Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 109 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 11 ổ dịch tại 6 quận, huyện.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5-7 đến ngày 12-7), toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.166 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Ngoài ra, trong tuần qua còn ghi nhận thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 30 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 14 ổ dịch đang hoạt động.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch tại các quận, huyện nêu trên. Kết quả giám sát cho thấy, chỉ số côn trùng tại một số ổ dịch vượt ngưỡng nguy cơ cao. Do đó, dự báo, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới và tiếp tục ghi nhận thêm các ổ dịch mới.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chuyên môn của CDC Hà Nội, trong tuần qua, các địa phương đã tổ chức 24 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng, chống dịch tại 77.462 hộ gia đình và 499 khu vực khác (trường học, công cộng…); xử lý gần 11.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế, thực hiện báo cáo số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống.
Sở Y tế thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát tại các xã, phường có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để cao. Riêng đối với UBND huyện Đan Phượng, tập trung huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch không để ổ dịch kéo dài lan rộng trên địa bàn.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 31 ca tay chân miệng, hầu hết là ca tản phát và 12 ca mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 1.656 ca tay chân miệng (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 173 ca ho gà tại 28 quận, huyện, thị xã (trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh).
Báo Hà Nội mới (https://hanoimoi.vn/ha-noi-them-109-ca-sot-xuat-huyet-va-11-o-dich-trong-mot-tuan-672090.html)
*Khôn lường dịch sốt xuất huyết
Tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết thường đạt cao điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm. Nhưng từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 30.265 ca mắc sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch cao.
Không còn theo chu kỳ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 10 triệu ca sốt xuất huyết trong nửa đầu năm nay, với hơn 16.000 ca nghiêm trọng và 3.000 người tử vong. Con số này cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng rõ rệt ở châu Mỹ, nơi số người mắc vượt quá 7 triệu vào cuối tháng 4.
Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Tại Indonesia, đến tháng 3/2024 đã ghi nhận hơn 21.000 ca mắc và ít nhất 191 trường hợp tử vong.
Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.265 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 giảm hơn 30% số mắc; riêng số ca tử vong giảm 6 trường hợp.
Dù số ca mắc sốt xuất huyết có giảm nhưng theo TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư...
Minh chứng là năm 2022 và 2023 tuy không phải năm chu kỳ bùng phát dịch nhưng đều là những năm có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết rất cao trong lịch sử ở Hà Nội. Nếu cứ căn vào cho rằng dịch sốt xuất huyết diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm thì mỗi người sẽ rất chủ quan trong phòng dịch, dịch dễ bùng phát mạnh.
Thời gian gần đây, một số địa phương đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, điển hình là Hà Nội. TPHCM, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hải Phòng… Việc gia tăng ca mắc một phần do tại một số địa phương mưa đã xuất hiện trên diện rộng, là điều kiện thuận lợi sản sinh bọ gậy.
Ngoài ra, việc chủ quan, lơ là, chưa tự giác thực hiện hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết của người dân đang dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Tại Việt Nam, chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, dù vậy, do nhiều nguyên nhân nên việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết vẫn gặp khó khăn và thách thức.
Các dấu hiệu nguy hiểm
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.
Trường hợp người bệnh chỉ mắc sốt xuất huyết thông thường thì việc điều trị không có gì khó khăn. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh diễn tiến thành hội chứng sốc Dengue hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue thì rất nguy hiểm. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và các phương pháp điều trị sốt xuất huyết chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh.
Về mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể bị xuất huyết ở rất nhiều vị trí như chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ... Khi bệnh nhân bị xuất huyết trong cơ thành bụng là trường hợp ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Cụ thể, ở vị trí thành bụng, mật độ cơ và mô có kết cấu rất lỏng lẻo, nhất là ở phụ nữ, dễ dẫn đến xuất huyết ồ ạt, rất khó cầm máu.
Với tình trạng bệnh nhân có tiểu cầu giảm rất thấp, gây rối loạn đông máu và bất kỳ can thiệp vào vị trí xuất huyết đều có thể khiến nguy cơ chảy máu cao hơn. Với bệnh nhân trên, các bác sĩ phải theo dõi quá trình mất máu, tốc độ mất máu…
Nếu tốc độ mất máu lớn hơn tốc độ truyền máu vào, sẽ bắt buộc phải xử lý về mặt ngoại khoa. Cũng theo bác sĩ Phúc, khi phát hiện bệnh nhân mất máu, bác sĩ phải thăm khám kỹ để tìm vị trí xuất huyết để có hướng xử lý, điều trị phù hợp nhất.
Về quá trình điều trị sốt xuất huyết, bác sĩ Phúc cảnh báo: Nhiều người bị sốt xuất huyết đến ngày thứ 3 thấy đỡ sốt đã chủ quan. Trong khi, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất, khi người bệnh sẽ có tình trạng sốc, các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu...
Cụ thể, trong khoảng 4 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, nhưng chưa có những triệu chứng rầm rộ; giai đoạn này chưa phải thời điểm nặng nhất của sốt xuất huyết, nhưng đây là giai đoạn phát hiện và theo dõi các biến chứng. Đến giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất; người bệnh rất dễ rơi vào sốc, có các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu… ở giai đoạn này.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.
Từ ngày thứ 4, bệnh nhân nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.
Theo các chuyên gia y tế, muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể bơi, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây, ở các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa. Bộ Y tế đã khuyến cáo và yêu cầu các địa phương nên chủ động phòng, chống dịch, đặc biệt là trong mùa cao điểm này.
Báo Đại đoàn kết (https://daidoanket.vn/khon-luong-dich-sot-xuat-huyet-10285517.html)
*Liên tiếp những ca tiêm filler biến chứng
Nhu cầu về một khuôn mặt đẹp, trẻ trung tăng cao tạo ra số lượng lớn các cơ sở spa - thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ sở làm đẹp đều đảm bảo chất lượng và an toàn.
Thông tin từ Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, các bác sĩ BV vừa cấp cứu cho 2 trường hợp tai biến nghiêm trọng do tiêm filler (chất làm đầy) làm đẹp. Một trong số đó là chị N.C.T. (31 tuổi, ở Quảng Nam). Chị T. vào viện trong tình trạng bị áp xe hai bên ngực do tiêm filler nâng ngực.
Trước đó, qua mạng xã hội, chị T. thấy một thẩm mỹ viện quảng cáo phương pháp tiêm filler nâng ngực nhanh chóng, hiệu quả nên đã tìm đến. Sau tiêm, chị thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên sưng đau.
Sau can thiệp hút filler, chị T. có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, vì quá đau đớn và lo sợ chị mới tới BV Việt Đức.
Tại cơ sở y tế này, các bác sĩ nhận định biểu hiện sốt rét run của chị T. báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh.
Một ca khác, chị Đ.T.N. (30 tuổi, ở Hà Tĩnh) hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản. Cách đây ít ngày, chị N. tiêm filler vào trán và thái dương tại một cơ sở spa tại Nhật Bản. Khi mới tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa. Ngay lập tức chị được tiêm thuốc giải nhưng vẫn cảm thấy khó chịu, nôn nao không đỡ.
Tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu đi nhanh chóng, ngay sau đó 1 ngày, mắt chị N. đã gần như mù toàn bộ. Trước tình hình nói trên, bệnh nhân quyết định đặt vé trở về Việt Nam và đến khám tại BV Mắt trung ương, sau đó chuyển đến BV Việt Đức.
Sau 6 ngày can thiệp mạch, mắt phải của nữ bệnh nhân mới có chuyển bến nhẹ, có thể vận động nhãn cầu nhẹ nhàng theo yêu cầu của bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải điều trị lâu dài và có hồi phục được thị lực hay không vẫn còn chưa rõ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt – Thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức, những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ như trên không hiếm. “Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới chục ca mù hoàn toàn sau khi nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy. Thế giới cũng có hàng trăm ca tai biến tương tự. Các biến chứng có thể nhẹ từ như nhiễm trùng nông tới hoại tử da hoặc nặng như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng. Đáng nói, đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi những cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ” – PGS.TS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.
Thực tế, vài năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh, thì cũng là lúc phải đối mặt với một làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui”.
Rất nhiều cơ sở không được phép như spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện.
BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu trung ương thông tin: BV đã và đang tiếp nhận một lượng lớn các trường hợp biến chứng sau khi tiêm filler từ những cơ sở "chui". Thực tế, tiêm filler là một phương pháp làm đẹp không cần đến phẫu thuật, thực hiện tại phòng khám dễ dàng, không gây mê hoặc gây tê, và được coi là an toàn với cơ thể. Thế nhưng, điều này chỉ đúng khi thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn và uy tín. Bởi lẽ biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính bao gồm liên quan đến kỹ thuật tiêm, và sử dụng chất làm đầy không được cấp phép. Mà những nguyên nhân này hoàn toàn được đảm bảo không xảy ra tại các cơ sở y tế có chuyên môn.
Các chuyên gia lưu ý người dân trước khi lựa chọn cơ sở thực hiện làm đẹp, thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Thứ ba, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Theo BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu trung ương, việc lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, có chuyên môn đã được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng cho phép sử dụng rõ ràng là rất quan trọng để tránh gặp phải các biến chứng khó lường khi tiêm filler. Sự lựa chọn kỹ càng này không chỉ mang lại kết quả làm đẹp tốt mà còn đảm bảo an toàn và tránh xa khỏi các biến chứng không mong muốn.
Báo Đại đoàn kết (https://daidoanket.vn/lien-tiep-nhung-ca-tiem-filler-bien-chung-10285581.html)
*Quyền lợi mức hưởng BHYT tăng theo lương mới thế nào?
Mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, do đó mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh cũng được điều chỉnh tăng hơn so với trước đó.
Trong chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, đã có rất nhiều bạn đọc quan tâm về các nội dung liên quan đến các chính sách này, trong đó có quyền lợi của người tham gia BHYT có được hưởng theo mức lương mới không? tính đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT từ 1/7 thế nào?
Về nội dung bạn đọc quan tâm: Tôi được biết mức tiền không đồng chi trả BHYT của người bệnh là vượt 6 tháng lương cơ sở, là vượt 10.800.000đồng. Tuy nhiên từ 01/7/2024, mức lương tăng lên 2.340.000đồng. Vậy mức tiền để xác định mức không đồng chi trả là bao nhiêu, có tính trung bình cả năm hay tính theo từng giai đoạn khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở không? Chuyên gia của BHXH Việt Nam cho biết ngày 1/7/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 3687/BYT-BH hướng dẫn áp dụng mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm được tính như sau:
- Trường hợp từ 01/01/2024 đến trước ngày 01/7/2024, người bệnh đã tích lũy số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT từ đủ 6 tháng lương cơ sở tương đương với 10.800.000 đồng (theo mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng) thì người bệnh không phải tiếp tục tích lũy số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT nữa.
- Trường hợp từ ngày 01/7/2024, nếu người bệnh chưa tích lũy số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT từ đủ 6 tháng lương cơ sở tương đương với 10.800.000 đồng (theo mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng) thì số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT, người bệnh cần tích lũy được xác định như sau:
Liên quan đến nội dung này, trước đó Bộ Y tế đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam về việc áp dụng mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, về mức hưởng BHYT, trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 1/7 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 1/7, đi khám, chữa bệnh đúng quy định của Luật BHYT, có chi phí cho một lần khám chữa bệnh dưới 351.000 đồng (thấp hơn 15% mức lương cơ sở).
So với trước đó chi trả tăng thêm 81.000 đồng
Về mức thanh toán trực tiếp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP từ 01/7/2024 hoặc trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 01/7/2024 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 01/7/2024:
Tại điểm a khoản 1, số tiền tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở: tương đương tối đa không quá 351.000 đồng (Ba trăm năm mươi mốt nghìn đồng).
Tại điểm b khoản 1, số tiền tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở: tương đương tối đa không quá 1.170.000 đồng (Một triệu một trăm bảy mươi nghìn đồng).
Tại khoản 2, số tiền tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở: tương đương tối đa không quá 2.340.000 đồng (Hai triệu ba trăm bốn mươi nghìn đồng).
Tại khoản 3, số tiền tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở: tương đương tối đa không quá 5.850.000 đồng (Năm triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng).
Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT như sau:
Trường hợp người bệnh vào viện từ ngày 01/7/2024: tương đương không vượt quá 105.300.000 đồng (Một trăm linh năm triệu ba trăm nghìn đồng).
Trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 01/7/2024 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 01/7/2024, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật được xác định theo thời điểm kết thúc dịch vụ kỹ thuật và tính chi phí theo 2 thời điểm như sau:
Trước ngày 01/7/2024: Áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tương đương không vượt quá 81.000.000 đồng (Tám mươi mốt triệu đồng).
Từ ngày 01/7/2024: Áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, tương đương không vượt quá 105.300.000 đồng (Một trăm linh năm triệu ba trăm nghìn đồng).
Báo Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/quyen-loi-muc-huong-bhyt-tang-theo-luong-moi-the-nao-16924071510053941.htm)
*Bé sơ sinh mới chào đời đã lây bệnh thủy đậu từ mẹ
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 2 bé sơ sinh đã mắc thuỷ đậu, đều bị lây từ mẹ.
Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân sơ sinh mắc thủy đậu. Điều đáng chú ý là cả 2 bệnh nhân đều bị lây từ mẹ.
Trường hợp thứ nhất là bé trai 5 ngày tuổi ở Hà Nội, khởi phát xuất hiện những nốt phát ban và phỏng nước toàn thân. Trước đó, mẹ của bé cũng phát hiện bị thủy đậu vào ngày thứ 3 sau khi sinh và đã cách ly ngay với con. Gia đình đưa bé vào bệnh viện và được chẩn đoán mắc thủy đậu. Rất may, tình trạng của bé tốt vì ăn bú được bình thường và không có biến chứng gì. Hiện tại, các vết ban trên cơ thể của bé đã khô, se gần hết và không xuất hiện những nốt ban mới.
Trường hợp thứ 2 là bé trai 2 tháng tuổi, cũng ở Hà Nội. Khoảng 3 ngày trước khi vào viện, bé bắt đầu xuất hiện những vùng nốt phỏng nước lan ra khắp mặt và toàn thân; ban phỏng nước mọc nhiều và lan nhanh, dày đặc. Bé còn có biểu hiện ho, khò khè sốt 38 độ nên được người nhà đưa vào viện.
Về trường hợp này, BS CKI Lê Thu Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Khi vào viện, bé đã có tình trạng viêm phổi, kèm theo ban phỏng nước toàn thân đa hình thái, đa lứa tuổi khắp cơ thể. Bệnh nhi đã được cho dùng kháng sinh và thuốc kháng virus, khí dung. Hiện tại, các ban cũ của bé đã se lại, không mọc ban mới và tình trạng viêm phế quản phổi đã ổn định".
Theo BS. Lê Thu Trang, nếu trẻ sơ sinh mắc thủy đậu, gia đình cần cho con nhập viện sớm để được theo dõi và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ như viêm gan, viêm phổi hoặc viêm não do sức đề kháng của trẻ còn yếu.
Đặc biệt, khi phát hiện trẻ trong giai đoạn sơ sinh mắc bệnh thủy đậu, cha mẹ nên đưa con đến khám sớm tại các cơ sở y tế, không nên tự điều trị tại nhà. Nếu người mẹ bị mắc thủy đậu trong giai đoạn đang cho con bú, cần phải vệ sinh sạch sẽ bàn tay một cách thường xuyên, đeo khẩu trang để tránh vi khuẩn lây trực tiếp qua giọt bắn (nói chuyện, ho hắt hơi) hay dịch tiết từ nốt phỏng nước).
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi bị mắc thủy đậu, trẻ cần được dùng thuốc kháng virus trong "khung giờ vàng" là 24 đến 48 giờ đầu. Nếu dùng thuốc kháng virus muộn hơn 24-48 giờ thì phát ban của trẻ dễ bị biến chứng nặng hơn và nhiều hơn.
"Tiêm chủng vaccine thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em, việc tiêm chủng vaccine thủy đậu càng quan trọng. Các gia đình nên đưa trẻ tới các cơ sở tiêm chủng uy tín để được tư vấn và tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm phòng vaccine thủy đậu, người dân cần tiêm phòng sớm trong vòng 5 ngày sau đó. Người bệnh cần được cách ly để tránh để lây nhiễm cho những người trong gia đình, cũng như cộng đồng", BS. Lê Thu Trang khuyến cáo.
Theo đó, bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, gây dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, trên lâm sàng bệnh có biểu hiện sốt, phát ban phỏng nước nhiều lứa tuổi trên da, ban có ngứa. Hầu hết bệnh thường diễn biến lành tính, tuy nhiên có thể có một số biến chứng như viêm da bội nhiễm, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận, viêm khớp và thường hay xảy ra trên những cơ địa đặc biệt như người suy giảm miễn dịch (người ung thư, điều trị hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch), trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính.
Thời gian ủ bệnh thông thường của thủy đậu trung bình từ 10-14 ngày. Bệnh thủy đậu sẽ lây cho người xung quanh trong giai đoạn bệnh nhân vẫn còn xuất hiện những nốt ban.
Báo Tin tức (https://baotintuc.vn/y-te/be-so-sinh-moi-chao-doi-da-lay-benh-thuy-dau-tu-me-20240715091234653.htm)
Cùng nội dung thông tin:
Báo Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/be-5-ngay-tuoi-toan-than-noi-mun-nuoc-vi-lay-benh-truyen-nhiem-tu-me-169240715094503095.htm