* Tiếp tục ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 53.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Các ca mắc SXH năm nay có chiều hướng nặng hơn so với mọi năm, đã ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh diễn biến nặng.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa ghi nhận trường hợp tử vong vì SXH tại TP Buôn Ma Thuột. Đây là trường hợp đầu tiên tại Đắk Lắk tử vong vì SXH tính từ đầu năm đến nay.
Bệnh nhân vừa tử vong nói trên là H.H.K. (nam, SN 2013, trú tại phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Thông tin ban đầu cho biết, trước đó 1 tuần, bệnh nhân K. xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, mệt nhiều và được người nhà cho uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không đỡ nên được đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm điều trị.
Sau 4 ngày, bệnh nhân diễn biến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán SXH Dengue nặng cuối ngày thứ 4 có sốc/thừa cân. Bệnh diễn biến nặng và bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán sốc SXH Dengue nặng cuối ngày thứ 5 tái sốc lần 1 có suy đa tạng nặng/thừa cân.
Được biết, từ cuối tháng 7 đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk, dịch SXH gia tăng rất nhanh với nhiều ổ dịch, điểm "nóng" về dịch bệnh. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.453 trường hợp mắc SXH.
Trước đó, tại Hải Phòng, theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, trên địa bàn cũng đã ghi nhận trường hợp ca bệnh sinh năm 1979 tử vong tại nhà riêng ở Thiên Lôi, quận Lê Chân với chẩn đoán sốc Dengue - viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Còn tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua cơ sở y tế này liên tục tiếp nhận những ca SXH Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin: Trung tâm tiếp nhận hàng chục ca SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo nhập viện. Điều khác biệt năm nay là khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… và các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… các ca SXH có vẻ như xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, SXH thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn nguy hiểm. Ở thời điểm này bệnh nhân không còn sốt nhưng sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch, từ đó bệnh nhân có thể sốc do cô đặc máu. Biến chứng này rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
ThS.BS Hà Huy Tình - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội) cũng nêu thực trạng: Phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại mà cho rằng bệnh đã khỏi. Thế nhưng, đối với SXH thì giai đoạn ngắt sốt mới chính là lúc nguy hiểm nhất. Đến khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Đồng thời, khi bắt đầu sốt, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau… Điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ mắc SXH, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm chẩn đoán phù hợp, trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ. SXH cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.
Muỗi vằn aedes egypti là nguồn lây bệnh chính. Muỗi thường sống ở các khu vực gần với nơi con người sinh sống, khu đô thị. Cần lưu ý xử lý, loại bỏ các khu vực tối tăm, ẩm thấp, môi trường nước đọng tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển. Ngoài ra cần phun thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi, sử dụng các thiết bị đuổi, bắt muỗi, lắp đặt lưới chắn muỗi cửa sổ và dùng màn khi ngủ.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay ở Việt Nam chưa có vaccine cũng như chưa có thuốc đặc trị cho SXH Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị SXH, người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Có thể uống Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau. Tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
(https://daidoanket.vn/tiep-tuc-ghi-nhan-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-10288254.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Sốt xuất huyết vào giai đoạn cao điểm, số ca nặng tăng
(https://baotintuc.vn/y-te/sot-xuat-huyet-vao-giai-doan-cao-diem-so-ca-nang-tang-20240819002919726.htm)
* Hà Nội ghi nhận 274 ca mắc sốt xuất huyết
Sáng 19/8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, toàn TP ghi nhận 274 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 86 trường hợp so với tuần trước (188/0). Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện.
Một số đơn vị ghi nhận nhiều ca mắc như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng. Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân: Phương Đình, Đồng Tháp, Thượng Mỗ, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội, Hà Đông; Liên Hiệp, Phúc Thọ.
Cộng dồn năm 2024, TP ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023 (4.508/0).
Trong tuần ghi nhận 15 ổ dịch sốt xuất huyết tại: Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ứng Hòa; tương đương so với tuần trước đó. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 87 ổ dịch, còn 28 ổ dịch đang hoạt động.
CDC Hà Nội nhận định, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh; kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch sốt xuất huyết tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; giám sát khu vực ổ dịch đang hoạt động tại Thanh Trì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Hà Đông.
Trong tuần này, CDC Hà Nội tiếp tục giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ tại: xã Văn Tự, huyện Thường Tín; xã Phương Đình, huyện Đan Phượng; xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên; phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng; xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai; xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết.
Các đơn vị tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài; thường xuyên chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao.
Đồng thời, các đơn vị phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch.
Ngoài ra, các Trung tâm Y tế cần tăng cường truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng…
Với các bệnh có vaccine, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ghi-nhan-274-ca-mac-sot-xuat-huyet.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà ở Hà Nội trong tuần qua đều tăng
(https://hanoimoi.vn/so-ca-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-ho-ga-o-ha-noi-trong-tuan-qua-deu-tang-675193.html)
* Xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết
(https://tuoitrethudo.vn/xu-ly-triet-de-ca-benh-o-dich-sot-xuat-huyet-257090.html)
* Hà Nội ghi nhận thêm 15 ổ dịch sốt xuất huyết mới, lo tay chân miệng khi trẻ tựu trường
(https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-ghi-nhan-them-15-o-dich-sot-xuat-huyet-moi-lo-tay-chan-mieng-khi-tre-tuu-truong-post586494.antd)
*Hà Nội, bệnh tay chân miệng có bùng phát thành dịch khi năm học mới cận kề?
(https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-benh-tay-chan-mieng-co-bung-phat-thanh-dich-khi-nam-hoc-moi-can-ke-169240819092120098.htm)
* Số ca ho gà tăng hơn 25 lần, sởi tăng 8 lần, Bộ Y tế đề nghị tăng cường phòng dịch
Trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Ngày 19-8, Bộ Y tế có Công văn số 4847/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến nay, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến ngày 14-8 ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi; trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca và đã có 3 ca tử vong. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, toàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Còn tại Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến ngày 16-8, ghi nhận 222 ca mắc ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học khiến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Trước thực tế đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường.
“Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. Đồng thời, thúc đẩy triển khai rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới. Cụ thể là bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo. Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý.
(https://hanoimoi.vn/so-ca-ho-ga-tang-hon-25-lan-soi-tang-8-lan-bo-y-te-de-nghi-tang-cuong-phong-dich-675202.html)
* Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả 100% khám, chữa bệnh hiểm nghèo
Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan...
Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo tác động chính sách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần 2, do Bộ Y tế dự thảo đang lấy góp ý.
Cụ thể, theo dự thảo này, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và có mức hưởng theo quy định khi thuộc các trường hợp:
- Người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
- Một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Người bệnh đã được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh mạn tính được chuyển về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký ban đầu hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn (cơ bản, chuyên sâu).
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hiện tại đạt 92,04% dân số. Tỷ lệ này cần tăng lên ít nhất 95% vào năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ.
Trong gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, chủ yếu tập trung vào nhóm phi chính thức như người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm thứ hai trở đi, người tham gia theo hộ gia đình.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4 triệu người tham gia bảo hiểm sức khỏe do các công ty bảo hiểm thương mại cung cấp hàng năm, nhưng nhiều người trong số này chưa tham gia bảo hiểm bắt buộc do nhà nước thực hiện. Tình trạng này gây lãng phí nguồn lực trong khi nhà nước vẫn phải đầu tư cho chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Bộ Y tế đánh giá, các chính sách trong luật Bảo hiểm y tế sửa đổi giúp bảo đảm cơ chế tài chính cho người dân, tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, của một số đối tượng được bổ sung, sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe và chất lượng sức khỏe của người dân.
Bộ Y tế dẫn chứng trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc.
Mỗi tuần phải đến bệnh viện ba lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức.
Từ đó sẽ dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như: giảm sức lao động, tăng nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội. Khi họ tham gia bảo hiểm y tế và được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí thì các khó khăn trên đã được giải quyết.
"Hiện nay, tính trên cả nước, tổng số lượng chạy thận nhân tạo được bảo hiểm y tế thanh toán là 4,3 triệu lượt/năm. Tổng chi phí được chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho thận nhân tạo chu kỳ là 2.400 tỷ đồng/năm.
Đây là dịch vụ có tỷ trọng chi lớn nhất từ quỹ bảo hiểm y tế. Vì vậy, nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, không được chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế, người dân sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn về mặt tài chính đặc biệt khi mắc các bệnh hiểm nghèo", Bộ Y tế nêu.
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-de-xuat-bhyt-chi-tra-100-kham-chua-benh-hiem-ngheo-20240819111100443.htm)
Cùng nội dung thông tin:
* Bộ Y tế đề xuất BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh ung thư, đột quỵ
(https://vietnamnet.vn/bo-y-te-de-xuat-bhyt-tra-100-chi-phi-kham-chua-benh-ung-thu-dot-quy-2312917.html)
* Thu hồi thuốc viên nén CALCERGY vi phạm mức độ 2
Sở Y tế Hà Nội ra thông báo thu hồi thuốc viên nén CALCERGY (Colchicine 1mg) do Công ty Windlas Biotech Private Limited (India) sản xuất, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dược phẩm Bình Minh nhập khẩu.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội ra thông báo thu hồi thuốc viên nén CALCERGY (Colchicine 1mg), số GĐKLH: VN-21821-19, số lô: WCY22001E, NSX: 1/6/2022, HD: 31/5/2025 do Công ty Windlas Biotech Private Limited (India) sản xuất, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dược phẩm Bình Minh nhập khẩu.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản số 2250/SYT-NVD thông báo thu hồi lô thuốc CALCERGY không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn Hà Nội.
Tuy nhiên, ngày 9/8/2024, Sở Y tế tiếp tục nhận được văn bản số 2764/QLD-CL của Cục Quản lý Dược về việc thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2.
Theo đó, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi toàn quốc thuốc viên nén CALCERGY (Colchicine 1mg), số GĐKLH: VN-21821-19, số lô: WCY22001E, NSX 1/6/2022, HD 31/5/2025 do Công ty Windlas Biotech Private Limited (India) sản xuất, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dược phẩm Bình Minh nhập khẩu.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dược phẩm Bình Minh phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén CALCERGY (Colchicine 1mg) và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Do vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc, cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn rà soát, thu hồi triệt để lô thuốc nêu trên; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi về Sở Y tế, Cục Quản lý Dược theo quy định.
Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị, cơ sở. Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
(https://tuoitrethudo.vn/thu-hoi-thuoc-vien-nen-calcergy-vi-pham-muc-do-2-257095.html)