* Nguy cơ tử vong khi mắc thủy đậu ở người lớn
Thủy đậu mặc dù được xem là bệnh lành tính thường xảy ra ở trẻ nhỏ, thế nhưng không ít trường hợp người lớn mắc thủy đậu phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 679 ca mắc thủy đậu. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, rất nhiều địa phương trên cả nước cũng đã ghi nhận tình trạng dịch thủy đậu diễn biến phức tạp, đơn cử, tại tỉnh Yên Bái ghi nhận vụ dịch thủy đậu với 69 ca bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong.
BS Nguyễn Thị Thúy Hậu - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, thủy đậu là bệnh lý rất dễ lây, tốc độ lây truyền cực kỳ nhanh qua đường hô hấp, hệ số lây nhiễm của thủy đậu là 6, tức là 1 người mắc bệnh thủy đậu thì có thể lây cho 6 – 7 người tiếp xúc gần xung quanh. Bên cạnh đó, một người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vaccine thủy đậu trước đây có đến 90% nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thủy đậu. Trong khi đó, nhiều người vẫn còn thái độ thờ ơ trước sự nguy hiểm của bệnh.
“Đây chính là những nguyên nhân khiến số ca thủy đậu tăng lên rất nhanh, thậm chí có nguy cơ bùng phát thành dịch, nhiều ca biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, suy đa cơ quan và tử vong” – BS Hậu nói.
Đáng chú ý, các chuyên gia cho biết, mặc dù thủy đậu là bệnh thường có diễn tiến lành tính và bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên, nhiễm thủy đậu ở trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng.
BS Nguyễn Quang Huy - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Nhiều người chủ quan khi cho rằng, người lớn không mắc thủy đậu. Nếu có nhiễm bệnh thì cũng tự khỏi và không để lại biến chứng. Thế nhưng, trên thực tế, khi mắc bệnh, tỷ lệ xảy ra biến chứng và tử vong cao hơn ở người lớn - một số nghiên cứu về việc điều trị bệnh thủy đậu đối với người lớn, các trường hợp nặng và tử vong chiếm tới 10,4%, đây là tỷ lệ rất cao đối với bệnh đã có vaccine. Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó đã ghi nhận nam thanh niên 32 tuổi tử vong do biến chứng viêm phổi, suy gan.
Tương tự, thông tin từ Bệnh viện Nội tiết trung ương cũng cho biết, thời gian qua cơ sở y tế này tiếp nhận không ít ca bệnh mắc thủy đậu kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận…
Điển hình, bệnh nhân V.T.O. (ở Nam Định) được chuyển đến viện trong tình trạng thủy đậu bội nhiễm viêm phổi; nhiễm khuẩn tiết niệu; đái tháo đường type 2; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu.
Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân có tiếp xúc với hai học sinh mắc bệnh thủy đậu, sau đó sốt cao 38-39 độ C kèm các nốt phỏng nước ở miệng họng và rải rác toàn thân, đa lứa tuổi, đa kích thước.
Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, xuất hiện thêm tình trạng đau rát họng, ho nặng tiếng, ho nhiều, đờm vàng đục, đau nhức đầu và toàn thân. Trên da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt phỏng đã vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, kèm theo tiểu tiện khó, tiểu buốt rắt....
BS Huy diễn giải thêm, triệu chứng thủy đậu ở người lớn cũng giống với trẻ em, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi biến chứng. Bệnh tiến triển thông qua các triệu chứng ban đầu từ 1-3 tuần sau khi tiếp xúc với virus, như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ thể và đầu. Những triệu chứng này thường bắt đầu 1 hoặc 2 ngày trước khi xuất hiện phát ban. Với người lớn, số mụn nước dao động từ 250 - 500 nốt.
“Đặc biệt, thai phụ nhiễm thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus varicella, nguy cơ tử vong lên đến 40%. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở” - BS Huy nhấn mạnh.
Vaccine thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, tránh lây nhiễm và biến chứng do bệnh. Vaccine phòng thủy đậu hiện tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa mắc bệnh. Lịch tiêm vaccine thủy đậu gồm 2 mũi, khoảng cách tiêm tùy thuộc vào loại vaccine và độ tuổi. Vaccine thủy đậu không được chỉ định tiêm trong thai kỳ. Để phòng bệnh khi mang thai và cung cấp miễn dịch bảo vệ trẻ, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần chủ động tiêm ngừa trước thai kỳ và ngừa thai ít nhất 3 tháng trước khi có thai…
(https://daidoanket.vn/nguy-co-tu-vong-khi-mac-thuy-dau-o-nguoi-lon-10287477.html)
*Nam thanh niên suýt mất mạng vì uống thuốc nam
Bị suy thận độ 2 nhưng nam thanh niên 26 tuổi ở Hà Nội bỏ thuốc bác sĩ kê để uống thuốc nam. Sau 6 tháng, anh này phải nhập viện cấp cứu với thân hình suy kiệt, suy thận giai đoạn 5, nguy hiểm tới tính mạng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân H.H.Q (26 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) vào nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, gầy suy kiệt, không ăn uống được, nôn trớ liên tục, miệng loét. Các chỉ số xét nghiệm như creatinin gấp 20 lần, ure gấp 12 lần giá trị cao nhất của người bình thường.
Nam thanh niên được chẩn đoán ngập máu tăng ure máu, suy thận mạn giai đoạn 5 và phải lọc máu cấp cứu.
Theo gia đình bệnh nhân, năm 2019, anh Q phát hiện đi tiểu có mùi khác bình thường. Đi khám anh phát hiện suy thận độ 2 và được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc tại nhà, tái khám theo lịch để bảo tồn chức năng thận, ngăn bệnh tiến triển.
Tuy nhiên nửa năm gần đây, do được người nhà mách có một số thầy lang chữa bệnh bằng thuốc nam, anh Q đã bỏ thuốc tây, không tái khám định kỳ nữa.
Sau lần đầu sử dụng thuốc nam, anh Q đi khám, chỉ số vẫn bình thường, tin tưởng có thể chữa khỏi bệnh, gia đình tiếp tục bốc thuốc về cho bệnh nhân uống, sau đó anh Q xuất hiện lưỡi trắng bất thường, miệng đau loét không nuốt nổi.
Nghĩ do không hợp thuốc, gia đình tiếp tục cắt thuốc ở 3 nơi khác nhau, tình trạng bệnh nhân không thuyên giảm mà tiếp tục tăng nặng, chỉ số ure, creatinin tăng chóng mặt cho đến khi thể trạng suy kiệt không còn sự sống, lúc đó gia đình mới cuống cuồng cho bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.
Sau nhiều ngày được điều trị tích cực, các chức năng thận của bệnh nhân Q đã dần về trạng thái ổn định, sức khỏe được cải thiện hơn, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn gầy và suy kiệt cần được theo dõi và nâng cao thể trạng.
Sau khi ra viện, bệnh nhân được xếp lịch lọc máu chu kỳ để duy trì sự sống.
TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa Nội thận, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, gần 1 năm trở lại đây, Khoa Nội thận đã tiếp nhận điều trị rất nhiều trường hợp suy thận mức độ nặng, tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn có liên quan tới việc uống thuốc nam.
Suy giảm chức năng thận ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng đặc hiệu nên người bệnh dễ bỏ qua. Do đó, rất nhiều người mắc bệnh suy thận không được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ, dẫn đến việc điều trị ở giai đoạn muộn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
BS Tuyên cũng khẳng định, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ rõ tác dụng chữa suy thận bằng thuốc nam, đặc biệt trên người bệnh thận mạn, chức năng thận vốn đã kém nên việc dùng các hoạt chất từ thuốc nam, ngay cả ăn uống thường ngày đều cần phải cẩn trọng để tránh suy thận nặng hơn.
(https://cand.com.vn/y-te/nam-thanh-nien-suyt-mat-mang-vi-uong-thuoc-nam-i739815/)
Cùng nội dung thông tin:
* Nam thanh niên suy kiệt sức khoẻ vì dùng thuốc nam
(https://laodong.vn/suc-khoe/nam-thanh-nien-suy-kiet-suc-khoe-vi-dung-thuoc-nam-1377011.ldo)
* Suýt mất mạng vì thuốc nam
(https://vtv.vn/suc-khoe/suyt-mat-mang-vi-thuoc-nam-2024080618595806.htm)
* Đình chỉ cơ sở tiêm chủng không có giấy phép hoạt động
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt hộ kinh doanh Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp II về hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi không có giấy phép.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thông tin, đơn vị này đã xử phạt 45 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng đối với Hộ kinh doanh Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp II (địa điểm ở số 9, khu B Hà Xá, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức) về hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Cùng bị xử phạt lỗi này, có hộ kinh doanh Daisy Beauty (số 26 phố Bích Câu (tầng 2), phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt Nhà thuốc An Thái (số 6-A6a (tầng 1), tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình) 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.
Không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật, 04 cơ sở bị xử phạt mức 15 triệu đồng, bao gồm: Công ty TNHH dược phẩm Liên Mai (số 625 Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình); Công ty cổ phần Y Dược Pháp Âu (số 202A phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai); Công ty TNHH dược phẩm U.N.I Việt Nam (phòng 1216 tòa nhà CT4C-X2, ngõ 54 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì); Công ty cổ phần dược phẩm Cathay (tầng 2, tòa nhà Detech Tower, số 8 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm).
Công ty cổ phần tập đoàn Dược - Mỹ phẩm Vinpharma (lô D3, Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) bị xử phạt 25 triệu đồng do lỗi để tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc.
Công ty TNHH dịch vụ y tế Hưng Thành (số 108 Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì) bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định và buộc phải tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo.
2 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm là Công ty cổ phần KOMBO (số 60 đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 12 triệu đồng do nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín.
Công ty TNHH nước tinh khiết Villa HN (địa chỉ Đồng Chằm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) bị xử phạt 35 triệu đồng do sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai Savilla (NSX: 24-06-2024; HSD: 1 năm tính từ ngày sản xuất, quy cách 19l/chai) thuộc diện tự công bố sản phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật số 6-1: 2010/BYT ngày 02/6/2010 của Bộ Y tế. Cùng với phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất nước uống đóng chai 2 tháng, kể từ ngày 1/8/2024; buộc thu hồi và buộc thay đổi mục đích sử dụng của sản phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
(https://suckhoedoisong.vn/dinh-chi-co-so-tiem-chung-khong-co-giay-phep-hoat-dong-169240807201626294.htm)
* Hà Nội: Đình chỉ lưu hành, thu hồi 206 sản phẩm mỹ phẩm
Sở Y tế Hà Nội thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng 206 sản phẩm của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam.
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản 3666/SYT - NVD thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy 206 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam.
Cụ thể, 206 sản phẩm do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam (địa chỉ số 57 Lê Hữu Tự, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) sản xuất theo danh mục sản phẩm kèm theo công văn số 2622/QLD - MP ngày 31/7/2024 của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (có tên, địa chỉ tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường đối với từng sản phẩm). Các sản phẩm này bị thu hồi do là sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng 206 sản phẩm nêu trên. Sở Y tế đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở (nếu có).
Ngày 27/6/2024, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có Quyết định 2035/QĐ - SYT thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm của Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam với lý do công ty này không duy trì các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.
Ngày 11/7/2024, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định 2375/QĐ - SYT thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam đứng tên hoặc ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân đứng tên công bố và phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam.
Cùng lý do là sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại cơ sở không đáp ứng điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định, ngày 5/8/2024, Sở Y tế Hà Nội cũng ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm dầu massage (nhãn hàng Đại lực hoàng), phiếu công bố số 001715/21/CBMP-HCM.
Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất và thương mại mỹ phẩm Lê Vân, địa chỉ 2B31/1 Ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh./.
(https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-dinh-chi-luu-hanh-thu-hoi-206-san-pham-my-pham-post969252.vnp)
* Tôn vinh hơn 200 cán bộ công đoàn y tế Thủ đô tiêu biểu
Ngày 7/8, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu và tôn vinh “Sáng kiến, sáng tạo” ngành y tế Thủ đô năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho biết, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội hiện đang quản lý trên 28.000 đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) với 113 Công đoàn cơ sở trực thuộc.
Những năm qua, đội ngũ CNVCLĐ và các cấp công đoàn ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực thi đua trong lao động, học tập và công tác, tận tụy, sáng tạo, không ngừng đổi mới toàn diện, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn.
Nhiều phong trào thi đua do Công đoàn ngành phát động đạt kết quả cao như “Người tốt, việc tốt”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Nếp sống văn hóa công nghiệp”...
Đặc biệt, các phong trào mang tính đặc thù ngành nghề có ý nghĩa thiết thực và được đông đảo cán bộ CNVCLĐ hưởng ứng tham gia.
Đơn cử như “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” gắn với “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp”; xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các cá nhân được tôn vinh, khen thưởng năm 2024 là những nhân tố điển hình tiêu biểu được lựa chọn, bình xét từ cấp cơ sở đến cấp ngành.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội mong muốn, các cá nhân được tôn vinh, khen thưởng sẽ tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đạt được, không ngừng phấn đấu để nhân rộng thêm nhiều gương điển hình, tiêu biểu khác, góp thêm những bông hoa tươi thắm trong phong trào, thành tích thi đua chung của ngành y tế Thủ đô.
Tại hội nghị, 24 cán bộ công đoàn ngành Y tế Thủ đô được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn năm 2024 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tôn vinh, khen thưởng 48 y, bác sĩ, kỹ thuật viên đang công tác tại các đơn vị của ngành y tế Hà Nội là tác giả của sáng kiến, sáng tạo trong phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” ngành Y tế Thủ đô năm 2024; khen thưởng 195 cán bộ Công đoàn ngành Y tế Thủ đô tiêu biểu năm 2024.
(https://kinhtedothi.vn/ton-vinh-hon-200-can-bo-cong-doan-y-te-thu-do-tieu-bieu.html)
*Hà Nội xử phạt 36 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Từ đầu năm đến nay, ngành y tế Thủ đô đã kiện toàn 5 đội cơ động điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến TP, chủ động giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) với 27.120 suất ăn đảm bảo ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện của T.Ư và TP.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, trong 6 tháng qua, trên địa bàn TP đã xảy ra 2 vụ ngộ độc Methanol tại huyện Thanh Oai và huyện Mê Linh; 1 vụ sự cố về ATTP tại quận Hoàn Kiếm với 2 người mắc, 1 ca tử vong. Cụ thể, một bệnh nhân nam nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm toan chuyển hóa và 1 bệnh nhân nữ tử vong do sock, nhiễm toan chuyển hóa nặng, tổn thương đa cơ quan.
6 tháng qua, cơ quan chức năng TP đã kiểm tra, hậu kiểm 305 cơ sở. Trong đó, có 36 cơ sở chuyển Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 678 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu: khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại, hệ thống cống hở, ứ đọng, không ghi chép hoặc ghi không đúng sổ kiểm thực 3 bước; ghi nhãn sản phẩm không đúng, quảng cáo sản phẩm thực phẩm không đúng,...
Cũng trong 6 tháng qua, ngành y tế đã lấy 46 mẫu kiểm nghiệm, xét nghiệm trong labo, trong đó, 15/16 mẫu có kết quả đạt, 1 mẫu nước uống đóng chai có chỉ tiêu vi sinh không đạt; 30 mẫu chưa có kết quả và có 1.720 mẫu xét nghiệm nhanh (đạt 98%)
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-xu-phat-36-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham.html)