Tại sao phải lưu mẫu thực phẩm?
Việc lưu mẫu thực phẩm được ra đời để kiểm soát và bảo đảm độ vệ sinh của thực phẩm sau khi chế biến.
Do đó, quy trình lưu mẫu thực phẩm là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ bếp ăn của nhà hàng, khách sạn, hay các mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Lưu các mẫu đồ ăn tại một bếp ăn của trường mầm non.
Các cơ sở kinh doanh ẩm thực có quy mô lớn như nhà hàng, khách sạn hay các bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, các doanh nghiệp, nhà máy, nhà xưởng… sẽ phục vụ một lượng thực khách rất lớn. Nếu thức ăn tiềm ẩn mầm bệnh, rủi ro thì kéo theo hàng loạt thực khách bị ngộ độc. Đồng thời, uy tín của nhà hàng, khách sạn… cũng bị ảnh hưởng và giảm xuống.
Chính vì vậy, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả bữa ăn phục vụ cho tối thiểu 30 suất ăn phải thực hiện lưu mẫu thực phẩm. Việc lưu mẫu thực phẩm để cơ quan chức năng kiểm tra, chứng thực về tính vệ sinh và độ an toàn của những nguyên liệu chế biến món ăn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, khi xảy ra nghi ngờ về ngộ độc thực phẩm, việc lưu mẫu thức ăn hỗ trợ rất lớn trong quá trình thu thập thông tin và điều tra, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như tính minh bạch của cơ sở kinh doanh. Khi đó, mẫu thức ăn sẽ được cơ quan chức năng thu giữ và dùng cho các công đoạn kiểm tra, chứng thực về độ an toàn, vệ sinh của từng thành phẩm nguyên liệu.
Thế nhưng, qua kiểm tra trên thực tế của các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn hay cá nhân, đơn vị kinh doanh, phục vụ chưa hiểu rõ hết tầm quan trọng của quy định lưu mẫu thực phẩm. Ông Vũ Cao Cương yêu cầu, trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi lên bàn ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Do đó, các cơ sở thuộc diện phải thực hiện quy định lưu mẫu thực phẩm cần thực hiện đúng để bảo đảm về kiểm thực, kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
Sau mỗi lần kiểm tra, nhân viên của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lại hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống hay các bếp ăn tập thể việc thực hiện lưu mẫu thực phẩm. Theo yêu cầu, dụng cụ lưu mẫu thức ăn phải có nắp đậy kín, đồng thời phải được rửa sạch và tiệt trùng trước khi sử dụng.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng lưu ý, khi lấy mẫu thức ăn, mỗi món ăn được lấy và lưu vào dụng cụ lưu mẫu riêng và được niêm phong. Mẫu thức ăn được lấy trước khi bắt đầu ăn hoặc trước khi vận chuyển đi nơi khác và được lưu ngay sau khi lấy. Lượng mẫu thức ăn được lấy tùy thuộc vào từng món. Cụ thể như: Thức ăn đặc (các món xào, hấp, rán, luộc...); rau, quả ăn ngay (rau sống, quả tráng miệng...) lấy tối thiểu 100 gram; thức ăn lỏng (súp, canh...) tối thiểu 150ml. Các thông tin về mẫu thức ăn lưu được ghi trên nhãn và cố định vào dụng cụ lưu mẫu thức ăn.
Theo quy định, thời gian tối thiểu để lưu mẫu thực phẩm là 24 giờ. Nhân viên nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể sẽ lấy mẫu thực phẩm trước khi phục vụ khách hàng tại khu vực chuẩn bị món ăn và tiến hành lưu mẫu. Nếu có yêu cầu từ cơ quan chức năng hoặc thực khách không yên tâm về độ an toàn của thức ăn do nhà hàng, khách sạn, bếp ăn cung cấp thì phải giữ mẫu thực phẩm được lấy đến khi có thông báo khác. Sau 24 giờ lưu mẫu thức ăn, nếu không có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm; không có yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý thì tiến hành hủy mẫu lưu tương ứng.
(https://hanoimoi.vn/tai-sao-phai-luu-mau-thuc-pham-677403.html)
* Lực lượng vũ trang Thủ đô thực hiện chính sách hậu phương quân đội:Mệnh lệnh từ trái tim
Việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội xác định là mệnh lệnh từ trái tim.
Bằng nhiều cách làm khác nhau, toàn lực lượng đã hoàn thành toàn diện công tác này, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, tăng cường an sinh xã hội, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.
Chu đáo, ân tình
Được các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí tại địa phương, bà Nguyễn Thị Liên (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Tôi được các y, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn liều lượng, cách sử dụng thuốc an toàn, cách phòng tránh một số bệnh thường gặp ở tuổi già, các chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp đối với người cao tuổi nên rất phấn khởi”.
Trong hai ngày, đoàn cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã khám tổng quát, khám lâm sàng, siêu âm, tư vấn điều trị và kê đơn thuốc cho 361 đối tượng chính sách của các xã: Hồng Hà, Song Phượng, Đan Phượng, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng).
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, việc thăm khám, tư vấn sức khỏe cho các đối tượng chính sách tại huyện Đan Phượng là hoạt động thường niên của bệnh viện nhằm chăm lo cho các đối tượng chính sách, góp phần chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tại quận Ba Đình, công tác chính sách hậu phương quân đội luôn được Ban Chỉ huy quân sự xác định là nhiệm vụ chính trị, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ngoài việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, Ban Chỉ huy quân sự quận còn phối hợp với các bệnh viện khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho các đối tượng.
Trung tá Mai Hoàn Trường, Chính trị viên Phó ban Chỉ huy quân sự quận Ba Đình cho biết, trong năm 2024, Ban Chỉ huy quân sự quận phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.792 đối tượng chính sách tại 14 phường, tổng số tiền hơn 820 triệu đồng. Việc tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg (ngày 27-10-2008), Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg (ngày 14-10-2015) và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg (ngày 9-11-2011) của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng được Ban Chỉ huy quân sự quận bảo đảm minh bạch, chặt chẽ, đúng thủ tục, quy định.
Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, Ban Chỉ huy quân sự quận Bắc Từ Liêm luôn chủ động tham mưu giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công. Thượng tá Kiều Bá Dũng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận Bắc Từ Liêm thông tin, đến nay, có 134 lượt người được hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg (ngày 8-11-2005); 910 lượt người hưởng chế độ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg; 1.225 lượt người hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg; 141 lượt người hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 vừa qua, Ban Chỉ huy quân sự quận phối hợp tổ chức khám bệnh cho 1.824 đối tượng chính sách tiêu biểu của 13 phường trên địa bàn.
Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc
Đại tá Nguyễn Công Hải, Trưởng phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định, dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, tinh thần nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân viên, công tác chính sách đã được thể hiện rõ. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với các bệnh viện quân, dân y đã tổ chức gần 50 điểm khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách. Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Quân đội và các bệnh viện đa khoa thuộc Sở Y tế Hà Nội, khám bệnh, tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc, tặng quà phục vụ đối tượng chính sách tại 70 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Có 13.385 lượt đối tượng chính sách đã được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí (với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn xây dựng 11 nhà tình nghĩa. Trong đó, Bộ Tư lệnh hỗ trợ kinh phí xây 3 nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách tỉnh Điện Biên 1 nhà; xã An Tiến (huyện Mỹ Đức) 2 nhà; phối hợp với đơn vị Binh chủng Thông tin, Học viện Quân y, Bệnh viện 105, Quân chủng Phòng không - Không quân, Trường Sĩ quan Lục quân 1 xây 8 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách tại thị xã Sơn Tây, các huyện: Thạch Thất, Ba Vì, Đông Anh, Phúc Thọ (kinh phí 80 triệu đồng/nhà).
Với những hoạt động thiết thực và ý nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các thương, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công trên địa bàn, chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(https://hanoimoi.vn/luc-luong-vu-trang-thu-do-thuc-hien-chinh-sach-hau-phuong-quan-doi-menh-lenh-tu-trai-tim-677404.html)