*Y tế chất lượng cao sẽ được hưởng nhiều ưu đãi
Sau khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, các dự án đầu tư mới trên địa bàn Hà Nội về các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi. Mục tiêu là để xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, Luật Thủ đô 2024 mới ban hành nêu rõ định hướng phát triển, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn… Tính đến 20/5/2024, có 488/579 (84,28%) xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. 15 quận, huyện có 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia.
Những năm gần đây, Hà Nội đã tích cực thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư. Cụ thể, thành phố tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép và các thủ tục liên quan đến đầu tư y tế, giảm bớt giấy tờ và quy trình phức tạp; tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; nỗ lực đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thành phố thông minh…
Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại Hà Nội, ông Lê Anh Quân cho biết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư luôn là định hướng trọng tâm của thành phố để tạo nguồn lực thu hút đầu tư phát triển, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài việc thực hiện các ưu đãi theo quy định pháp luật về đầu tư, Hà Nội đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong một số lĩnh vực; trong đó có y tế (giảm 60% tiền thuê đất đối với 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; miễn tiền thuê đất đối với các quận, huyện còn lại khi đáp ứng đủ điều kiện).
Đáng chú ý, Luật Thủ đô 2024 vừa mới ban hành cũng nêu rõ định hướng phát triển và ban hành chính sách đối với y tế Thủ đô là: Phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn… Đặc biệt, Hà Nội luôn khuyến khích các đơn vị trong ngành đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là những sáng kiến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế; khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong việc cung cấp dịch vụ y tế và phát triển các dự án y tế...
"Hàng năm, thành phố luôn thực hiện công bố danh mục thu hút đầu tư, thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian tới, Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, ở thời điểm hiện tại, số lượng bác sĩ của TP là 16 bác sĩ/10.000 người dân; số lượng giường bệnh/10.000 dân đạt 31,6%. Hiện nay, có khoảng 20 dự án của các bệnh viện tư nhân đang làm thủ tục đầu tư tại Hà Nội; có 4 dự án được đưa vào hoạt động với khoảng 5.000 giường bệnh. Về các vấn đề liên doanh, liên kết, hợp tác trong công tác khám, chữa bệnh trong chuỗi cung ứng của y tế, thành phố luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển, đặc biệt rất quan tâm tới việc thành lập mới các cơ sở y tế chất lượng cao, hiện đại và các cơ sở khám, chữa bệnh tại các khu vực khó khăn về kinh tế.
(https://cand.com.vn/y-te/y-te-chat-luong-cao-se-duoc-huong-nhieu-uu-dai-i740869/)
Cùng nội dung thông tin:
*Hà Nội thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế
(https://baodautu.vn/ha-noi-thuc-day-hop-tac-cong---tu-trong-linh-vuc-y-te-d222648.html)
*Đã ghi nhận gần 53.000 ca mắc sốt xuất huyết
Chỉ trong 1 tuần, cả nước ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp, giảm so với cùng kỳ.
Theo thống kê, trong tuần từ 6-13/8, cả nước ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15%, số tử vong giảm 10 ca.
Cũng trong tuần qua, theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, vào khoảng 16 giờ ngày 8/8, Trung tâm y tế quận Lê Chân nhận được thông tin từ CDC Hải Phòng báo về, có trường hợp ca bệnh tên Bùi T.H.H, SN 1979 tử vong tại nhà riêng ở Thiên Lôi, quận Lê Chân với chẩn đoán sốc Dengue- viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Theo đó, Trung tâm y tế Lê Chân đã chỉ đạo khoa Kiểm soát bệnh tật xuống địa bàn phối hợp cùng Trạm Y tế tiến hành điều tra dịch tễ, giám sát, thu thập thông tin về ca bệnh và các trường hợp liên quan.
Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 2 - 9/8), toàn thành phố ghi nhận 188 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 17 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện; trong đó một số địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng có 27 ca, Hà Đông 10 ca, Phúc Thọ 6 ca mắc.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
CDC Hà Nội nhận định, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Liên quan đến phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết, tại hội nghị phòng chống dịch bệnh khu vực miền Trung diễn ra cuối tuần này, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Mới có 1 loại vaccine phòng bệnh này được cấp phép, chưa có sơ sở đề xuất đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà tài trợ là công ty sản xuất vaccine xem họ có thể hỗ trợ tiêm thí điểm cho vài tỉnh có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết cao hay không? Sau đó, khi có các sản phẩm vaccine mới, giá thành giảm sẽ tính đến chuyện có đưa vào tiêm chủng mở rộng hay không?
Trước mắt, các tỉnh phải truyền thông một cách hiệu quả cho người dân hiểu, xem việc diệt lăng quăng, bọ gậy là điều quan trọng để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó tại công điện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 của Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cho biết thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng;
Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…
Ngoài sốt xuất huyết, trong tuần qua số ca mắc tay chân miệng cũng tăng, trong tuần cả nước ghi nhận 1.041 trường hợp mắc. Tính từ đầu năm, cả nước ghi nhận 41.514 trường hợp mắc, chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng; so với cùng kỳ 2023, số mắc giảm 34%, tử vong giảm 19 ca.
Tại Hà Nội, tuần từ 2-9/8 Hà Nội ghi nhận 30 ca mắc tay chân miệng (giảm 10 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 1.777 ca tay chân miệng.
(https://suckhoedoisong.vn/da-ghi-nhan-gan-53000-ca-mac-sot-xuat-huyet-169240818093927442.htm)
*Cảnh báo tình trạng dùng thuốc bừa bãi
Tình trạng người dân tự ý dùng thuốc không theo chỉ định, dùng thuốc bừa bãi, dùng thuốc theo truyền miệng hoặc theo bác sỹ online đang gây nhiều hệ lụy khôn lường.
Theo bác sỹ Phạm Minh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội, cơ sở vừa điều trị cho nữ bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe do tự ý tiêm thuốc tránh thai.
Tại Bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị giảm nồng độ estrogen và testosterone, tăng prolactin. Việc thay đổi những chỉ số ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khiến bệnh nhân chán ăn, mệt mỏi, căng thẳng bực bội khó chịu.
Cũng về lạm dụng thuốc, hiện có tình trạng người dân lạm dụng các thuốc chứa corticoid. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, theo TS.Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, nhiều bệnh nhân viêm da đến khám tại bệnh viện có thừa nhận rằng, họ đã ra hiệu thuốc nói viêm da và được bán cho loại thuốc chứa 3 thành phần cả corticoid, kháng sinh, kháng nấm.
Thông thường thuốc chứa corticoid là thuốc kháng viêm không đặc hiệu, giúp giảm triệu chứng viêm da rất nhanh, tuy nhiên không phải viêm da nào cũng được chỉ định dùng loại thuốc này.
Chưa kể đến việc tự ý điều trị kéo dài, làm tổn thương trên da nặng hơn dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, thậm chí gây biến chứng.
Theo TS.Nguyệt, chính vì thuốc 3 thành phần có chứa corticoid bị lạm dụng tương đối nhiều nên đa phần bệnh nhân đến bệnh viện khi đã có tổn thương do tự điều trị trước đó tư vấn ở hiệu thuốc.
Trên thực tế, corticoid có tác dụng giảm viêm và có nhiều bệnh được kê loại thuốc này điều trị. Nhưng các bác sỹ da liễu thường không dùng loại thuốc 3 thành phần bởi những bệnh được kê loại thuốc corticoid thì thường không phải kê thêm thuốc kháng sinh, hay chống nấm, bởi việc lạm dụng gây nên những tác dụng phụ nhất định.
Không chỉ viêm da, mà hiện nay, việc tự ý dùng thuốc corticoid cho nhiều bệnh khác cũng đang bị lạm dụng. Các thuốc corticoid được ví như con dao hai lưỡi, bên cạnh các tác dụng điều trị bệnh, nó còn gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng không đúng liều, đúng cách.
Viêm mũi mạn tính với những triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở… thật sự rất khó chịu với người bệnh, chất lượng cuộc sống giảm rất nhiều, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thể chất cũng như cảm xúc, sức khỏe và tâm lý người bệnh. Đó cũng là lý do nhiều người bệnh lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch, dù biết điều đó không tốt nhưng để “qua cơn, cắt cơn”.
Chuyên gia khuyến cáo, nếu người bệnh nghẹt mũi kéo dài khoảng 2-3 tuần nên đi khám đúng chuyên khoa tai mũi họng để bác sỹ phát hiện kịp thời, chẩn đoán và điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Hạn chế tình trạng không khám đúng chuyên khoa nên bệnh điều trị không hiệu quả, gây bệnh chồng bệnh.
Về thuốc nhỏ mũi, người bệnh phải được bác sỹ kê đơn, không được tự ý sử dụng mà không có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 5 ngày không đỡ, người bệnh cần ngừng thuốc và tái khám để bác sĩ theo dõi điều trị.
Người bệnh không được lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch vì thuốc còn ảnh hưởng tới tim mạch, đặc biệt bệnh cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu, ảnh hưởng tới trí tuệ…
Ở người có cơ địa viêm mũi dị ứng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, cấu trúc cuốn mũi bẩm sinh… vốn đã rất dễ bị quá phát cuốn mũi nên khi lạm dụng thuốc càng có nguy cơ phải phẫu thuật.
Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng mạn tính, người bệnh nên quản lý tốt nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm mũi mạn tính do dị ứng, người bệnh cần tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa…
Hiện nay, xét nghiệm 60 dị nguyên giúp người bệnh biết chính xác người bệnh dị ứng với dị nguyên nào để từ đó phòng ngừa và kiểm soát bệnh tốt hơn.
Nếu viêm mũi dị ứng do nhiễm ký sinh trùng, người bệnh cần vệ sinh nơi ở và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày; tránh để cảm cúm, viêm mũi tái phát nhiều lần; nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.
(https://baodautu.vn/canh-bao-tinh-trang-dung-thuoc-bua-bai-d222674.html)
*Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ lừa dối người tiêu dùng
Việc quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ qua mạng, trong đó có hàng "xách tay" rất khó khăn; Mặt khác, do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo lừa dối..
Hình thức kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đa cấp trên môi trường mạng diễn ra sôi động và phức tạp
Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm sửa đổi để lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của văn bản này.
Một trong những thành phần của hồ sơ có báo cáo 12 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn từ 2010 - 1/2/2018 ngành y tế đã cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng: 30.454 sản phẩm
Giai đoạn từ 2/2/2018 đến nay, ngành y tế đã cấp: Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho 68.750 sản phẩm.
Theo Bộ Y tế, hiện vẫn chưa thống nhất các từ ngữ trong Luật An toàn thực phẩm và hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm trong sử dụng nhóm từ ngữ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "Thực phẩm chức năng", "Thực phẩm bổ sung", tuy nhiên sau khi dịch bệnh COVID-19 các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang diễn ra phức tạp. Vì vậy, các sản phẩm này cần được quan tâm quản lý chặt chẽ trong thời gian tới.
Một số khó khăn trong vấn đề quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh đó là hình thức kinh doanh đa cấp, kinh doanh trên môi trường mạng xã hội đang diễn ra sôi động và phức tạp.
"Đặc biệt quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng, trong đó có hàng "xách tay" lại càng khó khăn hơn, các hành vi vi phạm khó phát hiện, người bán hàng có rất ít hàng hoặc không có hàng, mà khi có người đặt mới lấy về, nên người tiêu dùng phải hết sức lưu ý lựa chọn sản phẩm.
Mặt khác, do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo sai sự thật lừa dối người tiêu dùng gây bức xúc dư luận xã hội"- Bộ Y tế nêu trong báo cáo.
Trên thực tế, theo Bộ Y tế còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp không tồn tại tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký (đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể, chuyển địa điểm khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý) đã gây khó khăn cho công tác hậu kiểm.
Cũng theo Bộ Y tế, phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Nhiều khó khăn trong quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ thực tiễn
Một khó khăn nữa trong công tác quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, theo Bộ Y tế, việc không quy định thời hạn hiệu lực giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm dẫn đến việc không kiểm soát được số lượng sản phẩm thực tế lưu thông trên thị trường, gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch, bố trí nguồn lực hậu kiểm.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm được phân công tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố đối với một số sản phẩm, tự công bố trực tuyến, các văn bản, tài liệu được gửi bản điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay phát sinh tình trạng sử dụng giấy tờ giả, scan màu để đưa vào hồ sơ công bố sản phẩm, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, quảng cáo truyền tiêu bằng miệng của người tham gia phân phối, kinh doanh đa cấp.
Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhiều khó khăn do các thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả được sản xuất ở nước ngoài mang về. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Hải quan, Biên phòng ngăn chặn từ biên giới thì mới có hiệu quả cao.
Tiếp đó, chưa có quy định về thu hồi, các trường hợp phải thu hồi giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (trường hợp doanh nghiệp không tồn tại, không kinh doanh hoặc hậu kiểm phát hiện vi phạm), hủy hiệu lực bản tự công bố và hồ sơ tự công bố sản phẩm.
Bộ Y tế cũng chỉ ra: Việc chưa quy định bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, HACCP…) đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung (thuộc nhóm thực phẩm chức năng), thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi là chưa phù hợp vì đây là các sản phẩm đặt biệt, khác với các sản phẩm thông thường, cần phải quản lý việc sản xuất chặt chẽ hơn.
Bộ Y tế cho hay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện nay cơ bản đã đầy đủ, tạo được hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực này.
Bên cạnh Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã ban hành các Thông tư liên quan để quản lý thực phẩm chức năng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định theo hướng quản lý chặt chẽ hơn về điều kiện sản xuất đối với cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng tại Việt Nam.
(https://suckhoedoisong.vn/nhieu-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-bao-ve-suc-khoe-lua-doi-nguoi-tieu-dung-169240818085456011.htm)