*Tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 4849/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong.
Vi rút đậu mùa khỉ nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này. Bước đầu ghi nhận, một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong đợt dịch trước đó xảy trong năm 2022 - 2024.
Tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác, các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.
Ngoài ra, 4 nước giáp với Cộng hòa Dân chủ Công Gô (Burundi, Kenya, Rwanda and Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ đang xảy ra tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô.
Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ nhánh Ib. Trước diễn biến của dịch đậu mùa khỉ lần này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ ngày 14/8/2024.
Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và hạn chế xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, giảm tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các đơn vị lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có).
(https://laodongthudo.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-dau-mua-khi-175669.html)
*Hà Nội: Bảo đảm đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh
Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai, thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, cập nhật một số nội dung liên quan đến giá thuốc theo quy định Luật Giá năm 2023 và giao ban công tác dược quý III/2024. TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Phòng Nghiệp vụ Dược; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội; trưởng khoa dược, phụ trách dược của cơ sở khám, chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế.
Tại hội nghị, DSCKII Tô Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế) trình bày 3 nội dung cơ bản trong thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu; cập nhật một số nội dung liên quan đến giá thuốc theo quy định Luật Giá năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác dược quý IV/2024.
Đại diện các bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn; đa khoa Hà Đông; đa khoa Thạch Thất; đa khoa Mê Linh; Tim Hà Nội; Ung bướu Hà Nội... tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chuyên môn liên quan đến việc đảm bảo cung ứng thuốc tại các đơn vị.
Các cơ sở y tế cũng báo cáo kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2024 - 2025; kết quả hoạt động dược lâm sàng; một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác dược tại đơn vị từ đầu năm 2024 đến nay.
Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đề nghị thủ trưởng các đơn vị phát huy vai trò của người đứng đầu trong nghiên cứu, vận dụng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Luật Giá cũng như hướng dẫn của ngành Y tế đã ban hành để thống nhất triển khai thực hiện.
Các đơn vị rà soát kỹ danh mục thuốc, vật tư, thiết bị y tế, xây dựng kế hoạch chi tiết, phù hợp với đặc thù của công tác khám chữa bệnh của từng đơn vị.
TS.BS Nguyễn Đình Hưng cũng lưu ý các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số đối với lĩnh vực dược nhằm tối ưu hóa thời gian, minh bạch, công khai trong mua sắm và sử dụng thuốc hiệu quả, chống lãng phí, góp phần đáp ứng tốt nhất thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
(https://tuoitrethudo.vn/bao-dam-du-thuoc-phuc-vu-cong-tac-kham-benh-chua-benh-257160.html)
*Cấp cứu người đàn ông nguy kịch với vết thương thấu tim, thủng phổi
Theo thông tin của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Khoa Cấp cứu của bệnh viện cấp cứu một bệnh nhân trong tình trạng đa chấn thương nguy kịch, toàn thân tím tái, có hai vết thương gây đứt cơ cổ, một vết thương thấu ngực trái, thủng phổi…
Bệnh nhân 42 tuổi được đưa vào Khoa Cấp cứu của bệnh viện trưa 15/8 vừa qua trong tình trạng đa chấn thương: 2 vết thương cổ đứt cơ cổ, rách sụn giáp máu chảy ồ ạt; 1 vết thương thấu ngực trái gây đứt cơ liên sườn tổn thương thủng phổi và màng ngoài tim.
Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, toàn thân tím tái, khó thở, suy hô hấp SpO2 78%.
Nhận định đây là ca bệnh nặng, đe dọa tính mạng, kíp cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đã phát tín hiệu “báo động đỏ” toàn viện, báo cáo Ban Giám đốc, tiến hành hội chẩn liên khoa, liên viện và chuyển ngay bệnh nhân lên phòng phẫu thuật.
Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cũng lập tức liên hệ mời bác sĩ chuyên khoa lồng ngực mạch máu tuyến trên thuộc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn về hỗ trợ.
Trong quá trình phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh, các bác sĩ đã xử lý vết thương thấu ngực nhu mô phổi; làm sạch khoang màng phổi, màng tim, khâu lại và đặt dẫn lưu màng phổi. Vết thương cổ đã được cầm máu, khâu phục hồi sụn giáp, cơ ức giáp, cơ vai móng 2 bên…
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ, bệnh nhân đã được cứu sống, cầm máu, huyết động ổn định, hô hấp ổn định. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn điều trị tiếp.
ThS.BS Đỗ Đức Thắng, Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tham gia cùng ê kíp phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho biết, với tổn thương của bệnh nhân nói trên, nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời mà chuyển thẳng lên tuyến trên thì nguy cơ cao sẽ tử vong trên đường đi.
"Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã xử trí cấp cứu người bệnh rất kịp thời góp phần mang lại sự sống cho người bệnh", ThS.BS Đỗ Đức Thắng nói.
Việc cứu sống bệnh nhân kể trên là nhờ sự phối hợp tích cực, nhịp nhàng của ê kíp phẫu thuật với các khoa trong toàn Bệnh viện Đa khoa Đông Anh; cùng đó với sự hỗ trợ của tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đã làm chủ được các kỹ thuật, phẫu thuật ngoại khoa khó, phức tạp...
(https://tuoitrethudo.vn/cap-cuu-nguoi-dan-ong-nguy-kich-voi-vet-thuong-thau-tim-thung-phoi-257157.html)
*Sở Y tế Hà Nội: Tổ chức cuộc thi "Cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp"
Sở Y tế Hà Nội ban hành kế hoạch 3508/KH-SYT về tổ chức cuộc thi "Cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp" lần thứ I ngành Y tế Hà Nội năm 2024 với mục đích đảm bảo môi trường cơ sở y tế an toàn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Cuộc thi còn tạo phong trào thi đua xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, đồng thời phát hiện, khen thưởng các cơ sở y tế tiêu biểu để nhân rộng trong toàn ngành.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, kiểm nghiệm, xét nghiệm, kiểm định trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực tham gia cuộc thi "Cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp" lần thứ I và tổ chức cuộc thi nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo khách quan, công bằng, đánh giá đúng kết quả đạt được.
Thời gian tổ chức cuộc thi bắt đầu từ ngày 15/8/2024 đến 31/5/2025, bao gồm cấp cơ sở từ ngày 15/8 - 20/9/2024; cấp ngành từ ngày 20/9/2024 đến 15/1/2025; cấp Bộ từ ngày 1/2/2025 đến hết 31/5/2025.
Các cơ sở y tế tham gia cuộc thi sẽ tự chấm điểm kết quả thực hiện theo "Bộ tiêu chí cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp" trong Quyết định 5959/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế; quay video (thời lượng 7-10 phút) về thực tế triển khai Bộ tiêu chí và các sáng kiến cải tiến, hiệu quả từ việc áp dụng các sáng kiến đó; mời người bệnh, người nhà người bệnh, khách hàng, người liên hệ công tác tại cơ sở y tế tham gia khảo sát đánh giá cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp bằng hình thức quét mã QR do Ban Tổ chức cuộc thi cung cấp.
Các cơ sở gửi kết quả tự chấm điểm, kết quả đánh giá thực tế và video clip về Sở Y tế trước ngày 20/9/2024.
Sở Y tế sẽ thành lập Hội đồng giám khảo cuộc thi cấp ngành chấm và lựa chọn các cơ sở y tế tham gia cuộc thi cấp Bộ bao gồm: 1 cơ sở y tế tuyến tỉnh, 1 cơ sở y tế tuyến huyện, 1 cơ sở y tế tuyến xã, 1 cơ sở y tế tư nhân.
Thông tin về các cơ sở được lựa chọn gửi về Ban Tổ chức cuộc thi Bộ Y tế trước ngày 31/1/2025.
(https://tuoitrethudo.vn/to-chuc-cuoc-thi-co-so-y-te-xanh-sach-dep-257159.html)