Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao và có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt vấn đề bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn.
Thế nhưng, trên thực tế, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam (nói chung) và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (nói riêng) vẫn còn nhiều bất cập. Sự giải phóng phụ nữ dường như chỉ dừng lại ở cái mà cơ chế xã hội mới mang lại, chưa đi sâu được vào đời sống gia đình. Trong các gia đình ít nhiều vẫn còn tồn tại các hiện tượng bất bình đẳng giới như: chưa ghi nhận đúng vai trò của nữ giới, sự phân công lao động trong gia đình chưa hợp lý, còn sự phân biệt đối xử nam nữ, bạo hành phụ nữ v,v…
Nguyên nhân là do còn tồn tại những thành kiến, định kiến về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội, do tư tưởng gia trưởng của người đàn ông trong gia đình. Những điều nầy đã khiến cho người phụ nữ không được sự chia sẻ từ phía người đàn ông khi bản thân phải nặng gánh hai vai: Việc gia đình và việc xã hội. Sự mất cân đối, không hài hoà giữa đời sống gia đình và công việc; những lấn cấn bất đồng trong phân công công việc giữa người đàn ông và người phụ nữ trong gia đình; thiếu sự nhường nhịn, thông cảm, sẽ chia cũng dẫn đến nhiều bất ổn. Ai cũng cho rằng mình có quyền ra ngoài làm việc, có quyền tự do cá nhân, có quyền mưu cầu niềm vui, hạnh phúc cho riêng mình, không có sự thoả hiệp, khoan nhượng, từ đó xảy ra tranh chấp, bất hoà, đưa đến tình trạng đổ vỡ hôn nhân hoặc chấp nhận chung sống nhưng không chung lòng.
Mặt khác, không ít phụ nữ hiểu không đúng về quyền và bình đẳng giới đã bỏ quên thiên chức, những giá trị cao quý đặc thù vốn có ở người phụ nữ như vai trò chức năng sinh con, xây dựng tổ ấm, chăm lo, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, chăm sóc cha mẹ già, làm hậu phương cho chồng, là chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông; quên đi việc gìn giữ và phát huy những đức tính quý báu vốn có ở người phụ nữ như khéo léo, tinh tế, sự tận tuỵ hy sinh, lòng bao dung, tình thương yêu chồng con.
Có nhiều phụ nữ đòi hỏi, tranh chấp quyền lợi, thực hiện quan niệm bình đẳng một cách máy móc, cực đoan, thiếu sáng suốt, ỷ lại vào năng lực bản thân, coi thường người đàn ông, bộc lộ cái tôi ích kỷ khi mình chiếm ưu thế hơn người đàn ông, khi mình có vị trí cao trong xã hội hoặc làm ra nhiều tiền, từ những nguyên nhân đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn, xung đột, rắc rối khó giải quyết, làm mất đi những tình cảm đạo đức quý báu, khiến cho đời sống gia đình trở nên vô vị, nhạt nhẽo hoặc nặng nề, căng thẳng, mất hạnh phúc, thậm chí đổ vỡ.
Theo tài liệu “Hướng dẫn lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách” do Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam phát hành thì “Bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa nữ giới và nam giới”. Nam giới và nữ giới cùng có điều kiện bình đẳng để phát huy hết năng lực, sở trường của mình, có điều kiện bình đẳng để thực hiện các mong muốn, khát vọng, có cơ hội bình đẳng để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực xã hội, được hưởng chất lượng cuộc sống, thành quả xã hội một cách bình đẳng trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là không có sự khác biệt về giới tính, những điểm đặc trưng của nam giới và nữ giới, bình đẳng không có nghĩa là nam giới và nữ giới giống nhau về mọi mặt.
Người phụ nữ ngày nay vừa đảm nhiệm trọng trách gia đình, vừa đảm nhiệm trọng trách xã hội quả thật là một gánh nặng trên vai, vì thế người phụ nữ cần sự chung tay của người đàn ông để làm tốt trách nhiệm đối với gia đình. Người đàn ông cũng có thể ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái. Nếu như người đàn ông bị bệnh tật, mất sức lao động và người phụ nữ có thể đi làm việc bên ngoài xã hội nếu như họ có năng lực thì người đàn ông không có gì phải mặc cảm và người phụ nữ không có gì phải kiêu ngạo, tự phụ, xem thường chồng mình. Dù điều này không dễ làm, nhưng vẫn thực hiện được nếu như có suy nghĩ nhận thức đúng đắn, tích cực, biết tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững./.