Sở Y tế Hà Nội ra thông báo 2980/SYT-NVD về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Estro Skin Royal không đảm bảo chất lượng.
Lô sản phẩm Estro Skin Royal, trên nhãn ghi: số lô:10.08.23; NSX: 10.08.2023; HSD: 09.08.2026; số công bố: 3216/18/CBMP-HN; tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty CP thương mại Sao Hoàng Gia, địa chỉ: số 24, đường Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nhà sản xuất: Công ty TNHH liên doanh dược phẩm Rio Pharmacy, địa chỉ: km 24, quốc lộ 6, thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Lý do thu hồi sản phẩm là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraben và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm nêu trên. Sở Y tế cũng đề nghị phòng y tế 30 quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở.
Trước đó, lô sản phẩm Estro Skin Royal không đảm bảo chất lượng cũng đã bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy tại văn bản 2084/QLD-MP ngày 26/6/2024.
Trong đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Công ty CP Thương mại Sao Hoàng Gia, Công ty TNHH Liên doanh dược phẩm Rio Pharmacy trong việc chấp hành các quy định về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược yêu cầu giám sát các công ty thực hiện thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Estro Skin Royal không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định
(https://kinhtedothi.vn/thu-hoi-tieu-huy-lo-san-pham-lam-dep-da-estro-skin-royal.html)
Huyện Thạch Thất triển khai hiệu quả các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) huyện Thạch Thất cho biết, trên địa bàn có 2.156 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 717 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương, 505 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 934 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế.
Để bảo đảm công tác ATTP, huyện Thạch Thất đã đẩy mạnh truyền thông. Cụ thể, Phòng Y tế phối hợp với Công an huyện, Đoàn thanh niên huyện tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động dọc những trục đường chính của huyện, các ngõ, xóm tập trung đông dân cư; tổ chức phát thanh thường xuyên các nội dung về vấn đề ATTP trên hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, phát tờ rơi, áp phích; đồng thời phổ biến, hướng dẫn người dân cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn…
Cùng với công tác tuyên truyền, từ đầu năm 2024, cơ quan chức năng của huyện và các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với 402 cơ sở.
Kết quả kiểm tra có 11 cơ sở vi phạm quy định pháp luật về ATTP, trong đó tập trung chủ yếu vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cơ quan chức năng huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở, số tiền 75 triệu đồng...
(https://kinhtedothi.vn/huyen-thach-that-trien-khai-hieu-qua-cac-mo-hinh-dam-bao-an-toan-thuc-pham.html)
Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống mù lòa cho người dân
Nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 2838/KH-SYT ngày 24/6 về việc phòng chống mù lòa trên địa bàn thành phố năm 2024.
Có 4 mục tiêu cụ thể năm 2024 gồm, giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,3 người trên 1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 14 người trên 1.000 dân. Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,9 người trên 1.000 dân, trong đó tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 90%. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 60%. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 80%.
Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành y tế Hà Nội xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách liên ngành. Truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng chống mù lòa. Hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng chống mù lòa.
(Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống mù lòa cho người dân (suckhoecongdongonline.vn)
Tham gia BHYT, nhiều bệnh nhân được chi trả hàng tỷ đồng tiền viện phí
Thời gian qua, bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT), đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT.
Chính sách BHYT là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Từ khi triển khai thực hiện, diện bao phủ BHYT ngày càng được mở rộng, người dân được chăm sóc sức khỏe bằng các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân vùng vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Với mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối đa cho người bệnh BHYT, BHXH TP đã tập trung khai thác phát triển đối tượng tham gia BHYT để đảm bảo khả năng tiếp cận chính sách của người dân khi rủi ro đau ốm, bệnh tật.
Đến nay độ bao phủ BHYT trên toàn TP trên 94% dân số, hàng năm đều hoàn thành vượt chỉ tiêu Chính phủ và HĐND TP giao.
BHXH TP phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB triển khai có hiệu quả Luật BHYT trên địa bàn, thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT với 189 cơ sở KCB để tổ chức KCB đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi ốm đau, bệnh tật phải đi KCB.
Chất lượng KCB BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính. Không ít bệnh nhân đã được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng tiền KCB, từ đó giúp người bệnh và gia đình vượt qua những khó khăn về kinh tế để yên tâm điều trị bệnh.
Năm 2023, trên địa bàn TP phát sinh 12,6 triệu lượt KCB, số chi KCB BHYT là trên 22.531 tỷ đồng; có 397 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT trên 500 triệu đồng, 3 bệnh nhân có chi phí được quỹ BHYT thanh toán trên 3 tỷ đồng.
Bệnh nhân ngoại tỉnh chuyển về TP Hà Nội điều trị đều được đảm bảo về quyền lợi BHYT. Trong số 397 bệnh nhân chi phí cao, có trên 60% bệnh nhân ngoại tỉnh. Năm 2023, số tiền thanh toán cho bệnh nhân ngoại tỉnh là 11.259 tỷ đồng, chiếm 50,3% tổng chi BHTT.
Thời gian tới, BHXH Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, tăng độ bao phủ BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, góp phần nâng cao đời sống, an sinh xã hội của người dân Thủ đô...
(https://kinhtedothi.vn/tham-gia-bhyt-nhieu-benh-nhan-duoc-chi-tra-hang-ty-dong-tien-vien-phi.html)
Chủ động các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ 21/6 đến 28/6), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 84 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 11 ca so với tuần trước). Bệnh nhân phân bố tại 20 quận, huyện, trong đó có 41 bệnh nhân ghi nhận tại huyện Đan Phượng. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 940 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023), nhưng chưa có ca tử vong.
Trong tuần Hà Nội cũng ghi nhận thêm 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó, tại huyện Đan Phượng có 2 ổ dịch và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố ghi nhận 17 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 4 ổ dịch tại huyện Đan Phượng, (gồm 2 thôn Bãi Tháp và Đồng Vân thuộc xã Đồng Tháp; thôn Phương Mạc, xã Phương Đình; thôn 3 xã Thượng Mỗ) và 1 ổ dịch tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa); 1 ổ dịch tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm).
Trước thực tế đó, theo CDC Hà Nội, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Đồng thời, chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao để triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Đồng thời, tiếp tục giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, ổ dịch cũ năm 2023, nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc bệnh để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Cùng với vai trò của cơ quan chức năng, ngành Y tế, người dân cũng cần chủ động trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Để loại bỏ hoàn toàn muỗi gây bệnh, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nên chú ý thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà như: Bình hoa, các thùng, lu, các mảnh vỡ, chai lọ, phế phẩm đọng nước, các vật dụng trữ nước...
Các vật dụng này khi không sử dụng cần được lật úp. Việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong.
(https://laodongthudo.vn/chu-dong-cac-giai-phap-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-173035.html)