* Ngành Y tế Hà Nội công bố số điện thoại ứng trực bão số 3
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị báo cáo kịp thời mọi diễn biến thất thường về bão số 3 qua số điện thoại đường dây nóng: 0967981616 và Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế.
Ngày 5-9, Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 278/SYT-NVY về việc triển khai công tác phòng, chống bão số 3 (Yagi) gửi giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
Theo đó, thực hiện Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4-9-2024 của UBND thành phố Hà Nội, để bảo đảm công tác y tế trước, trong và sau cơn bão số 3, Sở Y tế yêu cầu giám đốc các đơn vị khẩn trương triển khai theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa, bão; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị.
Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, lưu ý các cửa kính, cửa chớp các phòng trên tầng cao để có biện pháp an toàn.
Triển khai các biện pháp tăng cường chống gió lốc, ngập úng tại các đơn vị, đặc biệt các đơn vị ở vùng trũng, thấp có khả năng ngập úng cao. Đồng thời, các đơn vị bảo đảm công tác an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch trong và sau bão.
Các đơn vị bảo đảm sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh.
(https://hanoimoi.vn/nganh-y-te-ha-noi-cong-bo-so-dien-thoai-ung-truc-bao-so-3-676848.html)
(https://baotintuc.vn/thoi-su/san-sang-tiep-nhan-cap-cuu-nan-nhan-bi-anh-huong-cua-mua-bao-20240905205500673.htm)
(https://kinhtedothi.vn/nganh-y-te-ha-noi-san-sang-ung-pho-voi-con-bao-so-3.html)
(https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-yeu-cau-cac-don-vi-dam-bao-cong-tac-y-te-truoc-trong-va-sau-con-bao-so-3-post1119095.vov)
(https://laodongthudo.vn/dam-bao-cong-tac-y-te-truoc-trong-va-sau-con-bao-so-3-176577.html)
* Hà Nội: Giám sát chặt, ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ ở sân bay Nội Bài
Hà Nội đề nghị Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh Đậu mùa khỉ.
UBND TP Hà Nội mới có văn bản Số 2897 chỉ đạo các đơn vị tăng cường phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; lưu ý khuyến cáo người dân chủ động thông báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh;
Chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch trong cộng đồng, phát hiện sớm, khẩn trương thông báo cho cơ quan chuyên môn phối hợp điều tra, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Trong trường hợp phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ, sẵn sàng khu vực cách ly tạm thời, phương tiện để vận chuyển người bệnh tới cơ sở đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;
Sẵn sàng các nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”; Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
UBND TP giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, đặc biệt chú trọng công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên;
Chủ động tổ chức tập huấn, cập nhật về hướng dẫn giám sát, kỹ năng lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cho Y tế cơ sở và các đơn vị liên quan theo Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ;
Chủ động tăng cường giám sát tại cộng đồng, các cơ sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở điều trị ARV, Methadone trên địa bàn Thành phố; tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời điều tra, xử lý các ca bệnh, ổ dịch phát sinh (nếu có), không để lan rộng.
Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác điều trị bệnh nhân mắc Đậu mùa khỉ; tổ chức tốt công tác cách ly, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 465/QĐ-BYT ngày 29/02/2024 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Đậu mùa khỉ ở người;
Phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị. Thực hiện báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại địa chỉ website: https://macabenh.vncdc .gov.vn/?mod=monkey.
Đặc biệt, UBND TP đề nghị Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh Đậu mùa khỉ.
Khi có trường hợp nghi ngờ thông báo ngay cho cơ quan y tế để phối hợp xử lý; Chuẩn bị sẵn sàng phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; phương tiện vận chuyển, các trang thiết bị, thuốc, hóa chất để chủ động xử lý dịch.
(https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-giam-sat-chat-ngan-chan-benh-dau-mua-khi-o-san-bay-noi-bai-post588344.antd)
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-chu-dong-giam-sat-phong-chong-benh-dau-mua-khi.html)
* Khám tầm soát ung thư miễn phí cho gần 2.000 giáo viên tại huyện Sóc Sơn
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đang phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho giáo viên của 98 cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn huyện Sóc Sơn (từ cấp Mầm non đến THPT).
Trong đợt khám đầu tiên vào cuối tháng 8/2024, Đoàn y bác sĩ đã khám sức khỏe cho gần 400 cán bộ, giáo viên các nhà trường trên địa bàn 4 xã: Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình, Tân Minh và thị trấn Sóc Sơn.
Kết quả, đã khám mắt 370 trường hợp; đo loãng xương 368 trường hợp; điện tim 362 trường hợp; xét nghiệm 356 trường hợp; siêu âm đầu dò 302 trường hợp; khám lâm sàng, siêu âm vú 362 trường hợp; test tiểu đường 224 trường hợp...
Sau khi khám, tất cả các trường hợp đều được bác sĩ kết luận, tư vấn về kết quả khám, phác đồ điều trị cho người mắc bệnh. Đồng thời, hướng dẫn các cán bộ, giáo viên cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe hiệu quả tại nhà.
Bên cạnh đó, kết quả khám sức khỏe được cập nhật lên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh sau này được toàn diện và liên tục.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn Lê Đức Tuyên cho biết, dự kiến vào các ngày thứ Bẩy và Chủ nhật trong các tuần tiếp theo, Đoàn y bác sĩ sẽ tiếp tục khám miễn phí cho khoảng 1.500 cán bộ, giáo viên các xã còn lại trên địa bàn huyện tại các phòng khám đa khoa trực thuộc Trung tâm.
Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, quản lý và lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân; đồng thời phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
(https://kinhtedothi.vn/kham-tam-soat-ung-thu-mien-phi-cho-gan-2-000-giao-vien-tai-huyen-soc-son.html)
* Huyện Ba Vì: kiểm soát chặt an toàn thực phẩm trong và ngoài cổng trường học
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong và xung quanh trường học luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được các ngành chức năng, nhà trường trên địa bàn huyện Ba Vì quan tâm.
Không xảy ra vụ ngộ độc tập thể
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn TP Hà Nội”.
Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ sở giáo dục, DN, cá nhân trong bảo đảm an ninh, ATTP trong và xung quanh cổng trường học.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý ATTP, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội.
Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học cần được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Triển khai Kế hoạch của UBND TP, thời gian qua huyện Ba Vì đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra bếp ăn tập thể tại trường học. Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường cho biết, trên địa bàn huyện có 120 trường và 23 nhóm trẻ độc lập, với hơn 76.000 học sinh.
Trong đó, số trường học có bếp ăn bán trú là 76 trường. Tổng số cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quanh các cổng trường học trên địa bàn huyện là 147 cơ sở. Ngoài ra có 76 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 71 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các xã, thị trấn.
“Trong 8 tháng năm 2024, các xã, thị trấn đã kiểm tra gần 120 cơ sở, đạt gần 80% và xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 67 gói bim bim, bò khô, quẩy, mì tôm trẻ em ở xã Thụy An và nhắc nhở 13 cơ sở tại xã Tiên Phong, Sơn Đà, thị trấn Tây Đằng” - ông Hoàng Xuân Trường cho biết thêm.
Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, các đơn vị liên quan đã phối hợp, triển khai kế hoạch ATTP trong và xung quanh cổng trường học. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đến các Ban Chỉ đạo của từng xã, thị trấn.
Đặc biệt, UBND huyện Ba Vì đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-UBND ngày 9/8/2024 về chuyên đề tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh trường học trên địa bàn.
Kết quả, 100% các cơ sở giáo dục đều ký cam kết/cấp giấy chứng nhận ATTP. 100% giáo viên, nhân viên bếp, cô nuôi và giáo viên đều được tập huấn kiến thức ATTP và khám sức khỏe định kỳ. 100% Ban giám hiệu các trường thường xuyên tổ chức giám sát định kỳ và có sự tham gia của Hội cha mẹ học sinh.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì khẳng định, để bảo đảm ATTP tại trường học, Phòng yêu cầu các nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện tiến hành giám sát ATTP bếp ăn tập thể.
Cùng với đó, hướng dẫn các trường nhận biết những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thực hiện chế độ kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế. Các nhà trường kiên quyết “nói không” với thực phẩm đông lạnh, không bảo đảm chất lượng.
Tiếp tục kiểm tra, giám sát theo quy định
Thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể trường học luôn được huyện Ba Vì đẩy mạnh. Mục tiêu là 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát theo quy định. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo Trường Mầm non Vật Lại khẳng định, dưới sự hướng dẫn của Phòng Y tế và Phòng GD&ĐT huyện, nhà trường đã tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho bếp ăn bán trú.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Đằng A Ngô Thị Kim Sâm cũng cho biết, nhà trường luôn coi trọng nội dung bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong và xung quanh trường học thông qua hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên nuôi dưỡng của nhà trường.
“Nhà trường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho bếp ăn bán trú. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm luôn được thực hiện hàng ngày. Cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh được tập huấn công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về ATTP” - bà Ngô Thị Kim Sâm cho biết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, bước vào năm học mới, huyện yêu cầu các phòng chức năng, các xã, thị trấn triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, các phòng, xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn; giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Để bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú cho học sinh, UBND huyện Ba Vì yêu cầu các đơn vị tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại bếp ăn tập thể trong trường học; qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại để yêu cầu nhà trường khẩn trương khắc phục. Quá trình kiểm tra bao gồm cả việc hướng dẫn, tuyên truyền các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình, từ nhập thực phẩm, sơ chế, bảo quản đến chế biến, đưa đến bàn ăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh
(https://kinhtedothi.vn/huyen-ba-vi-kiem-soat-chat-an-toan-thuc-pham-trong-va-ngoai-cong-truong-hoc.html)
* Tước chứng chỉ hành nghề bác sĩ phụ trách chuyên môn của phòng khám phục hồi chức năng
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt 60 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ phụ trách chuyên môn trong thời gian 2 tháng đối với Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng 360.
Theo đó, Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng 360 trực thuộc Công ty cổ phần phát triển Y học 360 (số 30, ngõ 120 phố Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) bị xử phạt 60 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ phụ trách chuyên môn trong thời gian 2 tháng và buộc gỡ nội dung quảng cáo trên Internet. Lý do là người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật, quảng cáo dịch vụ đặc biệt (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh) mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã xử phạt Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trực thuộc Công ty TNHH Royalman (tầng 3, số nhà 90 phố Trung Phụng, phường Trung Phụng, quận Đống Đa) và Công ty cổ phần hệ sinh thái kinh doanh Spa Sbe (số 22 ngách 52 ngõ 63 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm)ở mức 45 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Riêng Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trực thuộc Công ty TNHH Royalman còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, nội dung quảng cáo trên Internet.
Công ty TNHH thương mại dược phẩm T&T Việt Nam (tầng 1 số 60 Khúc Thừa Dụ, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 34 triệu đồng do không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật; bán thuốc kê đơn (cụ thể là thuốc Klamentin 1g) khi không có đơn thuốc.
Công ty TNHH dược phẩm & thiết bị y tế Trường Giang (số 38 ngõ 17 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 15 triệu đồng do không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật.
Cùng mắc lỗi không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật, 6 cơ sở kinh doanh dược bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng. Đó là các cơ sở nhà thuốc Thu Huyền (số 55/673 đường Cổ Điển, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì); quầy thuốc Nguyễn Văn Tân (km 6, QL2, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn); quầy thuốc Nguyễn Hiền (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh); nhà thuốc Tuệ Minh (L1-03LK Goldsilk Complex số 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông); nhà thuốc Phạm Đô (số 49 Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông); quầy thuốc Anh Đào (số 91 ngõ 634 Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).
Phòng khám chuyên khoa Răng hàm mặt trực thuộc Công ty TNHH Kaeng Nam International Clinic (tầng 5, số 206A đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 4 triệu đồng do lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Cơ sở dược liệu của ông Nguyễn Quốc Uy (số 17 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông) bị xử phạt mức 4 triệu đồng do bán dược liệu đã qua sơ chế không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định.
Công ty TNHH Y Dược quốc tế Đông Nam (số 21 ngách 290/11 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình) bị xử phạt 2 triệu đồng do buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.
(https://suckhoedoisong.vn/tuoc-chung-chi-hanh-nghe-bac-si-phu-trach-chuyen-mon-cua-phong-kham-phuc-hoi-chuc-nang-16924090610430675.htm)