Khi trẻ phạm lỗi, bạn thường phản ứng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu cách phạt con thông minh bằng việc trả lời 7 câu hỏi sau đây.
Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao trẻ càng ngày càng quấy phá và có hành vi chống đối lại bố mẹ? Bé luôn không nghe lời khiến bạn phiền lòng? Liệu những phương pháp phạt đòn khi con hư thật sự hữu hiệu? Hãy cùng Hello Bacsi tìm câu trả lời qua những câu hỏi sau nhé.
1 Trẻ ở độ tuổi nào thì phù hợp để phạt đòn?
A. 2
B. 4
C. Không phạt đòn con dù ở độ tuổi nào.
2 Cách tốt nhất để con nghe lời là gì?
A. Nói với trẻ những điều bố mẹ mong đợi con thực hiện
B. Không bao giờ phá luật đã đặt ra
C. Luôn nhấn mạnh hình phạt khi bé làm sai.
3. Nếu con bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), bạn nên làm gì?
A. Theo dõi hành vi của con bằng biểu đồ
B. Sử dụng hình phạt để bé biết xấu hổ trước mọi người và không tái phạm
C. Cả A và B.
4. Khi con xô đẩy anh/chị của mình để giành đồ chơi, sau khi tách các bé ra, bạn nên làm gì?
A. Đánh nhẹ vào tay trẻ
B. Quan tâm đến bé bị đẩy
C. Kết thúc cuộc cãi vã.
5. Nếu trẻ không ngoan, có nên cho con bỏ bữa và đi ngủ như bình thường?
A. Có
B. Không
6. Thời gian phạt nên kéo dài bao lâu?
A. 5 phút
B. Tăng thêm 3 phút cho mỗi độ tuổi
C. Số phút bằng số tuổi của con.
7. Làm gì khi con cư xử không đúng ở nơi công cộng?
A. La hét, bắt con dừng ngay lại
B. Phạt đòn ở những nơi kín đáo
C. Về nhà rồi mới xử phạt.
Đáp án
1 Trẻ ở độ tuổi nào thì phù hợp để phạt đòn?
Câu C: Không phạt đòn con dù ở độ tuổi nào là câu trả lời chính xác. Biện pháp phạt đòn có thể ngăn trẻ không làm những hành vi chưa đúng trong thời gian tạm thời nhưng lại không dạy bé cách cư xử chuẩn mực về sau. Ngoài ra, những đứa trẻ bị phạt đòn thường có xu hướng chán nản và gặp khó khăn để kiểm soát cảm xúc giận dữ trong tương lai.
Bạn vẫn có thể cho con thấy thái độ nghiêm khắc của bố mẹ trong việc dạy dỗ. Dành cho trẻ một khoảng thời gian để làm theo hướng dẫn. Nếu bé vẫn không nghe lời, hãy cất đồ chơi hoặc không cho con xem truyền hình. Đối với trẻ mới biết đi, vỗ tay thật to để trẻ chú ý. Sau đó nói rõ ràng: “con không được ném đồ” hoặc “con không được cắn lung tung”.
Ngoài ra, hãy ghi nhận những hành vi tốt của con hay lúc trẻ ngoan ngoãn và khen ngợi bé để trẻ cảm thấy được khích lệ nhiều hơn.
2. Cách tốt nhất để bé nghe lời là gì?
Câu A: Hãy nói ra những gì bạn mong đợi bé thực hiện. Tuân thủ kỷ luật đồng nghĩa với việc bố mẹ phải làm rõ về những điều bạn muốn từ con. Trẻ cần hiểu được hậu quả nếu bé không tuân theo các quy tắc. Khi thiết lập các luật lệ, hãy cân nhắc về độ tuổi của con và lựa chọn quy định phù hợp.
Nghiêm khắc với con cái trong việc nuôi dạy là điều bình thường, nhưng bạn nên cho trẻ thương lượng các quy tắc. Điều này giúp xây dựng kỹ năng xã hội cần thiết.
3. Nếu con bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), bạn nên làm gì?
Câu C: Áp dụng cả hai biện pháp là theo dõi và phạt. Khi mắc chứng tăng động giảm chú ý, trẻ cần phải biết chính xác những gì bố mẹ muốn con thực hiện và hình phạt khi bé không làm theo. Biểu đồ là phương pháp hữu ích, trực quan, chúng phân chia các hoạt động thành từng mục để bố mẹ có thể theo dõi hành vi của con hiệu quả.
Hầu hết trẻ lo lắng vì xấu hổ trước bạn bè. Còn một đứa trẻ bị ADHD lại có nhiều khả năng sẽ có thái độ thách thức hơn nếu bạn phạt bé khi có sự chứng kiến của người khác. Vì vậy, nếu con yêu mắc chứng ADHD, bạn nên phạt hoặc la rầy bé ở những không gian riêng tư.
4. Khi con xô đẩy anh/chị của mình để giành đồ chơi, sau khi tách các bé ra, bạn nên làm gì?
Câu B: Nếu bạn chọn phương án đánh nhẹ vào tay trẻ thì đây không phải là phương án đúng đắn trong tình huống này. Thật ra, bố mẹ nên chăm sóc trẻ bị đẩy nhiều hơn một chút. Đầu tiên, hãy tách các bé riêng ra và an ủi đứa trẻ bị tổn thương.
Ngừng cuộc cãi vã và cất tất cả đồ chơi để con không nghĩ rằng mình đã thắng. Ngoài ra, bố mẹ nên lặp lại với bé rằng không được đánh nhau vì sẽ làm hai bên đều bị đau. Từ đó, trẻ học được cách nghĩ cho cảm xúc của người khác.
Ngoài ra, hành vi cắn và cấu người thường xuyên có thể là dấu hiệu cho một vài vấn đề khác liên quan đến cảm xúc nhưng trẻ lại không muốn chia sẻ chẳng hạn như buồn bã, cáu giận hoặc bị ảnh hưởng từ các phim có cảnh bạo lực trên truyền hình. Khi con vẫn lặp lại những hành động đó thường xuyên, bố mẹ hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân và đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý nếu cần thiết.
5. Nếu trẻ không ngoan, có nên cho con bỏ bữa và đi ngủ như bình thường?
Câu B: Thật không công bằng với con khi bị tước đi những điều bé cần phải có mỗi ngày, chẳng hạn như bữa ăn. Thay vào đó, bố mẹ hãy ngăn cho trẻ làm những gì mình thích và liên quan đến lý do bé không ngoan. Ví dụ: Bạn có thể nói với con rằng trẻ không được xem truyền hình vào ngày mai vì hôm nay đã xem quá giờ quy định rồi.
Đối với trẻ dưới 6 tuổi, bé sẽ không nhận thức được hậu quả và hành vi của mình có liên quan đến nhau. Vì vậy, bố mẹ có thể áp dụng hình thức phạt ngay sau khi làm sai.
6. Thời gian phạt nên kéo dài bao lâu?
Câu C: Các chuyên gia cho rằng, thời gian phạt trẻ nên bằng đúng số tuổi của bé. Ví dụ, con 4 tuổi thì sẽ bị phạt ngồi yên 4 phút nếu không ngoan. Làm như vậy có thể giúp chuyển sự chú ý của bé đến nơi khác và giảm hành vi quá khích.
Chọn một nơi trống trải như một chiếc ghế, góc tường. Khi phạt trẻ, bạn hãy giải thích về lý do tại sao bé lại phải đứng ở đây, sau đó rời đi. Đừng nán lại quá lâu vì con có thể nhõng nhẽo khiến bạn mủi lòng.
7. Làm gì khi con cư xử không đúng ở nơi công cộng?
Câu C: Thật ra, bạn đừng nên đợi con hư rồi mới phạt mà nên nói chuyện với bé ngay từ lúc còn ở nhà về cách cư xử đúng đắng khi ra ngoài cũng như hình phạt kèm theo nếu trẻ không ngoan.
Nếu bạn la hét hoặc đánh trẻ ngay lúc bé hư thì chỉ làm phiền những người xung quanh và không giúp ích gì. Hãy dắt con ra một nơi khác và nói rằng trẻ sẽ không được bạn dẫn đi chơi nữa nếu vẫn giữ thái độ quậy phá hay hình phạt dành cho bé khi về nhà.