Thạc sĩ Tô Thị Hoan, chuyên gia tâm lý học đường, giới thiệu những hoạt động "không màn hình", giúp trẻ học tập, vui chơi mà không phụ thuộc vào công nghệ.
Các hoạt động dưới đây được cô Hoan giới thiệu trong hội thảo "Dạy con thời công nghệ" ngày 10/4, do trường Phổ thông liên cấp Vietschool Pandora tổ chức. Các hoạt động được cô Hoan tham khảo, tổng hợp từ nhiều nguồn.
1. Từ những chữ cái trong câu "Learning from home is fun", bạn có thể xếp được thành bao nhiêu từ tiếng Anh? Hãy lấy một chiếc bút chì và một tờ giấy để viết ra tất cả từ bạn tạo được.
2. Gửi lời cảm ơn: Nghĩ về người đã giúp đỡ mình một điều gì đó và viết một bức thư ngắn để bày tỏ lòng biết ơn của bản thân với họ.
3. Góc xây dựng: Bạn có thể xây dựng một mô hình logo hoặc tạo ra một tòa tháp từ những quân bài hay bất kỳ một thứ gì đó khác.
4. Bạn có thể tạo ra một mật mã bí mật của mình không? Bạn có thể sử dụng các chữ cái, con số, tranh ảnh hoặc những thứ khác để tạo ra một mật mã của riêng mình. Bạn cũng có thể tìm một ai đó và yêu cầu họ giải được mật mã của bạn.
5. Viết một cuốn nhật ký thiên nhiên: Hãy nhìn ra cửa sổ mỗi ngày và ghi chép lại những gì bạn nhìn thấy. Đó có thể là những chú chim, bông hoa, sự thay đổi của thời tiết hay bất kỳ hiện tượng tự nhiên nào khác.
6. Tổ chức một buổi chụp hình: Sử dụng một chiếc máy ảnh để chụp một số bức hình. Bạn sẽ chụp cái gì? Thú cưng, đồ chơi, những bông hoa trong vườn...?
7. Xây dựng một "sào huyệt" đọc sách: Tìm một nơi nào đó ấm cúng, dễ chịu để rúc vào đó và đọc những cuốn sách yêu thích.
8. Làm rối tay từ những chiếc tất cũ: Bạn có thể sử dụng những chiếc tất cũ để làm thành những con rối xinh xắn. Hãy dùng chúng để tổ chức một buổi trình diễn rối tay và bạn có thể mời mọi người trong nhà thưởng thức.
9. Thống kê các thiết bị điện trong nhà: Hãy đi đến các phòng trong nhà bạn và thống kê thiết bị điện ở mỗi phòng. Liệu bạn có ý tưởng nào cho việc tiết kiệm điện năng không?
10. Thiết kế và làm một trò chơi board game thủ công: Tự sáng tạo ra một trò chơi board game ở nhà và chơi nó cùng các thành viên trong gia đình.
Thạc sĩ Tô Thị Hoan chia sẻ cách giúp con sử dụng Internet và thiết bị công nghệ một cách an toàn tại hội thảo ngày 10/4 ở Hà Nội. Ảnh: Dương Tâm
11. Làm một việc tốt cho ai đó: Bạn có thể khen ngợi một ai đó, giúp họ làm một việc gì, hay tặng họ một món quà?
12. Bạn có thể tạo ra một chiếc túi câu chuyện không? Lấy một cái túi và thu thập tất cả đồ vật liên quan đến một câu chuyện nổi tiếng hoặc yêu thích nào đó. Nếu không thể tìm thấy đồ vật nào, bạn có thể vẽ một bức tranh về đồ vật đó và để vào trong túi.
13. Tạo lập một danh sách: Viết một danh sách điều làm bạn vui vẻ, những điều mà bạn biết ơn hoặc làm tốt...
14. Thiết kế và tạo ra một thử thách vượt chướng ngại vật trong nhà hoặc ngoài vườn. Hãy thử xem bạn có thể hoàn thành thử thách đó nhanh như thế nào. Và đừng quên rủ những người thân cùng tham gia.
15. Liệu bạn có thể phát minh ra cái gì đó mới? Có lẽ là đồ vật hoặc một cái gì đó để giúp mọi người. Hãy vẽ một bức tranh hoặc mô tả hướng dẫn sử dụng nó.
16. Hãy chuyển động: Sáng tạo ra một điệu nhảy cho một bài viết hay một bản nhạc yêu thích của bạn.
17. Viết một vở kịch: Hãy sáng tạo ra một vở kịch và diễn nó cho mọi người trong nhà thưởng thức.
18. Đọc sách cho ai đó nghe: Tìm một cuốn sách yêu thích và đọc to cho người khác nghe, đừng quên đọc một cách diễn cảm.
19. Viết một bài hát hoặc đoạn rap về môn học yêu thích: Hãy trình diễn bài hát hoặc bài rap cho mọi người cùng thưởng thức.
20. Vẽ ký họa: Tìm một bức ảnh phong cảnh, chân dung hay đồ vật và vẽ ký họa lại bức ảnh đó.
21. Mô hình tái chế: Thu thập và tái chế lại các vật liệu như hộp sữa chua, lõi giấy vệ sinh, hộp carton và xem bạn có thể tạo ra những gì từ chúng.
22. Vẽ bản đồ nơi ở của mình: Vẽ bản đồ nơi mình ở và đánh dấu những khu vực, địa điểm yêu thích.
23. Viết một tấm thiệp cho thầy cô giáo: Bạn có thể nói cho thầy cô của mình biết điều mà bạn thích nhất ở họ là gì hoặc nói về lớp học của bạn.
24. Vẽ tranh khung cảnh: Hãy nhìn ra bên ngoài cửa sổ của bạn và vẽ lại những gì mà bạn thấy qua khung cửa sổ ấy.
25. Học qua đọc: Điều gì mà bạn đang rất muốn học hỏi và tìm hiểu? Bạn có thể tìm kiếm những điều đó qua một cuốn sách hay không? Bạn có thể tìm thấy một thú vui mới hay không?