Giao tiếp tích cực giúp trẻ hình thành nền tảng tính cách và tư duy.
Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Không chỉ là một phương pháp giáo dục, triết lý Montessori cũng có thể cung cấp các kỹ năng làm cha mẹ. Phương pháp này được gắn liền với các giá trị của sự độc lập, học qua thực hành và cách chơi hợp tác sáng tạo. Lớp học Montessori là một môi trường cho phép trẻ em khám phá, tìm hiểu và phát huy hết khả năng tiềm ẩn thông qua một loạt hoạt động có hướng dẫn, phù hợp với lứa tuổi.
Cô giáo, bố, mẹ chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn cho trẻ.
1. 'Thật tốt khi con làm việc chăm chỉ để thực hiện nhiệm vụ này'
Khen ngợi sự nỗ lực thay vì chỉ nhằm vào kết quả giúp xây dựng tính tự tin của trẻ. Một khái niệm quan trọng mà giáo viên Montessori tuân theo là dành lời khen cho quá trình thực hiện. Ví dụ, hãy nói với con rằng việc con chủ động cất đồ chơi và sắp xếp chúng theo cách riêng của mình là hành vi tốt như thế nào. Hoặc bạn cũng có thể dành lời khen cho nỗ lực tập viết, vẽ tranh của con hơn là ca ngợi hết lời sản phẩm.
2. 'Con nghĩ gì/cảm thấy thế nào về điều này?'
Bạn có thể đẩy mạnh sự độc lập bằng cách khuyến khích con nói ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Điều này không chỉ góp phần giúp trẻ xây dựng những suy nghĩ quan trọng mà nó còn nâng cao khả năng giao tiếp, ý thức về bản thân của trẻ.
3. 'Cô có thể giúp con như thế nào để con làm được công việc này?'
Mặc dù trẻ em ở các trường Montessori được dạy để trở thành những cá nhân độc lập và có trách nhiệm, nhưng chúng cũng được khuyến khích nhờ trợ giúp khi công việc vượt quá khả năng của mình. Bằng việc hỏi bạn có thể giúp trẻ như thế nào, bạn vẫn cho phép con suy nghĩ độc lập và học cách cộng tác với người khác.
Trẻ hoạt động độc lập và tốc độ làm việc của mỗi trẻ được tôn trọng.
4. 'Trong lớp của chúng ta, chúng ta...'
Một giáo viên Montessori thường đưa ra lời hướng dẫn bằng mẫu câu: "Trong lớp học của chúng ta, chúng..." và sau đó là "... nói ‘Vui lòng’ và 'Cảm ơn’" hoặc "thể hiện sự tôn trọng đối với các bạn cùng lớp". Làm theo cách này, bạn không chỉ giúp trẻ nhớ lại các quy tắc mà còn cho phép con cảm nhận được sự kết nối và tinh thần tập thể - đó là một nhu cầu quan trọng ở tuổi của con.
5. 'Cô biết con đang tập trung, vì vậy cô sẽ không làm phiền con nữa'
Để trẻ làm việc không bị gián đoạn là một phần quan trọng của phương pháp Montessori. Thay vì can thiệp vào việc vẽ tranh hay chơi trò chơi của trẻ, bạn có thể quan sát con và đưa ra lời khen ngợi sau khi con thực hiện xong hoạt động. Đó là cách rèn luyện sự tập trung của trẻ.
"Theo dõi trẻ" cũng là một khái niệm quan trọng cần chú ý. Các giáo viên tôn trọng tốc độ học tập và thời gian học của mỗi đứa trẻ. Họ đánh giá tính độc lập của từng trẻ hơn cả.
Cuối cùng, cha mẹ có thể học hỏi nhiều điều từ giáo viên của con mình, bất kể phương pháp hay triết lý giáo dục mà họ sử dụng. Điều quan trọng là cha mẹ và giáo viên cùng cộng tác, học hỏi lẫn nhau để đứa trẻ lớn lên thành người lớn tử tế.