1. “Chưa viết được chữ nào ư? Mỗi ngày bố/mẹ nhắc con bao nhiêu lần?”
Những bạn nhỏ chán học đều có một điểm chung là không có quyền tự chủ trong học tập. Việc học của bản thân thường xuyên bị can thiệp bởi người lớn, dần dần ý thức tự giác cũng trở nên mai một. Trong trường hợp này, trẻ sẽ nghĩ việc học là của bố mẹ, là nhiệm vụ mà người lớn bắt buộc mình phải hoàn thành, nếu không có ai đôn đốc, giám sát thì mình không cần học.
Đặc biệt khi sự nhắc nhở ấy càng nhiều, giám sát thường xuyên hơn thì sự phản kháng của trẻ càng trở nên nghiêm trọng và trẻ cảm thấy việc học không phải cho bản thân mình mà là đang thỏa mãn bố mẹ.
2. “Sao cứ lặp đi lặp lại lỗi sai trong bài này thế?”
Một số trẻ em ghét học vì nó không mang lại cho chúng cảm giác tích cực, đặc biệt là khi ngồi học cùng phụ huynh. Nhiều cha mẹ khó kiềm chế cảm xúc khi con đang học bài, nói những lời nói khó nghe khi con làm sai, thậm chí là mắng mỏ khiến trẻ bị bao trùm bởi cảm xúc tiêu cực như lo lắng, bồn chồn và sợ hãi.
Đặc biệt là trẻ đang học tiểu học, sẽ phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, cảm thấy chán ghét khi bị mắng và lập tức phản kháng, bóng đen cảm xúc này rất dễ lan rộng trong toàn bộ quá trình học tập của con đến tân mãi sau này.
3. “Đừng thích những thứ vô bổ nữa, tập trung vào học tập nếu không muốn đánh mất tương lai”
Bất kì đứa trẻ nào cũng ôm ấp trong mình một sở thích cá nhân như: vẽ, chơi thể thao, chơi đàn,… Mặc dù học lực của những đứa trẻ này bình thường nhưng năng khiếu ở lĩnh vực chúng quan tâm lại bộc lộ rõ rệt, thậm chí còn giành được giải thưởng từ một số cuộc thi. Thế nhưng trong mắt nhiều phụ huynh, đây là những đứa trẻ ham chơi, thất bại trong học tập.
Thực tế cho thấy, sở thích của trẻ là niềm an ủi duy nhất đối với chúng sau những giờ học, cha mẹ muốn thấu hiểu và giáo dục con phải cố gắng hiểu được suy nghĩ, tâm tư mà con đang ấp ủ, hiểu được sở thích của con thay vì phủ nhận chúng một cách mù quáng.
4. “Tại sao không chịu nghiên cứu tài liệu”
Một số trẻ ghét học vì tâm lý thiếu tự tin, dẫn đến điểm kém, không được thầy cô kì vọng, các bạn ở lớp nhìn với ánh mắt kì lạ, về nhà cha mẹ lại mắng mỏ, đổ lỗi rằng bản thân con không chịu nghiên cứu tài liệu, không chăm chú nghe giảng. Sống trong môi trường như vậy một thời gian dài khiến con rơi vào vũng lầy tự phủ nhận bản thân và xuất hiện trạng thái “bất lực “ trong học tập điển hình.
5. “Việc của con chỉ là học cho tốt mà sao không làm được vậy?”
Có nhiều bậc phụ huynh không biết cách trò chuyện với con cái về chủ đề học tập, thường đưa ra những lời cảnh cáo, đe dọa con về việc tập trung học, đừng nghĩ đến những chuyện khác. Những lời nói này khiến con trẻ cảm thấy ái ngại khi tâm sự với cha mẹ về những khó khăn mình gặp phải vì trong mắt phụ huynh, mọi ưu phiền con cái trải qua đều không đáng kể so với việc học.
Bề ngoài, những vị phụ huynh này tỏ ra yêu thương, bảo vệ con cái, để con yên tâm học hành nhưng thực chất đó là biểu hiện của sự quan tâm về điểm số mà thôi. Trong kiểu giao tiếp này, trẻ khó cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và cảm thấy cô đơn, tổn thương tâm lý rất lớn.