*Bệnh viện Xanh Pôn ghép thận thành công từ người hiến tạng
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, lần đầu tiên thực hiện lấy tạng và cùng một lúc ghép thận cho hai bệnh nhân. Cả hai đang hồi phục tích cực.
Sau hai ngày, sức khỏe của hai bệnh nhân được ghép thận tiến triển tốt, các chỉ số theo dõi cơ bản ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, lượng nước tiểu ra tốt. Đây là hai ca ghép thận thứ 54 và 55 của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn kể từ khi bệnh viện triển khai ghép tạng 10 năm nay.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Long - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho hay: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện lấy tạng và ghép thận cho bệnh nhân. Đây là tiền đề để bệnh viện thực hiện ghép tạng trong thời gian tới”.
Có được sự thành công này là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ, nhân viên y tế bao gồm các ê-kíp lấy thận, ê-kíp rửa thận, ê-kíp ghép thận.
Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cho biết: “Sau thành công lấy tạng từ người hiến tạng và thực hiện ghép tạng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các bệnh viện đầu ngành về ghép tạng để triển khai thực hiện chuyên môn cao này tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang vào tháng 9 tới”.
Hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa, nhân văn. Một người nằm xuống, một sự sống khác được hồi sinh. Đây là sự cho đi nhưng còn mãi rất cần được nhân rộng.
(https://hanoionline.vn/video/benh-vien-xanh-pon-ghep-than-thanh-cong-tu-nguoi-hien-tang-261422.htm)
*Hơn 15.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 6 tháng năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Bình quân số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng).
Trong 6 tháng năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.
Nguyên nhân là do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc, liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chương trình giám sát an toàn thực phẩm được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh; cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó, chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Y tế.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, TP bảo đảm cung ứng 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại là nhập từ các địa phương khác và từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc là vấn đề quan trọng. Dự kiến, thời gian tới, TP tập trung vào kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học, xung quanh trường học và dịp Tết Trung thu.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nêu thực trạng về việc khó kiểm tra sản phẩm kinh doanh qua mạng, “khi phát hiện sai phạm nhưng đến kiểm tra thì địa chỉ không đúng hoặc đóng cửa, trang web không hoạt động nữa”.
Đồng quan điểm, đại diện Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, kiểm tra kênh thương mại điện tử còn khó khăn, "nhiều vật tư nông nghiệp được bán qua thương mại điện tử, kể cả sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành". Đây là thách thức đối với quản lý ATTP.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ đang tích cực triển khai chương trình OCOP, theo đó, đã công nhận 12.075 sản phẩm đạt chuẩn "OCOP 3 sao" trở lên, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (10.881 sản phẩm). Bộ đang hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030".
Còn theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, cơ quan Công an đã quyết liệt kiểm tra về an toàn thực phẩm. 6 tháng đầu năm, các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ)...
(https://kinhtedothi.vn/hon-15-000-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham.html)
*Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết tại huyện Phúc Thọ
Trong ít tuần qua, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phúc Thọ tăng cao. Tình hình dịch bệnh được đánh giá là còn rất phức tạp.
Vẫn còn tâm lý chủ quan
Theo thống kê của Phòng Y tế huyện Phúc Thọ, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện này đã ghi nhận ít nhất 90 ca mắc sốt xuất huyết; phân bố tại 13/21 xã, thị trấn, trong đó xã Liên Hiệp có số ca mắc nhiều nhất (25), tiếp đến là xã Hiệp Thuận 20 ca, Vân Nam 12 ca, Vân Phúc 7 ca…
Hiện, 12 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vẫn đang phải điều trị tại các cơ sở y tế. Trước đó, 78 bệnh nhân cũng đã phải nhập viện. Cho đến nay, toàn huyện Phúc Thọ vẫn còn 5 ổ dịch tại xã Liên Hiệp (2 ổ dịch); xã Hiệp Thuận, xã Vân Nam và thị trấn Phúc Thọ, mỗi đơn vị có 1 ổ dịch.
Đáng lo ngại, nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát còn có thể lớn hơn. Nguyên nhân, theo Trưởng phòng Y tế huyện Phúc Thọ Đinh Xuân Hanh là bởi đây đang là giai đoạn dịch sốt xuất huyết hoạt động mạnh; trong khi diễn biến thời tiết thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Bên cạnh đó, hiệu quả công tác diệt bọ gậy của đội xung kích tại các địa phương được đánh giá là chưa đạt hiệu quả mong đợi, vẫn sót nhiều ổ bọ gậy do ý thức phòng chống dịch bệnh của một số người dân chưa cao, chưa quan tâm đến các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng…
Trách nhiệm của chính quyền cơ sở
Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết là vấn đề rất nóng, được lãnh đạo huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm. Liên tục trong nhiều tuần qua, lãnh đạo huyện chủ trì giao ban để chỉ đạo, đôn đốc trực tiếp công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại cơ sở.
Trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã có cách làm hay. Đơn cử như tại một số xã, chính quyền mua cá, giao về cho cán bộ các thôn, xóm để thả vào những vị trí có khả năng phát triển bọ gậy để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ đánh giá, thời gian qua, các xã, thị trấn đã vào cuộc tích cực. Người dân đã có những thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, tinh thần quyết liệt thì chưa đồng đều tại các địa phương.
Trong thời gian tới, UBND huyện đề nghị Trung tâm Văn hoá, thông tin và thể thao huyện duy trì tuyên truyền 5 lần/ngày về tình hình dịch bệnh. Các xã, thị trấn cũng cần tăng cường truyền thông lưu động, nhất là các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết để người dân nhận biết.
“Ban chỉ đạo các xã, thị trấn cần hành động quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống, bởi có ngăn chặn được dịch hay không phục thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở và người dân. Huyện sẽ duy trì giao ban hàng tuần cho đến khi hết dịch…” - ông Kiều Trọng Sỹ nhấn mạnh.
UBND huyện Phúc Thọ cũng đề nghị ngành y tế cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng hóa chất, vật tư, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hóa chất, vật tư, trang thiết bị; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng.
“Để công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết mang lại hiệu quả thì ý thức của người dân là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngành y tế huyện kêu gọi mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, theo dõi sức khỏe và kịp thời đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị đúng phương pháp khi có dấu hiệu nghi ngờ…” - Trưởng phòng Y tế huyện Phúc Thọ Đinh Xuân Hanh.
(https://kinhtedothi.vn/ngan-chan-nguy-co-bung-phat-dich-benh-sot-xuat-huyet-tai-huyen-phuc-tho.html)
*An toàn hơn cho bếp ăn trường học
Trước thềm năm học mới 2024-2025, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học.
Qua đó, nâng cao năng lực quản lý và thực hành đúng về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; cũng như phòng, chống ngộ độc cho học sinh.
Khắc phục những tồn tại
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 4 nghìn bếp ăn tập thể trường học. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học luôn được đẩy mạnh. Qua kiểm tra, ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học được nâng cao hơn. Đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, có những bếp ăn vẫn còn một số tồn tại như: Điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng; chế độ vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định… Cùng với đó, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào bếp ăn có nơi chưa rõ ràng; người sản xuất, chế biến, kinh doanh không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trước thềm năm học mới 2024-2025, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý và kiến thức thực hành cho các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Với vai trò giảng viên của lớp tập huấn cho hơn 100 học viên là đại diện ban giám hiệu các trường học, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn bán trú của các trường học trên địa bàn quận Hà Đông, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết, ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chi phí điều trị của mỗi cá nhân, mà còn gây tổn thất cho Nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...
“Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho học sinh, các bếp ăn tập thể trường học cần tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từ khâu sơ chế, chế biến, đến bảo quản và sử dụng thực phẩm. Bên cạnh những kiến thức thực hành, qua các lớp tập huấn, cán bộ, nhân viên của các nhà trường còn được giải đáp cặn kẽ về việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và Luật An toàn thực phẩm như: Hồ sơ, trình tự thủ tục công nhận bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thực phẩm; các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm…”, bà Lê Thị Hằng nói.
Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm cho các trường có bếp ăn bán trú. Tại đây, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã hướng dẫn quy định về khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; về vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ; cách sử dụng và bảo quản thực phẩm…
Không để "lọt" thực phẩm mất an toàn
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng Trần Thị Phương Anh, hằng năm, các lớp tập huấn được tổ chức đã cung cấp các kiến thức, cập nhật những quy định mới về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh. Từ việc hiểu đúng, sẽ giúp họ thực hành đúng, tuân thủ đúng các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học.
Cùng với việc tập huấn, hướng dẫn thực hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến cũng yêu cầu Phòng Y tế và Phòng Giáo dục và Đào tạo của quận phối hợp đánh giá năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn cho các nhà trường và hoàn thành trước năm học mới. Mặt khác, cơ quan chức năng của quận tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất các bếp ăn tập thể, căng tin trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh cổng trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm và công khai để người dân biết. Tuyệt đối không để các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm đưa vào trường học.
“Giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… Riêng với các nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép về an toàn thực phẩm phù hợp với từng nhóm tuổi để qua đó mỗi học sinh biết cách tự phòng tránh ngộ độc thực phẩm”, ông Phạm Văn Chiến lưu ý.
(https://hanoimoi.vn/an-toan-hon-cho-bep-an-truong-hoc-675944.html)
*Cần vào cuộc quyết liệt hơn
Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã được các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội tập trung lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn của Thủ đô, tạo được những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Chỉ riêng trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra gần 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện 1.533 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xử phạt gần 4,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đến nay, trong tổng số hơn 500 chợ trên địa bàn thành phố mới có 22 trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa triệt để, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Khắc phục những hạn chế trên, ngày 16-8-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố. Theo đó, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng.
Mới đây, ngày 23-8-2024, phát biểu kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã và đang được giao. Đặc biệt, phải tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm, truyền thông để cảnh tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Thành ủy, thời gian tới các sở, ngành, địa phương của thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, trong đó chú trọng tăng cường thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng. Bên cạnh đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm...
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; qua đó, dần thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn.
Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
(https://hanoimoi.vn/can-vao-cuoc-quyet-liet-hon-675924.html)
*Hà Nội ghi nhận 17 ổ dịch sốt xuất huyết trong tuần
Thông tin từ CDC Hà Nội, trong tuần qua, từ ngày 16/8 đến ngày 22/8, toàn thành phố ghi nhận 234 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 40 trường hợp so với tuần trước đó.
Ca bệnh phân bố tại 28 quận, huyện. Trong đó, quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như Đan Phượng 63 ca, Thanh Oai 22 ca, Phúc Thọ và Hà Đông mỗi nơi 15 ca. Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận gần 2.300 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong, số mắc giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tuần TP vẫn phát sinh thêm 17 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Đống Đa, Đông Anh, Thạch Thất và Thường Tín, tăng 2 ổ dịch so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, TP có 104 ổ dịch, còn 34 ổ dịch đang hoạt động.
(https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-ghi-nhan-17-o-dich-sot-xuat-huyet-trong-tuan-169240827083652082.htm)
Cùng nội dung thông tin:
*Hà Nội ghi nhận thêm 17 ổ dịch sốt xuất huyết
(https://laodongthudo.vn/ha-noi-ghi-nhan-them-17-o-dich-sot-xuat-huyet-175977.html)
*Ổ dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng
(https://baove.congly.vn/o-dich-sot-xuat-huyet-tai-ha-noi-gia-tang-445572.html)