Giáo dục phê bình con là chuyện mà bố mẹ nào cũng từng xử lý khi con gặp phải lỗi sai. Thế nhưng có những thời điểm mà chuyện trách mắng con trở nên phản tác dụng.
Chuyện con cái gặp sai lầm, phạm lỗi là khó tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng không phải cứ lúc nào con có lỗi sai thì bố mẹ cần trách mắng con ngay để con nhớ, con chừa về sau là đúng. Có những thời điểm mà nếu bố mẹ trách mắng, chỉ trích hay phê bình con sẽ khiến con bị tổn thương hơn là có tác dụng giáo dục.
Trách mắng con trong bữa ăn
Đối với nhiều gia đình, bàn ăn cũng là nơi mà nhiều câu chuyện được đem ra bàn tán và thảo luận, kể cả chuyện trách mắng hay phê bình một đứa trẻ. Các tình huống thường hay gặp đó là “tại sao lần này con thi cử không được tốt”, “tại sao con lại đạt điểm kém như vậy”, “tại sao bạn A ngoan vậy mà con hư vậy”…
Dần dà, bàn ăn không còn là nơi chứa đựng niềm vui ăn uống nữa mà chỉ toàn áp lực, mệt mỏi. Không khí bữa ăn từ đó ảm đạm hơn, con không còn hứng thú với chuyện ăn uống và chỉ muốn sớm kết thúc bữa ăn mà thôi.
Mắng con nơi đông người
Một số bố mẹ thậm chí coi chuyện giáo dục, trách mắng con cái trước nơi đông người, bất kể là nơi công cộng hay là trong gia đình với nhiều người thân… sẽ khiến con ghi nhớ và không phạm lỗi sai nữa. Hơn nữa, con đang làm sai và nhiệm vụ của bố mẹ đó là cần chấn chỉnh ngay mới được. Nhưng cách làm này làm tổn thương con nặng nề, khiến con cảm thấy xấu hổ và không còn niềm tin vào bản thân nữa. Dần dà con cũng hình thành tính cách sợ hãi đám đông và trốn tránh.
Khi tâm trạng bố mẹ không được vui
Chăm sóc, nuôi dưỡng con cái là một nhiệm vụ đầy áp lực và đôi khi bố mẹ cũng không tránh được những cảm xúc tiêu cực hay nổi nóng với con. Nhưng hãy cố gắng kiềm chế và bình tĩnh nhất có thể, vì nếu bố mẹ trách mắng con vì nóng tính, vì quá bực bội với con… sẽ khiến con cảm thấy sợ hãi và căng thẳng.
Nhiều khi, con cái cũng không biết mình sai ở đâu, nên sửa từ chỗ nào mà cứ nghe bố mẹ trách mắng, chỉ trích thì càng khiến con xa cách bố mẹ hơn, và lỗi sai cũng càng không được sửa chữa nữa.
Mắng con lúc sáng sớm hoặc đêm muộn
Đây là hai thời điểm khá nhạy cảm mà bố mẹ đừng nên nặng lời với con. Đối với buổi sáng, thậm chí người lớn cũng muốn mình có một ngày mới khởi đầu thật vui vẻ, vậy chẳng vì lẽ gì mà bố mẹ trách mắng hay quát tháo con lúc này cả. Nếu bị phê bình thì con thật sự cả ngày hôm đó sẽ chẳng thể vui vẻ, việc học hành hay làm việc cũng không đạt kết quả như mong đợi. Còn buổi tối là thời điểm con cần có một giấc ngủ ngon, bố mẹ đừng nên để con mang tâm trạng buồn tủi, bứt rứt lên giường ngủ. Lâu dài không có lợi cho sự phát triển thể chất và tinh thần của con.
Phê bình khi con mắc lỗi thế nào cho đúng?
Việc phê bình, trách mắng con trẻ không phải cứ vội vã là được. Bố mẹ cần thực hiện mềm mỏng nhưng dứt khoát, đúng đắn để con hiểu. Thế nên bố mẹ cần:
-
Đầu tiên, phải nói cho bé biết mình sai ở đâu, để con hiểu chứ không phải trút hết cảm xúc tiêu cực lên con.
-
Kế đến, bố mẹ hãy tập trung vào hành vi sai trái chứ không phải là bản thân đứa trẻ. Ví dụ đừng chỉ trích con là đứa trẻ hư khi con lười biếng, mà hãy nói với con hành vi lười biếng là không nên, con hãy thay đổi nó.
-
Sau cùng, hãy chỉ cho con biết cách để sửa chữa sai lầm, con cần làm gì để không mắc sai lầm tương tự trong tương lai.
Bố mẹ hãy nhớ con trẻ rất nhạy cảm nhưng cũng rất thông minh. Nên hãy dành thời gian kiên nhẫn với con, đừng vì nóng giận hay bực tức mà trách mắng con, làm tổn thương con nhé.