* Ngành y tế Hà Nội phát động ủng hộ đồng bào vùng bão lũ
Ngày 12/9, Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, ngành y tế Hà Nội phát động cán bộ công chức, viên chức, người lao động tham gia ủng hộ mỗi người ít nhất 1 ngày lương để giúp đỡ người dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Đồng thời, ngành y tế khuyến khích thủ trưởng các đơn vị, các tổ Công đoàn cơ sở, cán bộ, viên chức, người lao động có điều kiện đóng góp thêm về tài chính.
Tổng số tiền ủng hộ sẽ được tổng hợp và đề xuất trao hỗ trợ để chuyển đến giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian nhanh nhất và đúng đối tượng nhất.
https://kinhtedothi.vn/nganh-y-te-ha-noi-phat-dong-ung-ho-dong-bao-vung-bao-lu.html
* Hà Nội: Cứu chữa miễn phí người bị nạn do ảnh hưởng của bão số 3
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương.
Ngày 12-9, Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 295/SYT-NVY về việc thực hiện Công điện số 15 của UBND thành phố gửi Giám đốc các đơn vị trực thuộc.
Theo đó, để chủ động khắc phục hậu quả của bão số 3, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố tại Công điện số 15. Bên cạnh đó, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị tiếp tục tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời đối với những người bị thương, bị thiệt mạng, bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Riêng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu đơn vị này hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và quản lý chất thải y tế sau bão lũ tại địa phương.
Ngoài ra, CDC thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, công tác thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu tránh trú an toàn. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng về công tác nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch sau bão lũ.
Sở Y tế cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Cụ thể là chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế tham mưu cho UBND các cấp thực hiện biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các thực phẩm tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ... cho nhân dân trong vùng lụt bão.
Đối với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu, tăng cường các biện pháp đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ, ngập úng; quản lý và xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc tại nơi úng lụt; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt.
Đồng thời, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ (bệnh về đường tiêu hóa, bệnh da liễu, bệnh về mắt...) để cấp phát cho người dân; các hóa chất (cloraminB, phèn chua..) để xử lý nguồn nước, xử lý môi trường.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các bệnh viện đa khoa trên địa bàn khám, cấp cứu các trường hợp chịu ảnh hưởng của thiên tai, úng lụt.
Còn tại các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, cơ số thuốc để tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên. Kiện toàn các đội cấp cứu cơ động, đội phẫu thuật cơ động (tùy theo tình hình thực tế), sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
"Thực hiện cấp cứu kịp thời các tai nạn, sự cố trong thời gian mưa bão, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, các dịch bệnh có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trên địa bàn", Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
https://hanoimoi.vn/ha-noi-cuu-chua-mien-phi-nguoi-bi-nan-do-anh-huong-cua-bao-so-3-677878.html
https://baodautu.vn/ha-noi-cuu-chua-mien-phi-nguoi-bi-nan-do-anh-huong-cua-bao-so-3-d224821.html
https://hanoionline.vn/video/cuu-chua-mien-phi-cho-nguoi-bi-thuong-vi-mua-lu-265078.htm
https://tapchicongthuong.vn/ha-noi--cuu-chua-mien-phi-nguoi-bi-nan-do-anh-huong-cua-bao-so-3-126555.htm
* Hỗ trợ thuốc thiết yếu cho người dân vùng lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ
Chiều 12/9, Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng đã đến thăm, tặng thuốc chữa bệnh thiết yếu cho người dân vùng lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Thay mặt ngành y tế Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng đã tặng 100 kiện nước muối sinh lý; 155 kiện thuốc thiết yếu điều trị bệnh về mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa nhằm phục vụ nhu cầu dự phòng và điều trị bệnh thường gặp của người dân trong mùa mưa lũ.
Ngay sau đó, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp thăm, động viên người dân và kiểm tra, giám sát công tác đáp ứng y tế phục vụ người dân tại Trụ sở Quân sự xã Nam Phương Tiến. Đây là nơi ở tập trung tránh lũ của các hộ dân bị ngập lụt do chính quyền xã bố trí.
Tính đến chiều ngày 12/9, đã có hơn 60 người dân được sơ tán đến Trụ sở Quân sự xã, phần lớn là người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền. Cán bộ y tế trực tại đây đã tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần cho người dân.
Qua thăm hỏi thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ y tế huyện trong những ngày qua. Đồng thời, đề nghị Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cử thêm nhân lực trực và hỗ trợ cho người dân vùng bị ngập lụt; tiếp tục chủ động các điều kiện bảo đảm khám chữa bệnh, sơ cấp cứu; hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp sau mưa lũ, hướng dẫn vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Ghi nhận, cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của ngành y tế Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức khẳng định: Với cơ số thuốc thiết yếu của Sở Y tế Hà Nội tặng, lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo ngay công tác phân bổ, ưu tiên cho các đối tượng người già, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện để được kịp thời điều trị bệnh.
Được biết những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lũ gây ngập lụt tại một số xã như: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ bị ngập nặng. Để bảo đảm an toàn cho người dân, huyện đã chủ động triển khai công tác di dời, sơ tán dân khỏi vùng ngập úng đến nơi ở an toàn.
https://nhandan.vn/ho-tro-thuoc-thiet-yeu-cho-nguoi-dan-vung-lu-tren-dia-ban-huyen-chuong-my-post830594.html
https://kinhtedothi.vn/so-y-ha-noi-tang-thuoc-chua-benh-cho-nguoi-dan-vung-lu-chuong-my.html
https://hanoimoi.vn/cap-thuoc-chua-benh-cho-nguoi-dan-vung-lu-huyen-chuong-my-677924.html
https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2866084/nganh-y-te-ha-noi-tang-thuoc-chua-benh-thiet-yeu-cho-nguoi-dan-vung-lu-cua-huyen-chuong-my.html
https://tuoitrethudo.vn/tang-thuoc-chua-benh-thiet-yeu-cho-nguoi-dan-vung-lu-huyen-chuong-my-259918.html
https://thanglong.chinhphu.vn/nganh-y-te-tang-thuoc-chua-benh-thiet-yeu-cho-nguoi-dan-vung-lu-103240912202743953.htm
*Giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản số 5411/BYT-ATTP gửi Sở Y tế các tỉnh/TP; Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký nêu rõ, trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... với quy mô hàng nghìn suất ăn.
Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Cùng với đó, các đơn vị tổ chức diễn tập và chuẩn bị phương án xử lý, khắc phục hậu quả, sơ cứu, vận chuyển, cấp cứu cho các bệnh nhân cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Ngoài ra, các đơn vị hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trên địa bàn xây dựng phương án phòng chống và xử lý khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và tự tổ chức diễn tập tình huống ngộ độc thực phẩm đông người tại cơ sở.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/TP, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với cơ quan chức năng liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường công tác liên ngành trong thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
Các đơn vị, cơ sở chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Ngoài ra, các đơn vị công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời.
https://kinhtedothi.vn/giam-thieu-toi-da-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-tai-bep-an-tap-the.html