Do hệ thống miễn dịch còn non yếu nên trẻ em thường dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn người lớn. Hầu hết nguyên nhân gây bệnh ở trẻ thường do virus. Nhưng làm sao để có thể phân biệt được trẻ đang bị nhiễm vi khuẩn hay virus là một chuyện hoàn toàn không đơn giản.
Phân biệt vi khuẩn và virus
Nhiều người nhầm lẫn vi khuẩn và virus. Trên thực tế vi khuẩn là một nhóm vi sinh vật có kích thước rất nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Vi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường hay trong cơ thể của các sinh vật (bao gồm con người) để gây hại hay tạo ra những tác động có lợi. Khác với vi khuẩn, virus có cấu trúc đơn giản và kích thước nhỏ hơn rất nhiều.
Chúng không thể sống được ở bên ngoài lâu, mà phải xâm nhập vào cơ thể của động vật hay con người, sử dụng nguyên liệu của các ký chủ này để phát triển, sinh sôi và gây bệnh. Có hàng trăm loại virus, trong đó nhiều loại virus khác nhau có thể gây bệnh với những triệu chứng giống nhau.
Khác với vi khuẩn, virus có cấu trúc đơn giản và kích thước nhỏ hơn rất nhiều
Con đường lây nhiễm virus như thế nào?
Có rất ít loại virus lây truyền qua đường máu, tiêm chích, truyền máu, tình dục hay mẹ truyền qua con lúc sinh. Hầu hết virus truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết được bắn ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi, sổ mũi.
Theo phương thức này virus rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng. Trẻ em thường bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những người xung quanh, bạn bè, cô bảo mẫu bị mắc bệnh, cầm nắm đồ chơi hay những vật dụng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, thanh vịn của cầu thang bị vấy bẩn dịch tiết có chứa virus gây bệnh.
Trong những năm đầu đời, một đứa trẻ có sức đề kháng bình thường có thể bị nhiễm siêu vi từ 6-10 lần mỗi năm. Điều này làm cho các bậc cha mẹ lo lắng, vì nghĩ rằng con mình sức khỏe quá kém, ngày nào cũng bệnh.
May mắn thay, những năm tiếp theo, số lần mắc bệnh sẽ giảm đi, do hệ thống miễn dịch của bé ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhiều gia đình quyết định giữ con ở nhà thay vì đưa bé đến nhà trẻ hay mẫu giáo vì sợ con sẽ bị lây bệnh. Có thể đây là điều nên làm khi đang có dịch bệnh xảy ra.
Nhưng bình thường hãy cố gắng gạt bỏ lo lắng này để đưa trẻ đến lớp khi đến tuổi đi học. Giống như học võ thuật, khi mới tập người sẽ bầm tím, đau nhức, ê ẩm nhưng qua một thời gian cơ thể sẽ cứng cáp và vững chải hơn rất nhiều.
Ngoài việc giúp trẻ hoàn thiện khả năng tự lập, hòa đồng với tập thể và phát triển trí óc, khi tiếp xúc với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh cũng như tiếp xúc với môi trường có chứa một số tác nhân gây bệnh nhất định sẽ giúp cho hệ thống miễn dịch của trẻ được "tập trận" mỗi ngày để trở thành "chiến binh vĩ đại" bảo vệ trẻ khi có vi khuẩn hay virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Khi trẻ bị ốm cha mẹ thường lo lắng và không biết trẻ mắc bệnh gì, do virus hay do vi khuẩn
Bệnh nào do virus, bệnh nào do vi khuẩn?
Khi trẻ em có các biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy cha mẹ lo lắng và không biết trẻ mắc bệnh gì, do virus hay do vi khuẩn.
Những triệu chứng này có thể gặp trong một số bệnh lý do vi khuẩn gây ra như: Viêm mũi xoang, viêm tai giữa cấp, một vài dạng viêm họng, viêm phế quản, nhiễm trùng đường ruột… Nhưng thật ra virus là tác nhân chủ yếu gây ra tất cả những vấn đề này.
Biểu hiện thường gặp khi nhiễm virus
Bên cạnh những biểu hiện chung của tình trạng nhiễm virus như sốt (sốt có thể nhẹ hoặc rất cao), ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, đau nhức người... tùy theo tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ có thêm một số dấu hiệu đặc trưng khác như: Chảy nước mắt, đỏ mắt, mắt có ghèn và nhạy cảm với ánh sáng, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Phát ban do virus thường xuất hiện sau khi sốt đã giảm và ở giai đoạn trẻ bắt đầu hồi phục.
Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ có sức đề kháng tốt với bệnh tật
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Việc phòng bệnh cho trẻ rất quan trọng. Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ có sức đề kháng tốt với bệnh tật.
Cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ để chủng ngừa thêm một số bệnh khác cho trẻ. Ngay cả khi tiêm phòng đầy đủ trẻ vẫn có khả năng bị cúm nhưng do cơ thể đã được "tập luyện" trước nên bệnh thường nhẹ hơn và nhanh chóng hồi phục hơn so với trẻ không được tiêm phòng.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn
Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ và khuyến khích trẻ cùng làm như vậy nhất là những khi vừa từ nơi công cộng về nhà. Tập cho trẻ cách dùng khăn giấy và dùng tay che miệng khi hắt xì, sổ mũi, ho. Tránh cho trẻ đến trang trại, chợ búa hay những nơi đông người khi dịch bệnh đang lưu hành.
Nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen tự mua thuốc kháng sinh về cho trẻ dùng khi trẻ mắc bệnh. Điều này rất nguy hiểm, vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn làm gia tăng khả năng tạo vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng. |
Nguồn https://suckhoedoisong.vn