* Hà Nội phấn đấu 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 5-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch của UBND thành phố nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân địa phương; phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân.
Đồng thời, kế hoạch cũng hướng tới việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Về mục tiêu, kế hoạch của thành phố chỉ rõ, phấn đấu đến năm 2030: Mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 100% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở.
UBND thành phố giao các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo, lồng ghép các mục tiêu nhiệm vụ của Chỉ thị số 25-CT/TƯ, hỗ trợ hoạt động y tế cơ sở; tổ chức, triển khai hoạt động y tế ở cơ quan, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người lao động theo quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã cần đưa các chỉ tiêu về y tế cơ sở vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm, tầm nhìn đến năm 2050 của địa phương; phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động của y tế cơ sở, bảo đảm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao về chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu; khám chữa bệnh; phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác dân số; triển khai các chương trình y tế công cộng, quản lý sức khỏe cá nhân…
(https://hanoimoi.vn/ha-noi-phan-dau-100-xa-dat-tieu-chi-quoc-gia-ve-y-te-674500.html)
* Bộ Y tế phản hồi kiến nghị đưa thêm thuốc chữa ung thư vào danh mục BHYT
Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, có nội dung đáng chú ý về việc đưa thêm thuốc điều trị bệnh ung thư vào trong danh mục bảo hiểm y tế (BHYT).
Cụ thể, cử tri tỉnh Bình Định đề cập vấn đề hiện tại thuốc điều trị bệnh ung thư ở bệnh viện công đa số không có trong danh mục bảo hiểm (trước đây thì có, hiện nay thì không). Bệnh nhân tự mua thuốc, người lao động bị bệnh đã khó khăn giờ khó khăn hơn.
Qua đó, cử tri tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Y tế quan tâm đưa thêm các loại thuốc điều trị ung thư vào danh mục BHYT, nhằm hỗ trợ hơn nữa các đối tượng tham gia bảo hiểm.
Trả lời vấn đề này, theo Bộ Y tế, với mục tiêu hướng tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ Y tế luôn chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế, đặc biệt là gói quyền lợi về thuốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.
Bộ Y tế cũng khẳng định, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc bảo hiểm y tế tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng bảo hiểm y tế.
Theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.
Đặc biệt, trong đó có 76 hoạt chất thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch. Điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Y tế trong việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng và dạng bào chế và tên thương mại.
Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mãn tính.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả. Việc này nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.
Đồng thời, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người bệnh có thẻ BHYT.
Việc này nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc do những nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT.
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-phan-hoi-kien-nghi-dua-them-thuoc-chua-ung-thu-vao-danh-muc-bhyt-20240811135517788.htm)
* Bộ trưởng Y tế phản hồi kiến nghị bỏ giấy chuyển viện
Bộ Y tế nhận được kiến nghị của cử tri về việc bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với một số bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện, xem xét mở rộng phạm vi chi trả BHYT với một số xét nghiệm tầm soát bệnh.
Theo quy định hiện hành về khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế (BHYT), khi người bệnh ở các xã đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện hạng 3 thì không cần giấy chuyển viện, nhưng khi đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện hạng 2 thì phải có giấy chuyển viện.
Thực tế một số địa phương không có bệnh viện tuyến huyện (bệnh viện hạng 3) trực thuộc trung tâm y tế huyện mà có bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện (bệnh viện hạng 2). Khi bệnh nhân ở xã đến khám và điều trị bệnh ở bệnh viện hạng 2 thì phải có giấy chuyển viện.
Đây là những phản ánh của cử tri tỉnh Bến Tre liên quan lĩnh vực y tế trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Cử tri tỉnh này kiến nghị xem xét bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với một số bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện (bệnh viện hạng 2) nhằm giảm phiền hà cho bệnh nhân.
Trả lời vấn đề này, trong văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay, chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm được quy định rõ ràng tại Luật Bảo hiểm y tế. Chính sách này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT khi có nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến trên, đồng thời đảm bảo quản lý Quỹ BHYT hiệu quả.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không cần giấy chuyển tuyến vẫn được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi mức hưởng khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước.
Từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở tuyến tỉnh cũng được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi, mức hưởng.
Bộ trưởng Y tế cho rằng kiến nghị của cử tri "bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với các bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện", tức là cho phép người tham gia BHYT được thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú tại các bệnh viện này mà không cần giấy chuyển viện, là "một đề xuất có thể giúp giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân".
"Tuy nhiên, việc này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện tỉnh, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế", Bộ trưởng Lan cho biết.
Cử tri tỉnh Bến Tre cũng phản ánh với người cao tuổi, việc tầm soát bệnh là rất cần thiết nhưng nhiều dịch vụ khám tầm soát bệnh chi phí khá cao lại chưa được BHYT chi trả. Vì thế nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn chưa được tầm soát bệnh tật đầy đủ.
Cử tri kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi chi trả của BHYT đối với một số xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu... để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phát hiện bệnh sớm giúp việc điều trị thuận lợi hơn. Nếu không tầm soát, không phát hiện bệnh kịp thời, khi điều trị bệnh nhân sẽ tốn kém hơn trong khi BHYT cũng phải chi trả.
Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri liên quan đến việc mở rộng phạm vi chi trả của Quỹ BHYT đối với các dịch vụ tầm soát bệnh như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu và một số xét nghiệm tầm soát khác, bà Đào Hồng Lan thông tin: "Bộ Y tế hiểu rõ rằng việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi".
"Tuy nhiên, dựa trên khả năng chi trả của Quỹ BHYT, mức đóng BHYT, chi phí hiệu quả, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xét xét, quyết định", Bộ trưởng Lan cho biết.
(https://vietnamnet.vn/bo-truong-y-te-phan-hoi-kien-nghi-bo-giay-chuyen-vien-2310542.html)
* TP Hà Nội kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Quyết định số 4104/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh là Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền là Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm 24 đồng chí là lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan của thành phố.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch về công tác an toàn thực phẩm; nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND thành phố chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xử lý liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong trường hợp công tác an toàn thực phẩm có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trên diện rộng, Ban Chỉ đạo kịp thời kiến nghị, tham mưu đề xuất UBND thành phố biện pháp xử lý.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn thực phẩm các sở, ngành; UBND - Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan và các đoàn thể cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; báo cáo tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, hằng năm về tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của UBND thành phố.
UBND thành phố giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của Sở Y tế để tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực; mời các Sở, ngành, đoàn thể; UBND các quận, huyện, thị xã và đại diện cơ quan, tổ chức liên quan tham dự họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, hằng năm và đột xuất theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
(https://tuoitrethudo.vn/tp-ha-noi-kien-toan-ban-chi-dao-cong-tac-an-toan-thuc-pham-256588.html)