Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, cũng như mức độ hài lòng của họ đối với các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều tăng lên.
Có được kết quả này là nhờ Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ đổi mới y tế cơ sở, củng cố niềm tin nơi người bệnh. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung xung quanh vấn đề này.
Không để tuyến trên quá tải, tuyến dưới bỏ không
- Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô?
- Y tế cơ sở được xem là một trong 2 “mũi giáp công”, vừa chống dịch bệnh, vừa là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Qua đại dịch Covid-19 càng thấy rõ y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng như thế nào. Ngoài ra, nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn Thủ đô cơ bản được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như: Tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám, chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe...
Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, khoảng 30% trường hợp nhập viện nội trú có thể dự phòng được thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, có 10 nhóm bệnh nhập viện cao nhất, như: Tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Nếu những nhóm bệnh này được kiểm soát tốt ngay tại y tế cơ sở thì sẽ giảm được khoảng 80% các ca nhập viện.
- Thế nhưng, thực tế có một nghịch lý là nhiều người không “mặn mà” với y tế cơ sở. Họ sẵn sàng chi trả khoản chi phí cao hơn để được khám bệnh ở tuyến trên hoặc các phòng khám tư?
- Đúng là tuyến y tế cơ sở đã và đang phải đối mặt với không ít rào cản, khó khăn để thu hút bệnh nhân. Đầu tiên là vấn đề nhân lực tại các trung tâm y tế chưa đủ theo quy định, trong đó có nhân lực làm công tác dân số và khám, chữa bệnh. Ngay tại các phòng khám đa khoa, trạm y tế của một số trung tâm y tế còn thiếu bác sĩ. Thêm vào đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tại một số đơn vị triển khai chậm so với kế hoạch. Việc triển khai thực hiện bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã tại một số quận, huyện cũng bị chậm do chưa bảo đảm tiến độ xây dựng, cải tạo sửa chữa trạm y tế…
Chúng tôi đang nỗ lực khắc phục những khó khăn này, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa của các trung tâm y tế với mục tiêu không để tuyến trên quá tải, tuyến dưới bỏ không. Với những giải pháp căn cơ được triển khai, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở đã tăng hơn trước và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người bệnh.
- Ông có thể chia sẻ về những kết quả tích cực bước đầu mà tuyến y tế cơ sở đạt được trong những tháng đầu năm 2024?
- Hiện tại 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 55 phòng khám đa khoa và có 485/579 trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm 83,7%). Tổng số lượt khám bệnh 6 tháng đầu năm 2024 tại các phòng khám đa khoa, trạm y tế là hơn 1,3 triệu lượt người (tăng gần 40.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2023).
Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở đã giúp người bệnh phát hiện sớm và quản lý, điều trị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, tuyến y tế cơ sở đã khám sàng lọc và phát hiện hơn 12 nghìn người bị tăng huyết áp, gần 4.500 người bị đái tháo đường; tư vấn điều trị dự phòng cho hơn 25 nghìn người có nguy cơ tim mạch… Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cũng bảo đảm cung ứng các loại thuốc thiết yếu cho công tác khám, chữa bệnh.
Kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh trong quý II-2024 được Sở Y tế Hà Nội triển khai cũng cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã tăng lên (đạt 95,76%).
Xếp hạng trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã
- Từ những kết quả đạt được, theo ông, trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tập trung vào những giải pháp nào để “thay da, đổi thịt” hệ thống y tế cơ sở?
- Tuyến y tế cơ sở là nơi gần dân nhất và cũng là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, do đó cần phải được tăng cường đầu tư nâng cấp. Thành phố đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp y tế cơ sở trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách thành phố tổng số 198 dự án; trong đó có 9 trung tâm y tế, 11 phòng khám đa khoa và 178 trạm y tế. Tính đến quý II-2024 có 106 dự án hoàn thành và 63 dự án đang triển khai.
Ngoài ra, còn 54 dự án nâng cấp y tế cơ sở từ ngân sách cấp huyện. Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, vấn đề về nhân lực y tế được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở. Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất thành phố có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở.
Nhiệm vụ trọng tâm trong quý III-2024 của ngành Y tế thành phố là lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát nhân lực khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời thẩm định bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên môn đối với các trạm y tế, phòng khám đa khoa trực thuộc.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân (cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử).
Đặc biệt, triển khai xếp hạng trung tâm y tế quận, huyện, thị xã theo quy định của Bộ Y tế. Từ đó, tạo sự cạnh tranh giữa các quận, huyện, thị xã trong vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đồng thời, hoàn thành việc chuyển giao 30 trung tâm y tế từ Sở Y tế thành phố về UBND quận, huyện, thị xã quản lý khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
- Việc chuyển giao trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã từ Sở Y tế về UBND quận, huyện, thị xã giúp gì cho y tế cơ sở phát huy được vai trò "người gác cổng" trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thưa ông?
- Khi có quyết định của UBND thành phố, chúng tôi sẽ chuyển giao nguyên trạng toàn bộ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhân lực; tài chính, đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách… của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã về UBND quận, huyện, thị xã quản lý. Việc chuyển giao này để bảo đảm việc quản lý thống nhất, đồng bộ về nhân lực cũng như bộ máy, phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị cho sự phát triển của y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Ngoài ra, việc chuyển giao các trung tâm y tế cho UBND quận, huyện, thị xã quản lý cũng có thể kỳ vọng, y tế cơ sở sẽ tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn. Khi đó, hệ thống y tế cơ sở sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu mô hình bệnh tật tại mỗi quận, huyện, thị xã để xây dựng kế hoạch can thiệp theo nguồn lực sẵn có và nguồn kinh phí phù hợp với từng địa phương.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội vẫn phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã về mặt chuyên môn trong chỉ đạo chung để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như công tác dân số ngày một tốt hơn.
(Báo Hà nội mới)
Hà Nội: Thêm 84 ca sốt xuất huyết, 50% số mắc tại huyện Đan Phượng
Trong tuần, trên địa bàn Hà Nội có thêm 84 ca sốt xuất huyết (tăng 11 ca so với tuần trước đó) và là tuần thứ 5 liên tiếp có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ 21 đến 28-6), trên địa bàn thành phố có thêm 84 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 11 ca so với tuần trước). Bệnh nhân phân bố tại 20 quận, huyện, trong đó có 41 bệnh nhân ghi nhận tại huyện Đan Phượng (chiếm 50% tổng số ca ghi nhận trong tuần tại Hà Nội).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 940 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023) nhưng chưa có ca tử vong.
Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó tại huyện Đan Phượng có 2 ổ dịch và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 17 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 4 ổ dịch tại huyện Đan Phượng (gồm: 2 thôn Bãi Tháp và Đồng Vân thuộc xã Đồng Tháp; thôn Phương Mạc, xã Phương Đình; thôn 3 xã Thượng Mỗ) và 1 ổ dịch tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa); 1 ổ dịch tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm).
Trong tuần, CDC Hà Nội đã tổ chức giám sát tại 2 ổ dịch đang hoạt động trên địa bàn quận Đống Đa và huyện Đan Phượng. Đồng thời, CDC thành phố cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát tại 8 ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 ở: Phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông); xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên); phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm); xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ). Kết quả có 4/8 ổ dịch có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức 44 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng chống dịch tại hơn 120.331 hộ gia đình và 1.779 khu vực khác (trường học, nơi công cộng…); xử lý 23.743 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
CDC Hà Nội nhận định, hiện nay, điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Đây cũng là tuần thứ 5 liên tiếp có số mắc sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn thành phố.
Trước thực tế đó, theo CDC Hà Nội, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Cùng với đó, chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao để triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Đồng thời, tiếp tục giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, ổ dịch cũ năm 2023 nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc bệnh để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
(Báo Hà nội mới)
Mọi người dân Hà Nội có hồ sơ sức khỏe điện tử
Kể từ ngày 28/6, mỗi người dân Hà Nội sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng iHanoi, có thể thuận tiện theo dõi và lưu trữ suốt đời.
Ông Nguyễn Khắc Cương ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức bị tức ngực khó thở nên đã tới trạm y tế xã để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Ông rất phấn khởi vì mọi thông tin về tiền sử sức khỏe của ông đều được quản lý trên hồ sơ sức khỏe điện tử khoa học.
Từ ngày 12/4, huyện Hoài Đức đã đi đầu thành phố trong việc hoàn thành 100% lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân.
Mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khoẻ điện tử trọn đời. Từ nay, không cảnh người dân phải mang theo nhiều giấy tờ thông tin khám, điều trị, tiêm chủng trước đó. Hồ sơ sức khoẻ điện tử cho phép người dân tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình. Từ đó chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân và cập nhật dữ liệu y tế cơ bản của bản thân, người thân để có thể chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Anh Vương Đức Nam, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho biết: "Tôi thấy rất tiện lợi và không lo thất lạc thông tin sức khỏe. Mong nhà nước quan tâm đến y tế cơ sở để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất."
Mô hình hồ sơ sức khoẻ điện tử cũng hướng tới kết nối với mô hình khám chữa bệnh từ xa để người dân có thể chủ động tìm kiếm, kết nối, tương tác trực tuyến với bệnh viện, bác sĩ khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.
Mô hình này cũng mang lại những thuận tiện cho bác sĩ/thầy thuốc khi cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám, nhằm giảm thời gian thăm khám, điều trị.
(Báo Hanoionline)
Một sổ điện tử, trăm nghìn tiện ích
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) trên địa bàn TP nhằm giúp mỗi người dân biết, tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Nhiều tiện ích từ HSSKĐT
HSSKĐT TP Hà Nội (Tên: EHR - Electric Health Record) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử. HSSKĐT ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
Mỗi người dân Hà Nội có một HSSKĐT được theo dõi và lưu trữ suốt đời, quản lý toàn bộ xuyên suốt các hoạt động liên quan đến sức khỏe người dân; hồ sơ sức khỏe điện tử được bảo mật, chỉ có những người có liên quan được tiếp cận thông tin; người dân có quyền quyết định chia sẻ hay không chia sẻ các thông tin cá nhân trong hồ sơ sức khỏe.
Từ HSSKĐT, người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội có thể quản lý sức khỏe cá nhân của bản thân và gia đình trên sổ sức khỏe điện tử được chia sẻ trên ứng dụng iHanoi hướng tới phục vụ hỗ trợ người dân trong quá trình thăm khám, điều trị và dự phòng bệnh.
Hệ thống triển khai HSSKĐT gồm 4 phân hệ chính. Nhóm 1 - Phân hệ Thu thập số liệu và triển khai công cụ thu thập dữ liệu khám chữa bệnh của người dân từ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP Hà nội và dữ liệu tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng/tiêm chủng Covid19) của người dân sinh sống trên địa bàn;
Nhóm 2 - Phân hệ Phần mềm HSSKĐT: triển khai Phần mềm HSSKĐT cho cán bộ y tế các tuyến phục vụ quản lý, theo dõi, cập nhật, giám sát thông tin sức khỏe người dân; kết nối với các CSDL quốc gia như dân cư;
Nhóm 3 - Phân hệ Phần mềm Khai thác dữ liệu sức khỏe: triển khai hệ thống Dashboard phục vụ phân tích và báo cáo cho Sở Y tế và các Trung tâm Y tế quận/huyện/thị xã về số liệu HSSKĐT;
Nhóm 4 - Chia sẻ dữ liệu: chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân cho ứng dụng người dân iHanoi.
Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn TP sẽ được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP. 100% thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn TP được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số. Đồng thời được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu, đảm bảo đúng thời hạn theo kế hoạch đề ra.
HSSKĐT tử mang lại rất nhiều tiện ích cho cả người dân và y, bác sĩ. Đối với người dân/ bệnh nhân, HSSKĐT thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy. Mỗi người dân sẽ có một quyển sổ sức khoẻ điện tử trọn đời, từ đó người dân đi khám/đi tiêm chủng không còn phải mang theo nhiều giấy tờ thông tin khám, điều trị, tiêm chủng trước đó; giúp người dân biết và tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình (bố mẹ, con cái,…). Người dân có thể chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân và cập nhật dữ liệu y tế cơ bản của bản thân, người thân (cân nặng, chiều cao, huyết áp, nhiệt độ,…) để người dân có thể chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Người dân cũng được tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và tư vấn điều trị với người mắc bệnh mạn tính; hướng tới kết nối với mô hình khám chữa bệnh từ xa để người dân có thể chủ động tìm kiếm kết nối, tương tác trực tuyến với bệnh viện, bác sĩ khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.
Đối với y, bác sĩ, HSSKĐT cung cấp cho thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám giảm thời gian thăm khám, điều trị. Bác sĩ có thể tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, đơn thuốc, tiền sử người bệnh trong các lần thăm khám trước đó khi được sự đồng ý của người bệnh.
Đối với UBND TP, Sở Y tế: HSSKĐT giúp cho UBND TP, Sở Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ dữ liệu HSSKĐT có thể tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp UBND TP, Sở Y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng, đánh giá tình hình mắc bệnh không lây nhiễm và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn; tập trung dữ liệu, quản lý toàn bộ các nghiệp vụ y tế (dân số, bệnh không lây nhiễm,….); từng bước sử dụng dữ liệu sức khỏe người dân trong công tác quản lý, báo cáo và chăm sóc sức khỏe người dân
Đối với cơ sở y tế: bước đầu hình thành kho dữ liệu sức khỏe người bệnh tại các cơ sở Khám chữa bệnh được quản lý tập trung trên nền tảng HSSKĐT của TP, dựa vào dữ liệu được đồng bộ lên Hồ sơ sức khỏe các cơ sở khám chữa bệnh có thể chủ động phân tích được dữ liệu khám chữa bệnh của đơn vị mình trên hệ thống; việc dữ liệu được đồng bộ thông suốt giúp các cơ sở khám chữa bệnh có thể kế thừa dữ liệu khám của nhau, giúp cho việc giảm các chỉ định không cần thiết của người dân, lạm dụng sử dụng các dich vụ y tế trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khai thác trong quá trình bệnh nhân chuyển tuyến, chia sẻ dữ liệu kết quả khám của bệnh nhân phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Người dân hài lòng, ủng hộ HSSKĐT
Do bị bệnh tiểu đường nên bà Nguyễn Thị Hương (Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) phải thường xuyên đi khám bệnh định kỳ. Trước đây, mỗi lần đi viện, bà lại lo lắng, lục tìm sổ khám bệnh bằng giấy. Không ít lần vì không tìm thấy nên đến viện bà phải mua một quyển sổ khác. Lúc này, bà lại phải điền lại các thông tin nên mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, khi đi khám bệnh, bà không còn lo lắng như trước mà tinh thần rất thoải mái.
“Đi khám bệnh bây giờ rất nhẹ nhàng các khâu từ đăng ký, khám, cho đến thanh toán. Tôi không tốn tiền mua sổ khám bệnh hay mất thời gian điền thông tin, chờ đợi nữa. Chỉ cần tên, mã định danh/CCCD là bệnh viện tra được quá trình khám chữa bệnh của tôi. Thông qua HSSKĐT, tôi cũng chủ động nắm được tình trạng sức khỏe của bản thân”, bà Hương chia sẻ.
Nhà có con nhỏ nên chuyện đi viện không còn quá xa lạ với gia đình anh Nguyễn Đình Liêm (Hà Đông, Hà Nội). Nhiều lần vợ có việc bận nên anh phải đưa con đi khám. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi tiền sử bệnh của con thì anh lại ngập ngừng vì không nhớ. Rút kinh nghiệm, trước khi đưa con đến viện, anh thường bảo vợ viết ra giấy con từng bị bệnh gì, uống thuốc nào,…để còn “trả lời” bác sĩ.
Có lần, con anh Liêm phải làm xét nghiệm, bệnh viện hẹn hôm sau mới có kết quả. Tuy nhiên, buổi sáng hôm sau, khi đi làm, anh quên mang theo sổ khám, lẫn giấy hẹn lấy kết quả. Đến cổng bệnh viện, anh Liêm mới nhớ ra, lại phải đi xe về nhà lấy giấy tờ rồi mới trở lại bệnh viện.
“Trước đây, con cái ốm đau bệnh tật nên nhiều khi chúng tôi rất cuống, không còn nhớ là cần mang theo giấy tờ cần thiết. Từ khi có HSSKĐT, tôi thấy đi viện không còn “ngại” như trước. Chỉ cần vài giây là các y, bác sĩ có thể nắm được tình tình bệnh tình của con cái tôi trước đó. Mọi thủ tục diễn ra rất nhanh chóng. Nếu như trước tôi phải chờ đợi thì giờ tôi chỉ cần đến khu vực KIOSK tự phục vụ, thực hiện vài thao tác là đã hoàn thành thủ tục.
Tôi còn được biết, HSSKĐT còn giúp người dân tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình, chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân để chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức. Tôi rất hài lòng và ủng hộ chính sách này”, anh Liêm cho biết.
TS Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho rằng, thực hiện chuyển đổi số trong bệnh viện mang lại nhiều lợi ích. Với người dân, việc này góp phần giảm thời gian chờ đợi, dự kiến được thời gian chờ đến lượt khám, lấy kết quả, đi khám không phải mang nhiều giấy tờ, có thể hẹn giờ khám. Trước đây, muốn xem kết quả xét nghiệm bác sĩ phải chờ nhân viên y tế đi lấy thì nay kết quả có sẽ báo ngay trên app. Chuyển đổi số cũng góp phần tiết kiệm chi phí khi bớt in ấn giấy tờ, giảm bớt đội ngũ làm giấy tờ,...
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Chuyển đổi số là con đường tất yếu, mới đầu chúng ta có thể thấy phức tạp hơn, mất thời gian hơn nhưng khi đã làm, có kết quả thì sẽ thấy rất nhiều lợi ích...Cụ thể, với người dân khi đi khám bệnh sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Thay vì lấy số xếp hàng để lấy số tiếp, khi đăng ký trên app, KIOSK tự phục vụ, họ có thể chỉ mất một phút, thậm chí là vài giây khi đã quen thao tác”.
“Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp giảm thời gian làm việc của nhân viên y tế. Một điểm đặc biệt khi thực hiện chuyển đổi số là minh bạch, công khai, khách quan, hạn chế sai sót. Ngành y tế Hà Nội mong muốn xây dựng quy trình số của quy trình chuyên môn", TS Nguyễn Đình Hưng cho biết.
(Báo phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)