* Ngập lụt ở Hà Nội: Hơn 500 người mắc bệnh về da, 117 ca mắc bệnh mắt…
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến tuần này, tại các khu vực bị ngập lụt ở Hà Nội đã ghi nhận 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, 1 ca sốt xuất huyết.
Cán bộ y tế xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau nước rút tại một hộ gia đình
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội chiều 17-9 cho biết, với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường sau bão lũ.
Tính đến chiều ngày 15-9, trên địa bàn thành phố còn 15 quận/huyện, 101 xã/phường, 302 điểm ngập úng. Tổng số hộ gia đình bị ngập là 39.116 hộ, số hộ hiện còn ngập là 13.540 hộ, số hộ đã được xử lý môi trường là gần 24.000 hộ. Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chôn rác bị ngập, đã xử lý được 36 điểm.
Về tình hình dịch bệnh trong khu vực ngập lụt, theo báo cáo của Sở Y tế, đã có 508 bệnh nhân mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt, 1 ca mắc sốt xuất huyết.
Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450 kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4 kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường. Các trạm y tế bị ngập đều được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc, …tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức nhân dân địa phương.
Các đơn vị y tế địa phương đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hóa, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng như: tại huyện Quốc Oai phát 21 loại thuốc, huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc.
Tới đây, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu.
https://www.anninhthudo.vn/ngap-lut-o-ha-noi-hon-500-nguoi-mac-benh-ve-da-117-ca-mac-benh-mat-post589803.antd
https://kinhtedothi.vn/nganh-y-te-thu-do-xu-ly-moi-truong-phong-chong-dich-benh-sau-bao-lu.html
https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-tap-trung-xu-ly-moi-truong-phong-chong-dich-benh-sau-bao-ngap-post977337.vnp
* Ngành Y tế Hà Nội trao tặng thuốc, vật tư y tế hỗ trợ vùng lũ
Chiều 17/9, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng đã đi thăm, trao tặng thuốc, vật tư y tế thiết yếu hỗ trợ cho các Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa và huyện Mỹ Đức để cấp phát, điều trị cho người dân trên địa bàn vùng bị ngập lụt.
Thay mặt ngành y tế Hà Nội, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng đã trao tặng 2.500 lọ nước muối sinh lý, 1.000 chai nước Oxy già, 500 lọ Cloramin B, 500 vỉ Vitamin C… và một số loại thuốc thiết yếu điều trị bệnh về mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa cho Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức để phục vụ nhu cầu dự phòng và điều trị bệnh thường gặp của người dân vùng bị ngập lụt. Toàn bộ số thuốc, vật tư y tế này do Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu ủng hộ, hỗ trợ ngành Y tế khắc phục cơn bão số 3.
Trao thuốc, vật tư cho các trung tâm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng hai đơn vị bố trí nhân lực thường trực và hỗ trợ cho người dân vùng bị ngập lụt; tiếp tục chủ động các điều kiện đảm bảo việc khám chữa bệnh, sơ cấp cứu người bệnh; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp sau mưa lũ, hướng dẫn vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, lưu ý, các đơn vị đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn khi nước rút, đảm bảo nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh môi trường đến đó.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa Đặng Anh Tuân, để khắc phục hậu quả mưa bão, đơn vị đã kịp thời cấp phát Cloramin B cho các trạm Y tế xã, thị trấn và hướng dẫn người dân khử khuẩn, xử lý ô nhiễm môi trường các khu vực bị ngập úng.
Riêng đối với các Trạm Y tế xã Phù Lưu, Trạm Y tế xã Hồng Quang bị ngập nước, Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa đã phối hợp chính quyền địa phương bố trí địa điểm phục vụ khám chữa bệnh cho người dân tại các nhà văn hóa thôn Phù Lưu Hạ, Phú Dư, Bài Hạ.... Toàn bộ tài sản, trang thiết bị y tế của các trạm y tế nêu trên đã di chuyển lên tầng cao để bảo quản an toàn.
Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Năm, tính đến sáng ngày 17/9, toàn huyện Mỹ Đức còn 12 xã, với 43 điểm bị ngập úng do nước dâng với khoảng 3.421 hộ bị nước tràn vào nhà, trong đó đã di dời 1.979 hộ dân vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn.
Để bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tại các khu vực này, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã bố trí các đội cấp cứu cơ động 24/24 giờ; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của trung tâm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, Trung tâm cũng phân công cán bộ y tế thường trực tại các điểm ngập úng, thực hiện khám cấp phát thuốc tại nhà cho những trường hợp mắc bệnh mạn tính, bệnh thông thường, hỗ trợ chuyển tuyến những trường hợp vượt quá khả năng. Đồng thời, cấp phát Cloramin B cho các xã, thị trấn, cử cán bộ y tế xuống tận nơi cấp phát, hướng dẫn người dân thực hiện khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
https://nhandan.vn/nganh-y-te-ha-noi-trao-tang-thuoc-vat-tu-y-te-ho-tro-vung-lu-post831491.html
https://laodongthudo.vn/tang-thuoc-vat-tu-y-te-thiet-yeu-cho-trung-tam-y-te-huyen-my-duc-va-ung-hoa-177610.html
* Báo động đỏ cấp cứu sản phụ đờ tử cung do rau tiền đạo, rau bong non
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã tiếp nhận và cấp cứu kịp thời một ca bệnh nặng được chuyển từ tuyến dưới lên.
Bệnh nhân là Lò Thị B, Sóc Sơn, Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất máu quá nhiều sau mổ đẻ lần đầu vì rau tiền đạo và rau bong non.
Khi được chuyển đến bệnh viện Phụ Sản Hà Nội bệnh nhân đã trong trạng thái mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt thấp khó xác định.
Ngay lập tức, Khoa Cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện và nhanh chóng xác định đây là trường hợp cấp cứu sản khoa nặng, bệnh nhân đang trong tình trạng sốc mất máu, có nguy cơ tử vong nếu không can thiệp khẩn trương.
Bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ, BSCKII Đỗ Xuân Vinh - Trưởng khoa A2 và các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, khoa Hồi sức tích cực chống độc tập trung hội chẩn bệnh nhân, xin ý kiến hội chẩn của Ths.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh – Phó giám đốc phụ trách chuyên môn.
Các bác sĩ vừa tiến hành hồi sức, vừa tiến hành truyền máu bổ sung vừa phẫu thuật kiểm tra nguyên nhân để cầm máu. Bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu do tổn thương dập nát cơ thẳng to và đờ tử cung gây chảy máu rất nhiều vào ổ bụng (ổ bụng có khoảng hơn 2000ml máu).
Sau khoảng 1giờ 30 phút giành giật sự sống cho người bệnh, ê kíp bác sĩ đã phẫu thuật thành công, cứu sống, bảo tồn được tử cung cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
BSCKII Đỗ Xuân Vinh khuyến cáo phụ nữ mang thai nên theo khám và theo dõi thai kỳ đầy đủ để chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lý. Các bệnh viện tuyến dưới cần hội chẩn sớm với bệnh viện tuyến trên và chuyển viện kịp thời.
https://suckhoedoisong.vn/bao-dong-do-cap-cuu-san-phu-do-tu-cung-do-rau-tien-dao-rau-bong-non-169240916224215218.htm