* Không để thực phẩm bị hỏng, mốc đến tay người dân
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2472/ATTP-NĐTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do bão, lụt.
Trước tình hình thực tế diễn biến, ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng trũng thấp, sạt lở, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh khu vực miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp thực hiện các nội dung:
Đối với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn. Các đơn vị khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như: lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai…, bổ sung các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng.
Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.
Mặt khác, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với đơn vị y tế dự phòng, cơ sở điều trị và trạm y tế tăng cường công tác giám sát nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.
Khi phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý ngay, hạn chế tối đa ảnh hướng đến sức khỏe người dân.
Ngoài ra, các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng của T.Ư và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống khi được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt, không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.
Trước đó, nhằm bảo đảm nước sạch, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, quản lý chất thải sau bão số 3 và mưa lũ năm 2024, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với phòng y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đảm bảo nước sạch.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín. Các đơn vị tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.
Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng đến tay người dân.
https://kinhtedothi.vn/khong-de-thuc-pham-bi-hong-moc-den-tay-nguoi-dan.html
* Diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm trong trường học
Ngày 25/9, tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) diễn ra buổi diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học.
Đối với các nhà trường, công tác chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú cho học sinh luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tại buổi diễn tập, tình huống giả định được đặt ra là một trường học xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.
Theo đó, ngay sau khi xảy ra sự việc, các đội cơ động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm nhanh chóng phối hợp tổ chức sơ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân. Đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm, điều tra tình hình ngộ độc thực phẩm của bệnh nhân; điều tra thức ăn nguyên nhân, bữa ăn nguyên nhân, những người cùng ăn; lấy mẫu thực phẩm; xử lý vệ sinh môi trường.
Buổi diễn tập nhằm mô hình hóa công tác tổ chức chỉ đạo triển khai hoạt động điều tra, xử lý hiệu quả vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc trong trường học.
Buổi diễn tập giúp các đơn vị, trường học nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc theo đúng quy định. Qua đó, các nhà trường chủ động trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bếp ăn tập thể và có phương án xử lý nhanh chóng, phù hợp, hiệu quả khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra, cùng hướng tới mục tiêu “ Hãy chung tay phòng chống ngộ độc thực phẩm”.
Với 131 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập, hơn 50.000 học sinh, trên 40.000 suất ăn/ngày, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục luôn được UBND quận Ba Đình quan tâm, chú trọng. Quận thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan rà soát, kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào trường học.
Trung tuần tháng 8/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Ba Đình đã tiến hành kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Qua thực tế kiểm tra tại Trường Mầm non Họa Mi (phường Thành Công), Đoàn liên ngành kết luận trường đã chấp hành tốt các quy định và điều kiện về an toàn thực phẩm, như: khu vực bếp ăn được đầu tư khang trang, đồng bộ; thức ăn hàng ngày được lưu mẫu đầy đủ; 100% nguyên liệu thực phẩm truy xuất được nguồn gốc thông qua mã QR, đơn vị cung cấp thực phẩm đã chứng minh được đầy đủ xuất xứ và hóa đơn, chứng từ; bảng thông tin về khẩu phần ăn, thực đơn các bữa ăn, đơn giá... được niêm yết công khai.
Trước thềm năm học mới, UBND quận Ba Đình tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành giữa ngành Y tế và GD&ĐT.
https://kinhtedothi.vn/dien-tap-dieu-tra-xu-ly-ngo-doc-thuc-pham-trong-truong-hoc.html
* Bệnh viện Nhi Hà Nội sẵn sàng khám chữa bệnh
Bệnh viện Nhi Hà Nội đóng trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông đã sẵn sàng phục vụ khám chữa bệnh về chuyên khoa Nhi giảm tải cho Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đây là công trình trọng điểm của thành phố sẽ gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.
Bệnh viện Nhi Hà Nội đóng trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông rộng trên 67.000 m2, gồm một khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên. Đến nay, Bệnh viện đã hoàn tất các hạng mục của giai đoạn 1 đưa vào hoạt động 23 khoa, phòng. Khối chuyên môn gồm 16 khoa, trong đó có 11 khoa lâm sàng và 5 khoa cận lâm sàng.
Từ đầu tháng 10 tới, mỗi ngày, Bệnh viện sẽ đáp ứng khám chữa bệnh ngoại trú cho gần 1.000 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 200 người.
Bệnh viện Nhi Hà Nội quy tụ gần 200 y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực đến từ các bệnh viện lớn: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Trường Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện hạng một của thành phố, đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.
Bệnh viện Nhi Hà Nội đi vào hoạt động sẽ giúp cho gia đình có trẻ nhỏ được chăm sóc sức khỏe tốt nhất tại các quận huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Hoài Đức và vùng phụ cận. Điều này cũng giảm quá tải cho các bệnh viện Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (phường La Khê, quận Hà Đông) bày tỏ: "Bệnh viện Nhi Hà Nội hoàn thành là mong mỏi của người dân quận Hà Đông và vùng phụ cận. Người dân chúng tôi mong mỏi đã lâu giờ đã trở thành hiện thực trong chăm sóc sức khỏe cho các cháu nhỏ".
https://hanoionline.vn/video/benh-vien-nhi-ha-noi-san-sang-kham-chua-benh-268163.htm