Trên mạng xã hội Facebook và trên một số website, quảng cáo sữa Hiup gây xôn xao, khi khẳng định uống sữa vào sẽ tăng 3-5cm chiều cao sau vài tháng.
Liên quan đến sản phẩm sữa Hiup quảng cáo "thổi phồng" tăng chiều cao sau vài tháng, mới đây, ngày 21/3, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định số 75/QĐXPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam (Công ty Alama Việt Nam), địa chỉ tại tầng 5 tòa nhà Láng Trung, số 60, tổ 33, ngõ 850 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội xác định, Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam đã có hành vi quảng cáo thực phẩm (sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 tại trang web https://www.hiupchinhhang.vn/) không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
Cụ thể nội dung quảng cáo không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 21/2022/XNQC do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Phúc cấp ngày 26/8/2022. Công ty đã bị xử phạt 25 triệu đồng và buộc cải chính thông tin, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo của Sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27.
Tuy nhiên, thực tế, đến ngày 21/6, thông tin hiển thị trên trang https://www.hiupchinhhang.vn vẫn còn những nội dung như "Xương chắc khỏe - phát triển chiều cao vượt trội so với bạn bè; Trẻ cao, lớn thông minh hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tự tin vững bước vào tương lai!".
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/sua-than-ky-tang-3-5cm-chieu-cao-quang-cao-nhu-thuoc-chua-benh-20240707075014658.htm)
Quán cơm bình dân: Tiện lợi nhưng tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn
Với sự tiện lợi và giá cả hợp lý, các quán cơm bình dân luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên lên thành phố học, phải sống xa gia đình.
Mới đây, sau khi ăn tối tại một quán cơm gần ký túc xá, em Trần Văn Dũng (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) bị đau quặn bụng từng cơn kèm theo triệu chứng tiêu chảy. Sau đó, Dũng đã ra hiệu thuốc mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Khi thấy cơ thể mệt lả, bụng đau ngày một dữ dội hơn, Dũng mới đến Phòng khám Đa khoa 182 Lương Thế Vinh (Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội) để thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân bị nhiễm độc thức ăn phải truyền dịch và điều trị dài ngày.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 6-2024, cả nước xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 372 người bị ngộ độc. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 55 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.397 người bị ngộ độc, trong đó có 6 người tử vong. Dựa trên tình hình thực tế, có 2 loại hình nguy cơ xảy ra ngộ độc thời gian qua, đó là thức ăn đường phố và bếp ăn khu công nghiệp, trường học.
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long, nguyên nhân gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm thời gian gần đây được xác định là do vi khuẩn Salmonella, Bacillus Cereus…
(https://hanoimoi.vn/quan-com-binh-dan-tien-loi-nhung-tiem-an-nguy-co-thieu-an-toan-671528.html)
Nhiều thuốc đích chữa ung thư, vật tư thay thế đắt tiền được BHYT chi trả
BHXH Việt Nam cho biết nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
(https://suckhoedoisong.vn/nhieu-thuoc-dich-chua-ung-thu-vat-tu-thay-the-dat-tien-duoc-bhyt-chi-tra-169240708212057895.htm)
Sau nôn, sốt, đi ngoài không dứt, bé trai 10 tuổi sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm tính mạng
Ngày 9/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, vừa qua, các bác sĩ của Bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn bằng kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị.
Cụ thể, bệnh nhi là T.M.D (10 tuổi, địa chỉ Tiền Hải, Thái Bình). Theo lời kể người nhà, đang trong kỳ nghỉ hè nên D lên nhà chị gái tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội chơi.
Đêm 27/6, D có biểu hiện nôn ra nhiều dịch và thức ăn. Sáng cùng ngày, trẻ sốt 38,5 độ C, kèm theo đi ngoài phân lỏng. Trẻ không đau bụng nhưng tiếp tục nôn nhiều. Sau đó, bệnh nhi được gia đình cho vào bệnh viện gần nhà điều trị.
"Nhận thức đây sẽ ca lọc máu liên tục đầu tiên ở đối tượng trẻ em được thực hiện tại Bệnh viện nên toàn bộ ê kíp lọc máu đã vận dụng toàn bộ kỹ năng để thực hiện nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân", ThS.BS Hoàng Văn Kết, Khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ.
Sau 8 giờ lọc máu liên tục, tình trạng lâm sàng và xét nghiệm của bệnh nhi đã cải thiện, giảm được liều thuốc vận mạch, tình trạng tưới máu cũng cải thiện, chỉ số PH máu và lactat máu trở về mức bình thường.
Sau 3 ngày điều trị tích cực kết hợp với lọc máu liên tục, tình trạng lâm sàng của bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt, bệnh nhân hết sốt, các chỉ số xét viêm giảm dần, cắt được an thần, cắt được thuốc vận mạch, dừng lọc máu và được rút ống nội khí quản để trẻ có thể tự thở.
(https://giadinh.suckhoedoisong.vn/sau-non-sot-di-ngoai-khong-dut-be-trai-10-tuoi-soc-nhiem-khuan-nguy-hiem-tinh-mang-172240709125326087.htm)
Kết quả xét nghiệm 8 F1 tiếp xúc với nữ sinh mắc bạch hầu ở Bắc Giang
Sáng 9/7, ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin kết quả xét nghiệm 8/15 mẫu CDC tỉnh gửi giám định bệnh bạch hầu. 8 mẫu đều có kết quả âm tính, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi bổ sung.
“Dù có kết quả âm tính song các trường hợp F1 vẫn phải cách ly, theo dõi sức khỏe và được điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh”, ông Lê Tiến Cương cho biết.
(https://vtcnews.vn/ket-qua-xet-nghiem-8-f1-tiep-xuc-voi-nu-sinh-mac-bach-hau-o-bac-giang-ar882377.html)
Ngành Y tế Hà Nội thực hiện quy chế chuyên môn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn
Sở Y tế Hà Nội vừa xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch 2869/KH-SYT về kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn năm 2024 đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trực thuộc ngành.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập xây dựng kế hoạch, tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị định, thông tư và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị.
Các khoa, phòng triển khai tự giám sát quy chế chuyên môn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo tối thiểu 1 lần/tuần; toàn đơn vị 1 lần/tháng; tổng hợp những tồn tại sau kiểm tra, giám sát có kế hoạch khắc phục ngay các tồn tại (nếu có).
Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra, giám sát quy chế chuyên môn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn năm 2024 tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh công lập và ngoài công lập theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Ngoài ra, Sở cũng hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị khắc phục tồn tại sau kiểm tra giám sát và kiểm tra, giám sát lại sau khắc phục tồn tại.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm đôn đốc, giám sát, hỗ trợ, đánh giá công tác chỉ đạo, xây dựng, triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện các nghị định, thông tư, văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
(https://tuoitrethudo.vn/nganh-y-te-ha-noi-thuc-hien-quy-che-chuyen-mon-cong-tac-kiem-soat-nhiem-khuan-254120.html)