* Công đoàn ngành Y tế Hà Nội thăm, tặng quà một số đơn vị y tế bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Ngày 13/9, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã đi thăm hỏi, động viên và tặng quà một số đơn vị y tế trong ngành bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ có 4 Trạm Y tế gồm: Nam Phương Tiến A, Hữu Văn, Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương bị ngập úng, có trạm bị ngập sâu. Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm có 2 Trạm Y tế Bát Tràng và Kim Lan bị ngập, cho đến nay, tại các trạm này nước cũng đang rút dần.
Còn tại Trung tâm Y tế quận Ba Đình có Trạm Y tế phường Phúc Xá và Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm có 2 Trạm Y tế phường Phúc Tân và Chương Dương bị ngập nước.
Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 tại phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình toàn bộ khu vực dẫn vào bệnh viện bị ngập sâu, tầng một của bệnh viện có hiện tượng ngập nước. Để bảo đảm an toàn, bệnh viện đã thông tin đến người bệnh, gia đình người bệnh tình hình ngập lụt, bố trí giường bệnh và di chuyển bệnh nhân lên tầng 2 để tiếp tục điều trị.
Bệnh viện đã huy động sự phối hợp, hỗ trợ chuyển một số bệnh nhân chạy thận về Bệnh viện Thận Hà Nội tiếp tục điều trị, và chuyển một số bệnh nhân khó khăn trong đi lại, sinh hoạt về Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 1 để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh và nhân viên y tế.
Các trạm y tế và bệnh viện đã chủ động biện pháp bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị, vật tư y tế, bố trí trạm y tế lưu động để duy trì hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu người dân. Các đơn vị cũng chuẩn bị phương án khắc phục thiệt hại, vệ sinh môi trường, khử khuẩn khi nước rút đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Thay mặt Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, đồng chí Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn Ngành đã trao hỗ trợ mỗi trạm y tế 1 suất quà và 5 triệu đồng tiền mặt; trao hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai 1 suất quà và 10 triệu đồng tiền mặt.
Tại các đơn vị đến thăm, đồng chí Trịnh Tố Tâm đã gửi lời hỏi thăm, chia sẻ khó khăn với những đơn vị đang bị ngập úng, cô lập. Mong muốn cán bộ, viên chức, người lao động tiếp tục cố gắng, vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cũng động viên, chia sẻ khó khăn với cán bộ, viên chức, người lao động có nhà bị ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. Đồng thời, đồng chí Trịnh Tố Tâm mong muốn Công đoàn cơ sở tiếp tục, thường xuyên quan tâm đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động tại đơn vị; cán bộ đoàn viên ở những địa phương, địa bàn hay bị ngập lụt vượt qua khó khăn, ổn định sinh hoạt.
https://laodongthudo.vn/cong-doan-nganh-y-te-ha-noi-tham-tang-qua-mot-so-don-vi-y-te-bi-anh-huong-boi-bao-so-3-177377.html
https://tuoitrethudo.vn/trao-qua-ho-tro-cac-don-vi-y-te-anh-huong-bao-so-3-260027.html
https://www.anninhthudo.vn/cong-doan-nganh-y-te-ha-noi-tang-qua-9-tram-y-te-1-benh-vien-bi-ngap-sau-con-bao-so-3-post589404.antd
https://hanoimoi.vn/tham-va-tang-qua-cac-co-so-y-te-tai-ha-noi-bi-anh-huong-cua-bao-so-3-678051.html
* Hà Nội bước vào giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết
Trong tuần, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 37 ca so với tuần trước). Dịch sốt xuất huyết đã bước vào giai đoạn cao điểm.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội), trong tuần (từ ngày 6/9 đến ngày 13/9), toàn Thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 37 trường hợp so với tuần trước).
Bệnh nhân phân bố tại 27 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Phúc Thọ.
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Tân Hội, Đồng Tháp, Phương Đình thuộc huyện Đan Phượng; phường Dương Nội quận Hà Đông; xã Hữu Bằng của huyện Thạch Thất; xã Đông La huyện Hoài Đức; xã Phụng Thượng huyện Phúc Thọ.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố ghi nhận 2.966 trường hợp sốt xuất huyết (giảm 71,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong tuần đã ghi nhận 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Ba Đình, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất; giảm 1 ổ dịch so với tuần trước.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 142 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 18 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11).
Với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Kết quả giám sát tại một số ổ dịch tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu, cùng với nhiều nơi người dân có thói quen xả rác bừa bãi, tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, tạo ra môi trường để muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển.
Hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm cho rằng, ngành Y tế Thủ đô cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung quyết liệt việc diệt lăng quăng, bọ gậy.
Cùng với đó, thành phố cần huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phòng, chống sốt xuất huyết.
Ngay trong tuần này, tại những khu vực có kết quả giám sát chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, Sở Y tế Hà Nội đề nghị phải tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao, nhằm đánh giá tình hình, từ đó triển khai các biện pháp phù hợp và kịp thời.
Nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù nước đọng công cộng, cống rãnh... Tuy nhiên, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước mưa đọng tại những mảnh bát vỡ trong vườn nhà, xóm ngõ hoặc sân thượng, công trình xây dựng… Vì vậy, cần loại bỏ những vật chứa nước tồn đọng là nơi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.
Cần vệ sinh nhà cửa, lật úp hết nơi muỗi trú ẩn để diệt bọ gậy, sau đó mới tiến hành phun thuốc diệt muỗi trưởng thành.
Ðể diệt muỗi có hiệu quả hơn, nên phun thuốc vào buổi sáng, vì loài muỗi sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng và thời gian trước lúc mặt trời lặn. Điều cần lưu ý, các loại thuốc phun diệt côn trùng có thời gian hiệu lực tốt trong 6 tháng kể từ khi phun.
Nhiều người cho rằng, vừa mắc sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Đây là quan niệm chưa hẳn đúng. Vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Cả 4 chủng virus này đều có khả năng gây bệnh.
Vì vậy, nếu người từng mắc sốt xuất huyết, trong thời gian mắc bệnh cơ thể có thể tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, miễn dịch được tạo thành chỉ đặc hiệu đối với từng chủng riêng lẻ. Người bệnh có thể sẽ không nhiễm lại chủng virus cũ nhưng vẫn có thể nhiễm chủng mới nên có thể tái mắc sốt xuất huyết.
Về điều trị bệnh, nhiều người cho rằng khi sốt xuất huyết chỉ uống bù điện giải, không nên uống nước dừa vì không có tác dụng bù nước và khó nhận biết biến chứng.
Điều này là hoàn toàn sai lầm, trong sốt xuất huyết, việc sốt cao nhiều ngày liên tục sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước, mất dịch. Việc bù dịch đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống Oresol.
Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân khó uống Oresol. Việc này có thể thay thế bằng uống nước dừa, nước cam, nước bưởi, nước chanh để bù lại lượng dịch đã mất. Hơn nữa, các loại quả trên chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và tăng sự vững bền của thành mạch.
https://baodautu.vn/ha-noi-buoc-vao-giai-doan-cao-diem-dich-sot-xuat-huyet-d224967.html
https://hanoimoi.vn/ha-noi-dich-benh-sot-xuat-huyet-buoc-vao-giai-doan-cao-diem-678176.html
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dich-sot-xuat-huyet-bat-dau-vao-mua-cao-diem.html
https://daibieunhandan.vn/ha-noi-huong-dan-nguoi-dan-xu-ly-moi-truong-phong-chong-dich-benh-mua-lu-post390318.html
https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-gia-tang-394876.html
https://hanoionline.vn/video/dich-sot-xuat-huyet-vao-giai-doan-cao-diem-tai-ha-noi-265560.htm
https://daidoanket.vn/ha-noi-so-ca-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-giam-10289892.html
https://laodongthudo.vn/sot-xuat-huyet-bat-dau-buoc-vao-giai-doan-cao-diem-177427.html
* Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì; đồng thời thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết tại hai quận Ba Đình và Hai Bà Trưng.
Bên cạnh đó, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại khu vực có nguy cơ sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Các đơn vị tiếp tục tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời ca bệnh, ổ dịch trong và sau ngập lụt như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn… Đồng thời, tăng cường truyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Theo số liệu của CDC Hà Nội, từ ngày 6/9 đến ngày 13/9, toàn thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết, 52 ca mắc tay chân miệng, 1 ca sởi, 3 ca mắc ho gà, 1 ca liên cầu lợn. Đối với bệnh sốt xuất huyết, toàn thành phố tăng 37 trường hợp, bệnh nhân phân bố tại 27 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Phúc Thọ.
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Tân Hội, Đồng Tháp, Phương Đình thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội, Hà Đông; Hữu Bằng, Thạch Thất; Đông La, Hoài Đức; Phụng Thượng, Phúc Thọ.
Chín ổ dịch sốt xuất huyết được ghi nhận trong tuần qua tại Ba Đình, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất, giảm 1 ổ dịch so với tuần trước. CDC Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (tháng 9 đến tháng 11), với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh. Đồng thời, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực ca bệnh, ổ dịch. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết tại Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa lũ tại Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai.
https://baotintuc.vn/y-te/giam-sat-xu-ly-moi-truong-phong-chong-dich-benh-sau-mua-lu-20240914175629711.htm