Đuối nước là một trong những tai nạn phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ lẫn thanh thiếu niên. Vì vậy, việc dạy bơi cho trẻ em là rất quan trọng nên ba mẹ đừng bỏ qua điều này. Trẻ biết bơi sẽ phần nào hạn chế rủi ro khi bé đi chơi, đi dã ngoại hoặc tham gia các hoạt động ở trường.
Nhiều phụ huynh hiện nay lựa chọn cho con tham gia khóa học bơi ở các trung tâm. Tuy nhiên, nếu ba mẹ đã có kỹ năng bơi lội thì vẫn có thể tự dạy bé tập bơi để tiết kiệm chi phí và có thêm dịp gần gũi con cái để hiểu con hơn. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ chia sẻ cho bạn bí quyết dạy trẻ bơi đúng cách và an toàn.
Cách dạy bơi cho trẻ em giúp con học nhanh, không sợ nước
Việc dạy bơi cho trẻ em thật sự cần rất nhiều kiên nhẫn và sự thấu hiểu tâm lý của trẻ. Nếu bạn làm sai cách có thể khiến thời gian trẻ học bơi bị kéo dài hoặc thậm chí là trẻ không bao giờ muốn xuống nước nữa. Vậy làm sao ba mẹ có thể tự dạy bơi cho trẻ thành công? Đừng bỏ qua 5 bước cơ bản sau đây mà Hello Bacsi tổng hợp được:
1. Giúp trẻ làm quen với hồ bơi qua những trò chơi
Nếu lần đầu tiên đến hồ bơi mà ba mẹ đột ngột cho con ngụp lặn dưới nước thì rất có thể trẻ không hào hứng hoặc thậm chí là sợ hãi với việc bơi lội. Do đó, nếu bạn muốn trẻ học bơi nhanh thì điều đầu tiên cần làm đó là dạy con yêu thích cảm giác ở dưới nước.
Bạn nên bắt đầu từ việc cho bé chơi thỏa thích trong lần đầu tiên đến bể bơi, chẳng hạn như ngồi trên cầu thang hồ bơi cùng con, cùng trẻ đùa nghịch dưới nước, thổi bong bóng, làm quen với việc đeo kính bảo hộ/ áo phao, chơi trò chơi… Bạn hãy làm bất cứ điều gì để lần đầu của trẻ ở hồ bơi trở nên thú vị, vui nhộn mà không phải là áp lực và sợ hãi việc học bơi.
2. Giúp trẻ làm quen với việc để tai dưới nước
Một trong những vấn đề khó chịu với trẻ em khi học bơi lội đó là cảm giác của tai khi ở dưới nước. Vì vậy, khi mới bắt đầu dạy bơi cho trẻ em, bạn nên từ từ giúp con làm quen với việc để tai ở dưới nước. Trong lần đầu tiên, bạn hãy chỉ cho bé cách đưa một tai vào nước rồi đến tai còn lại.
Để giúp trẻ nhỏ cảm thấy thư giãn, tò mò và phấn khích, bạn có thể tự sáng tạo âm thanh của các loài cá và cho con nghe thấy khi đặt tai dưới nước. Một khi trẻ cảm thấy thoải mái với việc để tai dưới nước thì toàn bộ quá trình học bơi lội sẽ hạn chế được chấn thương cho cả ba mẹ và bé.
3. Dạy bơi cho trẻ em, điều quan trọng là giúp trẻ tin tưởng bạn
Khi trẻ đã sẵn sàng cho buổi học bơi chính thức, điều đầu tiên bạn nên nói với con đó là bạn sẽ không làm bất cứ điều gì mà không báo trước với trẻ. Để minh chứng trực tiếp cho điều này thì ngay khi muốn đưa trẻ xuống hồ bơi, ba mẹ có thể nói kiểu như “Bây giờ ba/ mẹ sẽ đưa con xuống nước nhưng yên tâm là sẽ không để con một mình”.
Sau đó, bạn hãy liên tục lặp lại với trẻ những điều như “ba/ mẹ đang giữ được con, con vẫn đang an toàn, con có thể tin tưởng ở ba/ mẹ khi ở dưới nước”. Những lời nói và hành động này sẽ có tác dụng trấn an bé, giúp trẻ tin tưởng bạn khi bạn đưa con vào khu vực nước sâu hơn. Thực chất đây là nguyên tắc rất quan trọng khi dạy bơi cho trẻ em. Bởi vì nếu trẻ không cảm thấy tin tưởng bạn, trẻ sẽ không thoải mái và tự tin khi học bơi. Kéo theo đó là thời gian học bơi của trẻ sẽ lâu hơn hoặc tệ hơn là trẻ sẽ bài xích việc bơi lội.
4. Dạy trẻ các kỹ năng cơ bản ở dưới nước
So với việc giữ trẻ nằm ngửa trên mặt nước thì việc cho trẻ nằm sấp sẽ giúp bé học bơi dễ hơn. Ban đầu, bạn nên cho con làm quen với cảm giác nghiêng người về phía trước khi ở trong nước với chân ở phía sau để tạo lực đẩy.
Bạn cần biết rằng trẻ đang tập bơi không thể giữ cơ thể đứng thẳng trong nước và tự nổi. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên giữ trẻ ở tư thế nghiêng về phía trước và cho trẻ dùng phao tay. Trong quá trình này, bạn vẫn nên giữ chặt con, nói với trẻ rằng bạn sẽ giúp trẻ nghiêng về trước mà không làm ướt mặt, sau đó bạn hãy di chuyển nhẹ nhàng. Khi bé đã thoải mái ở tư thế này, bạn hãy chỉ con cách đập tay trong nước để tiến về phía trước rồi mới chuyển sang dạy con cách đá chân sau để bơi.
5. Hướng dẫn và khuyến khích trẻ tự bơi
Sau vài ngày đến hơn một tuần thực hiện các bước trên, bạn có thể bắt đầu dạy trẻ kiểm soát hơi thở dưới nước và bơi lội một cách độc lập. Tiếp tục nhắc lại việc bạn sẽ nói với trẻ trước khi làm bất cứ điều gì dưới nước để con thấy yên tâm. Sau đó, thông báo cho trẻ rằng đã đến lúc trẻ phải lặn xuống nước để tập cách kiểm soát hơi thở.
Mẹo nhỏ là bạn có thể đếm ngược thời gian và thổi vào mặt của trẻ trước khi cho con ngụp lặn trong hồ bơi. Hành động này sẽ giúp trẻ hình thành phản ứng nín thở bằng mũi trước khi chìm xuống nước. Trong quá trình bạn cho con ngụp lặn trong nước, hãy xoay trẻ 180 độ khi đầu trẻ đang dần chìm xuống nước để hạn chế nước xộc thẳng vào mũi.
Mặc dù việc dạy trẻ kiểm soát hơi thở dưới nước có thể khiến con sặc nước, chảy nước mắt, nước mũi nhưng điều này là bình thường. Điều quan trọng là bạn nên cảnh báo trước với trẻ và có được sự tin tưởng từ con thì quá trình học bơi sẽ không căng thẳng hoặc gây sợ hãi.
Cuối cùng, khi trẻ quen với cảm giác dưới nước và có thể học cách tự nổi thì bạn hãy khuyến khích con tự bơi. Bắt đầu bằng cách cho trẻ bám vào thành bể bơi, sau đó bạn di chuyển ra xa khoảng một sải tay, khuyến khích trẻ buông tay và bơi về phía bạn bằng mọi cách trẻ có thể. Lúc này, trẻ có thể chưa bơi đúng cách nhưng bạn đã giúp con tự tin và thoải mái hơn với việc di chuyển dưới nước. Tiếp theo, hãy gia tăng khoảng cách dần dần để tạo thử thách mới cho trẻ, giúp con tự bơi lội với thời gian ngày càng lâu hơn.
Lưu ý về an toàn khi dạy bơi cho trẻ em
Khi dạy bơi cho trẻ em, điều quan trọng nhất là bạn không nên bỏ qua các quy tắc về an toàn khi ở hồ bơi cũng như các lưu ý về bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Việc tìm hiểu và áp dụng những lời khuyên sau đây sẽ hữu ích trước khi bạn tự hướng dẫn bé yêu tập bơi:
- Luôn ở gần con bạn trong hồ bơi ngay cả khi trẻ đã có thể tự bơi. Nếu bạn cần rời đi thì hãy đưa trẻ đi theo.
- Bạn nên cho con mặc áo phao, đội mũ, đeo kính bơi khi xuống nước.
- Bạn và bé nên thực hiện một số động tác khởi động cơ thể trước khi tập bơi để tránh chuột rút hoặc các chấn thương khi luyện tập.
- Tuân thủ quy định an toàn của hồ bơi. Trước đó, bạn cũng nên tìm hiểu xem hồ bơi ở đâu đảm bảo vệ sinh để chọn được địa điểm tập bơi lý tưởng cho con.
- Mỗi ba mẹ chỉ nên dạy bơi cho một bé để thuận tiện cho việc giám sát con, cần đảm bảo bạn có kỹ năng bơi lội tốt, biết sơ cứu và hô hấp nhân tạo đúng cách. Ngoài ra, tuyệt đối không để trẻ em tự dạy bơi cho trẻ em.
- Ba mẹ cần đảm bảo tỉnh táo khi dạy bơi cho trẻ em, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích trước khi tập bơi cho con.
- Không nên dạy bơi cho trẻ em khi thời tiết quá lạnh hoặc trẻ đang không được khỏe.
- Thời gian mỗi lần xuống nước không nên lâu quá 45 phút và bạn cần có khăn ủ ấm cho trẻ khi lên bờ nghỉ giải lao.
- Cho trẻ tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ sau khi kết thúc thời gian luyện tập. Bạn có thể thực hiện thêm việc nhỏ mắt, rửa mũi cho trẻ để giúp con bảo vệ sức khỏe tốt nhất.