Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng chiếm Phủ Tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. Ảnh: TTXVN
Chiến thắng của văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam
Mấy thập kỷ sau khi miền Nam được giải phóng, người Mỹ mới nhận ra rằng họ thua dân tộc Việt Nam vì họ không hiểu được văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, nhiều chính khách, ký giả trên thế giới vô cùng ngạc nhiên trước sức sống, bản lĩnh của con người. Lòng yêu nước, kiên trì, bất khuất, chịu đựng gian khổ, can đảm và mưu trí, lòng dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc... đã vượt lên tất cả vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đến Đại thắng mùa Xuân 1975, dân tộc Việt Nam đã tỏ rõ sự sáng suốt về giá trị riêng của mình. Giải phóng và phát triển - nhất là phát triển nhanh và bền vững trong một thế giới đầy biến động - là vận hành theo hai quy luật khác nhau, nhưng luôn luôn đòi hỏi phải xuất phát từ thực tế và năng lực nhận thức, tôn trọng, hành động theo quy luật. Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là chiến thắng của lòng quả cảm, đức hy sinh, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc được phát huy đến cao độ. Sự hòa quyện của ý Đảng - lòng dân, lòng dân - ý Đảng dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã trao lại đã tạo nên sự bứt phá ngoạn mục giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Một trong những quan điểm của Đảng phát triển đất nước hiện nay là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Tiếp cận dưới góc độ văn hóa để hiểu đường lối sáng suốt của Đảng. Nói yêu nước và tự cường dân tộc; nói ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường; nói táo bạo, thần tốc... mà chỉ nói thôi thì chưa phải là văn hóa. Mới dừng lại nhận thức dù sâu sắc vẫn chưa là văn hóa. Mới chỉ hiểu thôi dù sâu và rộng đến đâu cũng vẫn chưa là văn hóa. Vấn đề là phải làm, phải thực hiện, phải hành động một cách quyết liệt, dám đổi mới, sáng tạo. Những ai hành động đem lại hiệu quả thật sự là những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý chí và khát vọng nhất làm cho đất nước hùng cường, phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Đó chính là tinh thần căn cốt của chiến thắng 30-4 hôm nay!
Thần tốc, táo bạo, đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên số
Trở lại giá trị thần tốc, nhanh, táo bạo, thời cơ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhanh không phải gắng sức từng lúc, từng đợt, mà phải tiến bước không ngừng, bước sau dài hơn, vững hơn bước trước. Một trong những định hướng phát triển đất nước hiện nay là phát triển nhanh và bền vững, mà một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyên nghiệp và hiệu quả là những giá trị văn hóa căn cốt trong mọi công việc, mọi giai đoạn của lịch sử. Dân tộc Việt Nam trường kỳ hơn hai mươi thế kỷ chống giặc ngoại xâm. Lịch sử đặt lên vai những con dân nước Việt sứ mệnh nặng nề, vẻ vang và nâng họ lên đỉnh cao vinh quang của những đoàn quân trùng điệp đánh giặc “chuyên nghiệp”, chiến thắng lẫy lừng.
Nói đến nền tảng số, công nghệ số thì tốc độ là yếu tố quyết định. Chậm không chỉ là thụt lùi mà còn có nguy cơ mất hết. Tinh thần “thần tốc”, “táo bạo” 48 năm trước trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cần được vận dụng sáng tạo trong kỷ nguyên số. “Táo bạo” chính là sự bứt phá một cách quyết liệt. Giá trị “thần tốc”, “táo bạo” phải trở thành kim chỉ nam trong việc đổi mới mạnh mẽ tư duy cho mọi phương án, mọi hành động, mọi quyết định. Điều có ý nghĩa quyết định mang tầm vóc đột phá là dám nghĩ, dám đổi mới tư duy mà hạt nhân là ý thức thần tốc. Những vấn đề về hạ tầng thông tin, viễn thông không chỉ nói hay nằm trên giấy mà phải được triển khai quyết liệt.
Sự “thần tốc”, tốc độ của triển khai những gì liên quan đến công việc trong kỷ nguyên số có ý nghĩa quyết định kết quả nhận được. Từ đột phá nhận thức, đổi mới tư duy đến hành động mà quan trọng nhất là sự thích ứng, ứng dụng vào mọi công việc đang làm để nâng cao hiệu suất và đẩy nhanh tốc độ làm việc. Sự thích ứng mọi nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn là một trong những cách nhìn văn hóa cụ thể nhất, sáng giá nhất.
“Thần tốc”, “táo bạo” là câu chuyện vừa của tổ chức vừa của cá nhân, đặc biệt người đứng đầu. Thay vì sự làm liều, làm ẩu là tinh thần “dám”, “có gan”, “mạnh dạn”; người lãnh đạo, đứng đầu dám phất cao ngọn cờ “dám” như Đại hội XIII của Đảng chỉ ra “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo” thì cán bộ, công chức mới dám. Mọi giai đoạn của lịch sử, của cách mạng cho thấy nếu co cụm, e ngại, cầu an, “trùm chăn”, nghe ngóng, thận trọng, chờ đợi, thiếu chủ động, sáng tạo, không có những cái đầu “dám”, tư duy “dám” và phản biện thì khó thành công, giậm chân tại chỗ, thậm chí thất bại, chưa nói tới phát triển nhanh, bền vững. Trong thời đại số, trên nền tảng nhận diện và quản trị rủi ro hiệu quả, càng phải dám mà rõ nhất là dám khám phá những lĩnh vực, cơ hội tiềm năng và mới mẻ. Từ đó dám thử nghiệm các đề xuất cải tiến, cả cải tiến quy trình và thực thi công việc để rút ngắn tiến độ và gia tăng tốc độ ra quyết định và tốc độ làm việc nhằm nâng cao hiệu suất.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam diễn ra gần 2 tháng từ Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu ngày 4-3-1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là chiến thắng của sức mạnh con người và văn hóa Việt Nam mà giá trị cốt lõi là tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, nhanh chóng, táo bạo, thần tốc, không thể chậm trễ. Lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng tự do độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước được thể hiện bằng hành động cụ thể từ những người lãnh đạo, đứng đầu cao nhất của Đảng, Nhà nước đến mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào. Đó chính là, phải là tinh thần của hôm nay để chúng ta có được một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sải bước cùng thế giới, bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng của toàn dân tộc ta.