Hiện ngành y tế tiếp tục chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao.
Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 17 ổ dịch, trong đó có 940 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động, trong đó 4 ổ dịch tại Đan Phượng gồm: Bãi Tháp và Đồng Vân thuộc xã Đồng Tháp; thôn Phương Mạc, xã Phương Đình; thôn 3 xã Thượng Mỗ; 1 ổ dịch tại phường Trung Liệt, Đống Đa và 1 ổ dịch tại phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, hiện nay điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh.
(https://hanoionline.vn/video/so-ca-mac-sxh-tai-ha-noi-tang-nam-tuan-lien-tiep-246969.htm)
Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa diễn ra, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có một số định hướng, điểm mới. Để làm rõ hơn điều này, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã trao đổi với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
- Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, riêng trong lĩnh vực y tế có định hướng sự phát triển như thế nào thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết sáng 28/6, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành rất cao có nhiều điểm mới, hoàn thiện hơn về thể chế, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 nhằm hướng tới xây dựng, phát triển Thủ đô với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đối với lĩnh vực y tế, Luật Thủ đô (sửa đổi) định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia (do Bộ Y tế quản lý) và mạng lưới cơ sở y tế địa phương (do TP Hà Nội quản lý).
- Thưa bà, được biết một điểm hết sức quan trọng khác trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực của hệ thống y tế, cụ thể là gì?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Hà Nội được xem là trung tâm y tế lớn nhất cả nước, trong đó trên địa bàn Hà Nội có mạng lưới các bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý với 19 bệnh viện trong đó có 04 bệnh viện đa khoa, 15 bệnh viện chuyên khoa (ngoài ra còn có các bệnh viện thực hành thuộc trường đại học và học viện).
Đây là những bệnh viện chuyên khoa, đa khoa thuộc cấp chuyên sâu và đáp ứng tiêu chí là bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò quốc gia trong hệ thống y tế cả nước.
Trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia, các bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế quản lý có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc:
Cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối cho người dân trên cả nước;
Chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới qua đó góp phần nâng đỡ sự phát triển của hệ thống y tế các địa phương, đặc biệt là các khu vực khó khăn;
Phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu mang tính đầu ngành, tiếp nhận và làm chủ các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến trên thế giới;
Đóng vai trò trung tâm thực hành kiểu mẫu, giúp Bộ Y tế xây dựng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
Điều phối đảm bảo an ninh y tế, vốn được xem là vai trò không thể thay thế trong bối cảnh hiện nay khi nguy cơ xuất hiện và bùng phát các dịch bệnh mới nổi đe dọa an ninh y tế ngày càng lớn, số lượng đơn vị hành chính tuyến tỉnh của nước ta khá lớn trong khi năng lực của hệ thống y tế tỉnh không đồng đều và năng lực liên kết giữa các tỉnh còn ở mức rất khiêm tốn;
Hỗ trợ công tác đào tạo chuyên khoa, là cơ sở thực hành chuyên sâu của các Trường Đại học khối ngành sức khỏe trọng điểm quốc gia của cả nước.
Một điểm hết sức quan trọng khác trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực của hệ thống y tế vốn được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới nhưng trước đây chưa có điều kiện quan tâm đúng mức, bao gồm phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và hệ thống cấp cứu ngoại viện.
Điều đáng chú ý là nội dung ưu tiên phát triển này không chỉ dừng ở mức xác định định hướng chung mà đã xác định cụ thể chiến lược hỗ trợ phát triển cả 2 khía cạnh là cung dịch vụ (hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, phát triển nhân lực) và cầu dịch vụ (sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, gồm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện).
Đây là những nội dung ưu tiên mà Bộ Y tế đã xác định trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như chiến lược đổi mới mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới và thành phố Hà Nội, với quy hoạch Thủ đô (sửa đổi), được mong chờ sẽ đi đầu trong việc triển khai thực hiện.
- Vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung chú trọng những gì trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi), thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Bộ Y tế luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới các bệnh viện tuyến trung ương trong hệ thống y tế cả nước (vừa có vai trò tiên phong dẫn dăt vừa có vai trò lan tỏa sự phát triển, vừa là nguồn lực để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu vừa là nguồn dự trữ để đối phó với những tình huống khẩn cấp về y tế công cộng) và có chiến lược phát triển mạng triển mạng lưới bệnh viện này trong tình hình mới theo định hướng đã xác định trong Quy hoạch Mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình xây dựng và thẩm định Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia xây dựng luật, các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo TP Hà Nội, các ban bộ ngành liên quan…trên quan điểm đánh giá thận trọng, khách quan, đặt sự phát triển của hệ thống y tế Thủ đô trong tổng thể phát triển của hệ thống y tế cả nước đã hoàn toàn chia sẻ và ủng hộ quan điểm phát triển các bệnh viện tuyến trung ương của Bộ Y tế trên địa bàn Thủ đô.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân Hà Nội để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân theo những định hướng đã xác định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó đặc biệt chú trọng sự kết nối, tương hỗ, bổ trợ hiệu quả giữa các bệnh viện trung ương do Bộ Y tế quản lý và các cơ sở y tế do Hà Nội quản lý.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Phan Lê Thu Hằng!
(https://suckhoedoisong.vn/luat-thu-do-sua-doi-dam-bao-ket-noi-tuong-tac-hieu-qua-giua-mang-luoi-co-so-y-te-quoc-gia-va-dia-phuong-169240701073646129.htm)
Bắt 2 người làm giả con dấu của nhiều bệnh viện ở Hà Nội
Công an đã phát hiện và bắt giữ 2 người có hành vi làm giả con dấu của nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội.
Theo thông tin từ Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) vừa phối hợp với Công an TP Hà Nội phát hiện và bắt giữ 2 người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Theo đó, vào cuối tháng 6, A05 đã phối hợp với Công an quận Tây Hồ tiến hành kiểm tra hành chính số nhà 169 đường Nước Phần Lan, phường Tứ Liên.
Qua kiểm tra phát hiện và thu giữ 4 dấu tròn in chữ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Giao thông Vận tải, Bệnh viện E.
Ngoài ra, công an cũng thu giữ 35 dấu vuông in chữ giám đốc, trưởng khoa; phó trưởng phòng khám sức khỏe; 2 bộ máy tính để bàn; 5 điện thoại di động các loại; nhiều giấy khám sức khỏe đã đóng dấu chưa gửi đi và nhiều giấy tờ khác liên quan đến hoạt động sản xuất giấy khám sức khỏe giả mạo một số bệnh viện tại Hà Nội.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Diệu Anh (21 tuổi) và Nguyễn Văn Quý (30 tuổi), cả hai cùng quê Ứng Hòa, Hà Nội.
Hai người này bị điều tra về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các quyết định đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
(Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh (plo.vn)
Nghiên cứu mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế, giúp ngăn ngừa bệnh từ sớm, từ xa
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra tại lễ mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7/2009 - 1/7/2024) do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 1-7, tại Hà Nội.
Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 1-7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam. Năm 2009 cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Thời điểm đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 58%. Đến nay, sau 15 năm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng lên 93,35%.
Ước tính trong 6 tháng năm 2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú, tăng hơn 6,5 triệu lượt (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và sự thay đổi về mô hình bệnh tật, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, bảo hiểm y tế được xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có các quyền lợi giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa.
(https://hanoimoi.vn/nghien-cuu-mo-rong-pham-vi-chi-tra-bao-hiem-y-te-giup-ngan-ngua-benh-tu-som-tu-xa-670831.html)
Quận Thanh Xuân xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm 231 triệu đồng
Theo UBND quận Thanh Xuân, trong 6 tháng đầu năm, toàn quận xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) 126 cơ sở với số tiền hơn 231 triệu đồng.
Trên địa bàn quận Thanh Xuân có tổng số 2.464 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 2 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 4 chợ. Trong đó, lĩnh vực công thương 571 cơ sở; lĩnh vực nông nghiệp 453 cơ sở; lĩnh vực y tế 1.440 cơ sở.
Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được quận triển khai với các hình thức đa dạng phong phú. Trong 6 tháng đấu năm, toàn quận thực hiện 780 lượt phát thanh, 71 bài viết. Treo 59 banner, khẩu hiệu tuyên truyền; cấp phát 2.428 tờ rơi tuyên truyền về quy định pháp luật về ATTP. Tổ chức 27 buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP 1.441 người tham gia. Duy trì hoạt động đường dây nóng về ATTP; mở chuyên mục ATTP trên trang thông tin điện tử quận.
Toàn quận tiến hành kiểm tra, giám sát 1.510 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Xử phạt vi phạm hành chính về ATTP 126 cơ sở với số tiền hơn 231 triệu đồng (cấp quận: 11 trường hợp, số tiền 66 triệu đồng; cấp phường: 115 trường hợp, số tiền hơn 165 triệu đồng). Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 12 xử lý 23 cơ sở với tổng số tiền hơn 122 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hoá tiêu huỷ gần 182 triệu đồng.
Để tăng cường công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn quận, trong thời gian tới, quận Thanh Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Tiếp tục tổ chức khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các phường.
Cùng đó, duy trì công tác kiểm tra liên ngành từ cấp quận đến phường sau “Tháng hành động vì ATTP”. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định ATTP theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Duy trì và thực hiện hiệu quả các mô hình điểm (Điểm cung cấp thực phẩm an toàn, tuyến phố kiểm soát ATTP, Đề án trái cây, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm; tăng cường kiểm soát bếp ăn tập thể trường tiểu học; duy trì và phát triển mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể...).
(https://kinhtedothi.vn/quan-thanh-xuan-xu-phat-vi-pham-an-toan-thuc-pham-231-trieu-dong.html)