*Nguy cơ gia tăng trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè
Sau nghỉ hè, số lượng trẻ đi khám các tật khúc xạ, cận thị gia tăng đáng kể. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ cận thị học đường luôn chiếm tỷ trọng cao. Do đó, việc khám mắt cho trẻ trước thềm năm học mới giúp phát hiện kịp thời các bệnh về mắt.
Gia tăng trẻ đi khám mắt trước khi vào năm học mới
Gần đây, số lượng trẻ đến khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông gia tăng đáng kể. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trung bình 1 ngày, đơn vị tiếp nhận từ 15-20 trẻ tới thăm khám vì mắc tật khúc xạ như cận, loạn thị. Con số này tăng từ 4-5 lần so với thời điểm trong năm học.
Tỷ lệ cận thị học đường luôn chiếm tỷ trọng cao từ 20 – 40% ở thành thị và 10 – 20% ở nông thôn. Việc khám mắt cho trẻ trước thềm năm học mới giúp phát hiện kịp thời các bệnh về mắt, đảm bảo một đôi mắt khoẻ giúp con có trải nghiệm thị giác tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong học tập.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ hè, trẻ được tự do chơi các thiết bị điện tử, xem điện thoại, tivi với thời gian dài dễ dẫn tới tình trạng mỏi mắt, khô mắt, hoặc mắc các bệnh về mắt, tăng độ cận nhanh…
“Việc tăng độ cận mất kiểm soát đi kèm với nhiều biến chứng suy giảm thị lực nghiêm trọng. Điển hình như với bệnh nhân cận thị cao trên 6 đi-ốp có nguy cơ bị đục thủy tinh thể gấp 5 lần người bệnh cận thị thấp (từ 1-3 đi-ốp).
Người bị cận thị cao cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh thiên đầu thống gấp 14 lần người có độ cận thị thấp; nguy cơ bong rách võng mạc gấp 22 lần người cận thị thấp; thoái hóa hoàng điểm cận thị cao gấp 41 lần người bệnh cận thị thấp. Không chỉ vậy, người cận thị nặng vẫn có nguy cơ tăng độ cận theo độ tuổi” - bác sĩ Thủy cảnh bảo.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Bá Trung, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tượng này do thói quen và các hoạt động kém lành mạnh như đọc sách, truyện trong môi trường thiếu ánh sáng hay với cự ly gần trong thời gian dài, chơi game trên điện thoại, trên máy vi tính; xem tivi… quá nhiều khiến mắt trẻ phải điều tiết liên tục, gây mệt mỏi, đau và nhức mắt.
Thực tế, ngay cả khi không dùng các thiết bị di động thì việc ở trong không gian hẹp quá lâu với tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực không còn như trước. Trong khi, ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất bên ngoài đóng một vai trò đối với tình trạng sức khỏe của mắt.
Đặc biệt là trẻ từ 7 - 9 tuổi và 12 - 14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì mải chơi sẽ dễ gây ra cận thị.
Ngoài ra, trẻ xem ti vi quá gần, nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti vi nhỏ hơn 3m thì sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều.
Cùng với cận thị, bác sĩ cũng cho hay, nhiều trường hợp "mỏi mắt kỹ thuật số" ở trẻ em. Các triệu chứng gồm mờ mắt, nhức đầu và mỏi mắt, mắt thiếu linh hoạt.
Nhiều trẻ cũng bị chảy nước mắt, nóng rát, dụi mắt thường xuyên hơn, khô và cảm giác có dị vật trong mắt. Các triệu chứng thường giảm dần sau vài giờ, nhưng hiện y khoa chưa nghiên cứu rõ liệu có hậu quả lâu dài hơn hay không.
Bảo vệ mắt cho trẻ
Trước thực tế trên, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh - khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để kiểm soát cận thị, cha mẹ cần ngăn chặn sự tiến triển của cận thị, bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng gây mất thị lực trầm trọng.
Bằng cách cha mẹ cần tăng thời gian hoạt động ngoài trời ở trẻ. Gia đình khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời, ít nhất 80-120 phút mỗi ngày.
So với các biện pháp khác, dành thời gian hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời là phương pháp an toàn nhất và phù hợp với các khuyến cáo y tế hiện có khác, như: phòng, chống béo phì, thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thủy, cha mẹ nên cho con đi khám mắt định kỳ theo độ tuổi, vì có một số nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh bẩm sinh về mắt… Trẻ nhỏ dù gặp khó khăn trong vấn đề tầm nhìn nhưng thường không biết mô tả để người lớn đưa đi khám mắt.
Vì vậy, trẻ nhỏ nên được khám mắt lần đầu khi được 6 tháng tuổi, sau đó nên khám định kỳ vào lúc 3 tuổi, 6 tuổi trước khi đi học và mỗi năm học mới. Riêng với trẻ phải đeo kính nên thăm khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
Với trẻ dưới 3 tuổi, khám mắt giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt phổ biến như tật khúc xạ, bệnh lác (lé), giảm thị lực (nhược thị). Khám mắt cho trẻ cũng giúp loại trừ các bệnh hiếm gặp hơn như đục thủy tinh thể bẩm sinh và u nguyên bào võng mạc (khối u mắt).
Với trẻ 6 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ khám mắt tổng thể giúp phát hiện sớm các tật khúc xạ ở mắt (nếu có), hạn chế tình trạng cận thị học đường, đồng thời nên duy trì định kỳ 6 tháng/lần.
Cũng theo các chuyên gia y tế, khám mắt định kỳ cho trẻ không mất quá nhiều thời gian, cha mẹ hình thành thói quen khám mắt định kỳ cho trẻ để đảm bảo cho con một đôi mắt sáng và khoẻ mạnh.
Trường hợp phát hiện mắt trẻ phản xạ kém, có đốm trắng đục bất thường, thường xuyên nheo mắt, dụi mắt, đứng nhìn gần, cúi sát mặt vào sách vở… cần thiết cho trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.
(https://kinhtedothi.vn/nguy-co-gia-tang-tre-can-thi-sau-ky-nghi-he.html)
*Hà Nội kiểm tra chất lượng bánh Trung thu tại khách sạn Sofitel Legend Metropole
Ngày 16/8, Đoàn kiểm tra số 1 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi.
Đại diện khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi cho biết, năm nay, đơn vị sản xuất gần 4.000 hộp bánh Trung thu với 11 loại hương vị khác nhau. Đặc biệt, khách sạn chỉ sản xuất bánh tươi, không sử dụng chất bảo quản.
Kiểm tra thực tế tại khu bếp sản xuất bánh, đoàn kiểm tra ghi nhận sự cố gắng của khách sạn trong công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, đoàn thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại khách sạn Sofitel Legend Metropole.
Sau mỗi lần kiểm tra, khách sạn luôn tiếp thu tốt các hướng dẫn của cơ quan chức năng để ngày càng hoàn thiện hơn. Ở lần kiểm tra này, khu vực bếp của khách sạn được nâng cấp một số chỗ và hiện đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Qua kiểm tra, đoàn đánh giá, nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, đại diện khách sạn cũng đã cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan đến công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn TP từ nay đến Tết Trung thu.
"Trong đó, đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra nguyên liệu đầu vào, toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân và kiến thức của người sản xuất bánh Trung thu” - ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không mua các loại bánh Trung thu “siêu rẻ” hay giảm giá trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay những sản phẩm trôi nổi, hàng lậu. Người dân chỉ nên mua các sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng.
Ngoài ra, khi mua bánh, người tiêu dùng cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất.
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-kiem-tra-chat-luong-banh-trung-thu-tai-khach-san-sofitel-legend-metropole.html)
*Nhân rộng các mô hình an toàn thực phẩm
Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các mô hình về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này, cần sự tham gia của cả cộng đồng, từ chính quyền địa phương đến người dân trong việc chấp hành những quy định về an toàn thực phẩm.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện duy trì hiệu quả 2 mô hình: “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn huyện Thanh Trì”, "Tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát trên địa bàn huyện Thanh Trì”.
Cùng với đó, huyện duy trì Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025” năm 2024 tại tuyến đường trung tâm huyện (đường Nguyễn Bặc) và tuyến đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển. Đến nay, huyện đã tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở và cấp biển nhận diện cho 40/40 cửa hàng kinh doanh tổng hợp có kinh doanh trái cây không thuộc chợ và siêu thị.
Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”. Thực hiện đề án này, các cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và 100% ban quản lý các chợ đã ban hành quy chế quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 117 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ đã được cấp biển nhận diện bảo đảm an toàn thực phẩm. UBND huyện Thanh Trì cũng đã bố trí trạm xét nghiệm nhanh tại chợ Cầu Bươu (xã Tả Thanh Oai) để thực hiện xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ.
Tại huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, để giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm từ cơ sở, huyện tiếp tục duy trì các chuyên đề giám sát dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 31 xã, thị trấn và 2 tuyến phố văn minh trên địa bàn, gồm: Việt Long (xã Tản Lĩnh) và Hưng Đạo (thị trấn Tây Đằng); đồng thời duy trì mô hình tự nâng cao năng lực quản lý bếp ăn tập thể tại Trường Tiểu học Tây Đằng B, Trường Tiểu học Vật Lại và mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể của 25 trường tiểu học trên địa bàn.
Đặc biệt, huyện đã duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 31 xã, thị trấn. Với mô hình này, Tổ giám sát tư vấn thực hiện giám sát 100% bữa cỗ do gia đình tự nấu trước và trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm; hướng dẫn thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người.
Do thực hiện tốt các chương trình, đề án, mô hình điểm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm, nên từ đầu năm 2024 đến nay, tại các huyện Thanh Trì, Ba Vì không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được tăng cường triển khai đồng loạt từ huyện xuống xã và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, hạn chế tối đa sự chồng chéo.
Việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm đã tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở; nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng cao rõ rệt.
Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm
Từ nay đến cuối năm 2024, dự báo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; quyết tâm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, các ngày lễ lớn, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và triển khai có hiệu quả các mô hình và đề án điểm về an toàn thực phẩm; tiếp tục rà soát, thống kê danh sách, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở về thủ tục hành chính trong quá trình xin cấp phép hoạt động theo đúng quy định; tăng cường công tác hậu kiểm sau quá trình cấp phép.
Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín Trần Ngọc Tuân, huyện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Mặt khác, huyện tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và xử lý nghiêm những vi phạm; tổ chức xét nghiệm nhanh; lấy mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, kịp thời phát hiện các mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng điều tra, xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho rằng, các địa phương cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó là phát triển vùng rau an toàn, quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý chợ, siêu thị; tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về an toàn thực phẩm đã được phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
(https://hanoimoi.vn/nhan-rong-cac-mo-hinh-an-toan-thuc-pham-675024.html)
*Chủ động phòng ngừa bệnh tăng huyết áp
Theo chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành, có tới gần 60% người từ 18 tuổi trở lên bị tăng huyết áp nhưng không biết tình trạng bệnh của bản thân. Trong khi đó, đối với những bệnh nhân tăng huyết áp, chỉ có 20% kiểm soát được tình trạng bệnh.
Thống kê từ Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy, khoảng 25 - 47% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này. Đáng báo động hơn khi số người tăng huyết áp mà không biết mình bị tăng huyết áp chiếm tỷ lệ tới 50% và số người tăng huyết áp được kiểm soát tốt cũng chỉ đạt khoảng 1/3.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp.
Theo chuyên gia, quan điểm trước đây cho rằng, cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, mặt đỏ bừng, béo... là sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện các triệu chứng này thì người bệnh bị tai biến nặng nề. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp một cách tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Tăng huyết áp chỉ được phát hiện bằng việc đo huyết áp người bệnh do nhân viên y tế thực hiện. Đây là một hành động đơn giản, nhanh gọn và không hề đau đớn, người dân có thể phát hiện tăng huyết áp dễ dàng bằng cách khám sức khỏe định kỳ.
“Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây nên tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong. Trong đại đa số các trường hợp, tăng huyết áp xảy ra không có triệu chứng gì, chính vì vậy mà nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”“- PGS Nguyễn Sinh Hiền lý giải.
Nguy cơ hơn nữa là tại nước ta, rất nhiều trường hợp tự ý bỏ thuốc khi đang điều trị tăng huyết áp. Theo BS Vũ Duy Minh - Khoa cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), hàng ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận và xử trí cấp cứu cho hàng trăm người bệnh, trong đó có không ít các trường hợp đến cấp cứu vì những biến chứng của bệnh tăng huyết áp.
Tuy nhiên, khi khai thác kỹ quá trình dùng thuốc của bệnh nhân, được biết nhiều người đang uống thuốc điều trị, huyết áp ổn định, sức khỏe tốt, tưởng mình khỏi bệnh nên đã tự dừng uống thuốc. Có trường hợp không dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để điều trị mà dùng thuốc lá sắc uống hoặc các loại thuốc viên tán do tin vào quảng cáo trên mạng, những lời truyền miệng. Hầu hết những trường hợp này đều nhập viện rất muộn, khi hậu quả đã nặng nề.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh với chế độ ăn hợp lý, người dân nên ăn dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi (vì chất xơ có trong rau quả có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp); nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Vì vậy, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp, tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày, ít nhất 3-4 lần/tuần.
Đặc biệt, không hút thuốc lá hoặc thuốc lào; hạn chế uống bia rượu; tránh các lo âu, căng thẳng; sống tích cực, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; không thức khuya, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và đúng giờ.
Cần theo dõi huyết áp đều đặn, với những người khoẻ mạnh, dù không bị tăng huyết áp cũng cần kiểm tra huyết áp ít nhất hai lần mỗi năm để phòng ngừa bệnh.
Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức 140/90 mmHg là tăng huyết áp. Trong trường hợp mắc tăng huyết áp, cần dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
(https://daidoanket.vn/chu-dong-phong-ngua-benh-tang-huyet-ap-10288178.html)
*Chương Mỹ: Chủ động các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết
Thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đồng thời khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng, chống bệnh cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Vừa qua, Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do đồng chí Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Trước khi làm việc với Ban chỉ đạo huyện, Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại thôn Chúc Đồng 2, xã Thụy Hương - đây là địa bàn có ổ dịch sốt xuất huyết cũ lưu hành, với số ca mắc cao trong năm 2023 là hơn 80 ca.
Từ đầu năm 2024 đến nay xã Thụy Hương ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết, thì chỉ có 1 ca mắc mới, còn 9 ca chuyển tiếp từ 2023. Toàn xã không ghi nhận ổ dịch.
Qua kiểm tra, đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng, chống dịch xã Thụy Hương; sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể, lực lượng xung kích diệt bọ gậy của xã và sự tham gia của nhân dân, nhờ vậy công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đã đạt được kết quả tốt.
Đồng thời, đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố lưu ý xã Thụy Hương không được chủ quan lơ là do có ổ dịch cũ; cơ bản công tác diệt bọ gậy đã được xã chủ động thực hiện hiệu quả do thả cá sớm vào các bể nước ăn của người dân và tổ chức hiệu quả các đợt tổng vệ sinh môi trường, song qua kiểm tra vẫn còn các ổ bọ gậy trong hộ dân và đây là nguy cơ gây dịch bệnh. Tiếp đó, đoàn đã về kiểm tra kho vật tư y tế sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh của Trung tâm Y tế huyện.
Đối với toàn huyện Chương Mỹ, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 51 ca sốt xuất huyết, tăng 4 ca so với cùng kì, chưa ghi nhận ổ dịch. Thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã đã tích cực các hoạt động nhằm phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả.
Cụ thể, huyện đã tổ chức 5 đợt tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, 1 đợt tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch, bệnh trong trường học; các địa bàn có chỉ số bọ gậy BI cao, huyện chỉ đạo tổ chức tổng vệ sinh môi trường thường xuyên hằng tuần để đưa chỉ số số bọ gậy về ngưỡng an toàn. Song song với đó, huyện Chương Mỹ cũng đã triển khai chiến dịch thả cá tại 7 xã: Phụng Châu, Hoàng Diệu, Thụy Hương, Lam Điền, Thị trấn Chúc Sơn, Quảng Bị, Nam Phương Tiến, với tổng số cá được thả 155kg.
Đặc biệt, huyện Chương Mỹ củng cố và duy trì 652 Đội xung kích diệt bọ gậy, với 1.754 thành viên và 252 Tổ giám sát, với 565 thành viên ở tất cả các thôn, xóm trong toàn huyện. Bên cạnh đó, Chương Mỹ cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia công tác tổng vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết qua nhiều kênh như truyền thông trực tiếp, trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội...
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo huyện Chương Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Khổng Minh Tuấn đã thông tin khái quát tình hình dịch bệnh hiện nay trong cả nước và ở thành phố Hà Nội. Trong đó, Chương Mỹ là huyện cũng có nhiều dịch bệnh như: Sốt xuất huyết; tay chân miệng, sởi, thủy đậu, ho gà… song đoàn kiểm tra đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay.
Đặc biệt, gần đây huyện cũng đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi ngập úng, do đó không có dịch bệnh xảy ra tại đây. Một số ca mắc bệnh viêm kết mạc, tiêu chảy, bệnh ngoài da rải rác tại các xã đã được khám và cấp thuốc điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm vẫn là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và một số dịch bệnh khác do đó, đồng chí Khổng Minh Tuấn đề nghị huyện tiếp tục duy trì chặt chẽ công tác kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh; duy trì hiệu quả công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và mô hình thả cá, nhất là các khu vực có nguy cơ cao để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, huyện Chương Mỹ cần chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học trước thềm năm học mới; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh để nâng cao tính chủ động, tự giác thực hiện công tác phòng bệnh trong nhân dân.
(https://laodongthudo.vn/chuong-my-chu-dong-cac-bien-phap-phong-chong-sot-xuat-huyet-175434.html)
*Phòng chống sốt xuất huyết phải từ cộng đồng
Theo CDC Hà Nội, đang là cao điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bởi thời tiết mưa nắng thất thường, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng chưa được người dân duy trì.
Bà Đoàn Thị Vĩnh là cộng tác viên phòng chống dịch của xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Hàng tuần, bà đi đến từng nhà để kiểm tra các bể nước xem có thả cá hay chậu hoa cây cảnh có còn nước tồn đọng hay không.
Bà Đoàn Thị Vĩnh kể: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền cho các hộ gia đình dọn dẹp hoặc là có muỗi thì sẽ thường xuyên kiểm tra nhà mình, mắc màn khi đi ngủ”.
Nhờ những cộng tác viên như bà Vĩnh và chính quyền địa phương tổ chức ba đợt thả cá diệt bọ gậy nên từ đầu năm đến nay, xã Thuỵ Hương mới ghi nhận 10 ca sốt xuất huyết, đều đã khỏi bệnh.
Ông Dương Đắc Lân - Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, cho hay: “Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các tổ xung kích mỗi tháng ít nhất một lần đến từng hộ để diệt bọ gậy. Chúng tôi đã tuyên truyền năm 2024 được 32 chương trình phát thanh. Đối với các nhà trường, chúng tôi muốn thay đổi ý thức các cháu học sinh, đưa nội dung này vào các buổi học ngoại khóa để các cháu nhận thức được việc phòng chống sốt xuất huyết không phải của riêng chính quyền địa phương mà phải là của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân”.
Tháng 8 đến tháng 10 là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết. Tuần qua, toàn thành phố đã ghi nhận 188 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 17 trường hợp so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận gần 1.800 ca bệnh sốt xuất huyết.
(https://hanoionline.vn/video/phong-chong-sot-xuat-huyet-phai-tu-cong-dong-259034.htm)
*Hành trình Đỏ 2024 thúc giục hàng trăm ngàn trái tim nhân ái hiến máu, thu về trên 128.000 đơn vị
Trải qua 58 ngày, Hành trình Đỏ lần thứ XII năm 2024 đã tổ chức được 431 điểm hiến máu tại 51 tỉnh/thành phố, tiếp nhận 128.119 đơn vị máu; trung bình mỗi buổi tổ chức đạt gần 300 đơn vị máu.
Đó là những kết quả nổi bật được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Hành trình Đỏ lần thứ XII năm 2024 diễn ra sáng nay - 16/8 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hành trình Đỏ năm 2024 do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, các Trung tâm Truyền máu, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện – Hội Chữ thập đỏ 51 tỉnh/thành phố tổ chức. Chương trình trải qua 58 ngày kéo dài từ 1/6 - 28/7.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2024 nhấn mạnh: Hành trình Đỏ - chương trình vận động hiến máu với sứ mệnh "Kết nối dòng máu Việt" đã được tổ chức trong suốt 12 năm qua. Năm nay, những thanh âm của Hành trình Đỏ tiếp tục vang lên tại 51 tỉnh/thành phố, những sắc màu của Hành trình Đỏ đã tô thắm trên mọi nẻo đường, thúc giục hàng trăm ngàn trái tim nhân ái trên khắp dải đất hình chữ S cùng tham gia vào chương trình hiến máu, chiến dịch vận động hiến máu có quy mô lớn nhất, hiệu quả nhất Việt Nam.
Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2024 Nguyễn Hà Thanh cũng cảm ơn các địa phương đã quan tâm, ủng hộ, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và đầy sáng tạo trong công tác tổ chức Hành trình Đỏ. Đồng thời cảm ơn các Trung tâm Truyền máu, bệnh viện, cơ sở y tế đã chung tay, góp sức trong công tác tiếp nhận máu, điều phối máu hiệu quả và cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các đơn vị tài trợ.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức thành công 11 kỳ Hành trình Đỏ với thông điệp "Giọt hồng Khánh Hòa chung sức vì biển đảo quê hương.
"Mỗi năm tỉnh Khánh Hòa vận động được gần 25.000 người đăng ký hiến máu, tiếp nhận được trên 20.000 đơn vị máu. Riêng Hành trình Đỏ đã vận động gần 4.000 người đăng ký hiến máu, tiếp nhận trên 3.000 đơn vị máu phục vụ kịp thời cho nhu cầu điều trị tỉnh và điều tiết hỗ trợ máu cho địa phương khác"- ông Đinh Văn Thiệu nói thêm.
Theo TS.BS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phó Trưởng Ban tổ chức, Hành trình Đỏ năm 2024 tiếp tục đáp ứng 5 mục tiêu đề ra, đó là: Truyền thông, giáo dục sức khỏe về hiến máu tình nguyện, góp phần giảm thiểu và khắc phục tình trạng thiếu máu dịp hè, cơ hội để "thao diễn" công tác vận động, huy động, tiếp nhận máu số lượng lớn, thực hiện điều tiết máu giữa các địa phương, đồng thời lan tỏa tinh thần nhân đạo, yêu thương, trách nhiệm xã hội.
Hành trình Đỏ lần thứ XII – năm 2024 đã tổ chức được 78 điểm hiến máu chính thức, tiếp nhận 41.847 đơn vị máu và 353 điểm hiến máu hưởng ứng, tiếp nhận gần 86.272 đơn vị. Tổng cả các điểm chính và ngày hưởng ứng diễn ra trong 58 ngày tại 51 tỉnh/thành phố là 431 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 128.119 đơn vị máu; trung bình mỗi buổi tổ chức đạt gần 300 đơn vị máu.
Các ngày hội hiến máu của Hành trình Đỏ không những được tổ chức thành công ở thành phố lớn, trung tâm của tỉnh, thành phố mà còn thực sự lan tỏa đến các đơn vị cấp huyện và nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình cũng nhận được sự chỉ đạo sâu sắc, sự quan tâm tham dự và trực tiếp hiến máu của nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương.
Bên cạnh hoạt động trọng tâm là hiến máu, các ngày hội Hành trình Đỏ đã thể hiện đậm nét sắc màu văn hóa của các dân tộc, là nơi để tôn vinh, ghi nhận những tấm lòng nhân ái – hiến máu cứu người. Nhiều hoạt động phong phú, đa dạng gây được ấn tượng tốt đẹp, tạo chiến dịch truyền thông cũng được các địa phương tổ chức chu đáo như: thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, thăm di tích lịch sử; diễu hành cổ động, tặng quà các hoàn cảnh khó khăn...
Công tác tuyển chọn, đào tạo, xây dựng lực lượng tình nguyện viên được nhiều địa phương chú trọng nhằm phát huy thế mạnh và vai trò của tình nguyện viên, tham gia các hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ tổ chức ngày hiến máu và đón tiếp, chăm sóc người hiến máu...
Sau 12 kỳ tổ chức, sự kiện đã diễn ra tại 59 tỉnh, thành phố, thu hút hàng triệu lượt người tham dự, tổ chức được 3.100 điểm hiến máu với gần 940.000 đơn vị máu được hiến tặng.
Ghi nhận những kết quả rất ấn tượng và đáng tự hào của Hành trình Đỏ năm nay, bà Bùi Thị Hòa, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định: Với những bước đi ban đầu còn khó khăn, thách thức, đến nay, công tác tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, hệ thống, hàng năm cứ đến Hành trình Đỏ là mang lại cảm xúc mới, thể hiện được sức sống, giá trị mà Hành trình Đỏ đem lại.
"Đặc biệt, các hoạt động của chương trình năm nay đã được Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện lồng ghép tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người"- bà Hòa nói..
Tại hội nghị tổng kết, Ban tổ chức cũng trao giấy chứng nhận cho Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố và các đơn vị tài trợ.
(https://suckhoedoisong.vn/hanh-trinh-do-2024-thuc-giuc-hang-tram-ngan-trai-tim-nhan-ai-hien-mau-thu-ve-tren-128000-don-vi-16924081616492804.htm)