến tỉnh. Riêng tuyến huyện, các cơ sở y tế không thực hiện tự chủ mà tuyến y tế cơ sở này phải được cung cấp kinh phí của Nhà nước để hoạt động. Đã đến lúc cần xem lại việc giao tự chủ cho y tế cơ sở nên bảo đảm kinh phí của Nhà nước cho y tế cơ sở hoạt động.
GS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV
(https://kinhtedothi.vn/tu-chu-benh-vien-de-khong-om-no.html)
* Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô
Ngày 4-9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố ban hành danh mục khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, sẽ có 20 danh mục khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; 22 danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố chưa được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Nghị quyết ra đời nhằm quản lý việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn thành phố, giúp cho người bệnh phát hiện bệnh sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời... Nghị quyết cũng nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tình hình mới...
Nghị quyết dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp thứ mười tám, khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Khi nghị quyết được HĐND thành phố ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để ban hành quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và 22 danh mục cấp cứu ngoại viện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình. Đồng thời, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến đến tự chủ toàn phần, tính đúng, tính đủ các cấu phần của giá dịch vụ.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Y tế, đồng thời đề nghị sửa tên nghị quyết cho ngắn gọn, dễ hiểu.
Một số đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết giúp bệnh viện giảm tải, phù hợp với Luật Thủ đô năm 2024, hỗ trợ mô hình y học gia đình phát triển. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động nghị quyết đối với an sinh xã hội; đánh giá hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, rà soát lại mô hình y học gia đình để chi đúng giá trị, đối tượng. Một số đại biểu cho rằng, cần chú ý thêm đến năng lực khám, chữa bệnh y tế gia đình; nêu căn cứ để đưa ra các danh mục và đánh giá tình trạng nguồn nhân lực, hiện trạng của y học gia đình, cấp cứu ngoại viện hiện nay.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung các dịch vụ tư vấn tâm lý, dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng tại nhà, dịch vụ sàng lọc bệnh mãn tính tại nhà, y học cổ truyền, tăng dịch vụ cấp cứu y tế… để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường đề nghị bổ sung và ghi rõ “các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn thành phố đã được đăng ký theo đúng quy định” để đảm bảo không có tình trạng cơ sở chui, hoạt động không phép. Đồng thời, Sở Y tế phải rà soát các cơ sở y học gia đình trên địa bàn thành phố đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi đi khám bệnh.
Về các danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh được quy định trong Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đề nghị, Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu lấy ý kiến các đơn vị khác như: Hội Đông y, Hội Y học cổ truyền, các bác sĩ y học gia đình… để hoàn thiện hơn.
Về các danh mục cấp cứu ngoại viện, đề nghị Sở Y tế nghiên cứu các ý kiến của các chuyên gia, đối với các quãng đường quá xa không nên đưa vào danh mục bởi cấp cứu cần nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo an toàn, tính mạng đối với người bệnh...
(https://hanoimoi.vn/huong-toi-thuc-hien-bao-phu-cham-soc-suc-khoe-cho-nhan-dan-thu-do-676714.html)
* Nam thanh niên tập gym bị gãy xương khi chơi vật tay
Sau khi chơi vật tay cùng bạn, nam thanh niên 21 tuổi nhập viện trong tình trạng cánh tay sưng đau, biến dạng, hạn chế vận động.
Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân H.H.C. (nam, 21 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) đang sinh sống và học tập tại Hà Nội với chẩn đoán gãy xương cánh tay phải sau khi chơi vật tay cùng bạn.
Tại bệnh viện, anh C. chia sẻ thường xuyên tập gym và chơi vật tay cùng bạn bè. Trước khi nhập viện, khi đang chơi vật tay cùng bạn thì C. đột nhiên thấy tiếng "cục" và sau đó đau chói, biến dạng, mất vận động cánh tay phải.
Anh C. đến bệnh viện kiểm tra trong tình trạng sưng đau, biến dạng, hạn chế vận động cánh tay phải. Vận động bàn ngón tay bình thường, không yếu liệt, hình ảnh X-quang cho thấy xương cánh tay phải gãy chéo vát ở 1/3 dưới có mảnh rời cánh bướm lớn.
Các bác sĩ chẩn đoán nam thanh niên bị gãy kín xương cánh tay phải không liệt quay, chỉ định phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít.
Sau phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít, người bệnh được chụp X-quang kiểm tra sau mổ, giải phẫu xương cánh tay được phục hồi, người bệnh ra viện sau 4 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phan, khoa phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay xương cánh tay là một xương lớn của chi trên, khi gãy có thể gây biến chứng liệt thần kinh quay (tỉ lệ 8-20%).
"Gãy xương trong khi đang vật tay thường do cơ chế xoắn vặn nên ổ gãy thường là dạng chéo vát, có thể có mảnh rời.
Người tham gia thường dùng một lực rất lớn lên cánh tay khi khuỷu cố định trong tư thế gấp, dẫn tới một lực rất lớn dồn vào vùng 1/3 dưới xương cánh tay. Đây là vùng chuyển tiếp giữa thiết diện tròn và tam giác của thân xương, nguy cơ gãy xương rất cao.
Ngoài ra, một số người chơi vật tay dùng mẹo thay đổi hướng xoắn vặn hoặc giảm rồi tăng lực đột ngột nhằm gây bất ngờ cho đối phương để chiếm ưu thế cũng là nguyên nhân dẫn tới việc gãy xương khi tham gia chơi vật tay", bác sĩ Phan cho hay.
Nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc khi tham gia vật tay, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo người chơi nên lựa chọn đối thủ phù hợp, tránh chênh lệch quá lớn về cân nặng, chiều cao (do chênh lệch về chiều dài cẳng tay, khối lượng cơ).
Đồng thời lựa chọn chiến thuật thi đấu phù hợp, tránh đứt điểm đột ngột (gây quá tải cơ), kiểm soát trọng tâm của người tham gia để đảm bảo thăng bằng, tránh hụt đà và ngã khi chơi.
Đặc biệt, kỹ thuật thi đấu chuẩn, không cố định cánh tay ở khớp vai (khớp ổ chảo - cánh tay) khi thi đấu.
Bên cạnh đó, khi nhận thấy bất thường sau khi vật tay hay gặp các chấn thương khi chơi thể thao cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
(https://tuoitre.vn/nam-thanh-nien-tap-gym-bi-gay-xuong-khi-choi-vat-tay-20240904110845897.htm)