Vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 như thế nào là đúng cách?
Để đối phó và ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan, rất nhiều người quan tâm đến việc làm sao có thể tiêu diệt virus trong khoang mũi và cổ họng trước khi chúng xâm nhập sâu hơn vào phổi và cơ thể. Trong đó, khá nhiều người tin rằng việc vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 bằng nước muối sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh hoặc thậm chí là chữa được bệnh do virus Corona chủng mới gây ra.
Liệu điều này có đúng hay không? Vệ sinh mũi họng trong mùa dịch như thế nào là đúng cách và cần lưu ý những gì? Bạn có thể tìm hiểu câu trả lời qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết sau.
Vệ sinh mũi họng bằng nước muối có ngăn ngừa sự truyền nhiễm của virus Corona chủng mới?
Các phương pháp vệ sinh mũi họng cơ bản như súc miệng và xịt/rửa mũi bằng nước muối từ lâu đã được chứng minh là có thể làm giảm các triệu chứng, thậm chí là ngăn ngừa một số bệnh đường hô hấp trên như cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng xoang… Vậy vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 có phải là phương pháp ngăn ngừa sự truyền nhiễm virus Corona chủng mới hiệu quả?
Hiện nay, lời khuyên về việc rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 đang được truyền miệng cũng như lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, sự thật là vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 bằng nước muối có thể ngăn chặn sự truyền nhiễm hoặc chữa khỏi bệnh do virus Corona chủng mới gây ra. Chỉ có một vài nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng súc miệng bằng nước muối có thể hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19.
Kết luận chung: Mặc dù vệ sinh mũi họng bằng nước muối không thể ngăn ngừa sự truyền nhiễm của virus Corona chủng mới nhưng theo các bác sĩ, đây vẫn được xem là một giải pháp chăm sóc sức khỏe cần thiết trong mùa dịch để giúp vùng mũi họng của bạn luôn ở trạng thái khỏe mạnh nhất.
Mách bạn cách vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 hiệu quả và những lưu ý cần biết
Như đã đề cập, vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 không phải là phương pháp đặc hiệu trong việc phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, bạn nên xịt, rửa mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ để giúp vùng hầu họng luôn khỏe mạnh và có thể làm giảm nồng độ các vi khuẩn có hại.
Hướng dẫn các bước xịt mũi hàng ngày
- Bước 1: Xịt một bên mũi khoảng 3 lần bằng bình xịt mũi.
- Bước 2: Bịt bên mũi còn lại để hỉ mũi nhẹ nhàng đối với bên mũi vừa xịt, dùng khăn giấy sạch để lau mũi.
- Bước 3: Lặp lại các bước trên với bên mũi còn lại.
Lưu ý:
- Nếu dịch nhầy, nước mũi đọng lại trên đầu bình xịt thì cần lau khô và khử trùng bằng cồn hoặc xà phòng.
- Cất bình xịt nơi khô ráo sau khi dùng.
- Tránh dùng chung bình xịt, đặc biệt là với trẻ em.
- Người đang nhiễm bệnh COVID-19 nên thực hiện xịt mũi ở phòng riêng để tránh phát tán giọt bắn do hỉ mũi.
Hướng dẫn cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Nhỏ nước muối sinh lý vào lỗ mũi là cách rửa sạch các chất nhầy và chất gây dị ứng. Qua đó, việc rửa mũi cũng đem đến lợi ích cho bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp do virus. Khi rửa mũi, bạn có thể dùng bình xịt dạng phun sương, bình hình củ tỏi (giống như dụng cụ hút mũi có bóng cao su) hoặc bình neti pot (dạng như bình trà nhưng dùng để nhỏ mũi). Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Nghiêng người về phía bồn rửa mặt hoặc chậu rửa một góc 45 độ. Nghiêng đầu để khi nước muối chảy từ bên mũi này sang bên mũi kia được rơi vào đúng chậu. Lưu ý không ngả đầu ra phía sau.
- Bước 2: Đặt vòi của bình neti pot, bình xịt hoặc ống tiêm vào một lỗ mũi. Há miệng rồi từ từ xịt hoặc rót nước muối vào mũi. Trong quá trình này, bạn chỉ nên thở bằng miệng, không thở bằng mũi.
- Bước 3: Nước muối sẽ chảy từ mũi bên này sang bên còn lại và có thể chảy xuống miệng. Bạn cần bơm nhẹ nhàng với lượng nước muối vừa phải để tránh sặc mũi, ù tai gây khó chịu.
- Bước 4: Xì mũi nhẹ để làm sạch dịch còn sót bên trong. Sau đó, làm lại các bước trên với bên mũi còn lại.
Lưu ý:
- Bạn chỉ nên rửa mũi 1 lần/ngày để giảm các triệu chứng khó chịu do cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…
- Đối với người khỏe mạnh, bạn có thể chỉ cần rửa mũi 3 lần/tuần.
Vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 tuy cần thiết nhưng các dụng cụ rửa mũi hoặc xịt mũi có thể là vật trung gian truyền bệnh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên rửa mũi khi đang mắc bệnh COVID-19. Đối với trường hợp thông thường, bạn nên rửa tay trước và sau khi xịt mũi, rửa mũi. Đồng thời, cần khử trùng bề mặt xung quanh chai xịt/bình rửa mũi sau khi dùng để ngăn ngừa virus phát tán.
Hướng dẫn cách súc miệng và súc họng hàng ngày trong mùa dịch
Súc miệng bằng nước muối là phương pháp đơn giản và ít tốn kém để giúp bạn chăm sóc răng miệng và bảo vệ vùng hầu họng tốt hơn. Bạn có thể mua nước muối sinh lý có sẵn ngoài tiệm thuốc hoặc tự làm tại nhà theo công thức pha 1 thìa cà phê muối cùng với 1 lít nước sôi để nguội để sử dụng. Đối với bệnh nhân COVID-19, bác sĩ thường chỉ định dung dịch súc họng có các chất khử khuẩn như povidone iodine, chlorhexidine. Sau đây là hướng dẫn chi tiết các bước súc miệng và họng:
- Bước 1: Mỗi lần súc miệng, súc họng bạn chuẩn bị từ 5 đến 10 ml nước muối và cho ra một ly riêng.
- Bước 2: Ngậm và súc miệng từ 30 đến 60 giây. Để có thể tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn vùng hầu họng, bạn nên ngửa cổ và thè lưỡi ra trước khi tạo âm thanh “khò… khò… khò…”. Động tác này sẽ giúp dung dịch súc miệng len qua khe hở xuống được vùng họng. Nếu không thực hiện nghĩa là bạn chỉ súc miệng chứ không súc họng.
- Bước 3: Nhổ nước súc miệng ra ngoài. Bạn nên bỏ đi dung dịch hoặc nước muối còn dư, tránh để qua đêm vì có thể bị nhiễm khuẩn.
Lưu ý: Đối với việc vệ sinh mũi họng mùa COVID-19, bạn nên súc miệng, súc họng từ 3 – 5 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi từ bên ngoài trở về nhà, sau khi bơi lội…
Trong hầu hết trường hợp, bạn chỉ nên vệ sinh mũi họng mùa COVID-19 bằng nước muối sinh lý, không nên quá lạm dụng các dung dịch có chứa các chất sát khuẩn để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Song song đó, bạn nên chú ý giữ ấm, ăn uống đủ chất, giảm tiêu thụ rượu bia, hạn chế hút thuốc… để tăng cường sức khỏe và bảo vệ vùng mũi họng hiệu quả hơn trong mùa dịch.