* Hợp tác chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân lĩnh vực tai mũi họng-thính học
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Sở Y tế Hà Nội) và Hội Thính học Việt Nam tổ chức Ký kết hợp tác toàn diện về lĩnh vực tai mũi họng-thính học; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện một số kỹ thuật chuyên sâu.
Tại Lễ ký kết, bác sĩ chuyên khoa II Cao Đức Chinh, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba cho biết, là bệnh viện đa khoa hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, song song với việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, bệnh viện luôn chú trọng phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị.
Những năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba được Sở Y tế Hà Nội tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện chuyên khoa đầu ngành về răng hàm mặt và tai mũi họng. Do vậy, việc ký hợp tác với Hội Thính học Việt Nam trong lĩnh vực tai mũi họng-thính học, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Theo nội dung ký kết, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực tai mũi họng-thính học và sức khỏe cộng đồng với các hạng mục như: đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Hợp tác giúp khai thác các thế mạnh, tiềm năng về chuyên môn, kinh nghiệm của hai bên; nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ của bệnh viện; phối hợp với bệnh viện tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo khoa học, đào tạo liên tục, các hoạt động liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Xương, Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam cho biết thêm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba là đơn vị đầu tiên của Hà Nội hợp tác với Hội về lĩnh vực này. Bên cạnh các nội dung hai bên ký kết, trước mắt Hội sẽ chia sẻ về một số kỹ thuật chuyên sâu như: nội soi dưới nước, cấy điện cực ốc tai… nhằm nâng cao hiệu quả của phẫu thuật này.
Đồng thời, kỹ thuật này sẽ mang đến cơ hội học tập, hòa nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người suy giảm thính lực, nhất là trẻ em và người cao tuổi sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội.
https://nhandan.vn/hop-tac-cham-soc-toan-dien-cho-benh-nhan-linh-vuc-tai-mui-hong-thinh-hoc-post831682.html
* Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết sau mưa, bão
Do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua nhiều địa phương của thành phố Hà Nội rơi vào cảnh ngập lụt. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.
Các chuyên gia nhận định, nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trong thời gian tới nếu không triển khai các biện pháp phòng dịch chủ động và đồng bộ.
Gia tăng ca bệnh tại nhiều quận, huyện
Ngay trong tuần đầu tiên sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng hơn so với tuần trước đó. Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 6-9 đến ngày 13-9), toàn thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 37 ca so với tuần trước đó). Trong số các quận, huyện có nhiều bệnh nhân, đứng đầu là Đan Phượng với 57 ca, tiếp đến là Hà Đông 17 ca, Hai Bà Trưng 15 ca, Thạch Thất 15 ca… Ngoài ra, thành phố cũng có thêm 9 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 3 ổ dịch đang hoạt động tại thôn La Thạch (xã Phương Đình), thôn Thọ Vực (xã Đồng Tháp), cụm 1 (xã Hạ Mỗ) của huyện Đan Phượng; 2 ổ dịch tại phố Nghĩa Dũng (phường Phúc Xá, quận Ba Đình)…
Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vào thời điểm hiện tại, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng số ca mắc thường tăng lên vào mùa mưa. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm được coi là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết do thời tiết ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Hiện Hà Nội đã bắt đầu bước vào đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, những ngày qua, CDC thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do chịu ảnh hưởng của mưa lũ tại địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai… Dù sốt xuất huyết là dịch bệnh rất cũ nhưng lo ngại là mỗi đợt dịch lại có những khó khăn riêng. Một trong những khó khăn phải kể đến đó là khi nhiễm bệnh, người dân thường đến thẳng phòng khám hay bệnh viện tư, không vào bệnh viện công, không qua trạm y tế. Điều đó dẫn đến không thể giám sát được ca bệnh từ sớm và xử lý ổ dịch từ sớm. Trong khi nếu không xử lý ổ dịch từ 3 ngày đầu, để qua ngày thứ 5 thì nguy cơ sẽ bùng phát và nhân rộng. Khi ổ dịch đã tăng đến 10 bệnh nhân thì khả năng thành 20-30 bệnh nhân ngay sau đó là rất nhanh.
Diệt bọ gậy là biện pháp chống dịch bền vững
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Đan Phượng đã ghi nhận 810 ca mắc sốt xuất huyết. Đây cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất trong năm nay của thành phố. Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão số 3, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng đã khẩn trương triển khai phun khử khuẩn vệ sinh môi trường tại nhiều điểm bị ngập úng nặng trên địa bàn các xã: Hồng Hà, Trung Châu, Tân Hội. Ngoài ra, cán bộ y tế của huyện cũng tiến hành phun khử khuẩn môi trường, hướng dẫn người dân cách xử lý nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ…
Để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, theo ông Khổng Minh Tuấn, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra trong và sau ngập lụt; duy trì công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt các biện pháp xử lý môi trường, cách diệt bọ gậy.
“Diệt bọ gậy chính là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu. Do đó phải tuyên truyền, vận động làm sao để người dân tự giác diệt bọ gậy bằng các hành động nhỏ như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây… Như vậy sẽ hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, sau mưa lũ, các bệnh do vector truyền bệnh (vật chủ trung gian) như muỗi có nguy cơ phát sinh mạnh. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, nhiều người đã sai lầm khi chỉ phòng, chống muỗi đốt vào ban đêm. Trong khi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết lại đốt ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chập tối. Loại muỗi này thường trú đậu ở các góc tối, xó tối hoặc trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
“Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng chỉ đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch, trong. Do đó, nếu người dân quan niệm muỗi đẻ ở nơi bẩn, cống rãnh, chỉ chăm chăm khơi thông cống rãnh hôi thối, tù đọng thì hoàn toàn không phòng được sốt xuất huyết”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
https://hanoimoi.vn/chu-dong-phong-chong-sot-xuat-huyet-sau-mua-bao-678658.html
* Bộ Y tế yêu cầu trực 24/24h không để gián đoạn cấp cứu, điều trị cho người dân trong bão số 4
Bộ Y tế sáng nay - 19/9 đã có công điện về việc chủ động triển khai công tác y tế ứng phó bão số 4, trong đó yêu cầu tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân...
Trong công điện do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung, Bộ Y tế cho biết, theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm hôm nay - ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2024.
Hồi 07 giờ ngày 19/9/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.
Dự báo trong hôm nay, bão di chuyển theo hướng tây với tốc độ rất nhanh (khoảng 20-25km/h), tiến thẳng về các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam trong chiều nay.
Đến 16h chiều nay, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam, áp sát đất liền với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Căn cứ Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; Để chủ động ứng phó với bão số 4, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung khẩn trương thực hiện một số nội dung.
Trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương và Bộ Y tế về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động rà soát kế hoạch, phương án phòng chống bão lũ và triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão lũ phù hợp với diễn biến thiên tai, yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Đồng thời, tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, công tác an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra; sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.
Cùng đó, báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức và phối hợp triển khai nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế (Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế) (email: phongchongthientai@moh.gov.vn, ĐT: 0913431927 - Đ/c Nguyễn Huy Minh, Chuyên viên Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế).
https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-yeu-cau-truc-24-24h-khong-de-gian-doan-cap-cuu-dieu-tri-cho-nguoi-dan-trong-bao-so-4-169240919105259629.htm