Nhược thị là vấn đề về mắt khá phổ biến ở trẻ em, có thể ảnh hưởng đến thị lực ở 1 hoặc cả 2 mắt. Nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu nhược thị, cha mẹ có thể đưa con đi chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thị lực có thể cải thiện nếu nhược thị ở trẻ em được điều trị sớm
Nhược thị là tình trạng thị lực kém ở 1 bên hay cả 2 bên mắt. Điều này xảy ra khi não bộ không nhận được hình ảnh mà mắt chuyển đến, do đó tăng cường hoạt động với chỉ 1 bên mắt. Một số nguyên nhân gây ra nhược thị gồm: các tật khúc xạ, mắt lác, bệnh đục thủy tinh thể hoặc một số bệnh về mắt khác.
Ở trẻ em, một trong những lý do gây nên nhược thị là quá trình phát triển thị giác của hai mắt bị cản trở, khiến đường dẫn truyền thị giác không phát triển hoàn thiện. Tỷ lệ nhược thị gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi chiếm khoảng 3%.
6 lý do khiến trẻ biếng ăn cha mẹ cần biết
Nếu bệnh của trẻ được phát hiện quá muộn (nhất là sau 13 tuổi), việc điều trị sẽ không thể phục hồi thị lực của trẻ. Do đó, cha mẹ cần để ý phát hiện sớm những triệu chứng nhược thị ở trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nghiêng đầu, vẹo cổ khi xem tivi
Khi 1 bên mắt hoạt động tốt hơn, trẻ sẽ có xu hướng sử dụng bên đó thường xuyên. Nếu cha mẹ thấy trẻ phải nghiêng đầu khi xem tivi, đây có thể là dấu hiệu mắt trẻ bị lác, lệch có thể dẫn đến nhược thị.
Trẻ thường xuyên nheo mắt, dụi mắt hoặc phải che 1 bên mắt
Trẻ thường nheo 1 hoặc cả 2 mắt khi ra ánh mặt trời, khi nhìn xa có thể là dấu hiệu của bệnh nhược thị. Khi 1 mắt yếu hơn, trẻ thường phải dụi mắt hoặc dùng tay che lại để điều chỉnh thị lực.
Trẻ gặp khó khăn khi học Toán
Lác mắt là hiện tượng 2 mắt bị lệch trục, không cùng nhìn về một hướng. Ở thể nhẹ, lác mắt có thể gây ra song thị (hiện tượng nhìn đôi) hoặc điểm mờ trên sách vở.
Trong môn Toán, trẻ phải nhìn nhiều con số đặt theo các hàng ngang, hàng dọc theo quy tắc. Nhược thị cản trở thị lực của trẻ, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc đọc hiểu và giải quyết môn Toán.
Trẻ đọc sách chậm
Nhược thị ảnh hưởng đến việc học tập và khả năng tập trung của trẻ
Khi trẻ bước vào độ tuổi đến trường và bắt đầu học chữ, nhược thị khiến việc đọc sách trở nên mệt mỏi, khó khăn. Trẻ bị nhược thị khó theo dõi các hàng chữ, thường đọc lẫn giữa các dòng, đặc biệt với cỡ chữ nhỏ. Do đó, trẻ mất nhiều thời gian để tập trung vào việc đọc, có thể dẫn đến né tránh việc đọc sách.
Trẻ gặp khó khăn trong một số kỹ năng vận động
Nhược thị cũng cản trở khả năng phối hợp các cơ bắp nhỏ ở bàn tay và ngón tay – thể hiện qua việc ăn bằng thìa/đũa, vẽ, viết chữ. Nhược thị ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận đồ vật trong không gian, khiến trẻ khó viết chữ trên cùng dòng. Nếu thấy con có hiện tượng viết chữ không đúng dòng kẻ, cha mẹ có thể tìm hiểu nguyên nhân để điều trị kịp thời.
Ngoài ra, nhược thị khiến trẻ khó xác định được khoảng cách trong không gian, do đó gặp khó khăn khi chơi thể thao hoặc thường bị vấp ngã khi bước lên cầu thang.
Trẻ khó tập trung
Khi 1 mắt yếu hơn mắt còn lại, trẻ khó có thể tập trung thị lực trong khoảng thời gian dài. Nếu thấy trẻ giảm khả năng chú ý khi đọc sách hoặc tham gia những bài tập cần phải nhìn lâu, bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt.
Phương hướng điều trị
Cha mẹ nên cho trẻ khám mắt định kỳ để phát hiện các tật khúc xạ
Khi trẻ có dấu hiệu suy giảm thị lực, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân sớm. Khi đó, bác sỹ sẽ có chỉ định phù hợp với trẻ hoặc có biện pháp phẫu thuật (thủy tinh thể, sụp mi mắt) nếu cần thiết.
Hiện nay, biện pháp điều trị nhược thị cơ bản nhất là luyện tập thị giác bằng cách bịt mắt lành và sử dụng mắt nhược thị. Thời gian và cách thức luyện tập mắt phụ thuộc vào tuổi của trẻ, vì thế phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để có quá trình điều trị hiệu quả cho con.