ể trở thành một người bạn của các bé, ngoài việc dành thời gian chăm sóc, tâm sự, lắng nghe con, ba mẹ nên dành thời gian để cùng bé tham gia các hoạt động bổ ích. Nấu ăn cho cả nhà là một gợi ý thú vị không chỉ giúp ba mẹ làm bạn với bé mà còn mang lại những lợi ích không ngờ.
Cuộc sống hiện đại khiến ba mẹ luôn bận rộn, thậm chí không còn thời gian để vui chơi hay tham gia các hoạt động khác cùng con trẻ. Thay vì việc mẹ sẽ tất bật đi chợ và nấu ăn cho cả nhà, các bé chỉ việc thưởng thức thì ba mẹ hãy thử để các bé cùng vào bếp nấu nướng nhé! Ba mẹ sẽ bất ngờ trước những lợi ích không ngờ mà cả bé và ba mẹ sẽ nhận được từ hoạt động thú vị và vui vẻ này đấy!
1 - Kết nối các thành viên trong gia đình
Giá trị đầu tiên của việc ba mẹ cho các con tham gia nấu nướng chính là kết nối các thành viên trong gia đình. Trẻ sẽ cảm thấy mình là thành viên thực sự của gia đình, cảm thấy có trách nhiệm, được tin tưởng. Trẻ cũng sẽ cảm thấy mình thật là "siêu" khi có thể tham gia nấu 1 mâm cơm thật ngon cho cả nhà đấy, ba mẹ ạ!
Được ba mẹ tin tưởng, trẻ sẽ biết cư xử có trách nhiệm hơn và ba mẹ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi có các con phụ mình vào bếp. Việc nấu ăn cũng giúp trẻ thư giãn và biết chia sẻ với ba mẹ những công việc sau này. Như vậy, ba mẹ sẽ không còn phải lo bé yêu của mình sau này vụng về hay không biết làm việc nhà nữa nhé!
2 - Khích lệ và nuôi dưỡng lòng tự trọng ở trẻ
Khi tự mình hoàn thành một món ăn, trẻ sẽ cảm thấy rất tự hào. Đặc biệt, khi người khác thích món ăn do trẻ tự tay làm, trẻ sẽ cảm thấy mình đạt được một thành tựu và càng hào hứng với việc giúp ba mẹ vào bếp hơn. Điều đó nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ và khích lệ các con "không việc gì là không thể làm được, chỉ cần con cố gắng và yêu thích nó".
3 - Giúp trẻ sẵn lòng thử các món mới trong thực đơn
Nếu ba mẹ đang đau đầu không biết phải làm cách nào để con mình chịu ăn một món mới, dù món đó rất bổ dưỡng nhưng trẻ vẫn không chịu ăn, thì đây chính là phương án số một dành cho ba mẹ đấy! Khi trẻ tham gia vào việc chế biến một món ăn, trẻ sẽ thích thú khi được mẹ giới thiệu các nguyên liệu bổ dưỡng như thế nào, nấu món ăn này phải qua những công đoạn gì, kết quả cuối cùng tuyệt vời ra sao,...Trẻ sẽ vô cùng thích thú và hào hứng để thưởng thức bất kì món ăn mới nào "có công sức" của mình trong đó đấy!
4 - Giúp trẻ học Toán
Ồ, nghe thì có vẻ "không tưởng", nấu ăn thì liên quan gì đến học toán???? Tuy nhiên, ba mẹ cần biết nấu ăn cũng cần có tỉ lệ chuẩn thì mới chuẩn vị và thơm ngon được nha! Nấu ăn là cơ hội rất tốt giúp trẻ làm toán. Ví dụ để nấu món này cho cả nhà, chúng ta cần 1 quả bí nhỏ, 2 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm, 300g sườn,...hoặc trẻ cũng sẽ học được các tỉ lệ: 1/2 thìa muối cho món này, 1/3 bát nước cho món kia...Vậy là bé đã học được kha khá toán khi cùng ba mẹ nấu nướng rồi đấy!
5 - Giúp trẻ hiểu: muốn có kết quả, phải tuân thủ quy trình
Nấu ăn không phải là việc có thể đảo lộn các bước. Trước khi nấu ăn, mẹ hãy hướng dẫn cho bé món ăn này cần chế biến qua những bước nào nhé! Giúp mẹ thao tác từng bước, trẻ sẽ rất thích thú với thành quả cuối cùng mình đạt được. Trẻ cũng sẽ hiểu để tạo ra một món ăn ngon và hấp dẫn như vậy sẽ cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Sau này, khi làm toán hay bất cứ việc gì, trẻ cũng sẽ không nản lòng hay nôn nóng khi phải tuân thủ từng bước trong quy trình.
6 - Giúp trẻ học ...vật lí và hóa học
Nếu theo chương trình ở trường, phải đến bậc học Trung học cơ sở trẻ mới được học về Vật lí và Hóa học, thì khi tham gia nấu ăn cùng ba mẹ, trẻ sẽ học được các bài học Vật lí và Hóa học đầu tiên ở cấp độ vỡ lòng: tại sao cái này kết hợp với cái kia lại trở thành một cái khác: bột, nước, trứng, sữa kết hợp với nhau trở thành một hỗn hợp sền sệt nhưng khi cho vào lò lại trở thành món bánh tuyệt vời. Nước sôi ở nhiệt độ 100 độ C sẽ bắt đầu bốc hơi hay luộc trứng xong thả vào bát nước lạnh sẽ khiến ruột trứng co lại và dễ bóc hơn...
Qua việc tham gia nấu ăn cùng ba mẹ, trẻ sẽ học được rất nhiều bài học về Vật lí và Hóa học thực tế. Trẻ sẽ vô cùng thích thú và hào hứng khi hiểu thêm về các hiện tượng xung quanh mình đấy, ba mẹ ạ!
7 - Giúp trẻ tìm hiểu về thực phẩm và dinh dưỡng
Học làm bếp, trẻ sẽ có cơ hội hiểu thêm về các loại thực phẩm: trái cà có màu tím và màu trắng, trái ớt nhỏ sẽ cay dùng để làm gia vị, trái ớt Đà Lạt to hơn không cay sẽ dùng để xào, trái cây màu vàng có nhiều vitamin A sẽ rất tốt cho mắt,.... hay rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám có ích cho sức khỏe như thế nào, đường tinh luyện làm hại hàm răng của bé ra sao…Trẻ sẽ học được rất nhiều khi vào bếp cùng ba mẹ đấy!
8 - Giúp trẻ tìm hiểu về văn hóa ẩm thực
Ba mẹ biết không, trẻ sẽ vô cùng thích thú khi biết về nguồn gốc và văn hóa của các món ăn đấy. Ví dụ: món bánh chưng là món ăn truyền thống ngày Tết của người Việt Nam, món pizza xuất xứ từ nước Ý nên còn được gọi là mỳ Ý, kim chi là món ăn truyền thống của Hàn Quốc, hay món sushi mà con đang cuộn đến từ Nhật Bản - xứ sở hoa anh đào...Trẻ sẽ rất hứng thú khi "biết" nhiều như thế và sẽ thấy tự hào và hứng thú để giới thiệu cho các bạn nghe đấy!
9 - Rèn luyện cho trẻ kĩ năng sống
Việc học nấu nướng mang đến cho trẻ những kỹ năng cơ bản vô cùng quan trọng. Trẻ sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc biết nấu ăn. Đó là kĩ năng sống còn. "Sẽ ra sao khi con lớn lên và không thể tự nấu một món ăn nào đó. Con sẽ bị đói hoặc sẽ phải ăn thức ăn sẵn cả đời đấy, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe đâu!".
Dạy trẻ nấu ăn chưa bao giờ là việc đơn giản. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu ba mẹ có ý thức cho con vào bếp từ sớm. Việc gì bắt đầu từ sớm cũng thường làm cho trẻ yêu thích hơn bởi trẻ con rất ham học hỏi và thích khám phá cái mới.
Với những lợi ích trên đây của việc cho trẻ vào bếp cùng ba mẹ mà TutiCare chia sẻ trên đây, hi vọng ba mẹ sẽ có những phút giây vui vẻ và thú vị bên các con để tạo ra những món ăn thật hấp dẫn. Vào bếp cùng trẻ không chỉ giúp ba mẹ gần gũi và trở thành người bạn thân thiết của con mà còn giúp trẻ học được rất nhiều điều thú vị và cần thiết trong cuộc sống đấy, ba mẹ ạ!