Tính đến đầu tháng 6/2024, cả nước ghi nhận 22.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy số ca nhiễm cộng dồn từ đầu năm đến nay tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (từ 408 ca năm 2023 lên 783 ca năm 2024).
Tại TP.HCM, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6/2024 đã ghi nhận 130 ca nhiễm, tăng số ca mắc tích lũy tính từ đầu năm đến ngày 9/6 tổng cộng là 3.677 ca.
Mới đây, vắc-xin sốt xuất huyết được Bộ Y tế phê duyệt để gia tăng biện pháp tiên tiến trong phòng ngừa sốt xuất huyết, bên cạnh các hoạt động kiểm soát muỗi gây bệnh.
Với căn bệnh này, chuyên gia cảnh báo có một số nhóm đối tượng khi mắc sốt xuất huyết dễ diến biến nặng: Người dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.
Người có bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.
Nhóm béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỷ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
Người có nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác; người da trắng thường nặng hơn người da vàng... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.
Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, vừa qua, bệnh viện ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc là một sinh viên có biểu hiện sốt cao 3-4 ngày, điều trị tại nhà và có bạn chăm sóc.
Sau khi bệnh nhân hạ sốt, người chăm sóc đi học thì bệnh nhân ở nhà xuất hiện sốc. Lúc phát hiện đưa đi viện thì đã quá muộn.
Có trường hợp tương tự người lớn tuổi, lúc sốt cao pha 1 thì con cái ở nhà chăm sóc, sang pha 2 đỡ sốt con cái đi làm, để cụ ông ở nhà một mình, đến cuối buổi quay về thì cụ ông đã tiến triển nặng.
Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo chưa sốc thì phục hồi nhanh. “Nếu không phát hiện được để diễn biến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao", bác sĩ Cấp cho hay.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin thêm, sốt xuất huyết chia thành các giai đoạn (các pha) khác nhau: Pha 1 là khi bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng, chỉ hạ sốt, uống oresol.
Pha 2, từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7. Bệnh nhân có 2 tình trạng, ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số người) sẽ dần khỏi. 6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc, vì thoát dịch khỏi thành mạch.
Ở pha đầu, trong 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính.
Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có sốt xuất huyết trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm có thể âm tính, vẫn phải nghĩ là sốt xuất huyết. Xét nghiệm ngày sau lại có thể dương tính.
Khi tiếp nhận một kết quả xét nghiệm, phải hiểu rõ được tiến hành pha nào của bệnh để biết được giá trị của xét nghiệm.
Do đó, bác sĩ Cấp khuyến cáo, một bệnh nhân sống trong vùng lưu hành sốt xuất huyết, khi xuất hiện sốt, hay dấu hiệu chảy máu bất thường, cần đi khám xem có phải sốt xuất huyết không.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh có nguy cơ diễn biến nặng: Bệnh nhân mệt (đặc biệt trẻ em, trẻ mấy ngày trước khóc nhiều, nay lả đi, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp);
Một số bệnh nhân đau tức vùng gan; một số bệnh nhân đau khắp bụng, một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều); chảy máu chân răng, xuất huyết…; xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng…
Khi có một trong các dấu hiệu này, phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Xử lý kịp thời, thường sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng.
"Khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo phải đến cơ sở y tế ngay. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng" lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng cảnh báo các hiểu lầm tai hại của sốt xuất huyết. Một trong những hiểu lầm phổ biến thường thấy, đó là "sốt xuất huyết chỉ bị một lần trong đời". Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, có 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Vì vậy, mỗi lần mắc bệnh, cơ thể chỉ tạo miễn dịch với tuýp virus đó, nên nguy cơ mắc do các tuýp còn lại vẫn tồn tại. Chưa kể, nguy cơ biến chứng nặng thường tăng cao từ lần thứ hai mắc bệnh trở đi.
Hiểu lầm thứ hai là "muỗi vằn lây bệnh sốt xuất huyết chỉ có ở những nơi ao tù nước đọng". Song trên thực tế, muỗi vằn lại ưa thích cả những chỗ nước sạch để lâu ngày. Đồng thời, nhà cao tầng cũng vẫn có muỗi trú ngụ.
Thứ ba, nhầm tưởng "hết sốt là hết bệnh" được các chuyên gia đánh giá là một nhầm lẫn nguy hiểm. Bởi theo các bác sĩ, sốt cao chỉ là triệu chứng đầu tiên khi mắc sốt xuất huyết.
Sau khi hạ sốt, hội chứng sốc dengue với các biểu hiện như phát ban dưới da, chảy máu cam, đau nhức xương khớp, buồn nôn có thể đột ngột xảy ra.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị suy đa tạng, bội nhiễm, thậm chí tử vong. Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ nếu sốt liên tục từ 2 ngày trở lên không rõ nguyên nhân, người bệnh hãy đến cơ sở y tế để kịp thời thăm khám.
Thêm một nhầm lẫn phổ biến khác đó là nhầm sốt xuất huyết với các bệnh lý khác. Triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn khi mắc sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân nhầm với bệnh cảm cúm. Kể cả khi bị xuất huyết dưới da, nhiều người vẫn nghĩ chỉ là do dị ứng hoặc chỉ là sốt xuất huyết nhẹ, dẫn đến chủ quan, không kịp thời điều trị.
Kế đến, theo nhiều người, chỉ có trẻ em mới bị sốt xuất huyết. Trong khi phân tích dịch tễ các năm gần đây thống kê được tỷ lệ người trên và dưới 15 tuổi mắc sốt xuất huyết gần như tương đương.
Nguy cơ biến chứng nặng giữa hai nhóm bệnh nhân cũng không chênh lệch nhiều. Xuất phát từ sự chủ quan và có thể do đã mắc bệnh nhiều lần, các ca trở nặng ở người lớn có xu hướng nhiều hơn. Chẳng hạn, người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch và sản phụ là các đối tượng nguy cơ cao.
Đồng thời, sốt xuất huyết không phải lúc nào cũng có thể tự điều trị. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chỉ cần tự truyền dịch hoặc mua thuốc uống là khỏi. Thực tế, mỗi giai đoạn bệnh sẽ có chỉ định điều trị riêng.
Trường hợp nặng còn cần chẩn đoán, theo dõi lâm sàng sát sao và điều trị bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm. Theo bác sĩ Thái, sự chủ quan này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do sốt xuất huyết.
Nhiều người còn cho rằng, sốt xuất huyết chỉ xảy ra vào mùa mưa. Song bác sĩ cho hay, hiện nay nguồn bệnh đã tiềm tàng và duy trì ổn định. Chỉ cần đủ cơ hội, đủ điều kiện là sẽ bùng phát.
Các yếu tố bất định của thời tiết, quá trình đô thị hóa, sự dịch chuyển của con người đã khiến sốt xuất huyết hiện nay hầu như xảy ra quanh năm. Do vậy, phải cảnh giác và phòng bệnh quanh năm, cả trong mùa khô hay mùa đông lạnh.
Suy nghĩ "sốt xuất huyết không gây chết người" của một số người cũng là quan điểm sai lầm. Theo WHO, sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.
Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 sau khi mắc bệnh là giai đoạn nguy hiểm cần theo dõi nghiêm ngặt để kịp thời nhận biết và điều trị các biến chứng nặng.
Tình trạng sốc do mất máu, thoát huyết tương, hạ huyết áp, suy đa tạng đều có thể gây tử vong. Đối với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết đe dọa tính mạng sản phụ lẫn thai nhi và để lại nhiều di chứng cho trẻ.
Những lầm tưởng trên khiến người dân lơ là thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết, làm gia tăng ca nhiễm và biến chứng nặng, tạo áp lực lớn cho ngành y tế.
(Báo Đầu tư)
Mỹ Đức: Siết chặt kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mỹ Đức đã tích cực thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Cùng với đó, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sản xuất theo hướng an toàn.
Vẫn còn những tồn tại, hạn chế
Để nâng cao ý thức cho người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các chủ hộ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Quyết Thắng, chủ nhà hàng Quyết Thắng (xã Hương Sơn), cho biết, không chỉ đồ ăn làm ngon mà cửa hàng của gia đình ông còn chú trọng tới vấn đề bảo đảm sức khỏe cho khách hàng. Tất cả các loại thực phẩm tại nhà hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tươi sống.
Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, huyện Mỹ Đức còn tăng cường kiểm tra tại các bếp ăn tập thể ở trường học, nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Đánh giá về công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2024, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 4.738 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã kiểm tra 308 cơ sở, trong đó tuyến huyện kiểm tra được 68 cơ sở; tuyến xã, thị trấn kiểm tra được 240 cơ sở. Các đoàn kiểm tra đã xử lý 9 cơ sở vi phạm các điều kiện an toàn thực phẩm với số tiền 19 triệu đồng.
Hiện tại, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm của chính quyền một số xã triển khai còn chậm. Nhận thức của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, như: Không bảo đảm vệ sinh trong và ngoài khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; mặc trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ; thiếu giá kệ để kê, chứa đựng thực phẩm. Việc sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân chưa được kiểm soát chặt chẽ; chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại địa phương. Đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và chủ yếu thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm. Ngoài ra, địa phương thiếu các test xét nghiệm nhanh cho ngành Nông nghiệp, Công Thương và công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn hạn chế.
Xử lý nghiêm những vi phạm
Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Để công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh thông tin, huyện yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện đúng các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng cần thận trọng lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; không nên mua, tích trữ quá nhiều. Việc chế biến, bảo quản thực phẩm cần làm đúng cách, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe... Huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế cùng với Đội Quản lý thị trường số 23 tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, huyện yêu cầu, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tập trung vào những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều và có yếu tố nguy cơ cao. Đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng và điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2024.
Đồng thời, huyện đề nghị, các sở, ngành liên quan của thành phố tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm; tham mưu UBND thành phố bố trí cán bộ làm công tác chuyên trách trong lĩnh vực an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, thị trấn và có chính sách đãi ngộ phù hợp với từng vị trí việc làm.
Huyện Mỹ Đức đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung; hình thành và phát triển chuỗi về nông nghiệp sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc; xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm; biểu dương các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; mô hình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm an toàn, hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn.
(Báo Hà nội mới)