*Nguy cơ bùng phát dịch, Bộ Y tế kêu gọi đưa trẻ đi tiêm phòng
Chiều 22/8, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024" với chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh" và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi.
Công tác tiêm chủng còn nhiều thách thức
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Hà Nội có số lượng đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng hàng năm rất lớn (trên 100.000 trẻ). Đây là những thách thức lớn đối với TP trong việc quản lý đối tượng tiêm chủng và đảm bảo tốt công tác tiêm chủng để không bỏ sót đối tượng.
Tuy nhiên, nhờ sự và cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, hoạt động tiêm chủng đạt được những kết quả tốt.
Đến năm 2024, tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có điểm tiêm chủng vaccine mở rộng Cùng với đó, khoảng trên 200 cơ sở tiêm chủng vaccine dịch vụ giúp người dân trên địa bàn TP đều có khả năng tiếp cận được với các loại vaccine giúp giảm thiểu số ca mắc các bệnh truyền nhiễm.
Nhờ đó, năm 2023, kết quả hoạt động tiêm chủng tại Hà Nội đạt được một số thành quả. Điển hình như trẻ em được quản lý trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia.
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt cho trẻ đủ 5 tháng và 9 tháng tuổi lần lượt là 98,1% và 96,4%; tỷ lệ tiêm vaccine DPT mũi 4 cho trẻ từ 18-23 tháng đạt 83,1%, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 98,5%...
“Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới, những thông tin sai lệch về tiêm chủng và sự giảm sút tỷ lệ tiêm chủng ở một số khu vực đang đe dọa đến thành quả mà ngành y tế đã dày công xây dựng” - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nhờ tiêm chủng vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Ước tính Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những Chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam. Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
Tuy nhiên, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, đại dịch Covd-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tiêm chủng.
Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại, lây lan và bùng phát.
Đặc biệt thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên
Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 với chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. “Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa tiêm hoặc chưa tiêm vaccine đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Với chiến dịch tiêm vaccine sởi, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị xây dựng, ban hành kế hoạch tiêm chủng bổ sung vaccine sởi-rubella, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng.
Các cơ sở tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine.
"Bộ Y tế đã ban hành quyết định triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024. Theo đó, chiến dịch sẽ tập trung triển khai tại các vùng có nguy cơ cao sau khi có kết quả đánh giá, rà soát nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện nay, đã có 18 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai. Đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1-10 tuổi nằm trong vùng có nguy cơ, chưa tiêm đủ mũi vaccine. Ngoài ra, chiến dịch cũng sẽ tiêm bổ sung cho đối tượng nhân viên y tế có nguy cơ mắc sởi.
Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF hỗ trợ hơn 1 triệu liều vaccine sởi - rubella để ứng phó dịch bệnh. Hiện việc triển khai tiêm vaccine đang ở giai đoạn 1, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố có đánh giá, bổ sung kế hoạch tiêm chủng để đưa vào giai đoạn 2, nhằm tránh bỏ sót các trường hợp cần tiêm chủng, bảo đảm bao phủ vaccine để phòng, chống dịch sởi bùng phát." - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương
(https://kinhtedothi.vn/nguy-co-bung-phat-dich-bo-y-te-keu-goi-dua-tre-di-tiem-phong.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Bộ Y tế kêu gọi đưa trẻ đi tiêm chủng thường xuyên và tham gia chiến dịch vaccine sởi để bảo vệ sức khoẻ
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-keu-goi-dua-tre-di-tiem-chung-thuong-xuyen-va-tham-gia-chien-dich-vaccine-soi-de-bao-ve-suc-khoe-169240822151526926.htm)
* Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi ở vùng có nguy cơ
(https://hanoimoi.vn/trien-khai-chien-dich-tiem-vac-xin-soi-cho-tre-tu-1-10-tuoi-o-vung-co-nguy-co-675566.html)
* Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi
(https://laodongthudo.vn/bo-y-te-phat-dong-chien-dich-tiem-chung-vac-xin-soi-175789.html)
* Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh
(https://nhandan.vn/chung-tay-tiem-chung-phong-chong-dich-benh-vi-mot-viet-nam-khoe-manh-post826226.html)
* Phát động chiến dịch tiêm vaccine sởi trên toàn quốc
(https://congly.vn/phat-dong-chien-dich-tiem-vaccine-soi-tren-toan-quoc-445164.html)
* Hơn 2.000 ca mắc sởi, 18 địa phương triển khai gấp chiến dịch tiêm vắc-xin
(https://nld.com.vn/hon-2000-ca-mac-soi-18-dia-phuong-trien-khai-gap-chien-dich-tiem-vac-xin-196240822145042856.htm)
* Phát động chiến dịch tiêm vắc xin sởi trên toàn quốc
(https://tuoitrethudo.vn/phat-dong-chien-dich-tiem-vac-xin-soi-tren-toan-quoc-257383.html)
* Chiến dịch tiêm chủng 2024: Chung tay vì sức khỏe trẻ em và cộng đồng
https://baotintuc.vn/y-te/chien-dich-tiem-chung-2024-chung-tay-vi-suc-khoe-tre-em-va-cong-dong-20240822163018011.htm)
* Bộ trưởng Y tế: Sẽ bổ sung vaccine Rota, phế cầu và ung thư cổ tử cung vào tiêm chủng mở rộng
(https://www.anninhthudo.vn/bo-truong-y-te-se-bo-sung-vaccine-rota-phe-cau-va-ung-thu-co-tu-cung-vao-tiem-chung-mo-rong-post586919.antd)
* Hội nghị trực tuyến hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng thế giới 2024"
(https://suckhoecongdongonline.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-huong-ung-tuan-le-tiem-chung-the-gioi-2024-d283870.html)
*Hà Nội: Chuyển 30 trung tâm y tế về UBND các quận, huyện, thị xã quản lý
UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định chuyển 30 trung tâm y tế thuộc Sở Y tế về thuộc UBND các quận, huyện, thị xã quản lý.
UBND thành phố giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các nội dung chuyển giao trung tâm y tế thuộc Sở Y tế về thuộc UBND các quận, huyện, thị xã; hướng dẫn Sở Y tế nội dung chuyển giao về tổ chức bộ máy, nhân sự; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, sắp xếp viên chức và người lao động sau tiếp nhận; rà soát, chuyển giao số lượng người làm việc (biên chế viên chức), hồ sơ, con dấu, tài liệu có liên quan đến viên chức, người lao động... của trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn trung tâm y tế tổ chức rà soát, thống kê, tổng hợp tổ chức bộ máy, số lượng viên chức, người lao động, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, trang thiết bị... và các nội dung liên quan khác của trung tâm để làm cơ sở xác định và thống nhất các nội dung bàn giao và tiếp nhận chi tiết.
Đồng thời bàn giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, số lượng viên chức, người lao động, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản, trang thiết bị... và các nội dung liên quan khác của trung tâm y tế cho UBND quận, huyện, thị xã.
Sau khi trung tâm y tế được chuyển giao về quận, huyện, thị xã, Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra trung tâm y tế về chuyên môn, nghiệp vụ; cấp phép hoạt động khám, bệnh chữa bệnh, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các nội dung tiếp nhận nguyên trạng trung tâm y tế. Thực hiện công tác bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền.
UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn trung tâm y tế bố trí, sắp xếp đội ngũ viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của đơn vị và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách theo quy định.
Chỉ đạo giám đốc trung tâm y tế tiếp nhận toàn bộ tài chính, tài sản của trung tâm để quản lý, sử dụng. Trên cơ sở đó thực hiện rà soát, sắp xếp lại, bố trí sử dụng nhà, đất và các tài sản khác theo quy định của pháp luật về tài sản công và pháp luật khác có liên quan.
Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng tài sản của trung tâm; bố trí, sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, trụ sở làm việc, hồ sơ, sổ sách, chứng từ, tài liệu, công nợ và các quyền lợi, nghĩa vụ khác... có liên quan đến tổ chức và hoạt động của trung tâm theo đúng quy định của pháp luật.
Các trung tâm y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã chính thức hoạt động kể từ ngày 1-10-2024.
(https://hanoimoi.vn/ha-noi-chuyen-30-trung-tam-y-te-ve-ubnd-cac-quan-huyen-thi-xa-quan-ly-675556.html)
* Công đoàn ngành Y tế Hà Nội: Tiếp tục tổ chức chương trình “Bữa cơm Công đoàn”
Ngày 22/8, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội phối hợp với Công đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh tổ chức chương trình “Bữa cơm Công đoàn” cho đoàn viên, người lao động nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho biết, “Bữa cơm Công đoàn” là dịp để Công đoàn cơ sở tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động.
“Bữa cơm công đoàn” có giá trị vật chất là 50.000 đồng/suất nhưng đảm bảo thực phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn của người lao động.
Trong không khí vui tươi, ấm cúng của "Bữa cơm Công đoàn", các đoàn viên, người lao động có cơ hội chia sẻ với lãnh đạo đơn vị những tâm tư, nguyện vọng của mình, từ đó cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm việc.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm mong muốn, thời gian tới, tổ chức Công đoàn tiếp tục phối hợp với chính quyền đơn vị thường xuyên tổ chức những "Bữa cơm Công đoàn", góp phần bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho đoàn viên, người lao động, giúp họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Nhân dịp này, Công đoàn ngành Y tế đã trao 10 suất quà hỗ trợ, mỗi suất gồm 1 túi quà và 1 triệu đồng tiền mặt cho 10 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh.
(https://tuoitrethudo.vn/tiep-tuc-to-chuc-chuong-trinh-bua-com-cong-doan-257393.html)
* Hà Nội: Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm bếp ăn trường học
Chiều 22/8, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hà Đông (Hà Nội), Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế quận đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học.
Nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm
Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong trường học luôn được thành phố Hà Nội chú trọng, triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về ATTP.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều tỉnh, thành đã xảy ra các vụ ngộ độc tập thể nổi cộm với số lượng hàng nghìn người mắc.
Từ năm 2010 đến 2023, TP Hà Nội đã xảy ra 28 vụ ngộ độc thực phẩm và 712 người mắc, không có ca tử vong. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2024, tại Hà Nội đã có 186 người bị ngộ độc thực phẩm, không có ca tử vong.
Mục đích của các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP và kiến thức, thực hành đúng về ATTP của các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để tăng cường phòng chống ngộ độc thức ăn, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học.
Cùng dự có đại diện Trung tâm y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông và hiệu trưởng, đại diện các trường học các cấp đóng trên địa bàn quận; trao đổi các nội dung của buổi tập huấn có đồng chí Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế).
Trong vai trò giảng viên của lớp tập huấn, đồng chí Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết: Được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo và gắn trách nhiệm doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể trường hợp của TP luôn được đẩy mạnh, chặt chẽ. Mục tiêu là 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát theo quy định, cụ thể trong năm 2023 đạt tỉ lệ 84,5% cơ sở được kiểm tra.
Đồng chí Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Ngộ độc thực phẩm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội. Đối với cá nhân, ngộ độc thực phẩm gây nhiều tốn kém như: Chi phí nằm viện, chi phí thuốc, chi phí cấp cứu, chi phí ngăn chặn bệnh, chi phí phục hồi sức khỏe...
Người dân có nguy cơ thất thoát thu nhập, ảnh hưởng sức khỏe, mất việc làm, xáo trộn sinh hoạt trong gia đình. Ngộ độc thực phẩm cũng gây tổn thất của Nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...
Trong năm 2023, qua công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các trường học được nâng cao hơn.
Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng
Tại buổi tập huấn, đại diện các trường học đã được đồng chí Lê Thị Hằng trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh; đồng thời đại diện các trường học đã có cơ hội trao đổi và hỏi đáp tại hội trường rất sôi nổi và tiếp thu được nhiều các kiến thức cơ bản.
Bếp ăn tập thể trường học cần đảm bảo an toàn thực phẩm trong suốt chuỗi cung cấp thức ăn (sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể); nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho người quản lý, chế biến thức ăn và cho người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể; lưu mẫu thức ăn theo quy định; lưu trữ các dữ liệu về bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể (nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm đã chế biến, hồ sơ sức khỏe, kế hoạch, báo cáo kêt quả kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm...). Các trường cần xây dựng phương án xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng, đồng chí Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguyên liệu, nhà trường cần có chứng chi (thẻ hàng) của bên cung cấp và kiểm tra nguyên liệu khi nhập như: Thực hiện kiểm thực 3 bước (trước khi nhập, trước khi nấu và trước khi ăn); kiểm tra bằng cảm quan và test nhanh (Rapid test...).
Qua buổi tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức về các quy tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ các văn bản pháp luật về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học năm 2024; góp phần nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của các học sinh.
(https://tuoitrethudo.vn/nang-cao-y-thuc-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-bep-an-truong-hoc-257376.html)