Nhiều cha mẹ đặt ra câu hỏi: Có quy tắc nào nên tuân thủ, trong quá trình trưởng thành của đứa trẻ không? Câu trả lời là có.
Viện nghiên cứu Phát triển trẻ em Gesell tại Đại học Yale, Mỹ đã theo dõi sự tăng trưởng của hàng nghìn trẻ em trong hơn 40 năm và nhận thấy rằng sự phát triển tâm lý và hành vi của trẻ mang tính quy luật, mỗi năm đều có trọng tâm tăng trưởng riêng. Đặc biệt, giai đoạn từ 1 tới 8 tuổi là "8 dấu mốc vàng" mà bố mẹ không nên bỏ qua.
Ảnh minh họa:
Shutterstock
Giai đoạn 1 tuổi: Phát triển cảm giác an toàn của trẻ
Các nhà tâm lý học phát triển chỉ ra rằng việc hình thành cảm giác an toàn của trẻ chủ yếu là giai đoạn trước 1 tuổi. Trẻ giai đoạn này rất cần có người lớn ở bên, quan tâm đến hành động của chúng, trò chuyện và khiến chúng cười vui vẻ.
Điều cha mẹ nên làm nhất trong giai đoạn này là tránh tối đa việc mặc kệ trẻ quấy khóc, để trẻ ngủ một mình quá sớm, ít trò chuyện với trẻ, phó mặc trẻ ở với người già, người thân thay vì sống cùng bố mẹ...
Giai đoạn 2 tuổi: Phát triển khiếu hài hước của trẻ
Trẻ em 2 tuổi cười rất hồn nhiên, thường toét miệng cười khi thấy điều gì đó thú vị. Chúng thậm chí tự bày trò nghịch ngợm và bật cười với những điều hài hước mà bản thân phát hiện thấy. Trên thực tế, trẻ em tuổi này đặc biệt nhạy cảm với các biểu hiện trên khuôn mặt. Do đó, khi cha mẹ vui cười với con cái và làm những hành động "hề" trước mặt chúng, cảm xúc tích cực trong trẻ sẽ thực sự được nuôi dưỡng.
Nếu lúc này khiếu hài hước không được trau dồi, trẻ lớn lên sẽ trở thành người khô cứng, không biết đùa, không biết tự tìm tiếng cười trong đời sống.
Giai đoạn 3 tuổi: Phát triển khiếu sáng tạo của trẻ
Trẻ em khoảng 3 tuổi giải quyết vấn đề bằng cách tư duy bằng hình ảnh, đây là mầm mống của tư duy logic trừu tượng. Một số hành động của trẻ thậm chí khiến tra mẹ ngạc nhiên: trẻ trèo ra khỏi cũi bằng cách đặt các gối chồng lên nhau, trẻ vẽ những hình lạ lùng, đầy màu sắc...
Để khuyến khích trẻ, cha mẹ có thể mua các khối màu đa sắc, bút màu, lego đơn giản cho trẻ sắp đặt, thể hiện trí tưởng tượng và sự sáng tạo của mình.
Giai đoạn 4 tuổi: Phát triển khiếu diễn đạt của trẻ
Khi trẻ được khoảng 4 tuổi, biểu hiện bằng lời nói trở nên phong phú hơn. Chúng có thể líu lo cả ngày, bao gồm ca hát và thậm chí la hét, chúng thích hỏi, trò chuyện với đồ chơi, nói một mình... Cha mẹ nên tăng cường tương tác bằng lời nói một cách thích hợp để khuyến khích trẻ thể hiện bản thân bằng lời nói. Đồng thời, cha mẹ nên chú ý đến tốc độ phát âm của trẻ, nhằm kịp thời sửa hiện tượng nói lắp.
Giai đoạn 5 tuổi: Phát triển kỹ năng viết của trẻ
Ở góc độ khả năng viết, trẻ 3 tuổi chủ yếu vẽ bậy, trẻ 4 tuổi thường sáng tạo bằng các đường kẻ, trong khi trẻ 5 tuổi bước vào giai đoạn nhạy cảm của ngôn ngữ viết, thậm chí có thể cố gắng bắt chước viết tên của chính mình, viết các chữ cái dạng ngược... Nếu bạn muốn con mình luyện viết chữ đẹp, có thể bắt đầu từ khi con 5 tuổi. Cha mẹ có thể luyện cho con từ những chữ cái đơn giản đến phức tạp. Bạn cần dạy trẻ tư thế ngồi học đúng, sao cho "một thẳng, một chính, hai bằng", tức là thân người thẳng, đầu thẳng, vai bằng và chân bằng.
Giai đoạn 6 tuổi: Phát triển nhân cách
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy 6 tuổi là giai đoạn then chốt trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại có xu hướng nuông chiều những thói hư tật xấu của con cái và cho rằng "cha mẹ sinh con trời sinh tính", đây hoàn toàn là sai lầm.
Trẻ em ở giai đoạn này bước vào chế độ tư duy "lấy bản thân làm trung tâm", với hy vọng thiết lập bản thể độc lập của riêng mình. Do đó, cha mẹ cần hướng dẫn con suy nghĩ độc lập, tích cực, tuy nhiên nên bồi đắp cho con nhân cách sống tích cực.
Giai đoạn 7 tuổi: Phát triển sự đồng cảm
Trẻ 7 tuổi có đặc điểm tư duy là biết suy nghĩ, sống nội tâm hơn, nhạy cảm hơn và nhanh chóng trưởng thành về mặt suy nghĩ, hình thức tư duy đã ở giai đoạn "vận hành thử". Trẻ dần biết sống hài hòa với người khác, bắt đầu biết nghĩ đến người khác và mong muốn nhận được sự đón nhận, tán đồng của bạn bè, thầy cô... Do đó, ở giai đoạn này, cha mẹ nên tương tác tốt với con, đưa ra những phản hồi, hướng dẫn con cách nhìn mọi việc một cách tích cực, học cách đồng cảm, chia sẻ hơn với mọi người.
Giai đoạn 8 tuổi: Phát triển sự độc lập
Đứa trẻ 8 tuổi sẵn sàng giúp đỡ người khác, quan tâm đến đánh giá của người khác và cố gắng tìm vị trí của mình trong gia đình và xã hội (lớp học, môi trường cộng đồng).
Ở giai đoạn này, trẻ dần có ý thức trách nhiệm về hành động của mình và có quan niệm rõ ràng hơn về điều tốt, điều xấu. Cha mẹ nên có ý thức trau dồi khả năng tự lập của con như dạy con xách cặp đi học một mình, tự đi học... và khuyến khích con chủ động xây dựng các mối quan hệ bạn bè. Những điều này giúp con dần hình thành ý thức độc lập trong cuộc sống.