Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc vô cùng quan trọng để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Thế nhưng, hiện tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn rất thấp. Mới đây, lần đầu tiên, ngành Dân số Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn với mục tiêu cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số.
Người dân chưa mặn mà
3 tháng trước ngày cưới, chị N.T.H (25 tuổi, ở Hà Nội) đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và bất ngờ phát hiện buồng trứng suy kiệt, nguy cơ mãn kinh sớm, khó có con.
Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho thấy, AMH (hormone thiết yếu phản ánh chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản của phụ nữ) của chị H chỉ còn 0,6ng/mL.
Trong khi, chỉ số AMH bình thường ở phụ nữ dưới 38 tuổi là khoảng từ 2,2 đến 6,8ng/mL. Ngoài ra, siêu âm buồng trứng trái của chị H có 4 nang trứng, bên còn lại 2 nang trứng. Ở phụ nữ cùng độ tuổi, số lượng nang trứng ít nhất là 10.
“Nhờ khám sức khỏe trước hôn nhân nên tôi có giải pháp điều trị sớm, tránh nguy cơ phải xin trứng để có con”, chị H chia sẻ.
Trường hợp điển hình trên cho thấy, lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất lớn, nhưng trên thực tế, người dân còn chưa mặn mà.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại các thành phố lớn, có nhiều gói dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân nhưng lượng người khám còn ít.
“Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mỗi năm, số phụ nữ đến khám tiền hôn nhân chỉ chiếm khoảng 2% tổng số bệnh nhân khám sản, phụ khoa”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi thông tin.
Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Các bệnh thường gặp là hội chứng Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh nặng…
Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương ghi nhận có trên 20.000 người bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) mức độ nặng, cần phải điều trị cả đời. Ngoài ra, mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia. Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân thể nặng khi sinh đến 30 tuổi khoảng 3 tỷ đồng.
Trong khi nếu các cặp vợ chồng được khám sàng lọc trước hôn nhân sẽ giúp phát hiện các rối loạn di truyền, như: Bệnh máu khó đông, Thalassemia, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển trí tuệ…
Theo thống kê của Chi cục Dân số Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn là 31,9%. Đến năm 2023, tỷ lệ này là 53,7% và trong 6 tháng năm 2024 đã đạt 63%.
Mặc dù con số này đã tăng lên theo từng năm nhưng vẫn còn ở mức “khiêm tốn” so với mục tiêu mà thành phố đề ra là tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến năm 2025 đạt ít nhất 85% và năm 2030 đạt ít nhất 95%. Do đó, Chi cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với quận Bắc Từ Liêm triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm.
Song, theo bà Nguyễn Thị Yến, cán bộ Phòng Dân số - Truyền thông và giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm), hiện số lượng người đến khám và tư vấn chưa nhiều. Nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân. Có bạn khi đến vẫn còn tâm lý e dè, chưa chủ động chia sẻ, thậm chí có người còn lo sợ nếu phát hiện ra bệnh sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc.
Giảm hệ lụy cho tương lai
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội Vũ Duy Hưng, từ lâu, thành phố đã triển khai công tác tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến 30 quận, huyện, thị xã. Việc triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm là mong muốn xây dựng một mô hình chuẩn về vấn đề này. Người dân sau khi được tư vấn sẽ biết cần phải khám những gì, khám ở đâu để mang lại hiệu quả.
“Để hoạt động này mang lại hiệu quả, cơ quan chức năng của quận cần thống kê, báo cáo định kỳ về số lượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn để tuyên truyền, vận động họ thực hiện tư vấn và khám sức khỏe. Đồng thời, cơ quan y tế cần quản lý các trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh lý di truyền theo kết luận của bác sĩ chuyên khoa, tiếp tục tuyên truyền, cung cấp kiến thức để người dân chủ động phòng tránh nguy cơ. Từ mô hình thí điểm, chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố để góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số của Thủ đô”, ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, cả nam giới và phụ nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3 đến 6 tháng trước khi kết hôn. Việc này giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau.
(https://hanoimoi.vn/kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-giai-phap-nang-cao-chat-luong-dan-so-676165.html)
*Số ca mắc ho gà ở trẻ dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ cao, cha mẹ cần chú ý
Năm nay, số ca mắc ho gà tăng đột biến. Đa số các ca bệnh có biểu hiện cơ bản, nhưng điểm khác so với các năm trước đây là số ca mắc ho gà ở trẻ dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ khá cao, tới 2/3 số trẻ nhập viện.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm do vi trùng, dễ lây qua đường hô hấp, trẻ em hay người lớn đều có thể lây nhiễm nếu không được tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn năm 2024 có 222 trường hợp mắc bệnh ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã, không ca tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi có 137 trường hợp trẻ dưới 2 tháng tuổi (61,7%); 42 trường hợp từ 3-12 tháng tuổi (18,9%); 18 trường hợp 13-24 tháng (8,1%); 16 trường hợp 25-60 tháng (7,2%); 9 trường hợp trên 60 tháng tuổi (4,1%).
Trẻ mắc ho gà đồng nhiễm các virus khác
Bệnh nhi M.T. Q. (1 tháng tuổi, ở Cao Bằng) bị ho, tự điều trị tại nhà không khỏi và được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng ho cơn dài, tím tái, bỏ bú.
Khi vào viện, bé Q. đã xuất hiện tình trạng suy hô hấp nặng, viêm phổi, phải đặt ống thở máy, kết quả xét nghiệm dương tính với ho gà và đồng nhiễm thêm virus RSV. Bệnh nhi được điều trị theo phác đồ điều trị ho gà, thở máy, dùng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp…
Sau khoảng 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã tiến triển tốt, chuyển sang thở oxy gọng mũi. Các biểu hiện ho gà nặng đã giảm, chỉ còn ho đỏ mặt, các cơn ho cũng thưa dần; tình trạng tăng áp phổi, tăng bạch cầu máu đã có cải thiện.
Đáng chú ý, bệnh nhi này mới 1 tháng tuổi, chưa đủ tuổi tiêm phòng vaccine ho gà. Qua thăm hỏi tiền sử bệnh cho thấy, chưa rõ nguồn lây bệnh cho bé, trong gia đình cũng chưa có ai có biểu hiện bệnh ho gà. Mẹ của bé cũng không tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà trong lúc mang thai.
Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận trường hợp trẻ mắc ho gà nặng, đồng nhiễm các virus khác, trong đó có COVID-19. Bệnh nhi suy hô hấp nặng, phải thở máy tới hơn 2 tuần, phải điều trị kháng sinh tích cực, kiểm soát điện giải... bệnh mới thuyên giảm.
Theo TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các biến chứng nặng của ho gà sẽ gây ra tình trạng suy tim, tăng áp phổi, thậm chí kèm theo có bội nhiễm viêm phổi, đồng nhiễm các virus làm cho tình trạng bệnh nặng lên.
“Nếu chỉ mắc ho gà, bệnh nhi đã có nguy cơ cao biến chứng nặng, lại cộng thêm đồng nhiễm các virus khác nhất là Adenovirus, RSV, COVID-19, khiến bệnh tiến triển nặng nhanh hơn, khó kiểm soát hơn”, TS.BS Đào Hữu Nam cảnh báo.
Trong giai đoạn cao điểm, bệnh viện phải bố trí các phòng cách ly, phân loại bệnh nhân; bố trí khu điều trị riêng cho các bệnh nhi ho gà. Đặc biệt những trẻ đồng nhiễm ho gà và các virus khác phải bố trí ở phòng riêng biệt để tránh lây chéo cho các bệnh nhi khác.
Ca mắc ho gà tăng cao, phụ huynh chú ý
Theo TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, năm nay, số ca mắc ho gà tăng đột biến. Đa số các ca bệnh có biểu hiện cơ bản, nhưng điểm khác so với các năm trước đây là số ca mắc ho gà ở trẻ dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ khá cao, tới 2/3 số trẻ nhập viện. Số ca nặng chiếm tới 10-20%. Các ca nặng là những trường hợp phải theo dõi rất sát với các biểu hiện như xuất hiện những cơn ho dài, tím tái, phải thở oxy, thở máy và phải can thiệp bằng các biện pháp khác.
"Do đó việc xem xét việc mầm bệnh ho gà có lưu hành trong cộng đồng như thế nào là điều cực kỳ quan trọng. Nếu các bà mẹ, những người thân trong gia đình có mang mầm bệnh ho gà tuy không biểu hiện ra nhưng vẫn là nguồn lây cho trẻ. Trong điều kiện nhiều trẻ không có kháng thể truyền từ mẹ thì số ca bệnh sẽ tăng lên", TS.BS Hải nhấn mạnh.
Cũng theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, ho gà là bệnh do vi khuẩn gây ra nên sẽ có mức độ lây lan chậm hơn so với virus như cúm hay COVID-19. Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, hay ở trong nhà, trong phòng, thường có người lớn đến thăm. Khi vào thăm, việc nói chuyện, cười, hắt hơi có thể vô tình là nguồn lây bệnh cho em bé; vì rất có thể có những người mang vi khuẩn ho gà, nhưng không có biểu hiện. Với em bé chưa có kháng thể từ mẹ, chưa đến tuổi tiêm chủng khi tiếp xúc với mầm bệnh, nguy cơ mắc bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.
TS.BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, trong mùa tựu trường, nếu các trẻ lớn được tiêm chủng đủ mũi và nhắc lại ở giai đoạn 18 tháng đến 2 tuổi, thì nguy cơ mắc sẽ thấp hơn. Thực tế, số ca mắc ho gà ở trẻ độ tuổi đến trường thường rất ít, nhẹ và ít có biến chứng nặng như ở trẻ nhỏ.
(https://vov.vn/xa-hoi/so-ca-mac-ho-ga-o-tre-duoi-3-thang-chiem-ty-le-cao-cha-me-can-chu-y-post1117384.vov)
* Tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và thông báo công khai các vi phạm.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 28/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Thông báo nêu: Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo; đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với hệ thống các giải pháp đồng bộ, phù hợp. Các bộ, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện tương đối có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đạt nhiều kết quả, tiếp tục tạo các chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn diện các lĩnh vực. Nhiều chương trình, đề án quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được xây dựng và triển khai; hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm được tăng cường và kiên quyết hơn, lực lượng công an tích cực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thực phẩm; nhiều địa phương (như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục có những giải pháp, mô hình, cách làm mới, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn đang hiện hữu ở một số địa phương, trong đó đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc phải nhập viện điều trị; số vụ vi phạm được phát hiện gia tăng, gây ra những lo ngại về thực phẩm không an toàn trong Nhân dân; trong khi yêu cầu về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng cao trong bối cảnh nguồn lực quản lý, đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ nguồn lực hiện có; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư, Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm của cấp có thẩm quyền.
Rà soát, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, trong đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện có và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử lý sớm vấn đề sử dụng, thanh toán chi phí khi sử dụng kit test thực phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5984/VPCP-KGVX ngày 22 tháng 8 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về Hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng vận động, hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao văn hóa tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và thông báo công khai các vi phạm.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở vận hành mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm, có đánh giá, đề xuất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 12 năm 2024.
Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 02 tháng 9 năm 2024.
(https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-kiem-tra-dot-xuat-ve-an-toan-thuc-pham.html)
*Số ca mắc sởi tăng 8 lần, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống
Theo Bộ Y tế từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh sởi, chủ động giám sát, phát hiện sớm
Cũng liên quan đến dịch bệnh sởi, mới đây nhất, ngày 27/8, UBND TP HCM đã chính thức công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2495/QĐ-BYT về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 trong đó có vaccine chiến dịch do Chính phủ Úc tài trợ;
Cùng đó Bộ Y tế đã ban hành các công văn về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường; công văn về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cùng với các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh sởi.
Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả;
Cùng đó, chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.
Vì vậy để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
(https://suckhoedoisong.vn/so-ca-mac-soi-tang-8-lan-bo-y-te-khuyen-cao-5-bien-phap-phong-chong-169240828235000739.htm)
Cùng nội dung thông tin:
* Số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái
(https://nhandan.vn/so-ca-mac-benh-soi-tang-hon-8-lan-so-voi-cung-ky-nam-ngoai-post827326.html)
*Hàng nghìn người đang chờ để được ghép mô, tạng, giác mạc
Mỗi năm Việt Nam ghép tạng hơn 1.000 ca nhưng chỉ có 6% người chết não hiến tặng mô, tạng. Dù số ca chết não hiến tạng đã tăng lên, nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng. Hàng nghìn người vẫn đang chờ để được ghép mô, tạng, giác mạc...
Đem lại sự sống cho người ở lại
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: Suy thận mãn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...
Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.
Một ca lấy, ghép tạng vừa hồi sinh 6 cuộc đời xuyên Việt vừa thực hiện thành công.
Anh N.Đ.T (32 tuổi) bị tai nạn giao thông và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Nhưng do chấn thương quá nặng, anh T đã không qua khỏi và được chẩn đoán chết não. Trong giây phút đau đớn và khó khăn, gia đình anh đã quyết định hiến tạng của anh để cứu sống những người khác.
Bên cạnh trái tim được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hai quả thận của anh được ghép đồng thời cho hai người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, gan của anh được ghép cho một người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và giác mạc của anh được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trước đó, đã có 8 cuộc đời hồi sinh từ nguồn hiến tạng của người cho chết não được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin.
Nhưng còn nhiều rào cản
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột.
"Việt Nam là nước có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á. Chúng ta cũng là nước ASEAN duy nhất ghép được hơn 1.000 ca mỗi năm. Thế nhưng, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới" - PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
Thực tế cho thấy, ở nước ta 94% nguồn tạng hiến từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não. Điều này ngược lại với các nước phát triển là 40-90% tạng hiến từ người chết não.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo các chuyên gia là do tâm lý của nhiều người Việt Nam cho rằng, người chết cần phải toàn thây, sự hiểu biết về ghép tạng trong cộng đồng chưa cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - cho biết, trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới, tuy nhiên, chúng ta chưa có tên trên bản đồ thế giới về hiến tạng. Điều đó phản ánh việc hội nhập của Việt Nam còn hạn chế.
PGS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, chúng ta đang sửa Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Riêng năm 2023 có 16 ca chết não hiến tạng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 10 ca chết não hiến tạng. Dù số ca chết não hiến tạng ở nước ta đã tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng.
(https://laodong.vn/suc-khoe/hang-nghin-nguoi-dang-cho-de-duoc-ghep-mo-tang-giac-mac-1386166.ldo)
*Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Khám sức khỏe miễn phí cho giáo viên của 98 trường học
Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, quản lý và lập hồ sơ sức khỏe điện tử, Trung tâm Y tế Sóc Sơn phối hợp với Bệnh viện đa khoa Đông Anh tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho giáo viên của 98 trường trên địa bàn huyện từ cấp mầm non đến THPT.
Trong đợt khám đầu tiên diễn ra từ ngày 24-25/8/2024, đoàn đã khám sức khỏe cho gần 400 cán bộ giáo viên của các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn 5 xã, thị trấn: Phù Linh, Tiên Dược, Thị trấn, Mai Đình, Tân Minh.
Kết quả đã khám mắt 370 trường hợp; đo loãng xương 368 trường hợp; điện tim 362 trường hợp; xét nghiệm 356 trường hợp; siêu âm đầu dò 302 trường hợp; khám lâm sàng, siêu âm vú 362 trường hợp; khám phụ khoa, soi cổ tử cung 310 trường hợp; xét nghiệm soi tươi tế bào cổ tử cung 68 trường hợp; xét nghiệm tế bào cổ tử cung và HPV 63 trường hợp; test tiểu đường 224 trường hợp.
Sau khi khám, tất cả các trường hợp đều được bác sĩ kết luận, tư vấn về kết quả khám, phác đồ điều trị cho người mắc bệnh. Đồng thời, các y bác sĩ cũng hướng dẫn các cán bộ giáo viên cách tự theo dõi, chăm sóc sức khoẻ hiệu quả tại nhà.
Bên cạnh đó, kết quả khám sức khỏe được cập nhật lên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh sau này được toàn diện và liên tục.
Dự kiến vào các ngày thứ bảy, Chủ nhật trong các tuần tiếp theo (trừ ngày nghỉ lễ) đoàn khám sẽ tiếp tục khám cho gần 1.500 giáo viên các xã còn lại trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
(https://tuoitrethudo.vn/kham-suc-khoe-mien-phi-cho-giao-vien-cua-98-truong-hoc-257817.html)
* Quận Hà Đông (Hà Nội): Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Trung tâm Y tế Hà Đông đã phối hợp với UBND và Trạm y tế phường Phú La tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn.
Buổi truyền thông đã thu hút sự quan tâm, tham gia của 120 người cao tuổi và gia đình có người cao tuổi trên địa bàn phường Phú La (quận Hà Đông).
Báo cáo viên Ths.BSCKII. Lê Xuân Nam, Trưởng phòng Dân số, Truyền thông & Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Y tế quận Hà Đông cho biết: Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số.
Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu người cao tuổi). Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.
Già hóa dân số đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền như tăng huyết áp, đái tháo đường, sa sút trí tuệ,… Do vậy, việc cần làm hiện nay là tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Để chăm sóc tốt cho sức khoẻ người cao tuổi, bên cạnh sự quan tâm của gia đình và xã hội giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần thì cần chăm sóc sức khỏe thể chất người cao tuổi.
Cụ thể, người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý; vận động và luyện tập thể dục thường xuyên; đặc biệt việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần là vô cùng quan trọng vì thông qua việc làm này có thể giúp người cao tuổi phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn nếu có.
Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng đã cung cấp một số kiến thức về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như: bệnh huyết áp và các bệnh tim mạch khác, bệnh tiểu đường, bệnh xương khớp, bệnh về tiêu hóa…
Các thông tin để người cao tuổi có thể tiếp cận những loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi và nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, dân số của phường Phú La là 29.195 người, trong đó có 3.948 người cao tuổi chiếm 13,52% dân số phường.
Theo kế hoạch, ngoài việc tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, từ đầu năm phường Phú La đã triển khai thực hiện Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi năm thứ nhất với nhiều hoạt động phong phú như: Tổ chức khám sức khỏe và tư vấn miễn phí về các bệnh không lây nhiễm; xây dựng các câu lạc bộ văn nghệ thể thao, nâng cao sức khỏe tinh thần người cao tuổi...
(https://tuoitrethudo.vn/day-manh-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-257824.html)