* Hà Nội siết chặt quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân: Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu
Bài 2: "Chạy" theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe người bệnh
Qua đợt giám sát mới đây, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội nhận định, dù có những kết quả đáng ghi nhận, song ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, người hành nghề y, dược tư nhân còn hạn chế; có đơn vị cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi trái quy định.
Tình trạng cơ sở hoạt động “chui”, không có giấy phép hành nghề diễn ra khá phổ biến; một số y, bác sĩ không đúng chuyên môn, chưa đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu, có biểu hiện "chạy" theo lợi nhuận…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, qua giám sát, khảo sát, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn Thủ đô còn nhiều. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này chưa thật sự sát sao, quyết liệt, chủ yếu là nhắc nhở, nhất là đối với tuyến quận, huyện, xã, phường. Các đơn vị, địa phương cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo khám, chữa bệnh; chưa kiên quyết xử lý đối với các cơ sở hoạt động không phép và trách nhiệm này chủ yếu thuộc về UBND cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài còn hạn chế; còn để xảy ra tình trạng bác sĩ nước ngoài không có giấy phép nhưng vẫn hành nghề; sử dụng người phiên dịch trong khám, chữa bệnh không đúng với nhân sự đã đăng ký; không có người phiên dịch hoặc sử dụng người phiên dịch không có văn bằng chuyên môn về y tế và chưa được phê duyệt hoạt động tại phòng khám. Vấn đề này trách nhiệm chủ yếu thuộc về Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã.
Đáng lưu ý, một số cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh như: Diện tích chật hẹp, không sạch sẽ, gọn gàng, phòng lưu bệnh nhân không có hệ thống chống sốc. Trách nhiệm chủ yếu của Sở Y tế trong việc hậu kiểm sau cấp phép.
“Công tác thanh tra, hậu kiểm sau cấp phép đã được thực hiện thường xuyên nhưng tỷ lệ cơ sở được kiểm tra còn thấp so với số lượng các cơ sở hành nghề trên địa bàn thành phố; các quy định về xử lý vi phạm chưa đủ tính răn đe”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cũng cho rằng, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa không có chức năng nhưng vẫn quảng cáo việc thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh sau phẫu thuật thẩm mỹ (hình thức quảng cáo qua cardvisit, trang thông tin điện tử, đơn cử như ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông...). Một số cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về xử lý rác thải, nước thải y tế, còn có cơ sở trang bị xe vận chuyển chuyên dụng để thu gom, vận chuyển chất thải y tế từ nơi phát sinh về nơi lưu giữ tạm thời; chưa có báo cáo phương án quản lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế, sổ nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế lập chưa đúng mẫu theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế; chưa có giải pháp thu gom, tách riêng nước mưa với hệ thống thu gom nước thải y tế…
Chưa có biện pháp quản lý chặt loại hình nhạy cảm
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, nguyên nhân của những hạn chế trên, khách quan do địa bàn thành phố Hà Nội rộng, các loại hình hành nghề y, dược tư nhân đa dạng, số lượng cơ sở hành nghề lớn, hoạt động chủ yếu ngoài giờ hành chính, trong đó nhiều cơ sở nằm ở khu chung cư, thôn, xóm, phân tán nên khó khăn cho việc kiểm soát thường xuyên.
Các văn bản pháp luật hiện nay không có quy định việc thu hồi, đình chỉ vĩnh viễn đối với hoạt động kinh doanh y dược tại 1 địa điểm hành nghề. Do đó, một số trường hợp, cơ sở sau khi bị thu hồi giấy phép lại đăng ký kinh doanh tại địa điểm cũ với một pháp nhân mới (đổi tên công ty, đổi người đại diện pháp luật) để tiếp tục đề nghị cấp phép hành nghề tại địa điểm cũ.
Đặc biệt, hiện chưa có những quy định cụ thể và biện pháp hiệu quả để quản lý đối với các loại hình nhạy cảm, như: Thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp. Đây là loại hình kinh doanh không điều kiện, không thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế nhưng lại thường xuyên quảng cáo và hoạt động; trong kinh doanh có sử dụng mỹ phẩm và các loại thuốc tân dược...
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho rằng, nguồn nhân lực tại cơ quan quản lý cấp huyện số lượng ít, phải kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám chia sẻ, năng lực tham mưu quản lý nhà nước của các trạm y tế còn yếu, số lượng cơ sở hoạt động hành nghề khá lớn, nhiều cơ sở hành nghề trong các ngõ, xóm, do đó công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập, đặc biệt tại cấp xã còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, nhận thức của người dân trong việc mua và sử dụng thuốc, lựa chọn các dịch vụ y tế cũng còn hạn chế. Công tác phối hợp trong kiểm tra giữa các ngành chưa chặt chẽ dẫn đến còn hiện tượng kiểm tra chồng chéo.
Cũng theo UBND huyện Đông Anh, trên địa bàn huyện có 431 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, với đội ngũ nhân lực gồm hơn 100 bác sĩ, 45 dược sĩ đại học và hơn 300 dược sĩ trung học. Các cơ sở được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại như 15 máy siêu âm màu, khoảng 50 ghế răng, 7 máy X-quang... Hằng năm, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn đã khám, chữa bệnh cho hơn 185.000 lượt, trên 2.000 lượt cấp cứu và khoảng 300 lượt chuyển viện.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cũng cho rằng, chính quyền một số xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân. Công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các cơ sở hành nghề còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là nhắc nhở, việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế; chưa phát huy được vai trò của cộng đồng trong việc phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân với cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
“Số lượng cán bộ thực hiện công tác thẩm định, cấp phép cấp thành phố rất mỏng (hiện có 7 biên chế), tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm; trình độ, năng lực của một số cán bộ y tế phụ trách lĩnh vực hành nghề cấp xã còn hạn chế nên kết quả công tác giám sát, kiểm tra chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu”, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Theo nhận định của Thường trực HĐND thành phố, hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc quản lý đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân sau khi cấp phép; thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông chưa phối hợp với các sở, ngành trong thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Việc quản lý, xử lý đối với các hoạt động quá phạm vi sang lĩnh vực y tế của các cơ sở thẩm mỹ viện, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa (các dịch vụ làm đẹp tiêm các chất đầy môi, mắt, má; cắt mí mắt...) còn lúng túng, bất cập. Những hạn chế từ thực tiễn trên cần phải có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
https://hanoimoi.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-co-so-hanh-nghe-y-duoc-tu-nhan-dat-suc-khoe-cua-nguoi-dan-len-hang-dau-bai-2-chay-theo-loi-nhuan-coi-thuong-suc-khoe-nguoi-benh-679552.html
* Câu chuyện hôm nay: Hà Nội đẩy mạnh giải pháp quản lý cơ sở y dược tư nhân
Hà Nội hiện có có 3.788 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó có 38 bệnh viện, 170 phòng khám đa khoa, 725 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, 2.855 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế; 7.728 cơ sở hành nghề dược. Hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại như: cơ sở hành nghề không phép; người hành nghề chưa chấp hành nghiêm pháp luật; có các hình thức, phương thức trốn tránh tinh vi...
Ngành y tế Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý các cơ sở hành nghề tư nhân bởi các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn. Thực tế qua giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý các cơ sở y, dược ngoài công lập đã cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, đòi hỏi Ủy ban nhân dân thành phố cần có giải pháp để việc quản lý các cơ sở y dược tư nhân đi vào nền nếp, nghiên cứu cách thức phân cấp quản lý đối với quận, huyện một cách phù hợp khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực.
https://quochoitv.vn/cau-chuyen-hom-nay-ha-noi-day-manh-giai-phap-quan-ly-co-so-y-duoc-tu-nhan-237575.htm