Giao tiếp:
Bé đã có thể kể chuyện và làm theo những hướng dẫn cơ bản. Bé có thể nói sai các lỗi ngữ pháp như nhầm “L” với “N”. Bây giờ bé có thể nói câu dài hơn. Bé có thể kể cho bạn nghe những việc diễn ra trong ngày. Bạn có thể đọc truyện/sách cho bé nghe. Bé có thể bắt chước tự đọc những cuốn truyện/sách mà bé thích theo giọng điệu như bạn đã đọc cho bé nghe.
- Giả vờ ngốc nghếch: Bé sẽ rất thích thú khi bạn tỏ ra ngốc nghếch. Hãy giả vờ như bạn không biết một thứ gì đó như chỉ vào tuýp kem đánh răng và hỏi bé “Đây là xà phòng đúng không con?” Rồi hãy để bé nói đó thực sự là gì. Làm như là bạn rất bất ngờ. Bé sẽ rất thích “dạy” bạn tên đúng của các đồ vật.
- Thu dọn đồ đạc: Hãy để bé giúp bạn cất các đồ vào đúng vị trí như cất thức ăn, quần áo đã gấp vào tủ. Sử dụng các giới từ như “lên”, “xuống dưới”, “vào”, ví dụ như: “Con hãy giúp mẹ để cái lọ lên giá” hoặc “Con hãy giúp mẹ cất đôi tất vào trong ngăn tủ”. Sau đó, bạn nhớ cảm ơn bé. Bạn có thể giả vờ ngốc nghếch nhờ bé “Con hãy cất quả chanh xuống dưới gầm ghế cho mẹ”.
- “Điều gì đang xảy ra?”: Khi cùng bé đọc sách, bạn hãy chỉ vào một bức tranh trong sách và hỏi bé điều gì đang xảy ra: “Em bé này đang làm gì? Con chó đang làm gì?” Sau đó, hãy lắng nghe những câu chuyện thú vị của bé.
Vận động thô:
Ở giai đoạn này, bé đang phát triển các kĩ năng sử dụng cơ tay và cơ chân. Bé đang có xu hướng sử dụng các cơ này một cách mạnh hơn, linh hoạt hơn và có tính phối hợp. Bé có thể bắt được một quả bóng to khoảng 20cm, nhảy lên bằng 2 chân, đổi hướng khi chạy và tránh các chướng ngại vật trên đường bé chạy.
- Qua sông: Khi đưa bé ra ngoài chơi, bạn hãy đặt một cái khăn hoặc một miếng vải rộng khoảng 50cm lên trên bãi cỏ, giả vờ rằng đó là “một con sông”. Hãy để trẻ chạy và nhảy qua con sông đó mà không bị ướt. Ban đầu, bạn có thể gấp cái khăn lại cho “sông” đỡ rộng quá. Sau đó, bạn có thể trải rộng hơn ra. Hãy coi chừng những con cá sấu!
- Động vật di chuyển: Hãy chỉ cho bé cách di chuyển giống như một số loài động vật. Liệu bé có thể đi lạch bạch giống vịt hoặc đi bằng cả bốn chân như chú chó nhà bạn? Hãy khuyến khích trẻ giả vờ rằng mình là con vật đó và bắt chước tiếng kêu giống chúng. Tiếp tục chơi và gọi bé là con mèo “Ô kìa, chú mèo kitty, kitty”. Dạy bé thử đứng thăng bằng trên một chân giống như một chú chim hồng hạc.
- Đuổi bắt bóng: Hãy đưa bé ra ngoài vào một ngày đẹp trời để chơi trò thổi bóng. Bạn có thể yêu cầu bé vỗ 2 tay vào nhau và đập vỡ quả bóng. Bạn cũng có thể thổi một số quả bóng và để trên cao một chút, như vậy thì bé sẽ phải nhảy lên để đập vỡ chúng. Hoặc là để một số quả ở cách xa bé, khi đó bé sẽ phải chạy để đập bóng. Hướng dẫn bé đập những quả to trước sau đó đến quả nhỏ hơn. Hãy nhớ giúp bé rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi xong.
Vận động tinh:
Giai đoạn này, bé học cách cầm bút, phấn mầu bằng ngón cái và 2 ngón tay như người lớn. Bé có thể cầm, đóng mở kéo và cắt một mẩu giấy với sự trợ giúp của bạn. Bé có thể dùng 2 tay cùng lúc để chơi những đồ chơi nhỏ như ghép những khối hộp với nhau hay xâu chuỗi hạt. Bé có thể ghép từ 5 mảnh ghép hình trở lên.
- Tác giả tý hon: Chỉ cho bé cách vẽ các đường thẳng và hình tròn hoặc thậm chí các hình đơn giản khác. Các vòng tròn và đường thẳng là các hình dễ nhất để bé vẽ theo. Bé cũng có thể muốn học cách viết các chữ cái đầu tiên trong tên bé. Hãy tạo không khí thật vui vẻ! Nếu bé viết không thật sự đúng thì cũng không thành vấn đề. Hãy nói để động viên bé: “Con viết/vẽ giỏi lắm!”
- Cầu thủ tý hon: Bạn làm một quả bóng bằng giấy báo với kích cỡ như một hòn bi. Bảo bé ném quả bóng vào một điểm nào đó ví dụ như một cái giỏ để cách bé một khoảng cách nhất định. Dùng ngón cái và ngón trỏ để ném. Hãy thử xem bé có thể ném trúng không. Bài tập này hứa hẹn sẽ rất là vui.
- Bong bóng: Cho bé vẽ những quả bóng lên giấy bằng bút màu hoặc phấn màu. Cho bé vẽ bao nhiêu tùy thích, sau đó tô màu. Chỉ cho bé cách vẽ những quả bóng to và những quả bóng bé, bóng tím và bóng xanh v.v. Bây giờ bé có thể vẽ rất nhiều quả bóng rồi, có lẽ đã đến lúc cho bé thổi những quả bóng thật.
Giải quyết vấn đề:
Bây giờ bé đã phân biệt được những thứ giống nhau và khác nhau. Bé biết về màu sắc, độ dài ngắn, ít và nhiều, và cái thìa to nhất ở trong bếp. Bạn có thể giúp bé xếp 3 cái thìa với kích cỡ khác nhau theo thứ tự từ bé đến lớn. Bài tập này rất quan trọng nhưng lại rất vui vẻ cho 2 mẹ con.
- Cái gì đây: Sau khi tắm cho bé xong, cho bé đứng hoặc ngồi trước gương. Dùng khăn lau từng phần cơ thể cho bé. Khi lau đến tóc, bạn giả vờ ngốc nghếch hỏi bé: “Mẹ đang lau gì ý nhỉ?”. Khi lau đến vai, bạn lại hỏi “Cái gì đây?”. Khi lau đến xương sườn lại hỏi “Xương gì đây?’. Sẽ rất vui vẻ nếu bạn gõ gõ, vỗ vỗ vào những bộ phận trên cơ thể bé.
- To và nhỏ: Chỉ cho bé 2 đồ vật với kích cỡ khác nhau như giày, cốc, thìa. Chỉ cho bé cái nào bé, cái nào to. Nói chuyện với bé về kích cỡ của những đồ vật trong nhà, trong công viên, trong siêu thị: “Wow, con nhìn quả bí ngô kìa, to nhỉ!” Lấy thêm một đồ vật có kích cỡ vừa, xếp 2 đồ vật có kích cỡ to và bé cạnh nhau, rồi để đồ vật có kích cỡ vừa vào giữa.
- Làm đoàn tàu: Xếp 4-5 chiếc ô tô nhỏ hoặc đồ vật nào đó thành hàng như một “đoàn tàu”. Hãy bảo bé nhìn theo cách bạn làm. Bây giờ bạn sẽ đưa cho bé vài đồ vật để bé xếp thành hình đoàn tàu như bạn. Bạn có thể dùng các đồ vật khác nhau như hộp, thìa, vỏ hộp. Bạn hãy động viên bé: “Wow, nhìn đoàn tàu của con kìa. Tàu đang đi đâu đấy?”.
Cá nhân – xã hội:
Bé bây giờ có thể tự làm một số việc cho bản thân, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của mẹ. Với một chút giúp đỡ của bạn, bé có thể sinh hoạt khá độc lập với bạn ở những nơi thân thuộc với bé. Bé có thể đã biết tuân theo một số nguyên tắc cơ bản. Bé có thể chơi một số trò chơi đơn giản với những đứa trẻ khác và bé rất lấy làm tự hào vì sự hòa nhập này của bé. Bé sẽ rất tự hào khi được bạn khen về những hành động tích cực của bé, ví dụ bé giúp ai việc gì đó, tuân thủ luật chơi hoặc bé tự làm việc gì đó.
- Phụ bếp: Hãy để bé phụ giúp bạn việc nấu nướng như rót, quấy, rửa, nhặt rau. Bạn thậm chí có thể giúp bé dùng một con dao nhựa để cắt thức ăn mềm như chuối. Đây là những công việc thực sự để giúp gia đình. Bạn hãy nói với bé “Cảm ơn con đã giúp mẹ nấu ăn”. Hãy kể với cả nhà nghe bé đã giúp gì cho mẹ trong việc chuẩn bị món sa lát (món rau trộn).
- Tự tắm: Bé sẽ thích được tự tắm trong bồn tắm. Chỉ cho bé cách sử dụng bông tắm và xà phòng. Hãy động viên để bé thấy là bé đang làm rất tốt. Sau đó đưa cho bé khăn tắm để bé tự lau người. Bạn hỏi bé “Ai đang tự lau người ý nhỉ”. Bạn và bé sẽ thấy rất vui.
- Gọi tên các cảm giác: Hãy giúp bé hiểu và nói ra được các cảm giác của mình. Bé cũng cần phải học được rằng người khác cũng có cảm giác của họ: “Nếu con lấy đồ chơi của em, em sẽ buồn đấy”. Bé đã có thể hiểu được những câu phức tạp như: “Mẹ biết hôm nay con rất phấn khởi vì là ngày sinh nhật của con”.