Niềm hạnh phúc to lớn của cha mẹ chính là con mình luôn khỏe mạnh. Thế nên chỉ cần thấy trán con hơi âm ấm thì cha mẹ nào cũng sẽ lo lắng. Bình tĩnh nào! Các bác sĩ luôn khuyên rằng: hầu hết trẻ em đều phát triển hoàn toàn bình thường dù đôi lúc có hắt hơi, sổ mũi một chút. Bạn chỉ cần bình tĩnh và thực hiện theo 5 nguyên tắc mà Prudential gợi ý dưới đây để bảo vệ sức khỏe của con mình nhé!
1. Không tự ý cho con uống thuốc
Khi con bệnh hãy đưa con đến gặp bác sĩ và mua thuốc theo toa. Điều này giúp cho con được chữa đúng thuốc đúng bệnh, nhất là với những loại bệnh có biểu hiện khá giống nhau như ho, viêm họng, cảm sốt. Bạn không nên tự ý mua thuốc bên ngoài, ngay cả khi loại thuốc này có hiệu quả với trẻ khác có cùng triệu chứng; hoặc mua lại loại thuốc trẻ đã từng uống vì thấy con bệnh lần này khá giống với lần trước. Nếu uống sai thuốc, chẳng những không khỏi bệnh mà còn làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ.
2. Tăng cường hệ miễn dịch của trẻ
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Để đảm bảo trẻ phát triển một cách khỏe mạnh và có khả năng chống lại virus và vi khuẩn, bạn nên cho con hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch. Hãy chú ý đến thực đơn hàng ngày để con ăn uống đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho hoạt động thường nhật, phù hợp nhu cầu của từng độ tuổi. Ngoài ra, bạn cũng nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, chơi thể thao để tăng cường sức đề kháng. Đừng quên chú ý đến chất lượng giấc ngủ của con, trẻ cần ngủ đủ và ngủ ngon để giúp con luôn vui vẻ và minh mẫn.
3. Hãy kiên nhẫn chờ cơ thể con thích nghi và phục hồi
Cơ thể của trẻ con nhạy cảm hơn người lớn, nhất là khi tiếp xúc với những tác động ngoại cảnh. Con sẽ cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với sự thay đổi, việc cơ thể xuất hiện một vài triệu chứng bất ổn khi chuyển đến môi trường sống mới, lần đầu đi học, một số loại thức ăn mới, hoặc phản ứng sau khi tiêm ngừa... là hoàn toàn bình thường. Khi trẻ con lớn dần lên, cơ thể khỏe mạnh hơn và hệ miễn dịch hoạt động ”chuyên nghiệp” hơn thì một số vấn đề sức khỏe có thể tự biến mất. Ví dụ như các loại dị ứng nhẹ, chứng không dung nạp một số loại thực phẩm, hay chuyện đau bụng nhẹ. Do vậy, các bậc cha mẹ hãy bình tĩnh, tiếp tục theo dõi một số dấu hiệu lạ nho nhỏ của cơ thể con nhé!
4. Bảo vệ con bằng cách tiêm phòng vắc–xin đầy đủ
Gần đây, phong trào ”chống vắc-xin” đã gây hoang mang cho rất nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, bạn nên bình tĩnh xem xét vấn đề cẩn thận và tham vấn ý kiến bác sĩ hơn là tự quyết định. Sự thật là vắc–xin chính là một trong những thành tựu lớn nhất của nền y học thế kỷ XX. Vài thập kỷ trước, khi mà bệnh lao vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều quốc gia; bại liệt, uốn ván và bạch hầu đã giết chết rất nhiều trẻ em, thì chính vắc-xin đã bảo vệ rất nhiều người. Quan trọng hơn, cho đến thời điểm này, không có một bác sĩ nào khuyên bệnh nhân của mình ”chống vắc-xin” cả.
5. Ghi nhớ các triệu chứng để kịp thời chữa bệnh cho con
Ngay cả một đứa trẻ được chăm tốt nhất, ở trong môi trường sạch sẽ nhất thì cũng sẽ có lúc bị bệnh. Trẻ con bị bệnh là hết sức bình thường. Đó là cách hệ miễn dịch của trẻ học tập và thích nghi trong quá trình trưởng thành. Dù vậy, các bậc cha mẹ vẫn nên nắm rõ các triệu chứng cơ bản của một số bệnh phổ biến để kịp thời đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Bạn có thể tham khảo triệu chứng của vài bệnh trẻ thường gặp như sau:
-
Triệu chứng của viêm phổi là trẻ khó thở, thay đổi màu da, kém ăn, lo lắng, sốt (có thể xuất hiện rất muộn)
-
Triệu chứng của nhiễm trùng Rotavirus là trẻ sẽ chán ăn, mệt mỏi, lo lắng, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, sổ mũi, ho
-
Triệu chứng của viêm phế quản là trẻ sốt, khó thở, ho, yếu, chán ăn, nhức đầu, đổ mồ hôi, thay đổi màu da