* Hai bệnh nhân ghép thận từ tạng hiến của chàng trai Hà Nội chết não đã được ra viện
Chiều nay (10/9), hai bệnh nhân đầu tiên được ghép thận từ người cho chết não tại BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội) đã được xuất viện. Nụ cười trong ngày trở về nhà của hai bệnh nhân cho thấy nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng đã làm hồi sinh lên những cuộc đời khỏe mạnh...
Như vậy, hơn nửa tháng sau khi được ghép thận từ tạng hiến của chàng trai Hà Nội N.Đ.T. 32 tuổi tại BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội), hai người bệnh gồm bệnh nhân nữ N.L P (sinh năm 1982; địa chỉ tại Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) bị suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020 và bệnh nhân nam D.V.T (sinh năm 1969; địa chỉ tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phát hiện suy thận từ năm 2012, sức khỏe đều tiến triển tốt, quả thận hoạt động bình thường, lượng nước tiểu ra tốt.
Tại buổi lễ tiễn hai bệnh nhân may mắn này ra viện, TS Nguyễn Đức Long, Giám đốc BVĐK Xanh Pôn, nhấn mạnh: Chúng tôi đã ghép thận từ 10 năm trước nhưng đã 3 năm tạm dừng vì không có thận hiến. Vì thế, đây là một buổi lễ đặc biệt vừa chúc mừng người được ghép tạng và cũng là nhằm tri ân người hiến tạng. Sự kiện ý nghĩa này giúp lan tỏa thông điệp "cho đi là còn mãi".
"Đứng trước nỗi đau, nỗi mất mát to lớn, gia đình của người hiến tạng đã đưa ra một quyết định vô cùng dũng cảm và đầy tính nhân văn, đó là hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho nhiều người khác. Đây là hành động thể hiện tình thương yêu, sự hy sinh cao cả và là minh chứng sống động cho nhận thức ngày càng lan tỏa, sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người "cho đi là còn mãi"- TS Long bày tỏ.
Đây là ca ghép thận thứ 54 và 55 của BVĐK Xanh Pôn kể từ khi bệnh viện triển khai ghép tạng vào năm 2013. Và đây cũng là cặp ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện từ người cho chết não tại bệnh viện. Điều này đánh dấu sự phát triển kỹ thuật ghép tạng của ngành y tế thủ đô.
Tại buổi lễ, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chúc mừng tập thể BVĐK Xanh Pôn đã lập được kỳ tích, đạt được những bước tiến quan trọng trong kỹ thuật lấy và ghép tạng, cứu sống nhiều người bệnh.
"Khi bắt tay hai bệnh nhân được ghép thận, tôi cảm nhận được sự sống ở họ, điều mà cách đây hơn 2 tuần không có được. Chúng ta tự hào về những thành quả đã đạt được" - TS Đức xúc động nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng cho biết, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, từ đó đem lại cơ hội kéo dài sự sống cho những người không may bị bệnh suy tạng.
Trước đó như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, trong phòng mổ của BVĐK Xanh Pôn chiều 24/8, hàng chục y bác sĩ đã im lặng, cúi đầu tri ân nam thanh niên 32 tuổi chết não, hiến đa tạng mang lại sự sống cho nhiều người.
Ngày 24/8 cũng ghi dấu ấn của ngành y tế Thủ đô khi một bệnh viện của Hà Nội vừa lấy tạng vừa ghép tạng. Tại phòng mổ của BVĐK Xanh pôn, các y bác sĩ cùng với các ê kíp nhận tạng của nhiều đơn vị y tế khác đã chuẩn bị xong các quy trình lấy tạng.
Theo các y bác sĩ, nguồn đa tạng hiến tặng từ bệnh nhân chết não này đã được ưu tiên cho những bệnh nhân nặng.
Trong cơn mưa lớn ở Hà Nội chiều hôm đó, 2 thận của nam thanh niên được ghép cho hai bệnh nhân; còn lá gan đã được vận chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để tiến hành ghép gan cho bệnh nhân đang mong manh sự sống; giác mạc được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để ghép cho bệnh nhân khác.
Còn trái tim của anh T. được các bác sĩ của BV Đại học Y dược TPHCM đã có mặt tại BVĐK Xanh Pôn từ trước đó vận chuyển để "bay" vào phương Nam. Trái tim này đã được ghép cho một bệnh nhân đang chờ tại BV Đại học Y Dược TPHCM.
Sự ra đi của chàng trai Hà Nội N.Đ.T, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của gia đình anh - hiến tạng người thân chết não đã giúp các thầy thuốc thực hiện 6 ca ghép tạng và giác mạc. Đến nay 2 bệnh nhân ghép thận và 2 bệnh nhân ghép giác mạc được ra viện. Bệnh nhân được ghép tim và bệnh nhân được ghép gan đang có sức khỏe ổn định sẽ được ra viện trong thời gian tới.
Một cuộc đời ra đi nhưng đã giúp cho nhiều cuộc đời khác được hồi sinh, nối dài...
https://suckhoedoisong.vn/hai-benh-nhan-ghep-than-tu-tang-hien-cua-chang-trai-ha-noi-chet-nao-da-duoc-ra-vien-169240910212142984.htm
https://nld.com.vn/2-benh-nhan-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao-xuat-vien-196240910220412088.htm
https://www.vietnamplus.vn/hai-ca-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao-o-benh-vien-xanh-pon-xuat-vien-post975750.vnp#google_vignette
https://baochinhphu.vn/hai-benh-nhan-dau-tien-duoc-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-benh-vien-xanh-pon-ra-vien-102240910194533263.htm
https://hanoimoi.vn/hai-ca-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao-dau-tien-tai-benh-vien-xanh-pon-duoc-xuat-vien-677535.html
https://nhandan.vn/hai-nguoi-duoc-ghep-than-tai-benh-vien-da-khoa-xanh-pon-ra-vien-post829942.html
https://tuoitre.vn/hai-nguoi-ghep-than-tu-tang-hien-cua-chang-trai-ha-noi-duoc-ve-nha-20240910183902533.htm?gidzl=KF7C8zjd3GbKwSqYtNm52L3anYt58Wu96kFESC1q2rWPjSvtno8D3aMxp2BAUWuBH-ZF8ZcxeF4Ssc451W
* Bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau ảnh hưởng của bão số 3 ở Hà Nội
Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Hà Nội nhanh chóng thực hiện các biện pháp để hỗ trợ người bệnh, đặc biệt là những khu vực chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3.
Ngày 10/9, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ban hành công văn số 4381/BHXH-GĐBHYT2 gửi các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế sau khi chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (bão Yagi).
Ưu tiên khám, chữa bệnh đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng của bão, lũ.
Trong công văn, cơ quan này yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhanh chóng thực hiện các biện pháp để hỗ trợ người bệnh, đặc biệt là những khu vực chịu thiệt hại nặng nề do bão. Cụ thể, các cơ sở y tế cần thực hiện như sau.
Một là, thực hiện công tác khám, chữa bệnh bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám, chữa bệnh.
Kịp thời giải quyết các vướng mắc về thủ tục khám, chữa bệnh cho người bệnh để bảo đảm tất cả người bệnh được khám, chữa bệnh thuận lợi và nhanh nhất, không yêu cầu người xin giấy chuyển tuyến trong trường hợp tình trạng bệnh là cấp cứu.
Trường hợp mất điện hoặc không có mạng internet để cập nhật dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống thì thực hiện trực tiếp.
Ưu tiên khám, chữa bệnh đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng của bão, lũ.
Hai là, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (mua sắm trực tiếp, điều chuyển thuốc...). Tuyệt đối không để người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế trong quá trình điều trị; kịp thời chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
Ba là, trường hợp có phát sinh vướng mắc liên quan đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm y tế của người bệnh, đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh thông tin cho giám định viên được phân công phụ trách cơ sở khám, chữa bệnh để kịp thời phối hợp giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.
Ngoài ra, công văn cũng được gửi đến Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cùng các đơn vị liên quan để phối hợp chỉ đạo và bảo đảm thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố.
Trước đó, theo báo cáo ngày 8/9 của Sở Y tế Hà Nội về công tác đáp ứng y tế ứng phó với cơn bão số 3, các cơ sở khám, chữa bệnh đã bảo đảm tốt hoạt động. Cụ thể, tiếp nhận tổng số khám cấp cứu, tai nạn là 929 người, bao gồm 54 người khám tai nạn giao thông, 10 người tai nạn lao động, 92 người tai nạn sinh hoạt và 742 người khám cấp cứu, tai nạn do nguyên nhân khác.
Tính đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của người dân Hà Nội đạt 94,4% dân số, với hơn 7,9 triệu người tham gia chính sách này.
https://nhandan.vn/bao-dam-quyen-loi-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-sau-anh-huong-cua-bao-so-3-o-ha-noi-post829993.html
* Rà soát người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật ở vùng lụt Hà Nội để hỗ trợ y tế
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế điều tra, nắm chắc số người già, trẻ em, phụ nữ mang thai sắp tới ngày sinh, người tàn tật, người yếu thế, người mắc bệnh nặng trong vùng có nguy cơ ngập lụt, để có phương án y tế đáp ứng kịp thời.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo báo cáo khẩn ngày 10/9 của Sở Y tế Hà Nội về công tác đáp ứng y tế trong ứng phó với bão Yagi, cơ quan này lo ngại nguy cơ bùng phát các bệnh dịch tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết, mắt... trong bối cảnh nước trên các sông đang dâng cao, khiến nhiều khu dân cư ở Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn... bị ngập lụt, nhất là các điểm chân rác.
Vì thế, Sở Y tế Hà Nội đã kiện toàn các đội cấp cứu, phòng, chống dịch cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống. Theo đó, tuyến thành phố có 5 đội phòng, chống dịch cơ động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, 5 đội điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; 30 Trung tâm Y tế quận, huyện cũng đã kiện toàn 92 đội phòng, chống dịch cơ động và 80 đội cấp cứu cơ động.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị điều tra, nắm các điểm có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chuẩn bị thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần điều tra, nắm được số người già, trẻ em, phụ nữ mang thai dự kiến sắp tới ngày sinh, người tàn tật, người yếu thế, người mắc bệnh nặng, người mắc bệnh mãn tính trong vùng có nguy cơ ngập lụt, để xây dựng phương án y tế kịp thời.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị cấp dưới phải bảo đảm an toàn cho người bệnh, cho nhân viên y tế và các trang thiết bị; duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh, sẵn sàng cấp cứu các tai nạn, sự cố trong mưa bão, lũ, úng ngập, các dịch bệnh.
Các cơ sở y tế phải thường trực khám, chữa bệnh 24/24 giờ và có đầy đủ thuốc men. 100% đơn vị thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các đội cơ động phòng, chống dịch, đội cơ động cấp cứu người bị nạn.
Phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh
Để phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn phải cung ứng đủ thuốc cho công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần rà soát, kịp thời lập kế hoạch, chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng, triển khai đặt hàng, mua sắm, dự trữ, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, điều trị và đáp ứng các tình huống y tế bị ảnh hưởng do bão, lũ, dịch bệnh…
Trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau mưa bão, lũ lụt, các đơn vị phải báo cáo kịp thời về Sở Y tế để có phương án xử lý.
Các cơ sở kinh doanh thuốc cần chủ động kế hoạch dự trữ, chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, bảo đảm cung ứng đủ thuốc theo đơn hàng, theo hợp đồng cung ứng đã ký kết với cơ sở y tế và cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đặc biệt, bảo đảm thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế chủ động xây dựng phương án cung ứng thuốc, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa.
https://viettimes.vn/ra-soat-nguoi-gia-tre-em-phu-nu-co-thai-nguoi-tan-tat-o-vung-lut-ha-noi-de-ho-tro-y-te-post178107.html
https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-yeu-cau-dam-bao-cung-ung-du-thuoc-trong-mua-mua-lu-post975698.vnp