Trong thời gian giãn cách ở nhà, những cuốn sách thực sự là một trợ thủ tuyệt vời giúp ba mẹ có thời gian kết nối chất lượng với trẻ, đồng thời cũng giúp trẻ có một hoạt động giải trí vui vẻ, lành mạnh mà vẫn học được thêm bao kiến thức mới mẻ.
Những lợi ích tuyệt vời của giờ đọc sách cùng con mỗi ngày và thói quen đọc sách trong gia đình đã được Go Kids chia sẻ với ba mẹ trong bài viết “15 Phút Thần Kì mỗi ngày thay đổi cuộc sống của trẻ khi trưởng thành”.
Để trẻ luôn chờ đợi đến giờ đọc sách mỗi ngày và lúc nào cũng tìm thấy vô vàn niềm vui từ những cuốn sách, việc chọn sách phù hợp với trẻ ở từng giai đoạn phát triển là một trong những yếu tố mang ý nghĩa quyết định. Bài viết này sẽ gợi ý cho ba mẹ những điều quan trọng cần lưu ý để chọn có thể chọn được các cuốn sách hay và lôi cuốn trẻ.
Giờ đọc sách trước khi đi ngủ được coi là 15 phút thần kì mỗi ngày mang đến bao lợi ích về sức khoẻ tinh thần và thể chất cho trẻ, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh này. (Ảnh: Internet)
Tác giả sách thiếu nhi
Phạm Thị Hoài Anh
Chuỗi bài viết về chủ đề “Nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ và niềm vui đọc trong gia đình" trong tháng 7 của Go Kids Việt Nam được thực hiện với sự cộng tác của nhà báo, tác giả sách thiếu nhi Phạm Thị Hoài Anh. Chị là người có nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong các hoạt động đọc sách cho trẻ từ 0-12 tuổi, cũng như hướng dẫn cha mẹ kiến thức giúp vun đắp và nuôi dưỡng niềm vui đọc sách của trẻ tại gia đình thông qua công việc sáng tác cho thiếu nhi và dự án phát triển văn hoá đọc “Thủ thà thủ thỉ".
Chọn sách theo độ tuổi, thể loại và chủ đề
Hãy luôn nhớ rằng, bạn không chỉ đọc sách cho con để dạy chúng cách đọc mà còn giúp con nuôi dưỡng tình yêu với những cuốn sách và việc đọc sách trong suốt cuộc đời sau này của chúng, vì thế, yếu tố ưu tiên trước hết khi ba mẹ cân nhắc chọn sách cho trẻ nên là “cuốn sách này có mang đến niềm vui cho trẻ không?”
Để những giờ đọc sách của trẻ luôn tràn đầy tiếng cười và niềm vui luôn hiện diện khi trẻ mở sách thì cuốn sách đó phải phù hợp với độ tuổi của trẻ; là thể loại sách thoả mãn được trí tò mò và nhu cầu khám phá của trẻ và có chủ đề gần gũi, thân thuộc với nhận thức cũng như mối quan tâm của trẻ ở từng giai đoạn phát triển. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng được sự tự tin và tự do khi khám phá những cuốn sách, cùng với sự gắn kết yêu thương qua giờ đọc sách thủ thỉ của ba mẹ, trẻ dần hình thành thói quen và tình yêu với việc đọc.
Thể loại sách phù hợp nhất với trẻ từ 0-8 tuổi là sách tranh
Ưu điểm đặc biệt của thể loại này là sự kết hợp tuyệt vời giữa phần tranh và phần lời trong mỗi cuốn sách. Phần lời thường có cấu trúc, độ phức tạp và độ dài ngắn phù hợp với trẻ ở từng độ tuổi; phần tranh là thế giới tuyệt vời của màu sắc, hình ảnh, bố cục mở ra cho trẻ thế giới tuyệt vời của trí tưởng tượng. Vai trò của phần tranh và phần lời trong một cuốn sách tranh là quan trọng như nhau.
Sách tranh là thể loại sách tuyệt vời nhất để đọc cho trẻ từ 0-8 tuổi. Sách tranh không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, gu thẩm mỹ mà còn bồi đắp cho trẻ những kỹ năng cảm xúc và xã hội đầu đời vô cùng quan trọng. (Ảnh: HA)
Trẻ từ 0-2 tuổi
Đối với trẻ từ 0-2 tuổi, đây là giai đoạn chúng thu thập và tích lũy vốn từ để chuẩn bị cho việc học nói và bắt đầu tập nói. Ba mẹ hãy chọn những cuốn sách có lượng từ vựng ít, có những câu lặp đi lặp lại với hình minh họa đơn giản, rõ ràng về những điều cơ bản, gần gũi cho trẻ. Đặc biệt, ba mẹ nên chọn các cuốn sách vừa khổ, cứng cáp, bằng chất liệu vải hoặc bồi cứng để bé có thể tự cầm sách và học cách mở trang sách, cũng như khám phá cuốn sách bằng tất cả các giác quan của mình.
Sách tranh bằng chất liệu bồi cứng và khổ sách vừa vặn là những cuốn sách phù hợp nhất với trẻ từ 0-2 tuổi. (Ảnh: HA)
Trẻ từ 2-5 tuổi
Trẻ từ 2-5 tuổi bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về các kỹ năng thể chất, vận động lẫn tư duy và ngôn ngữ. Đây cũng là thời điểm mà trí tưởng tượng và sự tò mò của trẻ phát triển một cách bùng nổ. Trong suốt quá trình phát triển này, trẻ cũng thể hiện rõ sự tiếp thu cách hành xử, rèn luyện cảm xúc và điều chỉnh hành vi của mình thông qua những câu chuyện và nhân vật mà trẻ đọc trong sách.
Giai đoạn này, ba mẹ hãy chọn các cuốn sách tương tác để trẻ có thể bắt chước và làm theo ba mẹ khi đọc sách, những cuốn sách có chủ đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày quen thuộc với trẻ như chơi với bạn bè, đi ngủ, đi thăm người thân... mà trẻ có thể chơi với các từ và cụm từ. Những cuốn sách chủ đề trường học, hành xử nơi đông người và những cuốn sách củng cố sự tự tin, không phân biệt đối xử và hướng dẫn cách kết bạn cho trẻ cũng là sự lựa chọn tốt.
Những cuốn sách tranh khoa học với chủ đề đa dạng và hài hước cũng rất được các bạn nhỏ từ 2-5 tuổi yêu thích. (Ảnh: HA)
Trẻ từ 6 tuổi trở lên
Từ 6 tuổi, bên cạnh sách tranh, ba mẹ có thể giới thiệu với trẻ sách phân chương hoặc chia tập có minh hoạ để tạo một bước đệm cho trẻ sẵn sàng đọc sang các cuốn sách nhiều chữ hơn. Đây là sự chuẩn bị rất quan trọng và có ý nghĩa cho trẻ để tiếp tục duy trì niềm vui đọc và xây dựng một cách có hệ thống các kỹ năng đọc phù hợp với trẻ.
Cột mốc này đánh dấu việc trẻ bắt đầu biết đọc và đã có thể tự đọc sách một cách độc lập, vì thế, nhiều bố mẹ đã dừng đọc sách cho con nghe ở thời điểm này và để trẻ tự đọc. Đây là một quyết định rất sai lầm. Ba mẹ nên tiếp tục đọc sách cho con nghe, hoặc đọc sách cùng con cho đến khi ít nhất trẻ học hết tiểu học. Điều này không chỉ giúp trẻ tiếp tục có được sự định hướng tốt khi đọc mà còn giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ ngày càng gắn bó, khăng khít hơn.
Một bộ sách phân chương có minh hoạ tuyệt vời để ba mẹ cùng con đọc trong bước đệm chuyển giữa sách tranh sang sách nhiều chữ. (Ảnh: HA)
Trao đổi sách cùng bạn bè thân thiết
Mỗi bạn nhỏ lại có tính cách và sở thích khác nhau và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến các cuốn sách mà các bạn yêu thích. Trẻ càng được tiếp cận và được đọc nhiều cuốn sách khác nhau sẽ càng dễ dàng định hình sở thích đọc sách của mình, đồng thời cũng tăng thêm cơ hội tìm ra cuốn sách mà mình thực sự yêu thích.
Vì thế, ba mẹ có thể tạo một nhóm các gia đình thân thiết và định kỳ hàng tuần, hàng tháng sẽ đổi sách của các con cho nhau. Hãy chia sẻ với trẻ điều này và để trẻ tham gia cùng. Hoạt động này không những giúp cha mẹ tiết kiệm được chi phí mua sách mới cho con hàng tháng mà còn là cơ hội tuyệt vời để dạy trẻ chia sẻ và ý nghĩa của sự chia sẻ.
Ba mẹ cũng có thể chọn những cuốn sách có chủ đề gắn liền với những sự kiện đang diễn ra để tăng thêm hào hứng cho trẻ như cuốn “Thể thao vui biết bao” này để trò chuyện với trẻ về Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra. (Ảnh: HA)
Đi nhà sách, đến thư viện và tham gia các buổi đọc sách cộng đồng
Dù chúng ta không thể đi nhà sách hay đến thư viện thời gian này, nhưng, bất cứ khi nào có thể, hãy đưa trẻ đi nhà sách và đến thư viện hàng tháng. Hiệu sách và thư viện không chỉ có… rất nhiều sách mà còn có vô số niềm vui cũng như những bài học nho nhỏ, thú vị mà bố mẹ có thể học cùng con, từ cách quan sát các khu vực để sách phù hợp, đến các giao tiếp và tương tác cộng đồng, hay khả năng tự quyết định và lựa chọn những cuốn sách phù hợp mà mình yêu thích. Nhà sách và thư viện còn là địa chỉ tuyệt vời để ba mẹ quan sát và tìm thấy những cuốn sách hay cho con.
Bên cạnh đó, nghe đọc sách tại các buổi đọc sách cộng đồng cũng là hoạt động thú vị mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, một trong số đó là các kĩ năng xã hội quan trọng. Tham gia các các buổi đọc sách cộng đồng cũng giúp ba mẹ mở rộng các cuốn sách mà trẻ đang đọc, để từ đó lựa chọn được những cuốn sách mà con thực sự yêu thích.
Chọn sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ giúp ba mẹ nuôi dưỡng và duy trì niềm vui đọc trở thành một thói quen suốt đời cho trẻ.
Hãy thử tham gia một buổi đọc sách cộng đồng
Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid này, nhiều chương trình đọc sách cộng đồng đã được tổ chức online để duy trì, lan toả niềm vui đọc và những kết nối yêu thương cho trẻ. Ba mẹ có thể đăng ký cho con chương trình “Đọc sách trên những đám mây” để cùng con khám phá những cuốn sách mới mẻ và thú vị nhé.
Nuôi dưỡng niềm vui đọc sách trong gia đình là cách tuyệt vời nhất để vun đắp mối quan hệ ý nghĩa và bền lâu với con. Chúc các ba mẹ cùng các con có những giờ đọc sách tràn ngập niềm vui và năng lượng tích cực trong những ngày giãn cách này.
Tác giả: Phạm Thị Hoài Anh