Có những thói quen của trẻ tưởng bình thường, song nếu duy trì lâu dài, nó có thể gây ra hậu quả khó lường.
Ở mỗi một giai đoạn phát triển, trẻ em sẽ có những thói quen khác nhau. Đây là những hành động giúp con tìm hiểu và khám phá thế giới. Tuy nhiên, có một số hành vi, vì không được cha mẹ can thiệp sửa chữa kịp thời, nên nó đã trở thành một thói quen gây tổn hại đối với sức khỏe của trẻ.
1. Mút ngón tay
Theo Tiến sĩ William C. Hayes, thành viên của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, mút tay là một hoạt động nhẹ nhàng giúp trẻ làm giảm sự lo lắng. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra lúc trẻ còn nhỏ. Còn khi con đã đi học mẫu giáo mà vẫn còn giữ thói quen này, thì cha mẹ nên giúp con từ bỏ nó ngay, vì việc mút tay sẽ làm cho răng mọc lệch do hàm phải chịu áp lực, đồng thời giọng nói cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cha mẹ hãy cố gắng hạn chế việc trẻ mút tay bằng cách nói rằng đây là một hành động chỉ nên xảy ra khi con nằm ở trên giường ngủ trưa hoặc ngủ vào buổi tối thôi. Bên cạnh đó, đừng thể hiện sự tức giận của bạn mỗi khi con mút tay. Thay vào đấy, hãy khen ngợi khi trẻ không làm việc này.
Trong trường hợp cha mẹ thấy con đang ngậm tay thì hãy hỏi con rằng: "Con có biết là mình đang ngậm ngón tay không?" để con nâng cao nhận thức về việc làm của mình, từ đó con sẽ dần dần thay đổi.
2. Nghiến răng
Nghiên cứu của Bác sĩ Kenneth H. Hirsch, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật răng hàm miệng nổi tiếng ở Levittown, New York (Mỹ) với 47 năm kinh nghiệm, cho biết hiện tượng nghiến răng ở trẻ em trong khi ngủ hoặc thức là được gọi là bruxism. Nó xảy ra chủ yếu khi trẻ bị căng thẳng.
Điều cha mẹ cần làm là nói chuyện để giải tỏa bớt những lo âu trong lòng của con. Bạn có thể giúp con kiểm soát việc nghiến răng trong khi ngủ bằng cách thư giãn trước giờ đi ngủ như đi tắm, nghe nhạc, hoặc đọc sách.
Trong một số trường hợp, cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ để được chữa trị nếu con bị stress nặng hoặc hai hàm răng của con bị lệch, hay con bị đau tai hay đau răng.
3. Cắn móng tay
Có rất nhiều lý do để trẻ cắn móng tay, chẳng hạn như con đang buồn chán, căng thẳng, tò mò hoặc đơn giản đó chỉ là một thói quen. Tuy nhiên, nếu được không sửa đổi sớm, thói quen này sẽ theo trẻ đến khi trưởng thành. Không những vậy, nó còn gây đe dọa sức khỏe của trẻ vì móng tay luôn chứa rất nhiều vi khuẩn, thậm chí là virus gây ra các loại bệnh.
Đầu tiên, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân cắn móng tay của con. Nếu con đang gặp căng thẳng, hãy giúp con vượt qua vấn đề này. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên giúp con nhận thức được việc mình đang cắn móng tay bằng một dấu hiệu đặc biệt được đánh dấu ở nơi dễ nhìn thấy nhất, chẳng hạn như vẽ hình trên móng tay, để khi con đưa lên miệng và nhìn thấy hình vẽ thì sẽ phải tự động bỏ tay xuống.
Đối với các bé gái, cha mẹ có thể cho con sơn và trang trí móng bằng những loại sơn móng tự nhiên dành cho trẻ em. Chắc chắn không có nàng công chúa nào muốn phá vỡ móng tay xinh đẹp của mình.
4. Ngoáy mũi
Đa số trẻ em đều thích ngoáy mũi, thậm chí là ăn luôn cả ráy mũi. Đây là một hành động rất mất vệ sinh, vì tay chính là phương tiện để truyền phế cầu khuẩn vào cơ thể gây ra các bệnh viêm tai giữa cấp tính, viêm xoang, viêm phổi và viêm màng não.
Do đó, cha mẹ cần rèn con bỏ ngay thói quen này gấp bằng cách đưa cho con khăn giấy mỗi khi thấy con ngoáy mũi. Sau đó, nói rõ cho con biết hành động này gây nguy hại cho sức khỏe như thế nào. Đồng thời, cha mẹ nên thu hút con vào một số hoạt động khiến tay con bận rộn và con sẽ quên tật ngoáy mũi của mình.
5. Nói dối
Theo các nhà tâm lý học, có rất nhiều lý do để trẻ em nói dối như che đậy điều gì đó, hay trẻ muốn làm cho câu chuyện trở nên thú vị hơn, thu hút sự chú ý, hoặc để đạt được mong muốn…
Thông thường trẻ bắt đầu nói dối khi được khoảng 3 tuổi, và việc này sẽ trở nên thường xuyên hơn ở trẻ từ 4 - 6 tuổi. Đồng thời, càng lớn thì những lời nói dối càng trở nên phức tạp hơn vì trẻ bắt đầu hiểu người khác nghĩ như thế nào.
Thế nên, cha mẹ cần phải luôn luôn khuyến khích con nói sự thật, và cho dù con có phạm tội tày đình đi chăng nữa thì bạn vẫn nên giữ bình tĩnh mà nói với con rằng: "Bố/mẹ rất vui vì con đã nói cho bố/mẹ biết về việc này", sau đó giúp con tìm cách giải quyết.
Cha mẹ tuyệt đối đừng la mắng hay trừng phạt con nặng sau khi con đã biết nhận sai, vì nếu làm như vậy chỉ khiến lần sau trẻ sẽ nghĩ ra trò nói dối tinh vi hơn để tránh bị mắng phạt. Song song với việc này, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng nói dối luôn là hành động xấu trong bất kỳ mối quan hệ nào.
6. Lau tay bẩn vào quần áo
Thói quen lau tay bẩn vào quần áo sau khi ăn xong hay chơi xong là việc làm phổ biến của hầu hết trẻ em. Vậy nên, một số bà mẹ đã chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ để ngăn chặn việc làm này của trẻ. Đó là luôn cung cấp cho con một chiếc khăn/ giấy ăn và nhắc nhở con lau miệng cũng như lau tay vào khăn/giấy.
Bên cạnh đó, cha mẹ đừng tức giận vì nói mãi mà con không sửa. Sẽ chẳng có đứa trẻ nào hiểu được bài học khi bạn dạy con bằng những tiếng la hét.
7. Xem tivi, điện thoại nhiều
Chúng ta đều biết rằng xem tivi điện thoại quá nhiều không những gây tổn hại cho mắt mà còn làm cho não của trẻ kém phát triển, thiếu tập trung, dễ mắc phải hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Do đó, cha mẹ cần phải làm gương cho con bằng cách đọc một quyển sách thay vì cầm điện thoại chơi. Tiếp nữa, bạn hãy bày các trò chơi mà cả nhà có thể cùng chơi với nhau như vẽ tranh, tô màu, nặn đất sét, hay đơn giản là cùng nhau trò chuyện.
Nói như vậy, cũng không có nghĩa là bạn hoàn toàn cấm con không được xem TV điện thoại. Tuy nhiên, bạn nên giới hạn thời gian cho con xem, ví dụ như 15 – 30 phút/lần/ ngày.