* Sức khỏe 2 bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Xanh-Pôn tiến triển tốt
Chiều 25/8, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đã đến thăm 2 bệnh nhân được ghép thận đặc biệt từ người cho chết não tối và đêm 24/8 được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn.
Theo thông tin nhanh từ Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn, 2 bệnh nhân được ghép thận gồm: Bệnh nhân nữ N.L P. (sinh năm 1982), địa chỉ tại Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội bị suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020; bệnh nhân nam D.V.T (sinh năm 1969), địa chỉ tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phát hiện suy thận từ năm 2012.
Đến nay, sau 12 tiếng thực hiện ca lấy và ghép tạng sức khỏe của hai bệnh nhân nêu trên đang tiến triển tốt, các chỉ số theo dõi cơ bản ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, lượng nước tiểu ra tốt. Đây là hai ca ghép thận thứ 54 và 55 của Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn kể từ khi kể từ khi bệnh viện triển khai ghép tạng vào năm 2013.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, đây là các ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện từ người cho chết não tại Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn, đánh dấu sự phát triển kỹ thuật ghép tạng của ngành Y tế Thủ đô. Ngoài Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn, theo kế hoạch dự kiến trong tháng 9/2024, Bệnh viện đa khoa Đức Giang sẽ thực hiện ghép thận từ người cho sống và từng bước hoàn thiện quy trình ghép thận từ người cho chết não.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng: Ghép tạng là một nghĩa cử vô cùng nhân văn, giúp cho người bệnh bị tạng suy có cơ hội thoát khỏi cửa tử, trở về cuộc sống bình thường. Ca bệnh hiến tạng ngày 24/8/2024, từ người chết não ít nhất cứu sống được 6 bệnh nhân cần được ghép tim, gan, thận, giác mạc.
Cụ thể, ghép gan cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; ghép tim cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh; giác mạc cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Được biết, hai ca ghép gan và ghép tim đã diễn ra an toàn vào ngày 25/8/2024; ghép giác mạc được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện những ngày tới.
(https://nhandan.vn/suc-khoe-2-benh-nhan-duoc-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-benh-vien-xanh-pon-tien-trien-tot-post826710.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Sau ghép thận từ người chết não hiến tạng tại Hà Nội, 2 bệnh nhân đã tỉnh táo
(https://suckhoedoisong.vn/sau-ghep-than-tu-nguoi-chet-nao-hien-tang-tai-ha-noi-2-benh-nhan-da-tinh-tao-169240825175858679.htm)
* Hà Nội: hai bệnh nhân ổn định sau ghép thận từ người cho chết não
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-hai-benh-nhan-on-dinh-sau-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao.html)
* Sức khoẻ hai bệnh nhân ghép thận đầu tiên từ người cho chết não tại Bệnh viện Xanh Pôn tiến triển tốt
(https://hanoimoi.vn/suc-khoe-hai-benh-nhan-ghep-than-dau-tien-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-benh-vien-xanh-pon-tien-trien-tot-675808.html)
* Sức khỏe 2 bệnh nhân được ghép thận từ người cho chết não ở BV Xanh Pôn ra sao?
(https://vov.vn/xa-hoi/suc-khoe-2-benh-nhan-duoc-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao-o-bv-xanh-pon-ra-sao-post1116698.vov)
* 12 giờ sau ca ghép thận ở Bệnh viện Xanh Pôn, hai bệnh nhân đã hồi phục tốt
(https://www.anninhthudo.vn/12-gio-sau-ca-ghep-than-o-benh-vien-xanh-pon-hai-benh-nhan-da-hoi-phuc-tot-post587223.antd)
* Sức khỏe 2 người được ghép thận từ người cho chết não tại Bệnh viện Xanh Pôn
(https://vtcnews.vn/suc-khoe-2-nguoi-duoc-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-benh-vien-xanh-pon-ar891689.html)
* BV Xanh Pôn: Sức khỏe của 2 bệnh nhân được ghép thận đã ổn định
(https://www.vietnamplus.vn/bv-xanh-pon-suc-khoe-cua-2-benh-nhan-duoc-ghep-than-da-on-dinh-post972459.vnp)
* Ca lấy, ghép tạng đặc biệt ở Hà Nội: Sức khỏe hai bệnh nhân tiến triển tốt
(https://baotintuc.vn/y-te/ca-lay-ghep-tang-dac-biet-o-ha-noi-suc-khoe-hai-benh-nhan-tien-trien-tot-20240825182037180.htm)
* Sức khỏe 2 bệnh nhân ghép thận từ người cho chết não tại Bệnh viện Xanh Pôn tiến triển tốt
(https://laodongthudo.vn/suc-khoe-2-benh-nhan-ghep-than-tu-nguoi-cho-chet-nao-tai-benh-vien-xanh-pon-tien-trien-tot-175925.html)
* Hà Nội lần đầu tiên lấy - ghép tạng từ người cho chết não | Hà Nội tin mỗi chiều
Ngày 24/8, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lấy đa tạng từ người cho chết não và triển khai hai ca ghép thận cùng lúc. Xanh Pôn trở thành bệnh viện đầu tiên của Hà Nội thực hiện việc lấy đa tạng và ghép tạng.
Trường hợp chết não hiến tạng là một thanh niên ngoài 30 tuổi bị tai nạn giao thông rất nặng, được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Đông Anh sang Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để tiếp tục cấp cứu, điều trị.
Tuy nhiên, nạn nhân không thể phục hồi, rơi vào tình trạng chết não. Sau ba lần chẩn đoán chết não và được sự đồng ý hiến tạng của gia đình, chiều 24/8, người hiến đã được đưa vào phòng mổ để lấy tạng. Người hiến đã hiến hai thận, một tim, một phổi, gan, hai giác mạc để ghép cho 6 bệnh nhân.
Người nhà bệnh nhân đã vượt qua nỗi đau, mất mát để thực hiện nghĩa cử cao đẹp tiếp tục gieo mầm sự sống cho bệnh nhân khác.
Với họ, “cho đi là còn mãi”. Kíp mổ, những thầy thuốc ở Bệnh viện Xanh Pôn cúi mình cảm ơn người thanh niên đã ra đi nhưng vẫn giúp tái sinh nhiều cuộc đời. Một phần cơ thể anh tiếp tục sống, lòng nhân ái và dũng cảm của gia đình anh đã tỏa lan.
Ca lấy tạng, ghép tạng tại Bệnh viện Xanh Pôn ngày 24/8 là cột mốc quan trọng đánh dấu việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng để tăng cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Trân trọng cảm ơn gia đình người bệnh, Tiến sĩ Nguyễn Đức Long nói rằng: "Ca hiến tạng đặc biệt này là minh chứng cho tinh thần nhân đạo và cống hiến vì cộng đồng. Nhờ vào quyết định dũng cảm của gia đình bệnh nhân, nhiều cuộc đời khác có cơ hội được cứu sống và tái sinh".
Theo số liệu của Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia, năm 2023, số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người. Việt Nam trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Ðông Nam Á. Nhưng số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng của người hiến còn sống, còn nguồn tạng lấy từ người chết não quá thấp (cả năm 2023 chỉ có 12 người và trong 6 tháng đầu năm 2024 có 12 người hiến chết não).
Vì thiếu nguồn tạng từ người cho chết não nên có tới 94% ca ghép là lấy nguồn tạng từ người hiến sống.
PGS, TS Ðồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn. Vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng (thận, gan, phổi, tim, tuyến tụy, giác mạc), còn người sống chỉ lấy và ghép được một bộ phận, chưa kể còn có những rủi ro về sức khỏe đối với người hiến sau hiến tạng".
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người đăng ký cũng như hiến mô, tạng tại Việt Nam còn thấp?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho hay: "Rào cản đầu tiên chính là nhận thức, khi phần lớn người dân vẫn có quan niệm "chết phải toàn thây", e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi chết, cùng đó là tâm lý sợ ảnh hưởng đến gia đình. Phần lớn người dân chưa nhận thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng. Ngoài ra, người dân còn chưa hiểu rõ về cách thức đăng ký hiến tạng".
Rào cản lớn thứ hai là về pháp lý.
Theo PGS, TS Ðồng Văn Hệ cho biết: "Hiện tại, chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về việc hiến, tặng mô, tạng, trong khi đó, một số vấn đề chuyên môn sâu, phức tạp thì trong luật ghi tương đối ngắn gọn, không cụ thể. Vì thế, vận động được người đăng ký hiến tạng đã khó, nhưng trăn trở hơn là rất nhiều trường hợp người đã đăng ký hiến tạng không may qua đời, bác sĩ vẫn không thể lấy được tạng hiến để cứu người. Thậm chí có những trường hợp, gần như cả gia đình đã đồng ý hiến tạng người thân chết não, nhưng đến phút cuối chỉ cần một người thân trong gia đình không đồng ý là toàn bộ ê-kíp lấy tạng phải dừng lại, người chờ ghép lại tiếp tục phải chờ may mắn lần sau".
Hiện cả nước mới có 26 bệnh viện tham gia mạng lưới bệnh viện vận động hiến mô, tạng, là quá ít. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nếu mạng lưới bệnh viện hiến được mở rộng thì sẽ có thêm nhiều tạng cho người cần ghép. Ðồng thời quá trình điều phối về việc hiến - ghép, cho - nhận tạng cũng sẽ thông suốt hơn giữa các bệnh viện, không cần phải chuyển người chết não tiềm năng tới bệnh viện khác để lấy mô, tạng vì việc chuyển viện sẽ tăng nguy cơ ngừng tim, khiến các tạng bị ảnh hưởng, dẫn tới không bảo đảm để ghép.
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong điều trị cho những người mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo. Một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng gồm: hai thận, hai gan, hai phổi, tim, tuyến tuỵ, giác mạc.
Còn người sống chỉ ghép được một bộ phận, và có bộ phận không bao giờ lấy được như tim, bên cạnh đó còn có những rủi ro về sức khỏe đối với người hiến sau hiến tạng. Trong khi đó, khái niệm về hiến tạng vẫn còn nặng nề trong nhận thức nhiều người dân nên công tác tuyên truyền, vận động là mấu chốt để thay đổi nhận thức.
Theo Ðại đức Thích An Ðạt, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, địa táng hay "chết toàn thây" không phải là quan niệm của nhà Phật. Vì thế, thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng về hiến mô, tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phối hợp Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đến các tỉnh, thành phố để kêu gọi, vận động các tăng, ni, phật tử đăng ký hiến mô, tạng; đồng thời tổ chức các hội thảo để phân tích cho người dân hiểu được việc hiến mô, tạng sau khi qua đời không ảnh hưởng gì đến tâm linh; đẩy mạnh truyền thông lan tỏa thông điệp từ bi hỷ xả của Ðức Phật.
Chị Nguyễn Trần Thùy Dương, thành viên Chi hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam và là mẹ của bé Hải An (bé gái 7 tuổi đã hiến giác mạc khi qua đời), cho rằng cần phải truyền thông hơn nữa việc hiến tặng mô tạng để cộng đồng hiểu hơn về nghĩa cử nhân văn này: "Bản thân tôi, tôi đã nói cho con gái nghe những câu chuyện hiến tạng từ khi con còn nhỏ. Vì vậy, dù con mới 7 tuổi nhưng đã muốn hiến giác mạc của mình để giúp những người khác có được ánh sáng. Tôi nghĩ rằng việc truyền thông là rất quan trọng để mỗi người hiểu hơn về hiến mô, tạng, trao lại sự sống cho những người bệnh khác".
Muốn nhiều người dân hiểu về hiến, tặng mô, tạng thì trước tiên phải đào tạo giới y khoa hiểu đúng, từ đó các nhân viên y tế tự tin có đủ năng lực để lan tỏa nghĩa cử, hành vi đúng đó tới cộng đồng.
Chính vì vậy, từ tháng 8/2024, nội dung đào tạo về ghép tạng, hiến mô tạng; Luật Hiến mô tạng; chết não, phát hiện và quản lý chết não tiềm năng được đưa vào chương trình đào tạo thường quy của Trường Đại học Y Hà Nội, sau đó mở rộng giảng dạy ở các trường đại học y khác.
Các quy định của pháp luật cũng cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não như điều kiện có thể hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng; chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.
Mặt khác, cần coi việc đăng ký hiến mô, tạng của mỗi người giống như di chúc, để đến lúc không may người đó bị chết não thì gia đình không thể can thiệp vào di chúc đó. Hoặc cần có quy định về gia đình chỉ bao gồm bố, mẹ, vợ, con để yêu cầu sự đồng ý của họ về việc hiến tạng của người chết não chứ không phải quy định như hiện nay.
"Cho đi là còn mãi", bởi sẽ có nhiều cuộc đời được hồi sinh và nhiều cái chết không chỉ "về với cát bụi" mà sẽ nhân thêm sự sống.
(https://hanoionline.vn/ha-noi-lan-dau-tien-lay-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-ha-noi-tin-moi-chieu-261064.htm)
* Bộ Y tế gia hạn đăng ký 730 thuốc
Ngày 25/8, theo thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ở đợt gia hạn giấy đăng ký lưu hành mới nhất này, có gần 800 sản phẩm thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị thông thường, thuốc phục vụ phòng chống dịch và thuốc có chứng minh tương đương sinh học.
(https://vnews.gov.vn/video/bo-y-te-gia-han-dang-ky-730-thuoc-132358.htm)
Cùng nội dung thông tin:
* Bộ Y tế gia hạn đăng ký gần 800 loại thuốc
(https://quochoitv.vn/bo-y-te-gia-han-dang-ky-gan-800-loai-thuoc-233711.htm)
* Bộ Y tế gia hạn đăng ký gần 800 loại thuốc
(https://vtcnews.vn/bo-y-te-gia-han-dang-ky-gan-800-loai-thuoc-ar891569.html)
* Bộ Y tế gia hạn đăng ký 730 thuốc, công bố 35 thuốc tương đương sinh học
(https://www.vietnamplus.vn/bo-y-te-gia-han-dang-ky-730-thuoc-cong-bo-35-thuoc-tuong-duong-sinh-hoc-post972433.vnp)
* Phong trào vệ sinh yêu nước góp phần hỗ trợ đạt được các mục tiêu về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch
Theo Bộ Y tế, các hoạt động thiết thực của phong trào vệ sinh yêu nước còn góp phần hỗ trợ để đạt được các mục tiêu về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với tấm lòng luôn hướng về con người và vì con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào "Vệ sinh yêu nước".
Đặc biệt, ngày 2/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về "Vệ sinh yêu nước" đăng trên báo Nhân dân số 1572 nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh với quan điểm "phòng bệnh hơn trị bệnh".
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ðảng và Nhà nước, sự tham mưu và tổ chức thực hiện tích cực, có hiệu quả của ngành y tế, những cố gắng của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng thông qua các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới"…
Nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ngày 26/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó chỉ đạo "Thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mỗi đơn vị, mỗi người dân".
Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng "Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân".
Chủ đề ưu tiên của các chiến dịch là giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, từ đó đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng khích lệ.
Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, thói quen, hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng đã có sự thay đổi cơ bản. Tỉ lệ người dân rửa tay với xà phòng tăng mạnh, 96% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng gần 12% so với năm 2012. Tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đã đạt 82%.
Đặc biệt, Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên là ba vùng đã đạt trên 72% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, vệ sinh trong cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã từng bước được cải thiện. Các kết quả này đã góp phần giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm gây dịch bệnh ở nước ta...
Chia sẻ tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, phát động cuộc thi Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp lần thứ I do Bộ Y tế phát động mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Các hoạt động thiết thực của phong trào vệ sinh yêu nước còn góp phần hỗ trợ để đạt được các mục tiêu về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước hiện nay đã cung cấp đủ nước sạch, có nhà vệ sinh sạch sẽ, bố trí cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường, thực hiện phân loại và tái chế chất thải nhựa, quản lý chất thải y tế theo đúng quy định…
Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình một số dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng ca mắc như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, sởi... trong khi nhiều người dân chưa có thói quen rửa tay với xà phòng, còn chủ quan trong việc lây truyền dịch bệnh và xem công tác vệ sinh phòng bệnh là của cán bộ y tế dẫn đến thường xuyên mắc lại một số bệnh như tiêu chảy, cúm.
Do đó, các chuyên gia y tế đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh tay trong môi trường bệnh viện có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phòng chống dịch bệnh lây lan.
(https://suckhoedoisong.vn/phong-trao-ve-sinh-yeu-nuoc-gop-phan-ho-tro-dat-duoc-cac-muc-tieu-ve-ve-sinh-moi-truong-phong-chong-dich-169240826034411004.htm)