*Khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vaccine sởi
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chuẩn bị, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 trên địa bàn theo kế hoạch.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Bộ Y tế cho biết, Bộ đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi bảo đảm kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung.
Đối với các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai theo Kế hoạch của Bộ Y tế tại Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 cần khẩn trương chuẩn bị, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 trên địa bàn theo Kế hoạch.
Căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, tỷ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ theo quy mô quận/huyện, xã/phường, rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
Đồng thời thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 trường hợp mắc. Ngày 27/8, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố.
Theo Sở Y tế thành phố, trong bối cảnh từ tháng 5 đến nay, các bệnh viện ghi nhận khoảng 600 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện hơn 300 ca dương tính. Hơn 50% là bệnh nhân ở tỉnh, thành phố khác đến thành phố khám và điều trị. Trong một tháng qua, 3 trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng.
(https://nhandan.vn/khan-truong-trien-khai-chien-dich-tiem-hon-1-trieu-lieu-vaccine-soi-post827142.html)
Cùng nội dung thông tin:
*Bộ Y tế nhắc khẩn trương chuẩn bị, tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng hơn 1 triệu liều vaccine sởi
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-nhac-khan-truong-chuan-bi-to-chuc-trien-khai-chien-dich-tiem-chung-hon-1-trieu-lieu-vaccine-soi-1692408271708341.htm)
* Chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin sởi có gì khác biệt?
(https://nld.com.vn/chien-dich-tiem-hon-1-trieu-lieu-vac-xin-soi-co-gi-khac-biet-196240827182545319.htm)
* Quận Bắc Từ Liêm kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng bánh Trung thu
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Trung thu 2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bình Chung; Minh Ý; Đinh Thìn… trên địa bàn phường Xuân Tảo.
Qua ghi nhận thực tế, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đã tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP trong sản xuất bánh Trung thu.
Về nguồn gốc sản phẩm, hạn sử dụng của nguyên liệu, các cơ sở đã xuất trình được giấy tờ nguyên liệu đầu vào, các mặt hàng sản xuất bánh Trung thu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thông qua hoạt động kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân.
Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Ngà – Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc bảo đảm an toàn Tết Trung thu cho Nhân dân, UBND quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành tổ chức kiểm tra các hộ sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn quận.
Trong đó, đoàn chú trọng kiểm tra 2 phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo – là một trong những làng có nghề sản xuất truyền thống từ lâu đời.
Trước khi kiểm tra, UBND quận cũng đã chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp với phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo tập huấn, hướng dẫn về ATTP cho các hộ sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn phường.
Trong đợt này, đoàn tập trung kiểm tra về cơ sở, điều kiện sản xuất, hồ sơ pháp lý, đặc biệt là kiểm tra về nguồn nguyên liệu đầu vào của các cơ sở.
Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận sự cố gắng của cơ sở trong công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP. Cơ bản, năm nay các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đều đáp ứng các tiêu chí về ATTP theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương.
Đặc biệt, sau các đợt kiểm tra, nhận thức và ý thức của người dân và các hộ sản xuất ở đây đã được nâng lên rất rõ rệt. Điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất, trang thiết bị được các cơ sở trang bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng được các tiêu chí. Nguyên liệu đầu vào tương đối rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Đặc biệt, qua kiểm tra cũng như đánh giá của người dân, mẫu mã sản phẩm có hình thức đẹp và chất lượng bánh đảm bảo ATTP.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, với những cơ sở không đảm bảo về điều kiện ATTP, đoàn sẽ lập hồ sơ, xử lý theo quy định.
Thời gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp cùng UBND các phường tuyên truyền về ATTP cho Nhân dân, đặc biệt, chú trọng bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu. Qua đó nâng cao ý thức, nhận thức của các hộ sản xuất kinh doanh cũng như tạo niềm tin cho Nhân dân khi sử dụng sản phẩm truyền thống của Xuân Đỉnh, Xuân Tảo trong dịp Tết Trung thu.
Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có khoảng hơn 20 cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Trong đó, riêng phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo có 19 cơ sở sản xuất.
Đối với các cơ sở này, quận đã tổ chức ký cam kết, tuyên truyền vận động, đặc biệt, với các cơ sở sản xuất lớn, quận đã tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký công nhận sản phẩm OCOP.
Nhờ đó, trong năm 2023, 2024, quận đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn được 4 cơ sở đăng ký có sản phẩm OCOP và được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao.
Bên cạnh công tác kiểm tra bảo đảm ATTP, đoàn kiểm tra tuyên truyền và hướng dẫn các tiêu chí về các sản phẩm OCOP. “Qua đợt kiểm tra này, chúng tôi đã hướng dẫn các cơ sở đảm bảo vệ sinh, ATTP và điều kiện sản xuất trong quá trình sản xuất các loại bánh. Đặc biệt, đoàn cũng hướng dẫn các tiêu chí được công nhận sản phẩm OCOP, từ đó, các hộ sẽ tự kiểm tra và mạnh dạn đăng ký với quận để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn quận” - Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm nhấn mạnh.
(https://kinhtedothi.vn/quan-bac-tu-liem-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-chat-luong-banh-trung-thu.html)
* Công nhận 85 xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Quyết định số 4380/QĐ-UBND về việc công nhận các xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2024.
Theo đó, công nhận 85 xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã tại Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 11/7/2023 của Bộ Y tế.
Trong đó, quận Ba Đình có 6 đơn vị; Quận Hoàn Kiếm có 1 đơn vị; Quận Thanh Xuân có 7 đơn vị; Huyện Chương Mỹ có 21 đơn vị; Huyện Mê Linh có 3 đơn vị; Huyện Phúc Thọ có 8 đơn vị; Thị xã Sơn Tây có 10 đơn vị; Huyện Thanh Trì có 4 đơn vị; Huyện Quốc Oai có 9 đơn vị; Huyện Thạch Thất có 5 đơn vị; Huyện Ứng Hòa có 5 đơn vị; Huyện Đông Anh có 1 đơn vị, huyện Gia Lâm có 1 đơn vị; Huyện Mỹ Đức có 4 đơn vị.
UBND TP giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối phối hợp với các Sở, ban, ngành Thành phố hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã cho các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân theo các Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định của Bộ Y tế.
(https://kinhtedothi.vn/cong-nhan-85-xa-phuong-thi-tran-dat-tieu-chi-quoc-gia-ve-y-te-xa.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Hà Nội: Công nhận 85 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã
(https://hanoimoi.vn/ha-noi-cong-nhan-85-xa-phuong-thi-tran-dat-tieu-chi-quoc-gia-ve-y-te-xa-676031.html)
* Khách sạn Hà Nội cần tăng cường vệ sinh khu vực bếp
Đó là kết luận được ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đưa ra tại buổi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại Khách sạn Hà Nội (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) ngày 27-8.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đánh giá, khu vực bếp bánh sắp xếp, bố trí chưa khoa học, chưa có chế độ vệ sinh thường xuyên. Cụ thể, sàn nhà chưa bảo đảm sạch sẽ; trần và tường một số chỗ còn bị bong tróc. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều khay đựng bánh bị hoen gỉ cần phải thay thế…
Còn tại khu vực bếp nấu đã tuân thủ quy trình một chiều nhưng cơ sở vật chất đang bị xuống cấp; hệ thống cống để hở, chạy dọc khu vực nấu ăn.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, dịp Trung thu năm ngoái, sau khi kiểm tra, đoàn đã nhắc nhở Khách sạn Hà Nội khắc phục một số tồn tại về cơ sở vật chất. Năm nay, khách sạn cũng đã sửa chữa nhưng cần phải tiếp tục nâng cấp, bảo đảm tốt hơn các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ngoài kiểm tra cơ sở vật chất, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh, sản xuất bánh trung thu. Qua kiểm tra, khách sạn đã xuất trình đầy đủ hợp đồng với nhà cung cấp, chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất bánh. Toàn bộ nhân viên tham gia chế biến đều được khám sức khỏe định kỳ.
Kết thúc buổi kiểm tra, ông Đặng Thanh Phong yêu cầu khách sạn phải khắc phục càng sớm càng tốt các tồn tại nêu trên.
“Trước hết, khu vực bếp phải được nâng cấp, có chế độ vệ sinh thường xuyên. Ngoài ra, khu vực cống phải có nắp đậy kín, giúp phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Cùng với đó, khách sạn phải lập tức thay thế các dụng cụ như khay bị hoen gỉ, trầy xước…”, ông Phong nhấn mạnh.
Dịp Tết Trung thu năm nay, Khách sạn Hà Nội sản xuất các loại bánh trung thu với 4 hương vị khác nhau, gồm: Sen trắng, đậu đỏ, vừng đen hạt óc chó và thập cẩm ngũ vị.
Với những lưu ý mà đoàn kiểm tra đưa ra, đại diện khách sạn khẳng định sẽ tiếp thu và sớm khắc phục để bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay. Các đoàn kiểm tra này do các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Công Thương và Cục Quản lý thị trường Hà Nội phụ trách, kiểm tra các vấn đề riêng theo lĩnh vực được phân cấp quản lý.
Sau gần một tháng kiểm tra, ông Đặng Thanh Phong cho biết, ngành Y tế đã kiểm tra được 17/20 khách sạn được phân công.
Qua kiểm tra, các khách sạn đã nghiêm túc chấp hành các quy trình, quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất bánh trung thu.
Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đều đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, nguyên liệu được đưa vào sản xuất bánh đã chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Khách sạn cũng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến vấn đề sản xuất bánh trung thu… Tuy nhiên, có nơi chưa tuân thủ đầy đủ quy trình vệ sinh cơ sở vật chất, dụng cụ, trang thiết bị.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, ngành Y tế đã lấy mẫu bánh trung thu tại các khách sạn để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, các mẫu bánh đều đạt tiêu chuẩn.
“Từ nay đến Tết Trung thu, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra và yêu cầu các khách sạn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, các khách sạn phải có quy trình tự kiểm tra trước khi đưa bánh ra thị trường. Qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, kể cả phải đình chỉ hoạt động”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
(https://hanoimoi.vn/khach-san-ha-noi-can-tang-cuong-ve-sinh-khu-vuc-bep-676002.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Khách sạn Hà Nội cần nâng cấp, bảo đảm tốt hơn về vệ sinh, ATTP
(https://kinhtedothi.vn/khach-san-ha-noi-can-nang-cap-bao-dam-tot-hon-ve-ve-sinh-attp.html)
* Kiểm tra khách sạn Hà Nội dịp Tết Trung thu: Khu bếp cần được nâng cấp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
(https://tuoitrethudo.vn/khu-bep-can-duoc-nang-cap-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-257730.html)
* Chặn dịch bệnh bùng phát mùa tựu trường
Số ca mắc sởi, ho gà, tay chân miệng… tại nhiều địa phương đang gia tăng. Lúc này, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, sắp bước vào năm học mới 2024-2025 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan và bùng phát.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe của trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và ngành Y tế.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.
Đề cập đến diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, tính từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh. Đặc biệt, lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 ca sởi, trong đó 3 trẻ tử vong có bệnh nền đi kèm.
Cùng với sởi, tay chân miệng cũng là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trong trường học. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.845 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023). Theo dự báo, khi bắt đầu vào năm học mới, nguy cơ số ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ gia tăng nếu trường học, cơ sở giáo dục mầm non không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…
Từ kinh nghiệm theo dõi, giám sát dịch tễ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) nhận xét, mỗi khi đến mùa tựu trường vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm thường thấy các ca bệnh tăng vọt. Nguyên nhân là sau thời gian nghỉ hè, trẻ từ các gia đình, các môi trường sống khác nhau bắt đầu tập trung vào một không gian lớp học, cùng nhau sinh hoạt, ăn uống bán trú… Khi mầm bệnh xuất hiện trong nhà trường, những trẻ chưa có miễn dịch, chưa được bảo vệ bằng vắc xin có nguy cơ dễ nhiễm bệnh.
Các chuyên gia y tế dự báo, hiện nay, nếu không triển khai tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học thì từ những ca bệnh lẻ tẻ, các ổ dịch nhỏ sẽ lây lan thành các ổ dịch lớn. Khi số lượng các ca mắc trong cộng đồng gia tăng sẽ kéo theo các ca bệnh nặng cũng tăng lên.
Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, với những bệnh đã lưu hành từ nhiều năm như: Sởi, thủy đậu, ho gà… khi xuất hiện nhiều bệnh nhân nặng, cộng đồng sẽ nghĩ rằng, độc lực của vi rút đã biến đổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vi rút vẫn như vậy, chỉ có miễn dịch trong cộng đồng thay đổi.
Để hạn chế biến chứng của bệnh, Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Quốc Đạt lưu ý, khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến các dấu hiệu như: Rối loạn tri giác, li bì nhiều, khó thở, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều… để đưa đến bệnh viện kịp thời. Mặt khác, trẻ phải được cách ly, không được đến trường để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, hướng dẫn trẻ vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh bàn tay mọi nơi, mọi lúc, ăn chín uống sôi và khi ho cần ho đúng cách để không lây bệnh cho người khác… Đây là những biện pháp cơ bản nhưng mang lại hiệu quả phòng bệnh cao.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quang Thái thông tin, mới đây, khi xuất hiện một nhóm ca bệnh sởi được đưa đến bệnh viện, các chuyên gia đã điều tra ngược lại cộng đồng và phát hiện, ổ dịch đó khởi phát từ một trường học. Thế nhưng, khi trường học phát hiện ra học sinh nhiễm bệnh đã không thông báo cho ngành Y tế. Do đó, để ngăn chặn và khống chế kịp thời sự lây lan của dịch bệnh, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, nhà trường cần thông báo cho trạm y tế. Còn các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm bổ sung đầy đủ vắc xin trước khi quay trở lại trường học.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương:
Cần theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường năm học 2024-2025, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên như: Bảo đảm vệ sinh môi trường, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng.
Đồng thời, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, sinh viên để phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương:
Chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh
Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác chủ động triển khai các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường. Cùng với đó, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong.
Đặc biệt, ngành Y tế rà soát, bảo đảm sẵn sàng công tác hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”... Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan y tế, các cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh, người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô hãy chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và vững mạnh. Đồng thời, người dân hưởng ứng hoạt động tiêm chủng trong năm 2024.
Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC Bạch Thị Chính:
Những mũi vắc xin cần tiêm trước mùa tựu trường
Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ mắc bệnh và lây nhiễm cho nhau, ảnh hưởng đến khả năng học tập. Mùa tựu trường cũng là lúc giao mùa từ hè sang thu, thuận lợi cho nhiều loại vi rút, vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Trong khi đó, đa số các bậc phụ huynh chỉ chú trọng tiêm phòng cho con trong 2-3 năm đầu đời, mà bỏ qua những mũi tiêm nhắc lại.
Do đó, các gia đình nên cho con tiêm vắc xin đầy đủ trước mùa tựu trường. Vắc xin đầu tiên cần tiêm cho trẻ là cúm. Tiếp đến, trẻ nên tiêm vắc xin phòng các bệnh ho gà - bạch hầu - uốn ván; tiêm nhắc đối với nhóm dưới 7 tuổi và dưới 15 tuổi. Trẻ còn cần phòng bệnh phế cầu khuẩn do bệnh dễ lây qua đường hô hấp, gây nhiều bệnh như: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm não Nhật Bản, não mô cầu... Các gia đình cần tiêm chủng cho con trước khi nhập học tối thiểu hai tuần.
(https://hanoimoi.vn/chan-dich-benh-bung-phat-mua-tuu-truong-676049.html)